Các nhà khảo cổ học và các học giả Thánh Kinh đều chống lại ý tưởng cho rằng khoa khảo cổ minh chứng cho Thánh Kinh. Nhưng những khám phá khảo cổ dưới đây đều cho thấy sự tương hợp của chúng với những điểm liên quan trong Thánh Kinh. Nhà khảo cổ Nelson Glueck tuyên bố một câu bất hủ: “Chưa có một khám phá khảo cổ nào nói ngược với những tham chiếu trong Thánh Kinh.”
10 khám phá khảo cổ hàng đầu được liệt kê ở đây có phần chủ quan. Có thể có những khám phá khác trong năm 2019 có ý nghĩa quan trọng nhưng phải đợi có khi vài năm cho đến khi được công bố trên những ấn phẩm chuyên ngành đã được những chuyên gia trong ngành xem xét.
9. SỰ THẬT VỀ VƯƠNG QUỐC ÊĐÔM
Thung lũng Aravah, vùng đất nằm ở phía nam Biển Chết, ngay nay một phần thuộc về nước Jordan, một phần nằm trong lãnh thổ nước Israel, vốn là lãnh thổ của vương quốc Êđôm trong Cựu Ước.
Sách Sáng Thế chương 36 cho biết người Êđôm là con cháu của ông Êsau, anh của ông Giacóp, đã hình thành một vương quốc hùng mạnh trước cả người Do Thái và còn liệt kê cả một bản danh sách các vua xứ Êđôm: “Sau đây là các vua đã trị vì đất Ê-đôm trước khi có một vua trị vì con cái Ít-ra-en…” (St 36,31-39).
Thế nhưng lâu nay nhiều học giả vẫn cho rằng cư dân vùng thung lũng Aravah gồm nhiều bộ tộc liên kết với nhau một cách lỏng lẻo, chứ không phải là một vương quốc như câu chuyện trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, mới đây, các nghiên cứu khảo cổ tại vùng này, đặc biệt tại hai địa điểm khảo cổ Timna – thuộc Israel – và Faynan – thuộc Jordan – cho thấy Thánh Kinh đã nói đúng. Giáo sư Erez Ben-Yosef, đại học Tel Aviv, nói: “Những khám phá mới của chúng tôi phản bác lại quan điểm của nhiều nhà khảo cổ cho rằng Aravah là nơi cư trú của những bộ tộc du mục liên minh lỏng lẻo với nhau. Những khám phá này nhất quán với câu chuyện Thánh Kinh rằng đã có một vương quốc Êđôm tại nơi này” (“Israeli researchers identify biblical kingdom of Edom – Israel News – Jerusalem Post”; www.jpost.com; 23/09/2019)
Timna nằm tại rìa tây của thung lũng phía nam Biển Chết là một trong những mỏ đồng lớn nhất, chỉ sau mỏ Wadi Fayan nằm cách đó 100km về phía bắc. Họ tìm thấy hàng ngàn đường luồng đi xuống các hầm mỏ khai thác đồng và những nơi nấu đúc quặng đồng có niên đại từ 5.000 năm trCN. Nghiên cứu các lớp xỉ đồng tìm được, họ cho rằng người Êđôm đã đạt được kỹ thuật luyện kim rất cao từ 3.000 năm trCN. Và để duy trì những hoạt động khổng lồ cho việc khai thác và luyện đồng này, họ phải sử dụng một số lượng công nhân rất lớn làm việc liên tục hàng tháng trời, và vì thế đòi phải có một hệ thống hoàn chỉnh vận chuyển lương thực, nước uống và sinh hoạt, vật liệu và nhiều thứ trang thiết bị băng qua những quãng đường dài dưới khí hậu khô nóng rất khắc nghiệt.
Từ những khám phá này, các nhà khảo cổ xác định đã có một vương quốc Êđôm hình thành vào khoảng giữa thế kỷ 11 trCN như Thánh Kinh Cựu Ước thuật lại.
Hoàng Mai
(còn tiếp)
Tham khảo: