PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH. CUỐI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

VẾT THƯƠNG VINH QUANG

Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”(Ga 20,25)

Suy gẫm: Trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể chuyện ông Sáu, một quân nhân, sau chiến tranh trở về gia đình với một “vết sẹo dài trên má”. Bé Thu, con ông, sợ hãi bỏ chạy, vì trông ông thật dễ sợ, không giống như hình ảnh người cha thân thương mà bé vẫn thường thấy trong tấm ảnh. Khi được bà ngoại giải thích vết sẹo đó chính là dấu tích vinh quang của một người lính đã anh dũng bảo vệ tổ quốc, bé Thu đã nghẹn ngào xúc động ôm chầm lấy ba, hôn ông, “hôn cùng khắp, hôn cả vết sẹo” trên mặt ba.

Chúa Giêsu phục sinh vẫn mang trên thân mình những vết thương của cuộc tử nạn: “Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Đó là những “vết thương vinh quang”, là dấu chỉ Chúa sống lại thật, đã chiến thắng tử thần, là dấu chỉ chúng ta được cứu độ. Và nhất là, đó là dấu chỉ của lòng thương xót Chúa. Tôma đòi thọc bàn tay vào cạnh sườn Chúa như dấu chỉ để ông tin Chúa đã sống lại. Và ông được chạm tới thẳm sâu của lòng thương xót ấy. Không chỉ như bé Thu, hôn lên vết thương của Chúa hay như Tôma thọc bàn tay vào cạnh sườn, chúng ta còn được đón rước Ngài vào ở lại tận trong tâm hồn ta.      

 An Vi


GIÁO HUẤN SỐ 22

NGƯỜI TRẺ VỚI NHỮNG GỐC RỄ

Tương quan của các con với các bậc cao tuổi (tiếp theo)

“Thánh kinh nói với chúng ta: “Hãy lắng nghe cha ngươi, người sinh ra ngươi, và đứng khinh thường mẹ ngươi khi người già đi” (Cn 23,22). Lệnh truyền tôn kính cha mẹ “là giới răn đầu tiên có kèm theo lời hứa” (Ep 6,2: x. Xh 20,12; Đnl 5,16; Lv 19,3), và lời hứa đó là: “để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,3). Điều này không có nghĩa rằng phải đồng ý với bất cứ gì người lớn nói hay phải chấp nhận mọi hành động của họ. Một người trẻ luôn cần có tinh thần phê bình. Thánh Basiliô Cả khích lệ người trẻ quý trọng các tác giả Hy Lạp cổ, nhưng chỉ chấp nhận những gì tốt đẹp mà họ dạy. Quả thật quan trọng việc cởi mở để đón nhận một sự khôn ngoan được chuyển trao từ thế hệ này qua thế hệ khác, một sự khôn ngoan gần gủi với thân phận con người và không nên bị quên lãng trước những cái mới lạ của xã hội tiêu thụ và của thị trường”. (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, các số 189 & 190).


THÔNG BÁO

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH.  KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

24/4/2022

1. Chúa nhật II Phục sinh ( 24/4) Kính Lòng ChúaThương Xót: vào lúc 08g00 sẽ có 61 em lớp giáo lý được Xưng Tội Rước Lễ lần đầu . Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự và hiệp ý cầu nguyện, và các  Thánh lễ buổi sáng như thường lệ, buổi chiều chỉ có 1 Thánh lễ lúc 17g00 tại tiền đường Nhà Thờ.

2. Thứ năm 28/4 sau thánh lễ 17g15 có Giờ Chầu Thánh Thể do Giới Lão Thành phụ trách.

3. Thứ sáu 29/4 Lễ Nhớ Thánh Catarina bổn mạng của 232 chị em, xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.

4. Thứ bảy 30/4 vào lúc 17g15 khai mạc Tháng Hoa tại Núi Đá Đức Mẹ do Giới Người Cha và Người Mẹ phụ trách.

5. Chúa nhật 01/5 sau thánh lễ Thiếu nhi có rửa tội cho các em nhỏ, xin nộp giấy giới thiệu tại nhà xứ, cha mẹ và người đỡ đầu đến nhà thờ tập nghi thức lúc 19g30 tối thứ bảy 30/4.

