CHÚA NHẬT PHỤC SINH – C

          “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ…Ông đã thấy và đã tin… Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.” (Ga 20,2.8-9)

 Suy niệm: Trước sự kiện Thầy Giê-su sống lại, các môn đệ Chúa rơi vào tâm trạng mừng lo lẫn lộn. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la lo vì “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Gio-an mừng khi thấy “khăn che đầu không để lẫn với các băng vải, nhưng cuộn lại xếp riêng ra một nơi” vì ông đã tin rằng “theo Kinh thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.” Nỗi lo lắng đan xen niềm vui ấy không chỉ là cảm giác “sau cơn mưa trời lại sáng”, hay tâm trạng của người “hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai”; nhưng từ những tâm tình tự nhiên ấy, người môn đệ Chúa phải ngộ ra chân lý này là phải qua đau khổ thập giá để đến vinh quang phục sinh. Sự sám hối, hy sinh, khổ chế của Mùa Chay là để có thể cảm nếm được niềm vui của ngày Con Chúa phục sinh.

          Khi gặp chuyện không may trong cuộc sống, bạn lo âu, sợ hãi vì  không đủ khả năng giải quyết, cũng chẳng có thể làm chủ mọi việc. Việc lo lắng này khiến bạn hoặc chạy đến với Chúa xin ơn trợ lực; hoặc bỏ Chúa để tìm phương thế trần gian. Những lúc ấy, bạn hãy xác tín rằng niềm vui đích thực không đến do loài người, nhưng phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng cao cả quyền năng vừa là Cha nhân lành.

          PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

21.4 CHÚA NHẬT PHỤC SINH. MỪNG CHÚA SỐNG LẠI. Lễ trọng với tuần bát nhật. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Ga 20,1-9/ Lc 24,13-35.

22.4 THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Mt 28,8-15

23.4 THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Ga 20,11-18

24.4 THỨ TƯ TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Lc 24,13-35

25.4 THỨ NĂM TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Lc 24,35-48

26.4 THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Ga 21,1-14

27.4 THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Mc 16,9-15

28.4 CHÚA NHẬT II PHỤC SINH. CUỐI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA. Ga 20,19-31

THÔNG BÁO Số 26TB/GXCT/2019

1. Thứ Bảy 27/4 lúc 17g15 Khai mạc Tháng Hoa tại Núi Đá Đức Mẹ Lộ Đức. Giới Trẻ Giáo xứ và Giới Trẻ Phan Sinh đồng phụ trách. Ca đoàn Mẹ Lên Trời phụ trách hát lễ.

2. Chúa Nhật II Phục sinh (28/4), Kính Lòng Thương Xót Chúa. Buổi Sáng: Thánh Lễ lúc 05g15, 08g00 và 10g00 (Tiếng Anh); Buổi Chiều, Thánh Lễ lúc 15g00 do Cha Tổng Đại Diện chủ sự.

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

216. Chúa Giêsu hiện diện cách nào khi Thánh lễ được cử hành?

– Chúa Giêsu hiện diện cách mầu nhiệm và thực sự trong Thánh lễ. Mỗi khi Hội thánh ngày nay vâng lệnh Chúa: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, mà bẻ bánh, và dâng chén, thì Hội thánh cũng làm một việc như xưa Chúa làm: Chúa Kitô dâng mình làm lễ tế cho chúng ta; chúng ta thực sự được chia sẻ với Người lễ hi sinh Chúa Kitô dâng chỉ một lần trên thập giá, nay được dâng lại trên bàn thờ, Người thực hiện việc cứu độ chúng ta. [1362 – 1367]

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước 217. Khi Thánh lễ được cử hành, điều gì xảy ra cho Hội Thánh?

   TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay  trước mặt đám đông mà nói “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy !” (Mt 26,24)

1. Thưa quan Philato, Ông là ai?

Philato: Bạn biết đấy, tôi thuộc vào hàng công chức cao cấp của Hoàng đế  Roma, là bậc trung thần của hoàng đế, chỉ biết tôn thờ theo Hoàng đế…Tôi có bổn phận trách nhiệm làm việc hành chính, chính trị mà Hoàng đế Tiberius của đế quốc Roma trao cho tôi. Tôi phải thi hành chu toàn, và phải tìm cách bảo vệ địa vị chỗ đứng của tôi chứ.

Tôi phải đóng vai quan tòa kết án tử hình Ngài Giêsu: cho đóng đinh vào thập giá. Một việc thật đau buồn tủi nhục.

