CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN A
Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 14)
Suy gẫm: Chúng ta, những kitô hữu được Chúa mời gọi trở nên Muối Cho Đời Và Ánh Sáng Cho Trần Gian. Đó chẳng phải là ‘chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ? Một khi đã lắng nghe, suy niệm và sống Lời Chúa, thì bấy giờ chúng ta sẽ trở thành nguồn sáng, giúp tha nhân nhìn thấy Chúa Giê-su đang hiện thân qua lời nói và cách ứng xử của chúng ta. Nhờ đó họ sẽ tôn vinh Thiên Chúa trên trời là Cha chúng ta.
Lạy Chúa! Tạ ơn Chúa vì biết bao khả năng Chúa ban để làm phong phú cho đời sống của con! Xin cho con biết dùng chúng để làm sáng danh Chúa.
(Sr. Miriam/ Dairy 2020)
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
09.02 CHÚA NHẬT V MÙA THƯỜNG NIÊN. Mt 5,13-16
10.02 Thứ Hai. Thánh Cô-lát-ti-ca, trinh nữ. Lễ nhớ. Mc 6,53-56
11.02 Thứ Ba. Đức Mẹ Lộ Đức .Ngày quốc tế bệnh nhân. Mc 7,1-13
12.02 Thứ Tư. Mc 7,14-23
13.02 Thứ Năm. Thánh Phaolô Lê Văn Lộc, Linh mục, tử đạo; Thánh Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng, Linh mục, tử đạo . Mc 7,24-30
14.02 Thứ Sáu. Thánh Xy-ri-lô, Đan sĩ và Thánh Mê-tô-đi-ô, Giám mục. Lễ Nhớ. Mc 7,31-37
15.02 Thứ Bảy. Mc 8,1-10
16.02 CHÚA NHẬT VI MÙA THƯỜNG NIÊN. Mt 5,17-37
HOẠT ĐỘNG GIÁO XỨ
1.Thứ Hai, 10/02/2020, lúc 19g00, Giáo xứ tĩnh tâm và Chầu Thánh Thể tại Núi Đức Mẹ Lộ Đức: ‘Cầu nguyện trong cơn đại dịch virus Corona.’ Xin đem theo 01 cây nến nhỏ khi đến tham dự.
2. Thứ Ba, 11/02/2020, lúc 17g15, Thánh lễ “Bổn mạng Giáo xứ Chính Tòa” sẽ được cử hành trọng thể tại Núi Đức Mẹ Lộ Đức.
(Trong Thánh lễ có nghi thức xức dầu bệnh nhân cho những người già yếu, bệnh tật trong Giáo xứ.)
3. Các ngày Thứ Tư, Thứ Năm Và Thứ Sáu lúc 19g30, Ban Thường vụ Giáo xứ phụ trách: ‘Tam Nhật cầu nguyện cho thế giới sớm thoát khỏi đại dịch Conora’ .
4. Thứ Năm, 13/02/2020, lúc 17g15, lễ kính Thánh Phaolô Lê Văn Lộc, Bổn mạng Giáo họ Phaolô Lộc.
5. Chúa Nhật, 16/02/2020, Giáo xứ tổ chức quyên góp cho việc xây dựng nhà thờ Giáo xứ Hà Lam.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
GIÁO HUẤN SỐ 11
LỜI THIÊN CHÚA NÓI GÌ VỀ NGƯỜI TRẺ? (tiếp theo)
“Tin Mừng cũng nói về một nhóm cô gái khôn ngoan, trong tình trạng tỉnh thức chờ đợi, trong khi những cô khác thì tâm trí phân tán và mê ngủ (x. Mt 25,1-13). Quả thật, chúng ta có thể đi qua tuổi trẻ của mình với đầy những chia trí, chỉ sống hời hợt, nửa tỉnh nửa mê, không có khả năng đào sâu những mối tương quan có ý nghĩa, cũng không kinh nghiệm được những điều sâu xa hơn trong cuộc sống. Như thế, chúng ta có thể hình thành một tương lai tầm thường và thiếu nền móng. Hoặc giả chúng ta có thể trải qua tuổi thanh xuân với đầy cảm hứng đối với những điều đẹp đẽ và cao thượng, qua đó chúng ta kiến tạo một tương lai tràn đầy sức sống và sự phong phú tâm hồn. Nếu các con đã đánh mất sinh lực bên trong, đánh mất những giấc mơ, lòng hăng hái, tinh thần lạc quan và sự quảng đại, thì Đức Giêsu đang đứng trước mặt các con, như Người đã từng đứng trước anh con trai đã chết của người góa phụ, và với tất cả sức mạnh từ sự Phục Sinh của Người, Người thúc bách các con: “Này người bạn trẻ, Ta truyền cho con, hãy chỗi dậy!” (Lc 7,14)”. (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, các số 19&20).
MỪNG BỔN MẠNG
Lạy Đức Mẹ Lộ Đức, Cầu Cho Chúng Con.
Chúc Mừng Giáo họ Phaolô Lộc nhân Lễ Bổn Mạng – Thánh Phaolô Lê Văn Lộc, Linh mục, tử đạo (13.02)
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
Xây Nhà Thờ Hay Đầu Tư Vào Giáo Lý?