6. Vào các Chúa Nhật 01/5, 08/5 và 15/5 trong các thánh lễ sẽ có học hỏi về hướng tới một giáo hội hiệp hành, xin công đoàn sốt sắng tham dự.


GƯƠNG THÁNH TỬ ĐẠO

THÁNH GIUSE NGUYỄN DUY TUÂN
Linh mục (1811-1861)
Ngày tử đạo 29 tháng 4

Đây không phải là một thứ tà đạo như quan nói. Đạo dạy chúng tôi thờ kính Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng trời đất cùng muôn vật trong vũ trụ.

Thánh Giuse Nguyễn Duy Tuân sinh vào khoảng năm 1811 tại họ Trần Xá, xứ Cao Xá, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình nông dân nghèo nhưng đạo đức. Chính trong bầu khí đạo đức ấy, sau khi xưng tội rước lễ lần đầu, câụ Tuân từ giã gia đình bắt đầu sống đời dâng hiến.

Cậu được vào chủng viện tu học và dọn mình thụ phong linh mục năm 1857. Chịu ảnh hưởng sâu đậm linh đạo dòng Đa Minh, cha Tuân xin gia nhập và khấn dòng năm 1858 với tên gọi mới là Hoan.

Trong hoàn cảnh bách hại tàn khốc dưới triều vua Tự Đức, cha Tuân được chỉ định làm mục vụ tại xứ đạo Ngọc Đồng, cha lẫn trốn, âm thầm phục vụ, khi ẩn khi hiện, nhằm chăm sóc phần hồn cho đoàn chiên đang bị đe dọa, phân tán.

Mùa xuân năm 1861, có bà cụ già yếu liệt giường nhờ người con trai đi rước cha Tuân đến xức dầu để bà dọn mình chết lành. Ngờ đâu, tên con trai ngỗ nghịch này tham lam món tiền trọng thưởng. Thay vì mời cha. Hắn lên thẳng quan huyện tố giác nơi ẩn trốn của cha Tuân. Quan lớn điều động binh lính vây làng và bắt được cha, đóng gông giải về ngục thất Hưng Yên.

Tại công đường, quan thượng khi thì khoan nhượng dụ dỗ cha chối đạo; lúc thì đay nghiến, đánh đập ác nghiệt buộc cha Tuân bước qua Thập giá. Trong ngục tù, dù bị hành hạ đau đớn, cha Tuân vẫn trung kiên, không hoang mang, tiếp tục rao giảng đạo lành, an ủi và ban bí tích cho giáo hữu âm thầm đến thăm viếng. Cha Tuân hân hoan đón chờ hồng phúc tử đạo.

Ngày 29/04/1861, bản án trảm quyết được vua Tự Đức châu phê, và cha Tuân đã được đem đi xử chém tại pháp trường Hưng Yên.

Linh mục Giuse Nguyễn Duy Tuân được tôn phong chân phước ngày 29/04/1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.


CHIA SẺ

Một góc nhìn về thập giá

Thập giá không chỉ là câu chuyện của lịch sử xa xưa. Thập giá đang đi ngang qua cuộc đời của mỗi chúng ta. Thập giá hiện diện nơi những gia đình ly tán, mâu thuẫn xung đột. Thập giá cũng tồn tại nơi những gương mặt của anh chị em đang đau khổ vì bệnh tật, vì đói nghèo, vì bất an bất ổn. Thập giá cũng đang đi ngang qua cuộc đời của biết bao Kitô hữu bị bách hại trong những nước có chiến tranh, xung đột. Trong xã hội văn minh của chúng ta, vẫn còn đó những cuộc giết chóc dã man, những cuộc hành hình ghê rợn mà các tín hữu vô tội phải gánh chịu, chỉ vì lý do vì họ là Kitô hữu.

