Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn mở về khoa học của châu Âu – EuroScience – năm 2020, diễn đàn khoa học quan trọng nhất của châu Âu và quốc tế, được tổ chức tại thành phố Trieste của Ý từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 9, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, mời gọi mọi người chịu trách nhiệm về trái đất, thay đổi lối sống, đồng thời ngài cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của truyền thông và xã hội trên các thế hệ trẻ.

Diễn đàn mở EuroScience năm nay được dự định tổ chức vào tháng 7 nhưng vì đại dịch Covid-19 nên được dời lại đến tháng 9 này. Đại dịch này đã thay đổi hoàn toàn hình thức và nội dung của sự kiện kéo dài 5 ngày. Các nhà tổ chức áp dụng chế độ kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến. Bất chấp những thay đổi, một đặc điểm quan trọng của Diễn đàn, đó là cách tiếp cận đa ngành, vẫn không thay đổi.

Nhân phẩm, công lý, quan tâm đến ngôi nhà chung

Trong bài phát biểu khai mạc, Đức Hồng y Parolin nói về mối quan hệ giữa nhân loại, môi trường và công nghệ: “Trong cuộc đối thoại với các ngành khoa học, chúng ta rất chú ý đến các nhà khoa học và nhà nghiên cứu, đặc biệt khi họ lên tiếng bênh vực phẩm giá con người, công lý toàn cầu và quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta. Ba điều này rất cần thiết cho việc hình dung và đạt được một tương lai chung sống hòa bình giữa mọi người ”.

Phải học cách chịu trách nhiệm về ngôi nhà chung

Đề cập một cách rõ ràng đến Thông điệp Laudato Sì của Đức Thánh Cha Phanxicô, tập trung vào sinh thái học, Đức Hồng y tuyên bố rằng “nếu chúng ta muốn tồn tại, và nếu chúng ta muốn sự sống trên Hành tinh này tồn tại, thì chúng ta sẽ phải học cách chịu trách nhiệm về ngôi nhà chung trên cấp độ toàn cầu.” Đức Hồng y kết luận về vấn đề này: “Thách đố mà chúng ta đang gặp đòi hỏi một khối kiến thức tích hợp có thể lay động tâm trí và trái tim của con người và thay đổi lối sống của họ một cách cụ thể”.

Một sự biến đổi nhân học thực sự

Nói về đổi mới công nghệ và số hóa, Đức Hồng y bày tỏ sự lo lắng sâu sắc về tác động của truyền thông và xã hội đối với thế hệ trẻ về điều có thể là một sự biến đổi nhân học thực sự. Những tác động của tin tức truyền thông làm thay đổi lối suy nghĩ của con người, làm cho người ta không tin tưởng vào những gì họ thấy hay đọc, kể cả các nguồn trước đây người ta tin là bảo đảm sự thật. Đức Hồng y nói: “Chúng ta cũng đang chứng kiến sự lan rộng của những niềm tin và quan điểm mới không được xác nhận bởi các dữ liệu khoa học khách quan. Tôi ngạc nhiên rằng điều này đặc biệt rõ ràng trong đại dịch Covid-19. Thông tin khoa học không chính xác gây ra nhiều tác hại.” (CSR_6331_2020)

Nguồn: Hồng Thủy – Vatican News