BẢN TIN 396
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN. 15/10/2017
“Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi.” (Mt 22,5)
Suy niệm: Tháng 9/2008 khi tông du nước Pháp, Đức Bê-nê-đi-tô XVI lúc đó nhận định “những giáo hội lớn – trong đó có nước Pháp – đang hấp hối.” Không hấp hối sao được khi 75% dân số là Công giáo, nhưng chỉ có 12% đi lễ hằng tuần, đa số ít khi hoặc không bao giờ tham dự thánh lễ; 62% nói rằng không tìm được an ủi hoặc sức mạnh từ tôn giáo. Chủ nghĩa tiêu thụ đã và đang làm xói mòn niềm tin Ki-tô giáo tại lục địa già nua này. Cuộc sống con người bị thu giảm thành việc hưởng thụ, và đằng sau nó là thú vui. Hạnh phúc có được nhờ thỏa mãn ước muốn: thêm tiện nghi vật chất. Chủ nghĩa tiêu thụ trở thành một thứ thần tượng, thật sự cạnh tranh với vai trò tối thượng của Đức Ki-tô trong tâm hồn người Kitô hữu.
Từ khi có nền kinh tế thị trường, chủ nghĩa tiêu thụ đã xuất hiện ở Việt Nam với tất cả sức mạnh, tuy âm thầm nhưng mạnh mẽ. Chủ nghĩa ấy cũng đang lấn sân tâm hồn bạn, giành lấy vị trí chủ tể của Chúa Ki-tô. Mỗi khi bạn đặt việc “đi thăm trại” hay “đi buôn” – nghĩa là nhiều loại ưu tiên – hơn việc tham dự Nước Trời, bạn đang dành chỗ cho chủ nghĩa tiêu thụ ấy lớn lên.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
15.10 : Chúa Nhật 28 THƯỜNG NIÊN. Mt 22,1-14
16.10 : Thứ Hai. Thánh Hê-vi-ga, nữ tu, Thánh Ma-ga-ri-ta A-la-côc, trinh nữ. Lc 11,29-32.
17.10 : Thứ Ba. Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, Giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. Lc11,37-41. Thánh Phanxicô Isiđôrô Gagelin Kính, Linh mục, tử đạo 1833.
18.10: Thứ Tư. THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính. Lc 10,1-9.
19.10 : Thứ Năm. Thánh Gio-an Brê-bơp, Linh mục, Thánh I-sa-ac Giô-gơ, Linh mục và các bạn, tử đạo; Thánh Phao-lô Thánh Giá, Linh mục. Lc 11,47-54.
20.10: Thứ Sáu. Lc 12,1-7
21.10: Thứ Bảy. Lc 12,8-12
22.10: Chúa Nhật 29 THƯỜNG NIÊN. Mt 22,15-21. Khánh Nhật Truyền Giáo. Được cử hành thánh lễ cầu cho việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc. Quyên góp cho quỹ Truyền Giáo của HĐGMVN, xin quý cha và cộng đoàn quan tâm.
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Hội Nghị Thường Niên Kỳ II – 2017.
Hội nghị thường niên kỳ II năm 2017 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Thanh Hóa từ ngày 9.10 đến ngày 13.10.2017.
Ngoài một số vấn đề về Kinh Thánh, Di dân, Phụng vụ…hội nghị đã bàn về đường hướng mục vụ cho năm 2018 “Ðồng hành với các gia đình trẻ”.
Nghi thức Tuyên thệ của Đức tân Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn
Tối ngày 8.10, tại Nhà nguyện Trung tâm Mục vụ đã diễn ra Nghi thức Tuyên thệ trung thành với Đức Thánh Cha Phanxicô của Đức tân Giám mục Phụ tá TGP.TPHCM Louis Nguyễn Anh Tuấn. Nghi thức diễn ra với sự làm chứng của Đức cha Phụ tá TGP Giuse Đỗ Mạnh Hùng và cha Tổng Đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân.
