Sau khi viếng thăm đền thánh Phước Kiều, nằm trong lộ trình chuyến viếng thăm Giáo phận Đà Nẵng của Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân tộc (ĐHY TBLBTMCCDT), Đức Giám Mục giáo phận tiếp tục đưa phái đoàn về Hội an, nơi mà cách đây 400 năm chính là vùng đất mà các vị thừa sai đã đặt chân để bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam (18.01.1615).
Đoàn xe vừa vào đến sân nhà thờ, Cha quản xứ, Macello Đoàn Minh và giáo dân đã đứng sẵn để đón tiếp Đức Hồng Y và phái đoàn. Những bó hoa tươi thắm thay cho niềm vui dâng trào của cộng đoàn dân Chúa giáo xứ. Giáo dân đã không giấu nỗi cảm xúc vui mừng vỗ tay hoan hô và không tránh khỏi chen lấn để được nhìn rõ ràng khuôn mặt của vị “sứ giả Phúc Âm” đầu tiên sau 400 năm đến Hội An.
Vào nhà thờ, sau giây phút thinh lặng cầu nguyện trước Thánh Thể và chào mừng cũng như Cha Quản xứ bày tỏ niềm vui và biết ơn về sự hiện diện của Đức Hồng Y và phái đoàn trong đó có Đức Tổng Giám Mục (TGM) Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM Việt Nam và quý Đức Cha. Tiếp đến ngài trình bày ngắn gọn nhưng súc tích về sự hình thành giáo xứ Hội An trong quá trình rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam. “Lịch sử ghi rõ: ngày 18 tháng 01 năm 1615, một người Ý, đồng hương với ĐHY, thuộc Dòng Tên, cha Phanxicô Busomi, cùng với cha Diego Carvalho và một số kitô hữu người Nhật tới cảng Hội An bắt đầu việc truyền giáo với việc xây dựng cộng đoàn Hội An.”
Quả thực, hạt giống đức tin đã gieo vãi, Hội An nói riêng, Giáo Hội Việt nam nói chung không thiếu những cơn bách hại nhưng Ơn Chúa vẫn ở cùng để Hội An tự hào thế kỷ 17 từng là điểm đến của các nhà thừa sai và hôm nay vẫn là điểm đến đức tin của những người khách hành hương muốn tìm về cội nguồn thăm nhà thờ, viếng mộ của các giáo sĩ.
Cha Quản xứ thay mặt cộng đoàn xin ĐHY và phái đoàn “cầu nguyện cho chúng con tiếp bước các ngài sống niềm tin Kitô trong hoàn cảnh xã hội và lịch sử hiện nay cách trung thành và trung thực”.
Trong dịp này Cha Quản xứ thay mặt cộng đoàn dâng lên Đức Hồng Y món quà là bức tranh vẽ cảnh Hội An ở thế kỷ thứ 17, thời kỳ các vị thừa sai đến rao giảng.
Trong lời đáp từ, ĐHY đã nhấn mạnh đến: Phúc cho những bước chân rao giảng Tin Mừng, và cũng phúc cho những ai biết tiếp đón những người rao giảng Tin Mừng. Trong 400 năm rao giảng, các tín hữu Kitô không ngừng bị bách hại, nhưng hạt giống Tin Mừng đã được gieo vãi và trổ sinh nhiều hoa trái.
Nhân dịp đặc biệt hiếm có này, Cha Quản xứ đã chuẩn bị để Đức Hồng Y làm phép viên đá cho công trình TRUNG TÂM MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO BUZOMI. Đây là một công trình không chỉ cần thiết cho Hội An hay giáo phận Đà Nẵng, song là một công trình vô cùng ý nghĩa cho Giáo Hội Việt Nam. Nó vừa ghi nhận sự hy sinh của các vị thừa sai tiên phong trong công cuộc truyền giáo tại Việt nam vừa ghi nhận một công trình văn hóa của dân tộc Việt Nam là chữ Quốc ngữ.
Sau đó, Cha Quản xứ, cùng với Đức Giám Mục Giáo phận đưa ĐHY và phái đoàn ra viếng và thắp hương trước phần mộ của các vị thừa sai. Một nghĩa cử thắm đượm và khơi dậy lòng tri ân các vị thừa sai, là những người dám từ bỏ xứ sở, quê hương, gia đình đem Tin Mừng đến trên vùng đất này.
Tiếp theo, Đức Hồng Y và phái đoàn được Cha Quản xứ giới thiệu bia đá tưởng niệm 400 năm Tin Mừng đến Hội An bằng cẩm thạch thật đẹp và ý nghĩa. Đức Hồng Y, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Đức giám mục Giáo phận, các Giám Mục và cha quản xứ đã lần lượt ký tên vào đế của bức phù điêu.
Xong các nghi thức cũng đã quá trễ, sau khi dùng cơm trưa tại nhà xứ, phái đoàn vội vã lên đường về Tòa Giám Mục để chuẩn bị cho đại lễ mừng bế mạc năm thánh kim khánh giáo phận và kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng tại nhà thờ Chính Tòa. Đoàn xe đưa Đức Hồng Y và phái đoàn chạy theo con đường sát biển như muốn nhắc lại cuộc hải hành của các vị thừa sai tiên khởi 400 năm về trước với lòng biết ơn và quyết tâm tiếp nối công cuộc truyền giáo của các ngài.
Nguồn: giaophandanang.org
Xin mời xem hình đầy đủ và dung lượng lớn ĐHY Fernando Filoni tại Hội An
Xin mời xem toàn bộ hình ảnh đẹp từ nhiều máy chụp khác nhau từ đón tiếp từ xa: Huế đến tiễn ra sân bay, nhất là Thánh Lễ Đại Triều tại đây: