PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
CHA-CON VÀ ANH-EM
“Một người kia có hai con trai….” (Lc 15,11)
Suy gẫm: Albert Camusnhà văn Pháp,nói về văn hào Dostoievsky người Nga rằng: “Ông ấy cho các nhân vật đứng lên nói, nhưng không bao giờ thấy để họ ngồi xuống”. Lời phê bình hóm hỉnh ấy ngụ ý câu chuyện chưa có hồi kết mà còn mở ra những suy tư và diễn biến khác trong hiện thực đời thường, cũng có thể áp dụng rất đúng cho dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” được diễn lại bằng ngòi bút rất tài tình của Luca trong Phúc Âm thứ ba. Quả thật, người cha trong dụ ngôn không hề được ‘ngồi xuống’ một chút nào. Ông hết đi ra, lại đi vào, ngóng trông người con thứ. Rồi khi cậu ta thân tàn ma dại trở về, ông ‘chạy ra’ ôm chầm lấy cậu, rồi lại tất bật sai bảo gia nhân mở tiệc ăn mừng. Thế nhưng, ông nào đã được ‘ngồi’. Chưa yên chuyện cậu út, ông lại phải ‘chạy’ ra ngõ “năn nỉ” cậu cả vào nhà để cùng ăn mừng vì “em con đã chết mà nay lại sống đã mất mà nay lại tìm thấy.”
Đó không chỉ là vấn đề văn chương. Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng muốn cho chúng ta cảm nghiệm sâu xa mối tình cha-con với Chúa. Hai người con có đón nhận nhau trong tình anh-em, thì họ mới có thể là đoàn tụ trong tình cha-con với cha mình. Cái kết của dụ ngôn vẫn còn bỏ ngỏ. Mỗi người chúng ta được mời viết tiếp đoạn kết đó bằng cách đón nhận nhau là anh-em để chúng ta có thể được Chúa đón nhận trong tình cha-con với Ngài.
An Vi
GIÁO HUẤN SỐ 18
NGƯỜI TRẺ VỚI NHỮNG GỐC RỄ
Đừng để mình bị bật rễ (tiếp theo)
“Bên cạnh những mưu chước của một sự sùng bái nét trẻ và ngoại hình có tính lừa mị, chúng ta cũng đang thấy những cố gắng quảng bá một linh đạo mà không có Thiên Chúa, một sự nhạy cảm mà không có cộng đoàn hay khôngcó mối quan tâm đối với những người đau khổ, một nỗi sợ người nghèo vì xem người nghèo là mối nguy hiểm, và rất nhiều hứa hẹn về một thiên đàng tương lai nhưng thiên đàng ấy hóa ra ngày càng xa vời. Cha không muốn mời chào các con những điều như thế, và với cả tấm lòng, cha xin các con đừng để mình bị tác động bởi ý thức hệ ấy. Nó không làm các con trẻ trung hơn chút nào, nhưng thay vào đó nó biến các con thành nô lệ. Cha đề nghị một con đường khác, con đường của tự do, hăng hái, sáng tạo và những chân trời mới, trong khi đồng thời chăm sóc những gốc rễ nuôi dưỡng và nâng đỡ mình”.
(Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 184)
THÔNG BÁO
GƯƠNG THÁNH TỬ ĐẠO
THÁNH ĐAMINH VŨ ĐÌNH TƯỚC(1775-1839)
Ngày tử đạo 2 tháng 4
Đaminh Vũ Đình Tước sinh năm 1775 tại làng Trung Lao, tỉnh Nam Định. Ngay từ bé cậu đã tỏ ra là người đạo đức vững chắc. Ngày 17-04-1811, cha Tước xin nhập dòng Thánh Đaminh và tuyên khấn ngày 18-04 năm sau. Đức cha Delgado Y bổ nhiệm cha coi sóc các tín hữu ở Xương Điền một làng công giáo đông đảo của Giáo phận Đông Đàng Ngoài.
Từ năm 1838, khi cuộc bách hại của vua Minh Mạng trở nên mãnh liệt tại giáo phận Đông, cha phải ẩn náu trong nhà các tín hữu. Ông Đaminh Đoài kể rằng: Cha Đaminh Tước trú ẩn ở nhà tôi hai tháng. Một hôm tôi hỏi Ngài: “Nếu người ta đến bắt cha, cha sẽ xử trí thế nào ?”. Ngài liền đáp: “Chạy trốn nếu có thể, còn không thể trốn nữa thì vâng theo ý Chúa”
Gần nơi cha Tước trú ẩn có một viên quan Bát phẩm tên là Phan, phụ trách huyện Cẩm Hà. Trước đây ông đã từng góp phần bắt Đức Cha Henares Minh và thầy Chiểu, được vua thưởng trọng hậu, nên rất sốt sắng trong việc tìm bắt các linh mục khác. Ngày 02-04-1839, có tin mật báo viên quan này liền dẫn 40 người đến bao vây bắt cha Tước tại nhà ông Nhiêu Tĩnh, nơi ngài trọ.
