Trong tiềm thức con người khắp nơi trên thế giới, ai ai cũng tôn kính cha mẹ, ông bà tổ tiên. Cách riêng đối với dân tộc ta, hình thức tôn kính ông bà tổ tiên từ xa xưa đến nay được thể hiện qua việc cúng bái dù có theo hay không theo một tôn giáo nào. Việc thờ cúng gia tiên được nâng lên một tầm cao trong dân gian Việt Nam là Đạo Ông Bà. Cúng bái được thực hiện trong gia tộc và trong mỗi gia đình, là cách mà con cái, những người còn sống dâng lên ông bà tổ tiên những nén nhang, hương hoa cùng với những thức ăn hàng ngày để tưởng nhớ, để đền đáp những công lao mà ông bà cha mẹ đã sinh thành và dưỡng dục. Điều này được thực hiện và kế thừa từ đời này sang đời khác, trở thành một tục lệ mà mỗi người đều phải làm theo. Nếu không làm thì bị xem như là một tội đồ, tội bất hiếu. Tất cả những cột mốc quan trọng của đời người như cưới hỏi… đều phải quy bái ông bà tổ tiên để thể hiện lòng thành kính.

Người Công giáo chúng ta không có hình thức cúng nhưng vẫn thắp những cây hương, dâng những đóa hoa để tỏ lòng kính bái. Hơn nữa, một trong Mười Điều Răn mà Chúa dạy là “Thảo Kính Cha Mẹ”. Nói một cách cụ thể hơn là phải vâng lời cha mẹ, không làm điều gì buồn phiền, phải phụng dưỡng ông bà cha mẹ lúc còn còn sống.

Trong niềm tin Kitô giáo, nước Thiên Đàng là nơi bất kỳ ai cũng khao khát được về sau khi lìa khỏi thế gian này. Với lẽ đó thì điều quan trọng nhất là cầu nguyện cho ông bà cha mẹ được sớm về Nước Trời để hưởng nhan thánh Chúa sau khi chết. Điều này được thực hiện bằng lời cầu trong kinh nguyện hàng ngày và xin lễ.

Có một điều hiểu lầm rất đáng tiếc là nhiều anh chị em lương dân vẫn còn đưa ra lời trách móc chúng ta thường nghe: “Theo đạo công giáo là bỏ ông bỏ bà”. Đáng tiếc nữa là rất nhiều người công giáo vẫn không biết rằng cách đây đúng một năm, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã công bố văn bản “Hướng Dẫn việc Tôn Kính Tổ Tiên”.

Thật ra, luật Chúa dạy rất rõ rằng phải Thảo Kính Ông Bà Tổ Tiên. Việc tôn kính ông bà tổ tiên phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc là điều không có gì đi ngược với niềm tin Kitô giáo. Chỉ cần loại bỏ những gì là mê tín dị đoan. Ngoài việc thắp nhang, cúng giỗ theo tinh thần văn hoá dân tộc người tín hữu còn có cả một tháng Mười Một được dành riêng để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

Khi viếng nhà thờ hoặc nhà nguyện, đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính vào ngày 2/11, ngày lễ “cầu nguyện cho các tín hữu qua đời”. Viếng nghĩa trang và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời trong những ngày từ 1-8/11 sẽ được lãnh nhận Ơn Toàn Xá và Ơn đó sẽ được nhường lại cho các linh hồn. Truyền thống Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn dành ngày Mồng 2 Tết để cầu nguyện và tưởng nhớ Ông Bà Tổ Tiên.

Và đây, chúng ta đang chuẩn bị bước qua tháng Mười Một, mỗi tín hữu hãy dành thời gian cầu nguyện, dự lễ và viếng nghĩa trang để tỏ lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên, những người đã khuất. Mong rằng những việc làm ý nghĩa đó được thực hiện trong mỗi gia đình và có sức mạnh lan tỏa đến những người xung quanh, những người chưa biết Chúa để họ hiểu đúng sự hiếu thảo của người Công giáo đối với ông bà tổ tiên. Qua đó việc truyền bá Phúc Âm trên quê cha đất tổ của chúng ta được thuận buồm xuôi gió và sinh nhiều hoa, kết nhiều trái.

Xin Thiên Chúa tha thứ những lầm lỗi mà những người sinh thành dưỡng dục ta phạm phải lúc còn sống để những linh hồn thân yêu đó mau chóng về sống ở Cõi Trường Sinh.

Andre Phong

Truyền Thông Chính Tòa Đà Nẵng