Trước việc chính phủ Hà Lan bật đèn xanh cho việc không trừng phạt đối với việc áp dụng an tử (euthanasia) cho các trẻ em mắc bệnh nan y, cho đến 12 tuổi, Đức Hồng Y Eijk kêu gọi đừng thực hiện bước cuối cùng này và khẳng định rằng nghĩa vụ luân lý vẫn là cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ cho trẻ em, bao gồm cả y tế, tâm lý và mục vụ.
Cho đến nay, tại Hà Lan, quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa “an tử”, việc thực hiện “an tử” không bị kết tội trong các trường hợp trẻ sơ sinh bị bệnh nan y, được cha mẹ yêu cầu; đối với các bệnh nhân vị thành niên trên 12 tuổi, với sự đồng thuận của họ và của cha mẹ; và trẻ em từ 16-18 tuổi thì không cần sự đồng thuận của cha mẹ. Về những trẻ em từ 1 đến 12 tuổi bị bệnh nan y và đau đớn, luật pháp không quy định điều gì. Một số bác sĩ nhi khoa yêu cầu làm rõ về điểm này.
Quy định mới: chăm sóc giảm đau không đủ thì thực hành “an tử”
Nhưng cách đây 2 tuần, Bộ trưởng Y tế Hugo de Jonge đã thông báo về việc chính phủ đồng ý mở rộng việc cho phép thực hiện “an tử” cho nhóm tuổi 1 đến 12, và quyết định này sẽ được điều chỉnh bởi các quy định bổ sung sẽ có hiệu lực trong những tháng tới.
Biện minh cho quyết định này, Bộ trưởng Y tế Hà Lan trích dẫn kết luận nghiên cứu của một nhóm chuyên gia: một mặt khuyến nghị cải tiến việc chăm sóc giảm đau và hiểu về chăm sóc này đối với trẻ em 1 đến 12 tuổi, nhưng đàng khác, trong một số trường hợp, mỗi năm có từ 5 đến 10 trường hợp, những chăm sóc giảm đau là không đủ để giảm đau khổ. Trong những trường hợp này, bác sĩ nhi khoa nên được thực hiện “an tử” mà không bị kết tội.
Giá trị nền tảng của sự sống con người
Trong lá thư gửi chính phủ để chống lại quyết định này, Đức Hồng y Willem Eijk, tổng giám mục Utrecht, nói rằng nếu quyết định này thành hiện thực, sự sống con người có thể bị các bác sĩ chấm dứt từ lúc thụ thai cho đến ở bất cứ độ tuổi nào, trong những điều kiện nhất định mà họ không bị kết tội. Đức Hồng y nhấn mạnh rằng sự sống con người có giá trị nền tảng từ lúc thụ thai, do đó nó không thể bị cân nhắc bởi những điều khác như đau khổ, bệnh tật hay khuyết tật. Chấm dứt sự sống không phải là cách hợp đạo đức và luân lý để chấm dứt đau khổ. Nghĩa vụ đạo đức là cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm đau cho toàn bộ con người của đứa trẻ, về y tế, tâm lý và mục vụ.
Đức Hồng y kêu gọi đừng áp dụng bước cuối cùng này, nếu không, an tử có thể được áp dụng cho mọi lứa tuổi. (CSR_7862_2020)
Nguồn: Hồng Thủy – Vatican News