Đức ông Janusz S. Urbańczyk, Đại diện Thường trực của Tòa Thánh cạnh Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), kêu gọi các thành viên của Tổ chức đặc biệt quan tâm đến vai trò của phụ nữ trong việc ngăn ngừa xung đột.

Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 1298 của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Đức ông Urbańczyk khuyến khích tất cả các quốc gia thành viên tiếp tục làm việc vì hòa bình và công lý, thực hiện các cam kết đã đồng ý thực hiện. Đặc biệt, Đức ông nhắc lại một nền hòa bình thực sự và lâu dài chỉ có thể thực hiện, khi nó dựa trên nền tảng là đạo đức toàn cầu về sự hợp tác phục vụ tương lai, đặc trưng bởi sự phụ thuộc lẫn nhau, và trách nhiệm chung trong toàn thể gia đình nhân loại.

Tiếp đến, đề cập đến việc kỷ niệm 20 năm Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 1325, về phụ nữ, hòa bình và an ninh được tổ chức vào ngày 03/10 năm ngoái (2020), Đức ông nhắc đến những đóng góp của phụ nữ trong việc hòa giải và xây dựng hòa bình, một đóng góp không thể thay thế. Đức ông nói: “Tòa thánh vẫn tin chắc cần phải thúc đẩy vai trò của phụ nữ ở tất cả các cấp độ trong việc ngăn chặn xung đột, quản lý và giải quyết khủng hoảng và các quá trình tái thiết sau chiến tranh”.

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi đặc biệt quan tâm đến nhân quyền, dân chủ và bình đẳng giới, áp dụng một cách tiếp cận tôn trọng cùng một mức độ tất cả các quyền con người được công nhận rộng rãi, để tránh thiết lập một hệ thống phân cấp giữa chúng. Bởi vì, nhân quyền không bao giờ được sử dụng như một phương tiện để thúc đẩy chương trình nghị sự về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa hoặc ý thức hệ, hay như những điều khoản mở mà các bên có thể thay đổi theo mục đích của họ. Do đó, Tòa Thánh hy vọng các quốc gia thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu tôn trọng các tiêu chí công bằng và chuyên nghiệp trong cơ cấu điều hành, để thực hiện các hoạt động và dự án tuân thủ các cam kết đã đưa ra, đặc biệt là trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Đức ông Urbańczyk cũng kêu gọi Thụy Điển, quốc gia làm chủ tịch của Tổ chức năm 2021, giữ chủ đề khoan dung và không phân biệt đối xử lên hàng đầu của chương trình nghị sự, chú ý đến tình trạng bất khoan dung ngày càng tăng và phân biệt đối xử với các Kitô hữu, Do Thái, người Hồi giáo và các thành viên của các tôn giáo khác. Cụ thể, Đại diện Tòa Thánh mời gọi áp dụng một cách tiếp cận thừa nhận tính đặc thù của các hình thức bất khoan dung và phân biệt đối xử này, và đáp ứng các nhu cầu cụ thể của các cộng đồng có liên quan, không thể hiện thành kiến hoặc sự lựa chọn ưu tiên giữa chúng. Đức ông Urbańczyk tin chắc, bằng cách này Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu sẽ có thể đáp ứng hiệu quả với các thách đố an ninh mà tất cả các cộng đồng tôn giáo trong khu vực phải đối mặt. (CSR_322_2021)

Nguồn: Ngọc Yến – Vatican News