Tóm lược chủ đề: Nhà biên soạn thực sự của Manuductio Ad Linguam Tunckinensem (Văn phạm Việt ngữ thế kỷ XVII đến XVIII), do Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly trình bày.

Lịch sử chữ Quốc ngữ

Vì trong bối cảnh của Hội thảo bốn trăm năm hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, Kiều Ly đã bắt đầu bằng khái quát và một số kết quả nghiên cứu mới về lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615 – 1919.

Chữ Quốc ngữ là một công cụ để khai dân trí, có thể chia thành 4 giai đoạn phát triển:

  • Giai đoạn 1615-1651: khám phá tiếng Việt, tìm phương pháp ghi tiếng Việt theo con chữ La tinh và soạn từ điển
  • Giai đoạn 1651-1858: phổ biến trong giới có đạo, trong các trường đào tạo linh mục bản xứ
  • Giai đoạn 1858-1945: cùng với sự có mặt của Pháp tại Việt Nam, chữ Quốc ngữ được phổ biến vượt ra khỏi cộng đồng Công giáo, được dạy trong các trường học
  • Giai đoạn 1945-nay: chữ Quốc ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức của Việt Nam

Việc mô tả các ngôn ngữ bản địa tại Việt Nam theo tiếng La tinh không phải là một hiện tượng đơn lẻ. Công cuộc miêu tả ngôn ngữ của các thừa sai rất vĩ đại tại tại mọi châu lục trên thế giới.

Trong giai đoạn 1615-1651 được chia thành 03 giai đoạn nhỏ:

  • 1615-1630: tìm hiểu tiếng Việt và tìm phương pháp ghi âm
  • 1630-1634: những năm bản lề của việc La tinh hoá tiếng Việt
  • 1634-1651: phổ biến phiên âm tiếng Việt và in từ điển Việt-Bồ-La

Tiếng Việt của thế kỷ 17 hơi khác so với tiếng Việt ngày nay. Chữ ‘trời’ ngày nay, ở thế kỷ 17 có thể ghi ‘blời’ hoặc ‘mlời’, tuỳ theo từng vùng.

Trong giai đoàn tìm hiểu và ghi âm (1615-1630), các thừa sai nhanh chóng tìm ra các con chữ để ghi âm đầu tiếng Việt. Có 06 con chữ để ghi âm các nguyên âm: a, e, i, o, ô, u và có 04 dấu thanh: ‘ , ‘ ~ ?.

Năm 1630, có cuộc gặp gỡ vô cùng quan trọng đối với chữ Quốc ngữ ở Macao về việc so sánh ngôn ngữ của 3 nước và dịch kinh Lạy Cha sang 3 ngôn ngữ đó. Nhờ cuộc gặp gỡ này mà việc định hình ghi tiếng Việt bằng con chữ La tinh được rõ hơn. (Tiếng Việt là tiếng đơn âm tiết, có thanh điệu).

Báo cáo của Antonio de Fontes năm 1631 đã ghi nhận chắc chắn tính đơn âm tiết của tiếng Việt (mỗi âm tiết ghi liền ra chứ không còn dính vào nhau như trước), các dấu thanh được dùng chính xác và xuất hiện thêm: â, ô, ơ, ư.

Năm 1634, Gaspar do Amaral soạn một cuốn từ vựng.

Năm 1645, tại Macao đã diễn ra cuộc họp của các thừa sai dòng Tên về mô thức rửa tội: “Tau rữa mâi nhân danh Cha ùa Con, ùa spirito santo”.

Cuốn từ điển Việt-Bồ-La, ban đầu chỉ là Việt-Bồ, nhưng sau được đề nghị thêm La tinh vào, vì La tinh vẫn là ngôn ngữ chính trong Giáo hội Công giáo. Và phần La tinh rất quan trọng, vì giải thích rất đầy đủ và hay các từ vựng trong đó.

Cha Đắc Lộ về Roma không chỉ để in sách, mà còn vận động Toà Thánh gởi thêm thừa sai đến miền Đông Phương. Hội Thừa Sai Paris (MEP) được thành lập với 3 nguyên tắc của Bộ Truyền bá Đức tin: thích ứng với phong tục tập quán địa phương, thành lập giáo sĩ bản xứ và thông tin liên lạc với Roma. Từ đó việc đào tạo linh mục bản xứ được đẩy mạnh, trường đào tạo linh mục được thành lập tại cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Việc học La tinh cũng như chữ Quốc ngữ cũng được đẩy mạnh.

