Để chuẩn bị, nhất là tâm hồn, các Giảng Viên Giáo Lý Giáo Xứ Chính Tòa đã có buổi tĩnh tâm vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, ngày 20/3/2016 do cha Phụ tá Fr. Lê Văn La Vinh, OP hướng dẫn. Dưới đây xin được chia sẻ toàn văn bài giảng phòng của ngài.
Người GLV được ủy thác một tác vụ đặc biệt, đó là thông truyền kho tàng đức tin Công giáo cho thế hệ trẻ. Kho tàng mà bạn chuyển giao cho thế hệ trẻ hôm nay là một đức tin sống động, tích cực và được lưu truyền từ thời các thánh Tông đồ cho đến ngày hôm nay. Người giáo lý viên hôm nay phải có (thủ đắc) kho tàng này, cảm nghiệm nó, chia sẻ và loan truyền kho tàng mà mình có được cho thế hệ em cháu.
Bạn được mời gọi trở thành Giáo lý viên, có thể lời mời gọi này đến với bạn không mạnh mẻ, ấn tượng như ơn gọi của Phaolo, của các ngôn sứ thời Cựu Ước hay như của các thánh sau này… có thể chỉ đơn giản là một cuộc gặp gỡ với cha xứ, một lần đưa con (em, cháu) đi học giáo lý, hay thậm chí chỉ là một lời kêu mời của bạn bè… và bạn đã trở thành người Giáo lý viên qua lời đáp xin vâng của mình. Một tiếng xin vâng khẽ nhẹ, có thể là mơ hồ… như lại mang một ý nghĩa lớn lao, Khi nói lời xin vâng này, bạn đã thuận theo lời mời gọi của Bí tích Rửa tội để trở nên một môn đệ của Đức Kitô và nhân danh Người mà giảng dạy.
Khi đáp lại ơn gọi của người Giáo lý viên, bạn không hề đơn độc; bạn được liên kết với hàng trăm ngàn tín hữu Công giáo nhiệt thành khác, những người cùng đáp lại ơn gọi phục vụ ấy. Bạn đã đáp lại lời mời gọi ấy vì bạn đã yêu mến Chúa Giêsu, và mong muốn chia sẻ tình yêu ấy cho người khác.
Là GLV, bạn được ủy thác trách vụ loan truyền toàn vẹn sứ điệp của Thiên Chúa trong sự trung thành với giáo huấn của Hội thánh. Và như thế, bạn rất cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể đảm nhận sứ vụ này: Các khoá đào tạo căn bản, các buổi hội thảo, tĩnh tâm, các cuộc hội họp… sẽ là những cơ hội để giúp bạn có đủ chất, đủ nguồn, đủ năng lực… để có thể đảm nhận sứ vụ này.
Trong tông huấn Catechesi Tradendae Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II nêu rõ: “Mục đích chính yếu của việc dạy Giáo lý là “Mầu nhiệm Đức Kitô”. Dạy giáo lý là cách dẫn dắt một người để họ học được tất cả các khía cạnh của mầu nhiệm này”. Khi dạy Giáo lý, chúng ta giảng dạy về chính Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể; và cũng chỉ có một mình Đức Kitô là Đấng giảng dạy – người nào khác giảng dạy, cũng chỉ vì người ấy là phát ngôn viên của Chúa Kitô”
Mọi Giáo lý viên phải luôn cố gắng truyền thụ bằng lời giảng dạy và cách sống của mình giáo huấn và đời sống của Đức Kitô.
Mà muốn nói về Đức Kitô, người Giáo lý viên phải “biết” Đức Kitô, phải “có” Đức Kitô trong cuộc đời của mình: tìm hiểu về Đức Kitô và nghe lời Đức Kitô nơi Lời Chúa (Kinh Thánh); cận kề, gần gủi với Đức Kitô trong các giờ Phụng vụ nhất là trong Thánh lễ.
Chúa Giêsu nắm vững giáo trình của mình. Người giảng dạy thính giả về tình yêu,về ơn tha thứ và lòng cảm thương bao la của Thiên Chúa, Cha của Ngài.
Chúa Giêsu biết khán giả của mình và Ngài giảng dạy phù hợp với nhu cầu của họ.
Ngài có biệt tài kể chuyện, thường dùng dụ ngôn để giảng giải về các mầu nhiệm Nước Trời. Ngài lấy kinh nghiệm cuộc sống thường ngày để giảng giải những mầu nhiệm cao siêu. Tư liệu giáo lý của Chúa là đàn chiên, mục tử, cá và lưới, ruộng lúa, vườn nho, bánh miến, mùa gặt…
Chúa Giêsu đã không giới hạn việc giảng dạy trong bốn bức tường của hội đường, Ngài giảng dạy trên núi, nới bãi biển, trên đường đi, trong phòng hội…thế giới là lớp học của Chúa Giêsu và Ngài tận dụng mọi cơ hội để giảng dạy.
Ngài cư xử hiền hòa với những ai thực tâm tìm kiếm chân lý, nhưng không ngại tranh luận với những ai giả hình và đầu óc huyển hoặc
Người Giáo lý viên được mời gọi để loan truyền sứ điệp của Chúa Giêsu cho người khác. Do đó, điều đầu tiên là người Giáo lý viên phải biết Chúa Giêsu: Biết Ngài qua học hỏi, tìm hiểu, qua suy niệm và cầu nguyện và qua việc tiếp xúc với Đức Giêsu nơi các bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể. Giáo lý viên cần chìm sâu vào, ngập lặn trong Chúa Giêsu khi soạn bài, khi giảng bài và khi đối xử với các em. GLV hãy nói về Chúa Giêsu cách say sưa, với tất cả niềm tin và sự vui mừng của bản thân mình.
Thứ đến người Giáo lý viên phải là người có lòng yêu mến: Đây là điều mà Chúa Gêsu đã hỏi đi hỏi lại ông Phêrô trước khi trao sứ vụ chăm sóc đàn chiên của Chúa (Ga 21,15-17). Khi có lòng yêu mến thật sự, người Giáo lý viên mới hăng say trong công việc, sẵn sàng dấn thân với các em (lớp học) mình được trao phó. Có như thế những lời nói, những bài giảng mà người GLV loan truyền sẽ có đầy niềm xác tín và hy vọng; từ đó sứ điệp họ loan truyền mới thật sự có sức hút với người nghe. Hơn nữa, lòng yêu mến sẽ giúp cho người GLV luôn trung thành và kiên trì trong công tác hàng tuần, hàng ngày của mình
Điểm cuối cùng cần có của một người giáo lý viên đó là lòng đạo đức và tác phong của mỗi người. GLV là người thầy của các em không chỉ trong việc giáo dục đức tin mà cũng là thầy trong phương diện nhân bản nữa. Khi tập cho các em các đức tính nhân bản: Trung thực, dũng cảm, trách nhiệm cao thượng, nhân hậu… thiết nghĩ, bản thân người GLV nêu gương sống và thực hành các đức tính này trước ngay trong những buổi lên lớp của mình qua việc chuyên cần, đúng giờ, soạn bài nghiêm túc, chuẩn bị lên lớp cách cẩn thận, có trách nhiệm trong giờ học (giờ dạy) của mình. Và quan trọng hơn hết là người giáo lý viên bày tỏ cho các em thấy được tâm tình tin kính (với Thiên Chúa) của mình qua cử chỉ, cung cách, sự trang nghiêm khi cầu nguyện, khi đọc lời Chúa, khi đi đứng trong nhà thờ…
Việc dạy giáo lý không đơn giản như việc truyền giảng một kiến thức ở đời, mà là chiếu tỏa ánh sáng Đức Kitô. Hay nói cách khác, dạy giáo lý là huấn luyện đời sống thân tình với Đức Kitô là Đấng đang sống và hoạt động giữa loài người chúng ta hôm nay . Do đó, người GLV phải gắn bó với Người qua việc gặp gỡ với Người trong Lời của Người và trong các bí tích. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng, dẫn dắt người GLV để họ biết loan truyền cách trọn vẹn Lời Chúa Kitô trong sự hướng dẫn của Giáo hội.
Kinh nguyện giáo lý viên
Lạy Chúa Giêsu là con một tự lòng Chúa cha / Chúa đã đến để mặc khải các mầu nhiệm Nước Trời cho những ai bé mọn / và đã thương cho con được dự phần vào sứ mạng rao giảng các mầu nhiệm ấy/
Xin Chúa ban cho con và mọi Giáo lý viên/ Thánh Thần tình yêu và sự thật/ để chúng con luôn kết hợp với Chúa và được Chúa hướng dẫn/
Xin cho con được vững tin mọi điều Chúa mặc khải và Hội thánh truyền dạy/
Xin cho con can đảm dạy điều con tin / và quảng đại thực hành điều con dạy/
Xin ban cho con ánh sáng và tình yêu / để con trình bày Lời Chúa thật sáng sủa và sống động/
Xin cho con biết quan tâm đến từng học sinh Chúa đã giao phó cho con / để con luôn yêu mến các em / cầu nguyện cho các em và dẫn đưa các em đến với Chúa.
Xin Chúa mở rộng cõi lòng các em / để các em hiểu biết và thực hành Lời Chúa/
Xin cho gia đình các em biết quý trọng phần rỗi của con cái mình / luôn thúc đẩy các em đến với Chúa / và xin cho các em biết đem Chúa về lại với gia đình / Amen.