“Được rửa tội và được sai đi – Người tín hữu Chúa Kitô tham gia sứ mạng loan báo Tin Mừng” là chủ đề của Sứ điệp Truyền giáo được Đức Giáo Hoàng Phanxico gửi đến toàn thể dân Chúa trong tháng truyền giáo năm nay. Mỗi người được nhận bí tích rửa tội là một sứ mạng trong thế giới để mang lại hoa trái của tình yêu Thiên Chúa, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em (Ga 20, 21).
Đây là một thông điệp mạnh mẽ và hết sức nóng bỏng trong xã hội ngày nay khi mà người ta tôn thờ đời sống thực dụng, thậm chí biến thần linh vào các cuộc xin cho đổi chát.
Theo giáo luật điều 211 thì:
Tất cả mọi Kitô hữu có bổn phận và có quyền hoạt động để cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền đạt tới toàn thể nhân loại trong mọi thời và mọi nơi.
Nếu thử làm một phép tính trong số những người được “rửa tội” có bao nhiêu phần trăm được “sai đi”, chắc rằng sẽ là một kết quả rất đáng buồn. Lướt qua thống kê dân số thế giới năm 2017 là 7 tỷ 408 triệu người, trong đó chỉ có 1 tỷ 313 triệu người Công giáo được rửa tội, chiếm 17,7% dân số thế giới. Và rằng có bao nhiêu trong số họ đến nhà thờ Chủ Nhật hằng tuần, số người giữ đạo còn lại bao nhiêu ??? Hiện tượng nhà thờ trống vắng người là rất đáng báo động ở các nước Âu Mỹ, thậm chí một số nhà thờ phải đóng cửa vì không có giáo dân. Điều này cho thấy nhu cầu bức bách của việc truyền giáo và tái truyền giáo ở mức độ toàn cầu.
Còn ở Việt Nam có khoảng 4500 giáo xứ với hơn 4000 linh mục, 22 ngàn tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng tu, hơn 2400 đại chủng sinh với hơn 7 triệu giáo dân, chiếm khoảng dưới 8% dân số.
Vậy thì cánh đồng truyền giáo của chúng ta thật là bao la với hơn 92% dân số Việt Nam chưa biết Chúa. Trong suốt hơn 400 năm từ khi Tin Mừng được các giáo sĩ dòng Tên mang đến thì chúng ta đã trải qua lịch sử đau thương đầy máu và nước mắt. Phần lớn là thời gian bị bách hại, bị quấy phá và bị chống đối không những bởi chính quyền mà còn bởi cộng đồng xã hội. Họ xem đạo Chúa là cái gai trong mắt nhà cầm quyền, là dấu chấm hỏi trong đạo thờ cúng ông bà tổ tiên và là kẻ ngoại lai trong các tục thờ cúng của lễ hội truyền thống thì việc thực hành tôn giáo và truyền giáo là một điều hết sức khó khăn. Nhưng nhờ những giọt máu đào anh dũng của các thánh tử đạo và nhờ sự sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt qua việc siêng năng lần hạt Mân Côi của hầu hết người công giáo, nên Giáo Hội Việt Nam đã tồn tại và không ngừng lớn mạnh cho đến hôm nay. Trong tháng Mân Côi, Giáo Hội dành tuần thứ ba với tên gọi Khánh Nhật Truyền Giáo để kêu gọi mỗi người nhận thức bổn phận truyền giáo của mình và truyền giáo ở đây không phải là mỹ từ cao xa, không chỉ dành riêng cho các tu sĩ nam nữ, các linh mục đã thánh hiến cuộc đời mình cho Giáo hội mà là chính bản thân mỗi giáo dân chúng ta. Không phải thật là uyên bác, không phải hiểu thật rộng về giáo lý Chúa mà một cách đơn giản cần những hành động cụ thể, tấm gương sáng đối với những người xung quanh, để họ thấy con cái Chúa là những người tốt, những người đạo đức, từ đó họ có cảm tình với đạo Chúa và rồi sẽ tìm hiểu về nước Chúa.
Nếu mỗi Kitô hữu là một “thợ gặt” theo đúng nghĩa thì chúng ta sẽ có cơ hội lấp dần khoảng cách giữa người Công giáo và lương dân. Ước gì chúng ta phải hành động bằng cả trách nhiệm và bổn phận của một tín hữu để lời kinh: “chúng con nguyện danh Cha cả sáng …” không còn quá xa với thực tiễn, tìm cách đem Tin Mừng đến mọi nơi mọi lúc, biết sống chân thành với những người xung quanh, sẻ chia yêu thương với những người thiếu thốn, biết lắng nghe tâm tư và đồng hành cùng những gia đình đang gặp khó khăn trong đời sống hôn nhân và cũng đừng quên giới thiệu Chúa đến với họ và cầu nguyện cho họ… thì chúng ta đã là cánh tay nối dài của các lịch mục, tu sĩ trong việc gieo hạt giống Tin Mừng trên quê hương đất Việt này.
Và cuối cùng chúng ta khẩn thiết cầu nguyện qua lời kinh Mân Côi và nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria để: “xin Chúa ban cho đoàn chúng con nên Tông Đồ thiện toàn mở Nước Chúa Trời”. Amen
Mika