HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU: LỊCH SỬ VÀ LINH ĐẠO
Trong khuôn khổ Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu, kỷ niệm 135 năm Đức Mẹ hiện ra (11/9/1885 – 2020), ban Năm Thánh giáo phận Đà Nẵng đã tổ chức cuộc hội thảo với chuyên đề: Đức Mẹ Trà Kiệu, lịch sử và linh đạo, vào ngày 23/11/2020 tại nhà thờ Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu. Có 230 tham dự viên là quý Cha, quý Thầy, quý Sơ, quý Đại diện ban Thường vụ Hội đồng mục vụ các giáo xứ và ban điều hành các đoàn thể cấp giáo phận. Đây là cuộc hội thảo chuyên đề đầu tiên về Đức Mẹ Trà Kiệu.
Chương trình hội thảo từ 08 giờ đến 16 giờ 30. Sau lời chào mừng và giới thiệu lý do ngày hội thảo của Cha Bonaventura Mai Thái – Tổng đại diện giáo phận, Đức Giám mục giáo phận đã ban huấn từ, Ngài nêu ý nghĩa, dấu ấn Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu, những trở ngại của dịch bệnh ảnh hưởng đến các hoạt động của cộng đoàn Dân Chúa trong Năm Thánh. Đức Cha nói đến cảm nhận Ơn Thánh, hành trình sống ơn gọi, và việc hướng đến ngày Bế mạc Năm Thánh (03/12/2020). Đức Cha cầu chúc mỗi người lĩnh hội văn hóa, lịch sử và Linh Đạo Đức Mẹ Trà Kiệu và ngày hội thảo nhiều niềm vui và an bình. Trước lúc kết lời, Đức Giám mục đã tuyên bố khai mạc ngày hội thảo.
Có 5 bài tham luận :
Các diễn giả là những chuyên gia chuyên sâu về Thánh Mẫu học, đã đưa nhiều dẫn chứng khảo cổ, lịch sử, Thánh Kinh, Thánh truyền, các Tông Huấn giáo huấn, mạc khải Kinh Thánh và giáo lý của Giáo Hội, xuyên suốt từ các Thánh Giáo phụ đến nay để dẫn giải tước hiệu “Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu”. Và việc Dân Chúa kêu cầu danh thánh Đức Mẹ phù hộ có từ rất xa xưa, từ thế kỷ thứ 3 (Kinh Trông Cậy). Đức Mẹ luôn luôn yêu thương chăm sóc chở che đoàn con trên khắp thế giới, cách đặc biệt một số nơi Đức Mẹ hiển linh để phù hộ con người như tại Fatima (Bồ Đào Nha), Lộ Đức (Pháp), Xà Sơn (Trung Hoa) ,La Vang và Trà Kiệu (Việt Nam), Guadalupe (Mexico) và nhiều nơi khác trên thế giới. Đức Mẹ làm phép lạ phù hộ Giáo hữu trong rất nhiều biến cố, suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, Mẹ chuyển những ước nguyện, lời cầu của đoàn con lên Thiên Chúa.
Trong đề tài thứ 2, anh Giuse Maria Phạm Cảnh Đáng thuyết trình những chứng từ Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu tại Trà Kiệu, trong biến cố quân Văn Thân tấn công giáo xứ Trà Kiệu từ ngày 01 đến ngày 21/9/1885. Những chứng từ về diễn tiến cuộc giao tranh giữa quân Văn Thân với giáo dân Trà Kiệu, sự chênh lệch binh số, tướng và quân chuyên nghiệp, khoảng 10.000 quân, với vũ khí đại pháo Thần Công hỏa lực mạnh và voi chiến. Trong khi đó, giáo dân là nông dân, có khoảng 370 nam từ 16 đến 60 tuổi và một ít phụ nữ, với vũ khí giáo mác tự rèn tự chế. Nếu không có sự che chở của Đức Mẹ , làm sao chống cự nổi. Anh Giuse Maria cũng nêu các chứng từ của anh chị em lương dân ở các làng xung quanh Trà Kiệu về việc thấy Đức Mẹ hiện ra trợ giúp các giáo hữu . Một chứng từ quan trọng, trong thư tường thuật của linh mục Bruyère – quản xứ gởi linh mục Gane tại Tòa Giám mục Qui Nhơn tháng 10/1885 và nhất là ngay sau cuộc chiến tranh này, linh mục Geffroy đã đến thăm Trà Kiệu và ở lại đây suốt hơn 3 tháng để tìm hiểu tường tận sự kiện đặc biệt quan trong này, là “TẠI SAO GIÁO XỨ TRÀ KIỆU THOÁT ĐƯỢC CUỘC BAO VÂY TẤN CÔNG CỦA QUÂN VĂN THÂN ?”. Ngài đã nghe chính Cha quản xứ và những người trực tiếp tham gia chiến đấu tường thuật lại từng chi tiết suốt 21 ngày đêm bị quân Văn Thân bao vây tấn công. Và ngay sau đó, linh mục Geffroy đã viết bài tường thuật đầy đủ và chính xác, bài viết này được đăng trên tuần báo“ Missions Catholique” ở Pháp vào các ngày 3, ngày 10 và ngày 17 tháng 9 năm 1886. Qua rất nhiều chứng từ, anh Giuse Maria đã chứng minh: Giáo xứ Trà Kiệu đẩy lui quân Văn Thân là nhờ Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu Trà Kiệu thoát khỏi sự hủy diệt của đạo quân Văn Thân.
Trong cuộc hội thảo, có rất nhiều ý kiến của tham dự viên được các diễn giả giải đáp cách thỏa đáng và chân dung Linh Đạo Đức Mẹ Trà Kiệu dần hé mở.
Xin cho chúng con thêm lòng yêu mến Đức Mẹ, thân thưa với Mẹ, với tình con thảo, tất cả buồn vui của cuộc đời. Chắc chắn Mẹ sẽ chuyển cầu với Chúa mọi nhu cầu và hoàn cảnh chúng con, xin Lòng thương xót Chúa và Mẹ ấp ủ chúng con.
Tin và ảnh: Tô-ma Trương Văn Ân