CHÚA NHẬT TUẦN 8 TN – C

“Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã…. Xem quả thì biết cây.” (Lc 6,42.44)

Suy niệm: Bằng những lời ngắn gọn – và dí dỏm nữa – Chúa Giê-su nêu rõ tính cách người môn đệ cần phải có để họ “tri hành hiệp nhất”: cuộc sống của họ nhất quán với lời họ rao giảng. Bằng hình ảnh thật buồn cười của người đang bị cái xà to đùng che kín mắt mình mà còn “le te” đòi nhặt cái rác trong mắt anh em, Chúa dạy các môn đệ thay vì xét đoán tha nhân, trước tiên phải nhìn lại chính mình và sửa đổi bản thân trước đã. Phải lấy cái xà ra khỏi mắt mình rồi mới có thể sáng suốt phân định và giúp người khác phân định dưới ánh sáng của Lời Chúa. Có cái nhìn sáng suốt rồi, nhiệm vụ kế tiếp của người môn đệ là phân định – chứ không phải xét đoán – dựa trên một nguyên tắc chắc chắn đó là “xem quả thì biết cây”: một công việc đem lại kết quả tốt đẹp trước mặt Chúa hẳn là xuất phát từ động lực ngay chính và thánh thiện.

“Lòng đầy thì miệng mới nói ra”. Qua đời sống cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, lòng bạn sẽ “đầy” Chúa. Và như thế bạn sẽ sinh nhiều hoa trái tốt lành đẹp lòng Chúa. Và cũng vậy, lời rao giảng của bạn mới có sức thuyết phục và đáng tin theo.

             PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

03.3 CHÚA NHẬT VIII MÙA THƯỜNG NIÊN C. Lc 6,39-45

04.3 Thứ Hai; Mc 10,17-27

05.3 Thứ Ba ; Mc 10,28-31

06.3 THỨ TƯ LỄ TRO. Giữ chay và kiêng thịt; Mt 6,1-6.16-18 Giáo phận hành hương về Núi Sọ, Giáo xứ An Ngãi.

07.3 Thứ Năm đầu tháng – sau Lễ Tro. Thánh nữ Pê-pê-tu-a và Thánh nữ Fê-li-xi-ta, tử đạo; Lc 9,22-25

08.3 Thứ Sáu sau Lễ Tro. Thánh Gio-an Thiên Chúa, tu sĩ; Mt 9,14-15

09.3 Thứ Bảy sau Lễ Tro. Thánh Phanxica Rôma, nữ tu. Lc 5,27-32

10.3 CHÚA NHẬT I MÙA CHAY; Lc 4,1-13 Quyên góp cho ngân sách Giáo phận – tài khóa 2019.

THÔNG BÁO Số 16TB/GXCT/2019

1. Thứ Tư Lễ Tro ngày 06/3, Giáo Phận hành hương về Núi Sọ, giáo xứ An Ngãi, để cử hành các nghi thức khai mạc Mùa Chay. Chi tiết xin xem trên Bảng Thông Báo.

2. Thứ Năm 07/3 Giáo xứ có 03 Giáo dân mang tên Thánh Felixita, xin Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.

3. Thứ Sáu 08/3 vào lúc 19g30 Gẫm Đàng Thánh Giá. Mời cộng đoàn tham dự.

4. Chúa nhật I Mùa Chay 10/3/2019 là ngày quyên góp cho Ngân Sách Giáo Phận, Tài Khóa 2019. Xin Cộng đoàn rộng tay đóng góp. Các thùng quyên góp được đặt trong Nhà Thờ.

5. Chúa Nhật 10/3, Ngành Hiệp Sĩ – Ban Giáo Lý Thiếu Nhi – tổ chức buổi học giáo lý ngoại khóa tại Giáo Xứ Đông Vinh cho các em vào đời 1,2,3. Xin Phụ huynh đưa các em đến Nhà Thờ lúc 06g30 và đón các em lúc 18g30 tại sân Nhà Dòng Phao lô.

6. Giáo Hạt sẽ tổ chức các khóa Giáo Lý Dự Tòng năm 2019. Chi tiết xin xem trên Bảng Thông Báo.

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

3. Bí tích Thánh Thể

208. Bí tích Thánh Thể là gì?

– Là bí tích Chúa Giêsu hiến ban Mình và Máu Người cho chúng ta, để chúng ta cũng hiến mình ta cho Người trong tình yêu và kết hợp với Người khi rước lễ. Nhờ rước lễ, chúng ta được liên kết với một Thân Mình Chúa Kitô là Hội thánh Công giáo. [1322, 1324, 1409]

 – Sau khi lãnh Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, Bí tích Thánh Thể là bí tích thứ ba giúp khai tâm vào Kitô giáo. Bí tích Thánh Thể là trung tâm mầu nhiệm của toàn bộ các bí tích, vì hiến tế trong lịch sử của Chúa Giêsu trên thập giá được thể hiện một cách ẩn giấu và không đổ máu trong lúc truyền phép. Vì thế, Bí tích Thánh Thể là “nguồn suối và đỉnh cao của tất cả đời sống Kitô hữu” (Hiến chế về Hội Thánh 11). Tất cả đều quy hướng về Thánh Thể: không có gì tốt lành hơn mà ta có thể có được. Khi ta ăn bánh được bẻ ra, ta được hiệp nhất với Đấng đã trao hiến thân mình cho ta trên thập giá. Khi ta uống chén, ta được hiệp nhất với Đấng đã đổ máu mình ra vì ta, trong hiến tế của Người. Chúng ta không sáng kiến ra nghi lễ này. Chính Chúa Kitô cử hành Bữa Tiệc Ly sau cùng với các môn đệ, trước khi người chịu chết. Người tự hiến cho các môn đệ dưới hình bánh rượu và khuyên họ cử hành bí Tích Thánh Thể từ giờ phút đó và sau này khi Người đã chết. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy! (1 Cr 11,24) → 126, 193, 217

 + Eucharistia tiếng Hy Lạp là tạ ơn, tiếng dùng để chỉ kinh nguyện tạ ơn trong phụng vụ thời Hội Thánh sơ khởi, kinh này đọc trước khi biến đổi bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Về sau được dùng để chỉ việc cử hành thánh lễ.

“Thiên Chúa chắc sẽ ban cho ta một điều tốt lành lớn hơn, nếu có điều nào tốt lành hơn là hiến tặng chính mình Người.” – Thánh Gioan Maria Vianney (1786-1859, cha sở xứ Ars)

“Hiệu quả đích thực của bí tích Thánh Thể là chuyển đổi con người thành Thiên Chúa.” – Thánh Tôma Aquinô.

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 209. Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể khi nào?

   TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

Sứ Điệp Mùa Chay 2019

 Chủ đề “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.” (Rm 8,19).

Nội dung:

  1. Ơn cứu độ đối với mọi loài thọ tạo
  2. Sức mạnh hủy diệt của tội lỗi
  3. Sức mạnh chữa lành của sự ăn năn hối cải và sự tha thứ

(Đức Giáo Hoàng Phanxicô)

(Nguồn: Vatican News)

Tản Mạn Ngày Đầu Mùa Chay

Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy. (Mt 7,13-14)

 Mùa Chay giống như GPS (hệ thống định vị toàn cầu). Chúng ta đặt ra hành trình dài qua những con đường ‘hẹp’ và ‘ gồ ghề’ hướng đến đích điểm thú vị. Nhưng hành trình thì khó và dài và chúng ta thường sai lối hay lạc vào những ngõ cụt nguy hiểm. Mùa Chay, với những lời nhắc nhở nhẹ nhàng, cảnh báo và thúc giục, cho chúng ta những phần mềm cần thiết để nhận ra những sai sót của mình, xác định đúng lộ trình, và trở lại con đường đến đích điểm. Xin chúc mừng hành trình của bạn.

Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ? (Lc 9, 25)

Chất vấn này của Chúa Giêsu đã làm cho nhiều tâm hồn như thánh Phanxico Xavier và thánh Antôn Claret giác ngộ (soi sáng). Lịch sử nhân loại và đặc biệt đời sống của các thánh đã làm chứng cho chân lý: Chúng ta cố lao mình vào để được lời lãi cả thế gian thì cuối cùng nó lại biến chúng ta thành những kẻ mất mát, còn những người tự do buông bỏ đời mình để dấn thân vào những giá trị sâu sắc thì lại là những người dành được gia tài vĩnh cửu trong trái tim nhân loại và trong Nước Chúa…

Chúng ta được mời gọi để cho bản thân mình chết đi, nhưng không phải là phủ nhận sự sống, đúng hơn đó là một lời mời gọi tự do chọn lấy sự sống viên mãn.

Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng (Is 58,5)

Khi người nào đó được cho là ‘người công giáo đạo hạnh’, thường có nghĩa là anh ấy hay cô ấy tham dự thánh lễ thường xuyên, lãnh nhận và tuân giữ các bí tích, và giữ luật Mùa Chay và tuân hành các mùa khác. Đây là lúc chúng ta định nghĩa lại tiêu đề ‘thực hành’ trong ánh sáng về những điều Thiên Chúa phán: phá bỏ xiềng xích bất công, cởi dây ách, thả tự do cho người bị áp bức, cho kẻ đói ăn, cho người vô gia cư chỗ trú ngụ, cho kẻ rách rưới ăn mặc và ban phát cho người nghèo khổ – tóm lại, thực thi công bình và bác ái xót thương phải vượt trên mọi hành động đạo đức cá nhân. Chúng ta biết rằng khi chúng ta thực hành điều đó và kêu cầu lên Chúa, Người sẽ nghe tiếng kêu la và đáp lời chúng ta, ‘Ta đây’. Có lẽ khi chúng ta  thực hành đức tin của mình bằng những hành động yêu thương như thế, thì chúng ta không nhất thiết phải kêu cầu hay tìm kiếm Chúa, vì Người luôn sẵn sàng ở giữa chúng ta và chúng ta sẽ gặp Ngài diện đối diện mỗi ngày.

Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn. (Lc 5, 31-32)

Sự thật vấn đề là, mọi người đều là tội nhân và mỗi người có vài căn bệnh thiêng liêng cần được chữa lành. Người Pharisêu và các kinh sư không nhận ra tình trạng tội lỗi hay căn bệnh thiêng liêng của họ. Chính vì thế, họ đã chối bỏ đặc tính chung của con người họ với những người thu thuế và những người tội lỗi khác, cũng như họ không thấy mình cần được Đức Kitô chữa lành. Không phải Đức Kitô đã loại trừ họ, nhưng chính họ mù quáng từ chối Người. Còn chúng ta thì sao?

(Fr.Paulson V.Veli. CMF/ Daily Gospel)