CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH C
CHÚA THĂNG THIÊN

            Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem lòng đầy hoan hỉ. (Lc 24,51-52)

        Suy niệm: Các tông đồ ngây ngất chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa Ki-tô và say sưa với hạnh phúc ngọt ngào khi được hưởng kiến Chúa thăng thiên đến độ các ông quên mất sứ mạng Chúa trao vẫn còn đó. Chúa sai thiên sứ đến “đánh thức” các ông và nhắc lại lệnh truyền cho các ông xuống núi và ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh. “Đi đến vùng ngoại biên” là kiểu nói mà ĐTC Phan-xi-cô dùng để nhắc lại lệnh truyền của Đức Ki-tô cho mọi thành phần Dân Chúa phải ra khỏi chính mình để đến với thế giới: “phải nhân danh Chúa rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem… Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”
          “Hãy ra đi bình an” là lời cầu chúc của Giáo hội gởi đến mỗi người tín hữu. Nhờ vậy, chúng ta biết bước ra khỏi chính mình để đến với anh em mà đem Tin Mừng Phục sinh cho họ. Mong sao mỗi người tín hữu đều biết đáp lại lời mời gọi này.

        PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

02.6 CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH. CHÚA THĂNG THIÊN. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Lc 24,46-53
03.6 Thứ Hai. Thánh Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn tử đạo. Các Thánh tử đạo tại U-gan-đa. Lễ nhớ. Ga 16,29-33
04.6 Thứ Ba; Ga 17,1-11a
05.6 Thứ Tư. Thánh Bô-ni-fa-ci-ô, Giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.  Ga 17,11b-19
06.6 Thứ Năm đầu tháng. Ga 17,20-26
07.6 Thứ Sáu đầu tháng. Ga 21,15-19
08.6 Thứ Bảy đầu tháng; Ga 21,20-25
Chiều: LỄ VỌNG CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. Ga 7,37-39
09.6 CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Ga 20,19-23

        THÔNG BÁO Số 32TB/GXCT/2019

    1. Thứ Bảy 08/6 lúc 05g00 Thánh lễ Tạ ơn kỷ niệm 1 năm thụ phong của linh mục Phụ tá Giuse; lúc 17g15 Thánh lễ Vọng Chúa Thánh Thần hiện xuống và ban Bí Tích Thêm Sức cho 60 em thiếu nhi tại Núi Đá Đức Mẹ Lộ Đức do Đức Giám Mục Giáo Phận chủ trì.
    2. Tháng 7/2019 Ban ơn Gọi Giáo phận tổ chức một kỳ thi tuyển sinh “Chủng sinh” vào Tiền chủng Viện của Giáo Phận.(Xem Chi tiết tại Bảng Thông Báo.)

        HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

222. Có thể cho người không phải là Công giáo rước lễ được không?

    – Rước lễ là diễn tả sự hợp nhất của Thân mình Chúa Kitô. Để thuộc về Hội thánh Công giáo, người ta phải được Rửa tội trong Hội thánh Công giáo, chia sẻ đức tin, sống hợp nhất với Hội Thánh. Cho nên thật là mâu thuẫn nếu Hội thánh Công giáo mời người chưa chia sẻ đức tin và đời sống với Hội Thánh rước lễ. Điều này làm cho dấu hiệu của Bí tích Thánh Thể không còn đáng tin cậy nữa. [1398 – 1401]

    – Các tín hữu Chính thống có thể tự cá nhân xin rước lễ trong thánh lễ Công giáo, vì người theo Chính thống cũng tin vào bí tích Thánh Thể như Hội thánh Công giáo, dù cộng đoàn họ chưa sống hoàn toàn hiệp nhất với Công giáo. Còn với các thành viên các niềm tin Kitô giáo khác, chỉ có thể cho rước lễ trong trường hợp khẩn cấp nặng và nếu họ có đức tin đầy đủ vào sự hiện diện của Thánh Thể. Mục tiêu và ước mong của phong trào đại kết là đạt tới việc cử hành Thánh Thể chung cho cả Kitô hữu Công giáo với Tin Lành; tuy nhiên, thật là sai lầm, và tới nay chưa được phép tổ chức các cuộc cử hành Bữa Tiệc Ly chung, bao lâu việc Thân mình Chúa Kitô hiện diện chưa làm cho tất cả có cùng một niềm tin và họp thành một Hội thánh duy nhất. Các cuộc hội họp đại kết khác, trong đó các Kitô hữu có niềm tin khác nhau cùng cầu nguyện với nhau, đó là một việc tốt, được Hội thánh Công giáo ước mong.
    “Các Kitô hữu Tin lành có thể được rước lễ “nếu gặp nguy hiểm có thể chết”, nếu không có thừa tác viên của cộng đồng họ có thể cho rước lễ… nếu họ thật tình xin. Tuy nhiên họ phải bày tỏ họ có niềm tin Công giáo đối với bí tích này và phải có những tâm tình thích hợp.” – Giáo luật 844 §4.

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước  223. Việc rước lễ cho ta được sự sống đời đời như thế nào?

        TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

    Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải ; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. (Rm 8, 26)

Tháng Năm đã trôi qua.
Những giờ kinh nguyện chúc mừng, cám ơn, tôn vinh Đức Mẹ Mùa Kinh Mân Côi Tháng Hoa khép lại.
Trong chiều hướng suy tư lòng đạo đức bình dân (tôn sùng Đức Ma-ri-a), xin chia sẻ đôi điều:
– Trong những hình thức cầu nguyện với Đức Mẹ có các Kinh cầu , “chủ yếu được cấu thành bằng một loạt lời kêu cầu dâng lên Đức Mẹ, kế tiếp nhau theo một nhịp điệu đồng nhất, tạo ra như thể một bầu không khí cầu nguyện với hai nhịp ca tụng và nài xin.” Vì thế đã có việc “địa phương hóa’’ lời cầu nguyện với Đức Mẹ và đôi khi các kinh nguyện ấy vô tình lại làm mất đi sự sùng mộ tôn kính đáng có cho Đức Mẹ.
– Chúng ta nghe và nói nhiều về việc Tân Phúc Âm Hóa, mà một khía cạnh cần Tân là lòng đạo đức bình dân.
         Từ hai điều suy tư đó, để tâm tìm hiểu, tôi không tìm thấy văn bản chính thức nào của Giáo hội về Kinh Cảm tạ Đức Chúa Giêsu và Kinh Cảm tạ Đức Bà.
         Việc xuất hiện của các kinh này chỉ mang tính địa phương.
        Kinh Cảm tạ Đức Bà là những lời ca tụng cầu xin với ngôn ngữ đơn sơ chân chất đến độ ngô nghê, thêm thắt theo cảm tính chủ quan. Khi nghe, đọc có thể bị lầm lạc với việc tôn thờ Đức Mẹ thay vì tôn thờ Thiên Chúa, trái nghịch đức tin Công giáo. Giáo xứ chúng ta đặc biệt bắt buộc đọc trong Tháng Kính Đức Mẹ và Tháng Mân Côi.
         Vì linh hồn Mẹ sáng biết thông minh, nói chẳng hề xiết./ Mẹ là Mẹ Thánh biết lẽ học thông. Tinh hơn khỏi thế, Chúa Trời cho Mẹ học ít hay nhiều./ Rày con giữ cầm một tấm lòng đơn, gởi mình cậy Mẹ. Từ nầy về sau con dốc một lòng thờ Mẹ Chúa Trời, vì chưng Mẹ cả Thiên Thần người thế./…
         ‘Các kinh đọc thể hiện lòng đạo bình dân là cơ sở thần học của công cuộc Tân Phúc Âm hóa. Việc hiểu ý nghĩa các kinh đọc và gieo vào đó tâm tình cầu nguyện, giúp cho mỗi người Kitô chúng ta thể hiện bốn chiều kích nguồn mạch của đời sống Kitô hữu: tin, cử hành, cầu nguyện và sống được vững vàng.’( Văn kiện kinh nguyện và lòng đạo đức bình dân)
         Với những thay đổi xã hội, môi trường sống hiện nay… một số kinh, lời kinh không còn phù hợp. Vì thế, sách ‘Kinh nguyện Ngày Thường và Chúa Nhật của Giáo Xứ’ đang dùng cần phải hiệu đính, sửa đổi; không sử dụng các kinh nguyện không còn phù hợp.

(Kinh Tin: Lạy Chúa, con tin thật thay cho Lạy Chúa con, con tin thật/ Kinh Cậy: Lạy Chúa, con trông cậy thay cho Lạy Chúa con, con trông cậy ; và nhiều kinh khác.)

         Nhân đây, cũng xin Quý Chức Việc Họ thận trọng trong việc săn lùng các Kinh Mân Côi ‘cổ’ để dùng mà không để ý câu chữ, lời kinh. Nay làm gì còn chiến tranh hai miền Nam Bắc mà đưa vào lời cầu nguyện!
        Cùng nhịp suy tư, cũng xin chia sẻ thêm về việc đọc kinh chung trong nhà thờ.
–        Mặc dù đã có chỉ dẫn cụ thể, ngày nào đọc cái gì, nhưng nhiều khi các xướng kinh viên xướng kinh theo cảm tính chủ quan.
–        Không phải đọc kinh nhiều là sốt sắng đạo đức. Đừng cố đọc kinh cho nhiều, cho đến giờ lễ. Lắm khi linh mục phải chờ để rung chuông, thậm chí phải rung chuông để ngừng đọc kinh để có thể bắt đầu thánh lễ.
 –       Đã đành là giờ kinh phải có người tham dự, nhưng đến giờ thì cứ bắt đầu. Và ngừng trước Thánh lễ 3-5 phút. Không thiếu những giáo dân vội vả đến sớm vài phút chỉ mong được trò chuyện riêng với Chúa trong thinh lặng ngoại vi lẫn nội tâm.
–        Xin Linh mục Quản xứ, Hội đồng Mục Vụ, Ban Phụng Vụ; nghiên cứu xem xét giờ kinh Ngày Chúa Nhật. Chỉ đọc hết kinh Tám Mối Phước Thật là kết thúc. Không cần đọc thêm kinh Cảm Tạ Đức Chúa Giêsu.
         Về tín lý, giáo lý thì Kinh Nghĩa Đức Tin đã nói đủ. Về việc dốc lòng mến Chúa yêu người thì các kinh còn lại nói thay. (Lòng con muốn những khoan dung rộng rãi, thương xót người ta bằng mình con vậy…/ Thứ Năm: Ai thương xót người ấy là phước thật vì chưng mình sẽ được thương xót vậy. Hoặc ‘… rày con chừa tội lỗi con, chừa hạnh dữ con, chừa hết mọi sự gian tà…/ Thứ Tư: Ai khao khát nhân đức trọn lành ấy là phước thật…)
        Thời gian vài phút thinh lặng trước Thánh lễ là rất hữu ích cho người tham dự.
        Đây chỉ là suy nghĩ cá nhân muốn chia sẻ. Mong sao giáo dân sẽ được hưởng nhờ những lợi ích do việc Tân Phúc Âm Hóa bằng những việc làm mục vụ giáo dân cụ thể hơn, hữu ích hơn.

(luc.)