2. Thưa quan, tại sao Ông lại đã hành xử như thế ?

Philato: Bạn biết đấy trong đời có những lúc con người chúng ta sống trôi theo đòi hỏi của đám đông, theo thị hiếu, theo sự sợ hãi, theo quyền lợi riêng mình, cùng cả khi sự việc chẳng có liên quan trực tiếp gì với mình…Bạn có thể cho là tôi hèn nhát, là một người không có lương tâm, thiếu đạo đức, là một người không có lập trường rõ ràng đứt khoát, một người chỉ biết đến quyền lợi riêng mình…

3. Thưa quan, theo Phúc âm thuật lại, Ông rất do dự. Vâng, Ông rất bối rối, vì không biết phải xử Chúa Giêsu của chúng tôi thế nào. Vậy có ai nói gì cho ông, một là phải kết án thế này, hay là nên tha bổng, hoặc là đừng có dây dưa dính dáng gì đến cho xong chuyện….?

Philato: Đám đông dân chúng và các Thầy cả trong đạo lúc đó luôn tìm cách la ó to tiếng gây áp lực tố cáo Ngài Giêsu. Họ đòi buộc tôi phải kết án tử hình Ngài Giêsu như họ mong muốn. Còn can ngăn tôi tha bổng thì chính lương tâm tôi muốn tha cho Ngài. Vì xét thấy Ngài Giêsu chẳng có tội gì phải kết án cả. Tôi đã tìm cách xoa dịu hạ hỏa đám đông để tha cho Ngài Giêsu. Còn can ngăn tôi đừng dây dưa dính dáng gì đến sự việc kết án Ngài Giêsu là người vợ của tôi.

4. Thưa quan, Ông đã có phản ứng gì sau đó?

Philato: Như đã nói, tôi tìm cách tha bổng cho Ngài Giêsu, nhưng không có kết quả như mong muốn. Áp lực của đám đông đã thắng. Thế là tôi sai lấy nước rửa tay trước mặt đám đông nói cho họ biết tôi vô tội và không dính dáng gì trong vụ đổ máu Ngài Giêsu vô tội.

5. Thưa quan, Ông có nghĩ là rửa tay như thế là xong, là vô tội vạ hết trách nhiệm không?

Philato: Trong lúc bối rối, hơn nữa tôi là một chính trị gia, nên việc làm đó của tôi trong lúc đó muốn chính thức về lâu về dài nói lên mình không có liên quan trách nhiệm gì hết. Một việc làm nước đôi. Còn theo khía cạnh đạo đức luân lý thì lại khác. Đó chẳng khác gì một  sự việc đầu hàng, chối phủ nhận không dám nhận trách nhiệm.

Tôi đã rửa tay.

Nhìn Lại Chính Mình…

_ Có thể nhiều lần ta cũng đã hành xử hèn nhát và vô trách nhiệm. Với cương vị trọng trách được giao ta đã tránh né trách nhiệm khi cần phải giải quyết các sự việc với các đối tượng cụ thể, không dám lên tiếng bênh vực sự thật, đưa đẩy trách nhiệm cho người khác…: một hình thức rửa tay.

_ Có những lần ta sống trong sợ sệt vì quá lo cho bản thân mình: sợ mất danh giá, sợ bị liên lụy, sợ tổn thương, sợ bất lợi, sợ mất mát … Càng sợ hơn khi đã có những hành vi không trong sáng, bị người khác lật tẩy, nên tìm cách che lấp dưới nhiều hình thức bất chính.

_ Bao lần ta đã che dấu mưu đồ lợi ích cá nhân dưới vỏ bọc ‘trách nhiệm’ đồng thời viện đủ lý do để biện hộ cho hành vi trốn tránh trách nhiệm của mình; mủ ni che tai, đùn đẩy việc cho người khác nhưng lại tìm cách để đạt được mục đích nhằm thỏa mãn ý riêng, thủ đắc quyền lợi, chức vụ, địa vị…

_ Biết bao lần ta thực sự không có tự do trong hành động của mình, bị áp lực từ người thân cận hay dư luận, nên rất lưỡng lự trước sự thiện và sự ác, nên hay không nên… không có khả năng quyết định. Cuối cùng cũng tìm lý do để thoái thác, biện minh cho mình và đổ trách nhiệm cho người khác. Đó cũng là một hình thức rửa tay để tuyên bố mình vô tội.

Cũng như Philatô!

(trích-tổng hợp/đối thoại – nhìn lại)