Cha Nicanor Austriaco, một linh mục dòng Đa Minh người Philippines, vừa bắt đầu dự án đầy tham vọng về một loại vắc-xin giá rẻ nằm trong khả năng của mọi người, đặc biệt là người nghèo.

Dự án có tên “Dự án Pagasa”, đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và nhắm xác định một loại vắc-xin chống Covid mà tất cả mọi người đều có đủ khả năng chi trả. Nhưng điểm đặc biệt khác thường của dự án này là nó được phát triển bởi một linh mục dòng Đa Minh người Philippines, người trước khi trở thành linh mục là một nhà khoa học chuyên môn cao.

Cha Austriaco đã quyết định điều chế vắc-xin khi cha nhận ra rằng nhiều loại vắc-xin có sẵn đã được hứa hẹn cho các nước giàu. Cha cũng hiểu rằng dự án sản xuất vắc-xin cho người nghèo của cha là “một ý tưởng điên rồ” xét vì những thiếu thốn phương tiện và tài chính, nhưng cha đang nghiên cứu nó với hy vọng sẽ thành công.

Cha tin rằng cha có đủ nguồn tài lực để thực hiện quá trình này và nhấn mạnh rằng cha sẽ chỉ yêu cầu chính phủ phê duyệt nếu việc thử nghiệm trên động vật có kết quả. Các thí nghiệm sẽ được thực hiện trong các phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ, trong khi các thử nghiệm trên động vật sẽ diễn ra trong các phòng thí nghiệm của Đại học thánh Tôma Aquinô ở Manila.

Quá trình hoạt động khoa học

Cha Austriaco có nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Cha là giáo sư trợ giảng về sinh học và thần học tại Đại học Providence, Hoa Kỳ, và cũng là nhà nghiên cứu đứng đầu các phòng thí nghiệm. Cha đã tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật sinh học tại Đại học Pennsylvania năm 1989, và sau đó nhận bằng tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts danh tiếng vào năm 1996.

Năm 1997, cha gia nhập Dòng Đaminh khi đang là sinh viên của Viện Y khoa Howard Hughes. Sau đó cha học thần học để trở thành linh mục và cuối cùng lấy bằng tiến sĩ về Phụng vụ tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ, vào năm 2005.

Phòng thí nghiệm của cha tại Đại học Providence nghiên cứu vấn đề di truyền của các tế bào được lập trình để chết bằng cách sử dụng nấm men làm mẫu sinh vật. Cha cũng là tác giả cuốn sách “Y sinh và hạnh phúc: nhập môn về đạo đức sinh học Công giáo”. (ACI 18/12/2020)

Nguồn: Hồng Thủy – Vatican News