Trong sứ điệp cho Ngày Phò Sự sống, Đức Hồng y Gioan Thang Hán, Giám quản Tông tòa Hong Kong kêu gọi các Kitô hữu thúc đẩy một “nền văn hóa sự sống” để ghi dấu việc Giáo hội Công giáo kỷ niệm 25 Thông điệp Evangelium Vitae -Tin Mừng về Sự sống được ban hành.
Giám quản Tông tòa viết: “Thông điệp Tin Mừng về Sự sống tái khẳng định mạnh mẽ giá trị và tính bất khả xâm phạm sự sống con người. Đồng thời, Thông điệp là lời kêu gọi khẩn thiết gửi đến mỗi người và mọi người, nhân danh Thiên Chúa: tôn trọng, bảo vệ, yêu thương và phục vụ sự sống”.
Covid-19 và văn hóa sự chết
Đức Hồng y lưu ý, khi bắt đầu đại dịch Covid-19, một số quốc gia không quan tâm đúng mực căn bệnh này, xem như bệnh cúm thông thường. Thái độ này làm ảnh hưởng đến các anh chị em dễ bị tổn thương, do không được chăm sóc, làm gia tăng tác động của “văn hóa sự chết”.
Trái ngược với điều này, trong Thông điệp Evangelium Vitae, Thánh Gioan Phaolô II đã mời gọi chúng ta suy tư về ý nghĩa sự sống, sự vĩ đại và kỳ diệu của sự sống, tôn trọng và hiểu rằng mọi người đều có quyền sống. Những suy tư này sẽ dẫn chúng ta đến làm điều tốt, yêu thương và quan tâm đến người khác, không phân biệt người khuyết tật hay người không có khả năng.
Thúc đẩy một nền văn hóa sự sống mới
Để thúc đẩy một nền văn hóa sự sống mới, Đức Hồng y nhấn mạnh về tầm quan trọng việc tuân giữ giới răn Chúa: “Ngươi không được giết người”. Đức Hồng y giải thích: “Tuân theo giới răn này bao gồm không giận dữ với anh chị em, rao giảng Tin Mừng Sự sống và ủng hộ tất cả chương trình, tổ chức và giảng dạy quảng bá các giá trị sự sống và phục vụ Tin Mừng Sự sống. Vì thế, phá thai và cái chết êm dịu là hoàn toàn không thể chấp nhận được, vì giá trị sự sống dựa trên sự trao ban và đón nhận tình yêu”.
Theo Đức Hồng y, một điều quan trọng khác cần lưu ý đó là việc huấn luyện lương tâm. Xã hội và các phương tiện truyền thông ngày nay đang bị ảnh hưởng bởi “văn hóa sự chết”. Vì thế, lương tâm cần phải được giáo dục nhiều hơn nữa, để khi đứng trước một văn hóa dễ gây nhầm lẫn giữa thiện và ác, con người biết liên hệ đến quyền cơ bản của sự sống để có chọn lựa đúng.
Vai trò của gia đình
Tiếp đến, Đức Hồng y đề cao vai trò quan trọng của gia đình và so sánh “gia đình là đền thờ sự sống” và nơi “vợ chồng đón nhận sự sống mới”. Gia đình cũng là “nơi để cá nhân và gia đình cầu nguyện, là nơi sống theo Tin Mừng Sự sống và đặc biệt để chăm sóc người bệnh và người già”. Đức Hồng y lưu ý rằng, gia đình có “vai trò không thể thay thế trong việc nuôi dưỡng văn hóa sự sống”.
Khoa học, công nghệ phục vụ sự sống con người
Một khía sau cùng được Đức Hồng y nói đến đó là khoa học và công nghệ. Theo Đức Hồng y, hai lĩnh vực này có thể được sử dụng để “phục vụ sự sống con người và tính toàn vẹn của nó”. Vì thế, những tiến bộ trong công nghệ sinh học cần phải được hiểu để sử dụng “cho việc thúc đẩy và bảo vệ sự sống”. Xã hội đương đại đang bị giằng xé giữa “văn hóa sự sống” và “văn hóa sự chết”. Vì thế, cần phải có tư duy phản biện, “có khả năng phân định các giá trị và nhu cầu đích thực” để xây dựng văn hóa sự sống.
Để kết luận, Đức Hồng y kêu gọi mọi người hãy “yêu quý và tôn trọng sự sống của mỗi người, kiên nhẫn và can đảm tiến về phía trước, nhằm nuôi dưỡng văn hóa sự sống, kết quả của sự thật và tình yêu”. (CSR_6283_2020)
Nguồn: Ngọc Yến – Vatican News