Năm nay, tôi muốn cử hành Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn bằng một thánh lễ, mời tất cả anh chị em, cách riêng anh chị em di dân, tị nạn và những ai đang cần một chốn nương thân, cùng tham dự. Trong số anh chị em đây, có những người vừa mới đến Italia này, có những người đã cư ngụ và làm việc ở đây nhiều năm, và cũng có những người khác làm thành nhóm được gọi là “những người thế hệ thứ hai.”

Trong cộng đoàn phụng vụ hôm nay, tất cả đều đã nghe Lời Chúa mời gọi chúng ta đào sâu tiếng gọi đặc biệt mà Chúa gửi đến cho chúng ta, từng người một. Cũng như Ngài đã làm với Samuel (1Sm 3,3b-10.19), Ngài cũng gọi đích danh chúng ta và mời chúng ta tôn vinh kỳ công Ngài đã làm khi tạo dựng chúng ta thành những hữu thể hoàn toàn độc nhất vô nhị, khác hẳn nhau và có những sứ mạng độc đáo trong lịch sử của nhân loại. Trong Phúc Âm (x. Ga 1,35-42), hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả hỏi Chúa Giêsu: “Thầy ở đâu?” Câu hỏi ngầm hiểu rằng họ mong chờ câu trả lời sẽ xác định cho họ nhận định về ông Thầy đến từ Nadarét. Câu trả lời của Chúa Giêsu thật rõ ràng: “Hãy đến mà xem” (c. 39) nhờ đó đã mở ra một cuộc gặp gỡ cá vị, cuộc gặp gỡ đòi phải có thời gian để tiếp đón, để hiểu biết và để nhìn nhận nhau.

Video toàn bộ Thánh Lễ, riêng Bài Giảng bắt đầu từ phút 26 đến phút 33.

Trong sứ điệp của Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn, tôi có viết: “Mỗi một người di dân đến gõ cửa nhà chúng ta là một cơ hội cho chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, là Đấng tự đồng hoá mình với người khách lạ của mọi thời được tiếp đón hay bị khước từ” (x. Mt 25,35.43). Và, đối với người khách lạ, nhập cư, tị nạn tha hương biệt xứ, người đang tìm kiếm một chốn nương thân, mỗi một cánh cửa của miền đất mới này cũng là một cơ hội để gặp gỡ Đức Kitô. Lời mời gọi của Ngài “Hãy đến mà xem” gửi đến hết thảy mọi người chúng ta, những cộng đồng sở tại cũng như những người mới đến. Đó là lời mời gọi vượt qua nỗi sợ, để có thể đến gặp gỡ nhau, tiếp đón nhau, hiểu biết và nhìn nhận nhau. Đó là lời mời gọi để trở nên người thân cận của nhau để có thể nhìn thấy họ sống ở đâu và sống như thế nào. Trong thế giới ngày nay, đối với những người mới đến, đón tiếp, hiểu biết và nhìn nhận nhau có nghĩa là hiểu biết và tôn trọng luật lệ, văn hoá, và truyền thống của những xứ sở mà họ được đón nhận. Điều đó đồng thời cũng có nghĩa là hiểu được nỗi lo sợ của họ đối với tương lai. Còn đối với những cộng đồng sở tại, tiếp đón, hiểu biết và nhìn nhận nhau có nghĩa là mở đón sự phong phú trong những khác biệt, là hiểu được những tiềm năng và những hy vọng của những người mới đến, cũng như tính mong manh dễ bị thương tổn và những nỗi sợ hãi của họ.

Sự gặp gỡ tha nhân cách đích thực không dừng lại ở chỗ đón tiếp mà thôi, nhưng nó mời gọi tất cả chúng ta dấn thân vào các ba hành động khác mà tôi đã nêu rõ trong Sứ Điệp của Ngày Di Dân này, đó là bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Và trong cuộc gặp gỡ đích thực với người khác, liệu chúng ta có thể gặp gỡ được Đức Kitô, Đấng đang đòi hỏi được tiếp đón, được bảo vệ, thăng tiến và hội nhập hay không? Như dụ ngôn trong Phúc Âm về ngày chung thẩm dạy chúng ta, Chúa phải đói khát, bệnh nạn, Chúa là khách lạ, tù đày, và Ngài được cứu giúp bởi một số người nay, chứ không phải những người khác (x. Mt 25, 21-36). Cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô là nguồn mạch ơn cứu độ, là ơn cứu độ phải được loan báo và truyền đến mọi người như lời thánh Tông đồ Anrê. Sau khi đã tỏ cho em mình là Phêrô biết: “Chúng tôi đã gặp được Đấng Messia” (Ga 1,41), Anrê dẫn em đến với Chúa Giêsu, để chính em mình cũng có được cảm nghiệm về sự gặp gỡ.

Thật không dễ khi đi vào một nền văn hoá cả người khác, để đặt mình vào vị trí của những người quá khác với chúng ta, để hiểu được những nghĩ suy, những cảm nhận của họ. Vì thế, chúng ta thường khước từ gặp gỡ người khác, và chúng ta dựng lên những rào cản để tự vệ. Có những lúc, những cộng đồng sở tại lo sợ những kẻ mới đến sẽ đến xáo tung trật tự đã được thiết  lập, sẽ “đánh cắp” một cái gì đó mà người ta đã khổ công xây dựng nên. Những người mới đến cũng có nỗi sợ của họ:  họ sợ phải đối đầu, sợ bị lên án, bị kỳ thị, sợ bị rơi vào thế bí. Những nỗi sợ đó là chính đáng. Chúng bị tan hoà đi trong một nỗi hoài nghi mà theo quan điểm loài người, hoàn toàn có thể hiểu được. Những nghi nan và sợ hãi đó không phải là tội. Tội là để cho những nỗi sợ hãi ấy ấn định cách đáp trả của chúng ta, điều khiển cách chọn lựa của chúng ta, làm tổn hại đến sự kính trọng và lòng quảng đại, nuôi dưỡng lòng ghen ghét và khước từ. Tội là khước từ gặp gỡ tha nhân, những người khác biệt với mình, trong khi đó, quả thật, việc gặp gỡ tha nhân tạo ra một cơ hội ưu tiên cho việc gặp gỡ Chúa.

Từ những cuộc gặp gỡ đó với Chúa Giêsu hiện diện trong người nghèo, trong những người bị loại trừ, trong những người đang tìm nơi nương náu, ngày hôm nay, chúng ta cất lên lời cầu nguyện. Đó là một lời cầu nguyện hỗ tương: những người di dân và tị nạn cầu cho những cộng đồng sở tại, và những cộng đồng sở tại lại cầu cho những anh chị em mới đến và những người nhập cư ở lại lâu dài. Chúng ta cậy nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria ban niềm hy vọng cho mọi người di dân nhập cư đó cũng như những người tị nạn trên toàn thế giới, cùng cầu cho những khát vọng của các cộng đồng đang đón tiếp họ, ngõ hầu khi sống theo giới răn tối thượng của Chúa là yêu thương bác ái với người thân cận, tất cả chúng ta học biết cách yêu người khác, người khách lạ, như yêu chính mình.

 

Nguồn: vatican.va

An Vy chuyển ngữ