(hdgmvn.org)
Chính Tòa: TB Số 53TB/GXCT/2017
GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)
Chia sẻ mọi sự suốt cuộc đời (tt)
Một tình yêu yếu ớt hay bệnh hoạn, không có khả năng chấp nhận hôn nhân như một thách đố đòi hỏi ta phải chiến đấu, để được tái sinh, được đổi mới và bắt đầu lại luôn cho tới chết, thì không thể thực hiện nổi một cam kết có tầm lớn lao. Nó sẽ đầu hàng trước nền văn hóa tạm bợ vốn thường cản tiến trình không ngừng trưởng thành. Nhưng “việc hứa yêu thương suốt đời sẽ là điều có thể, khi chúng ta khám phá ra một kế hoạch to lớn hơn các ý tưởng và dự phóng của chính mình, một kế hoạch nâng đỡ chúng ta và làm cho chúng ta có thể hoàn toàn phó thác tương lai của mình cho người mình yêu thương”. Để tình yêu này có thể vượt thắng mọi thử thách và giữ được sự trung thành trước mọi hoàn cảnh, thì nó cần ơn sủng để củng cố và nâng cao. Theo cách diễn tả của Thánh Robertô Bellarminô, “sự kiện một người nam kết hợp với một người nữ trong một mối ràng buộc bất khả phân li, và họ trung thành gắn kết với nhau bất chấp mọi khó khăn, ngay cả khi không còn hi vọng có con cái, chỉ có thể là dấu hiệu của một mầu nhiệm cao cả”. Niềm Vui Của Tình Yêu, số 124
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
– Vì là đấng kế vị thánh Phêrô và đứng đầu Giám mục đoàn, nên nhiệm vụ của Đức Giáo hoàng là bảo đảm cho sự hợp nhất của Hội thánh. Ngài có quyền tối cao trong các vấn đề mục vụ của Hội thánh, và đối với tất cả những quyết định liên quan đến tín lý và kỉ luật. [880-882, 936, 937]
– Chúa Giêsu ban cho Thánh Phêrô quyền tối cao trên các Tông đồ, làm cho ngài cũng có quyền bên trên Hội Thánh sơ khởi – Hội Thánh địa phương này do Phêrô cai quản, là nơi mà ngài chịu tử đạo, và nơi mà sau khi ngài chết Hội thánh trẻ phải tham khảo: tất cả các công đoàn phải đồng thuận với Rôma. Đó là tiêu chuẩn đúng của một đức tin tông truyền, nguyên vẹn và đích thực. Đến ngày nay, tất cả giám mục ở Rôma đều là chủ chăn tối cao của Hội thánh như thánh Phêrô, có Chúa Kitô là đầu. Chỉ khi thi hành nhiệm vụ này mà Đức Giáo hoàng là “đại diện Chúa Kitô trên trần gian”. Dựa vào uy quyền tối cao trong nhiệm vụ chăm sóc các linh hồn và giáo lý, ngài phải lo thông truyền cách chính xác đức tin. Nếu cần ngài phải rút lại những giáo huấn hoặc cất chức các thừa tác viên nào có lỗi nặng phạm đến đức tin và luân lý. Sức mạnh và sự tỏa sáng của Hội thánh công giáo tùy thuộc rất lớn vào sự hiệp nhất trong những vấn đề đức tin và luân lý, sự hiệp nhất được đảm bảo nhờ huấn quyền mà Đức Giáo hoàng là thủ lĩnh. (Huấn quyền là quyền giáo huấn trong Hội Thánh)
Đức Giáo hoàng là người kế vị Tông đồ Phêrô, làm giám mục ở Rôma. Vì Thánh Phêrô đã là người đầu tiên trong các tông đồ, mà Đức Giáo hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, nên có quyền chủ tọa tập đoàn các giám mục. Vì là thay mặt Chúa Kitô, Đức Giáo hoàng là chủ chăn tối cao của Hội Thánh.
Rôma. Cộng đồng Hội Thánh ở Rôma ngay từ thời đầu đã được coi là Hội Thánh “rất lớn, rất cổ, được mọi người biết đến, được hai vị tông đồ rất vinh hiển là thánh Phêrô và Phaolô vừa thiết lập vừa cư ngụ ở Rôma… Rôma có nguồn gốc tuyệt hảo hơn, nên tất cả Hội thánh nghĩa là các tín hữu khắp nơi phải nhất thiết đồng thuận với Hội thánh Rôma, bởi vì nơi Hội Thánh này có gìn giữ truyền thống từ đời các Tông đồ” Thánh Irênê ở Lyon (135-202). Việc hai vị Tông đồ còn chịu tử đạo ở Rôma càng tăng thêm tầm quan trọng của cộng đồng Rôma.
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 142. Các Giám mục có thể hành động và dạy dỗ những điều ngược với Giáo hoàng, còn Giáo hoàng có thể làm như vậy với các Giám mục không?
TẢN MẠN – CHIA SẺ
‘Anh em hãy ra đi.’(Lc 10,3)
‘Đã đến lúc nói lên câu giả từ’. Giáo xứ phải chia tay với cha Quản xứ Phaolô Maria Trần Quốc Việt đã gần gủi thân quen từ năm năm nay. Bao tình ý ngổn ngang.
Dưới sự dẫn dắt của Cha, giáo xứ đã có những bước tiến trong mục vụ, đông đảo hàng ngũ tông đồ giáo dân, các giáo họ cùng tham gia phụng vụ, những thánh lễ ấm cúng, những giờ Chầu Mình Thánh tâm tình và sâu lắng. Cha đã hướng dẫn, dìu dắt đoàn chiên về các lãnh vực chuyên môn trong phụng vụ như thánh nhạc, giáo lý, trong mục vụ giới trẻ, bác ái xã hội, hôn nhân và gia đình… Từng việc, từng việc nhỏ lớn trong giáo xứ đều được Cha lưu tâm, không ngừng liệu định để nâng đỡ và thúc đẩy phục vụ cộng đoàn.
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.’(Lc 10,2). Người tông đồ sẵn sàng ra đi, sẵn sàng bỏ lại, bỏ lại những giáo dân khi nói đến Cha Sở của mình: ‘dễ thương và dễ ghét’, ‘thích và không thích’, những giáo dân như trong dụ ngôn hai người con đi làm vườn nho. (Mt 21,28-32). Bỏ lại lòng yêu mến của người giáo dân, hành trang của ngài là tâm tình yêu mến Chúa và Giáo hội. Lên đường.
Đến một giáo xứ mới, phải làm quen lại từ đầu, phải ‘bắt đầu rồi lại bắt đầu’. Nhưng với khả năng mà Chúa ban cho ngài, vì lòng yêu mến Chúa và lòng nhiệt thành với Giáo hội, cùng với sự cộng tác của những con người nơi xứ mới, chắc chắn ngài sẽ mang lại cho giáo xứ mới những hoa quả mục vụ tốt lành.
Xin Chúa luôn gìn giữ ngài hồn an xác mạnh và ban cho ngài những ơn cần thiết để ngài chu toàn niềm khao khát ‘Không phải cho con nhưng vì Danh Chúa.’(Tv 115,1)
(Luc.)