Cách đây hơn 2000 năm, Chúa Giê-su cũng chứng kiến sự ô uế của một môi trường được xem là thánh thiêng, là nơi cực thánh, thế nhưng đã bị tục hoá từ vật chất đến tinh thần. Người ta đã biến đền thờ thành nơi trao đổi buôn bán. Đưa ra chiêu bài-danh nghĩa này nọ, họ lợi dụng Đền thờ để lợi dụng lẫn nhau. Kẻ buôn bán súc vật và đổi tiền nhằm lợi nhuận. Kẻ mua để dâng cúng trong đền thờ chỉ nhằm mục đích phô trương giả hình. Ngay cả các tư tế cũng chủ trương như thế, để họ thu lợi nhuận hoa hồng từ những việc trao đổi buôn bán trên. Họ đã đánh mất sự linh thánh cần thiết của Đền thờ. (Lm Tạ Duy Tuyền)
“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”
Nhà Cha tôi tức đền thờ và nơi buôn bán tức chợ búa….
Chợ là nơi buôn bán hàng hóa, một nơi sinh hoạt ồn ào, bát nháo, có người bán và người mua, có mua danh bán lợi.
Đền thờ là nơi trang nghiêm, tôn kính, là nơi linh thiêng thánh thiện, là nơi biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, là nơi các vị tư tế dùng để giảng dạy về Thiên Chúa, về giáo huấn của Ngài. (L.M Giuse Trịnh Ngọc Danh)
Hiện nay, hầu như linh mục nào cũng phải tiến hành xây dựng một thứ gì đó tại địa bàn mình đang phụ trách, nếu không phải là nhà thờ thì là nhà giáo lý, tượng đài, khuôn viên… Tiến hành quy hoạch lại, hoặc xây lại do “xuống cấp”…nói chung là rất nhiều lý do được đưa ra.
Cứ một linh mục mới chuyển đến là lại xây, nay làm cái này mai xây cái khác, nghĩ ra đủ thứ để xây. Được vài ba năm, linh mục này chuyển đi, linh mục khác lại chuyển về rồi lại tiếp tục xây, thấy cái trước tuy còn mới nhưng không hợp, không ưa mắt thì lại phá đi, xây cái mới…và cứ thế….
Bao nhiêu công sức, bao nhiêu thời gian, tiền của bỏ ra. Mà ai phải bỏ ra? Các cha quên rằng cái công lao, đóng góp lớn nhất, được nhớ lâu nhất trong lòng các con chiên chính là dạy các con chiên nên sống “tốt đời đẹp đạo”, là biết bao dung, chia sẻ, là yêu thương… “cháu thấy đôi lúc cũng tự nghĩ phải chăng các “cha” không lo xây đền thờ Chúa ở TRONG LÒNG mà thích phô trương ở bên ngoài hơn”.
(Nguyễn Lương Thành, DLV)
‘Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường ;
hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú ‘ (Hs 3, 21).
Chuộng hình thức bề ngoài mà coi nhẹ đời sống nội tâm cũng là tình trạng phổ biến nơi khá đông tín hữu. Họ thích tổ chức những cuộc rước long trọng, trong khi đó đức tin thì hời hợt. Nhiều người coi những cuộc rước quan trọng hơn là thánh lễ, những nghi thức ồn ào được chú trọng hơn những giờ lắng đọng cầu nguyện hồi tâm. Một số hội đoàn được tổ chức và sinh hoạt giống như các đoàn thể ngoài đời, chú trọng thái quá đến những hội hè phô trương. Trong khi đó, những hoạt động bác ái và truyền giáo ít được quan tâm.
(TGM Giuse Vũ Văn Thiên)
Tương lai Giáo hội Việt Nam có phát triển hay không, sau này có nhiều giáo dân đến tham dự thánh lễ tại những ngôi thánh đường to đẹp mà chúng ta xây dựng hay không là tùy thuộc vào việc dạy và học giáo lý hôm nay. Hiện tại việc giáo lý vẫn còn cậy dựa vào lòng nhiệt tình của những tông đồ giáo dân.Thế nhưng nếu giáo lý viên chỉ có lòng nhiệt thành mà không được đào tạo chính quy, không được bồi dưỡng đầy đủ về kiến thức giáo lý, không có kỹ năng về sư phạm, không đủ hiểu biết và tâm lý thì việc dạy và học giáo lý sẽ trở nên đơn điệu, nhàm chán với cách dạy từ chương và thụ động.
Chúng ta sẵn sàng bỏ tiền tỷ ra để xây dựng nhà thờ nhưng việc đào tạo giáo lý viên vẫn cậy dựa vào những khóa tập huấn hàng năm hay những khóa đào tạo ngắn ngày. Có những ân nhân dâng cúng tiền triệu cho các công trình nhưng mấy ai hứng thú trong việc ủng hộ tiền bạc cho các khóa huấn luyện giáo lý viên ?
Không có thầy giỏi làm sao có trò giỏi?
Đừng vội trách các em học sinh chán hay lười học giáo lý. Trước tiên hãy tự vấn: khi các em phải sắp xếp một cách khó khăn thời gian biểu học tập dày đặc của mình để tham dự một giờ học giáo lý thì chúng ta đã chuẩn bị và cho các em những gì? (Điền Phương Thảo)
Và để kết thúc, ta hãy đọc lời nguyện sau đây được viết trên cửa một nhà thờ nọ:
Lạy Chúa, xin làm cho cánh cửa này đủ rộng để có thể đón tiếp mọi người nào cần đến tình thương của đồng loại, anh em. Nhưng cũng đủ hẹp để có thể ngăn chận mọi kiêu căng, ganh tị, bất hoà. Xin làm cho ngưỡng cửa này đủ phẳng để buớc chân của trẻ thơ và những người lầm đường lạc lối vào đây mà không bị vấp ngã. Xin làm cho nhà này là nhà cầu nguyện và là cổng dẫn vào Nước Chúa.
(Flor McCarthy)
(reficul góp nhặt từ internet)
“Tài sản của Giáo hội không phải nơi các thánh đường, nhưng nơi người nghèo” Đức Cha Phanxicô