Mãi mãi thập giá vẫn là một chướng ngại khó vượt qua. Ngay đến cả Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, cũng đã vất vả ướt đẫm mồ hôi pha lẫn máu mới can đảm đón nhận thập giá, cho dù trước đó không dưới ba lần chính Người đã tiên báo, nghĩa là đã tiên liệu và đã có sự chuẩn bị. Thế mà lời khẳng định của Người, một lời khẳng định không thể làm giảm khinh bằng bất cứ lối giải thích nào, đó là: “Ai muốn đi theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

Suy tư trong nghi thức Ngắm đàng Thánh Giá ta được mời gọi như hiện tại hóa mầu nhiệm thập giá trong cuộc sống hôm nay. Từ thập giá, mời gọi những người đau khổ hãy nhận ra Chúa đang hiện diện trong cuộc đời của chúng ta. Chúa hiện diện để cùng với con người vác thập giá bước đi. Tin vào sự hiện diện của Chúa, thập giá cuộc đời sẽ trở nên nhẹ nhàng, đau khổ sẽ trở thành niềm vui, bị quan sẽ thành niềm hy vọng. Bởi lẽ, con người không chỉ có đời này, mà còn có đời sau, đó là lúc “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”

Kitô hữu là người tin Chúa và là người cùng với Chúa vác thập giá đời mình. Chính vì muốn chuẩn bị chúng ta khỏi vấp ngã trước thập giá, mà Chúa đã dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Chúa còn đưa ra một so sánh để chúng ta thấy đời sống vĩnh cửu quan trọng như thế nào: “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?”. Thánh Inhaxiô Loyola đã trở thành một tu sĩ và người sáng lập Dòng Tên nhờ câu Kinh thánh này. Ngài đã từ bỏ mọi sự, chỉ thao thức làm cho nhiều người biết Chúa và tin Chúa.

Theo Chúa còn có nghĩa là đi vào con đường thập giá. Chúa Giêsu có thập giá của Ngài. Chúng ta có thập giá của chúng ta.Thập giá của chúng ta là những khó khăn của cuộc sống, những lo toan của cuộc đời và những công việc bổn phận hằng ngày và ngay cả những thập giá trên bước đường thành công của chúng ta. Chính khi chấp nhận được thập giá, chúng ta sẽ thấy bình an hạnh phúc.

Vác thập giá là hy sinh. Thập giá chúng ta vác không chỉ một ngày, mà là suốt cuộc đời. Có ít người nhìn vào những người đi tu, họ thấy sự hiền lành, nhân hậu vui tươi… Họ cho rằng, những người đi tu làm gì có thập giá để vác. Đó là một sai lầm, bởi thập giá luôn có mọi nơi, cắm mọi chỗ và nơi mọi người. Vì thế, chúng ta có né, có tránh cũng không được. Nếu chúng ta biết đón nhận, thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng. Còn nếu không, chúng ta sẽ thấy nó như một cực hình. Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu muốn chúng ta biết và hiểu về việc đi theo Chúa là như thế nào. Theo Chúa, chúng ta phải muốn-theo-từ-vác.

Theo Chúa Giêsu là đi vào con đường thánh giá dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Khi mời gọi “Hãy theo Thầy”, Chúa muốn chúng ta triển nở đến viên mãn.

 Chúa mời gọi chúng ta hãy bước đi theo Chúa. Theo Chúa là bước đi trên con đường hẹp buộc phải từ bỏ con đường rộng thênh thang. Theo Chúa là đón nhận thánh giá bổn phận mà không chọn việc nhẹ nhàng. Theo Chúa là để lại sau lưng những danh lợi thú trần gian. Vì “được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì?”

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi. Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng”.

Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Khi nhắm mắt xuôi tay cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

Lm. Anmai, CSsR


CHÂM NGÔN LỜI CHÚA

Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được
Mt 10:38-39