Năm 1685, Giám mục Deydier yêu cầu các văn bản quan trọng đều phải viết bằng con chữ La tinh. Dẫn đến vai trò của chữ tiền Quốc ngữ thay đổi. Trước đây, chỉ là công cụ học tiếng. Bây giờ thành một công cụ để giao tiếp giữa các thầy giảng, giữa giáo dân người Việt với nhau, với người nước ngoài.

Chữ Quốc ngữ lan rộng hơn dưới thời Pháp thuộc. Năm 1846, chữ Quốc ngữ được dạy song song ở trường học. Năm 1871, Dupré ra quyết định các học trò phải viết bài khoá bằng chữ Quốc ngữ ở các kỳ thi.

Năm 1898, chữ Quốc ngữ được đưa vào chương trình thi tuyển quan lại cho Việt Nam.

Năm 1919, vua Khải Định ra chiếu rằng: “Kỳ thi năm nay là khoá cuối cùng, đường khoa cử từ đây dứt hẳn”.

Vì sao chữ Quốc ngữ khai dân trí? Khi người Pháp đưa chữ mới vào trường học, thì đồng thời kiến thức mới cũng được giới thiệu. Giờ đây không còn chỉ là tam cương, ngũ thường… mà người Pháp còn mang cả mang những văn minh khai sáng cho người Việt. Ngoài ra, nhiều tờ báo cũng xuất hiện, như Gia Định Báo đã tham gia vào việc phổ biến những kiến thức mới.

Liam C. Kelly cho rằng việc phổ biến chữ Quốc ngữ ở đầu thế kỷ 20 gây ra một sự ngắt quãng về thế hệ giữa các trí thức người Việt. Tuy nhiên, những khái niệm như: dân tộc, tổ quốc, quốc dân, văn minh, khai hoá… đưa vào chương trình học sẽ làm cho thế hệ trẻ này nghĩ khác thế hệ cha anh, đánh thức dạy lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc (và phong trào yêu nước ra đời).

Nhà biên soạn thực sự của Manuductio Ad Linguam Tunckinensem (Văn phạm Việt ngữ thế kỷ XVII đến XVIII).

Cuốn Manuductio trong bộ sưu tập Jesuitas na Ásia tại Thư viện Ajuda ở Lisbon và theo Roland Jacques cho rằng tác giả của nó là một người Đức và đó là cha Honuger Burgin. Bản thân Ts. Kiều Ly thống nhất quan điểm rằng tác giả cuốn Manuductio là một người Đức, nhưng không đồng ý với Roland Jacques rằng Burgin là tác giả và Pina đã hoàn tất cuốn văn phạm.

Tiêu đề cuốn sách là nhập môn tiếng Đàng Ngoài. Pina chỉ sống Đàng Trong.

Và liệu cha Pina đã soạn xong được một cuốn ngữ pháp? Đến 1622 hay 1623, Pina có viết trong tường trình rằng cha đang bắt tay vào việc soạn văn phạm. Nhưng ngài đột ngột mất năm 1625, vậy thì liệu rằng cuốn văn phạm đó đã hoàn thành? Và cho đến hiện nay, chưa có tài liệu nào cho thấy Pina đã hoàn thành xong một cuốn ngữ pháp.

Ngay cả cha Amaral trong các tường trình cũng không có nhắc gì đến việc soạn thảo ngữ pháp. Đều này có thể do quan điểm rằng tiếng Việt không có ngữ pháp vẫn còn đang phổ biến cho đến khi cha Đắc Lộ viết sách ngữ pháp.

Thanh điệu cũng là một vấn đề lớn. Sự khác biệt vùng miền, cũng đã tạo nên Đàng Ngoài có 6 thanh điệu, Đàng Trong có 5 thanh điệu. Vì vậy giả thuyết cha Pina đã mô tả được thanh điệu của tiếng Việt là không đúng. Có chăng, cha Pina mới mô tả được thanh điệu của Đàng Trong mà thôi.

Sau đó Ts. Kiều Ly tiếp tục so sánh giữa cuốn Brevis Declaratio của cha Đắc Lộ và Manuductio không rõ người soạn.

Những nỗ lực về so sánh ngôn ngữ trong các bản văn và mốc thời gian hoạt động của các thừa sai, Ts. Kiều Ly cố gắng chứng minh rằng Linh mục Burgin không thể là tác giả của Manuductio. Và tác giả đi đến giả thuyết tác giả thực sự của Manuductio là Linh mục Philippus Sibin vào khoảng những năm 1714-1721.

Xin mời xem hình tại hội thảo tại đây:

 
Failed to get data. Error:
Quota exceeded for quota metric 'All requests' and limit 'All requests per day' of service 'photoslibrary.googleapis.com' for consumer 'project_number:550528419474'.