Cha Tước đang dâng lễ, nghe thấy tiếng động vội vàng cởi áo lễ, dự định chạy qua vườn đến nhà một người khác. Nhưng đám người kia đã nhìn thấy và chặn cha lại. Noi gương thầy chí thánh xưa trong vườn Cây Dầu, Cha hỏi: “Các ông đi tìm ai ?” và khi họ nói tìm bắt linh mục, cha liền xác định: “Chính tôi đây”. Thế là họ trói cha lại và áp giải về Cẩm Hà, huyện Giao Thủy, Nam Định.
Các tín hữu ở Xương Điền mới đầu tưởng là quân triều đình nên tỏ ra ngần ngừ. Đến khi biết nhóm người này của Bát Phan, liền xin bỏ tiền mua chuộc. Nhưng phe đối phương không chịu. Thế là khi đoàn người vừa di chuyển, các tín hữu liền hô hào nhau cầm gậy gộc rượt theo để giải cứu cho người cha thiêng liêng yêu quý, nhiều phụ nữ cũng tham gia vào cuộc giải cứu này.
Về phần nhóm người bắt giữ, vì phải lôi theo một “tù nhân” bị trói, thấy khó lòng đạt mục đích, liền chọn giải pháp cuối cùng, thanh toán luôn “đối tượng”trong tầm tay. Theo lệnh của viên chỉ huy, một người tên Ngọc liền bổ lên đầu linh mục một nhát búa, khiến ngài ngã gục trong vũng máu. Các tín hữu lúc đó vừa rượt tới, một số ở lại săn sóc cha Tước, còn tất cả nổi nóng đuổi theo đám sát nhân và bắt được ít người, trong đó có cả viên chỉ huy, và đem nộp cho quan xét xử.
Ngước nhìn các bổn đạo đang nức nở vây quanh, cha lựa lời trấn an họ, khích lệ tất cả kiên trung làm chứng cho đức tin. Một tín hữu xé áo định băng vết thương đẫm máu trên đầu cha, nhưng ngài ra dấu cản lại và mời mọi người hiệp ý dâng lời cầu nguyện. Sau đó cha sốt sắng tạ ơn Chúa về những ơn lành đã nhận được trong suốt cuộc đời, nhất là ơn được đổ máu vì đức tin.
Thi hài cha Tước được đưa về an táng tại nhà thờ Xương Điền. Giáo Hội đã xác nhận chứng tá tử đạo của cha Đaminh Vũ Đình Tước, linh mục dòng thuyết giáo.
Đức Lêo XIII suy tôn ngài lên bậc Chân Phước ngày 27-05-1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Nguồn : Giáo phận Vĩnh Long
CHIA SẺ
6 CÁCH HIỆU QUẢ ĐỂ ĐÓN NHẬN BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊSU TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY (tiếp theo)
3. Phó thác cho lòng thương xót
Sự hối tiếc và giày vò chi phối sự bình an. Điều mà Chúa Giêsu mong đợi ở chúng ta là tâm hồn sám hối : “một tấm lòng tan nát giày vò” (Tv 50, 19), tâm hồn của đứa con hoang đàng trở về với Cha. Hối hận và giày vò thật vô ích, nhưng sự ăn năn đặt chúng ta trong bàn tay của Thiên Chúa, cho phép chúng ta đón nhận sự tha thứ và bình an của Ngài. Chúng ta cần phải nhìn vào tội lỗi của mình để xin ơn tha thứ và sửa đổi, tránh xa bao nhiêu có thể những điều sai lỗi mà chúng ta mắc phải. Nhưng đừng “gặm nhấm” tội lỗi của mình mãi: một khi Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, thì việc quay trở lại với nó sẽ khiến chúng ta nghi ngờ lòng thương xót của Thiên Chúa.
4. Học cách tha thứ
Chúng ta biết rõ rằng, không ai có thể đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa nếu không biết thứ tha cho anh chị em mình, không có gì phá rối sự bình an cho bằng sự tha thứ bị từ chối, bị từ chối vì giả tâm (và không phải do bất lực, bởi vì khi quyết định tha thứ là đã sống tha thứ, ngay cả khi bạn không cảm nhận được khả năng tha thứ ngay tức khắc), hoặc bị từ chối vì thiếu hiểu biết, vì bị lãng quên hay bị ức chế bởi những vết thương cũ. Để sống trong bình an, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa soi sáng để biết tha thứ, điều mà chúng ta phải thi hành. (còn tiếp)
Tác giả: Christine Ponsard
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
Từ: aleteia.org
CÂU CHUYỆN VỀ SỰ THA THỨ
THA THỨ CHO NHAU
Sự tha thứ của cha mẹ đối với con cái thì bao giờ cũng rộng lượng hơn. Con cái dù có ngỗ nghịch đến đâu và có làm điều chi lỗi phạm, cha mẹ vẫn có thể tha thứ. Cha mẹ dù có khó khăn đến đâu đi nữa, cha mẹ vẫn có thể chấp nhận sự hư thân, mất nết và những sự bất hiếu của con cái. Cha mẹ sẽ tha thứ nếu con cái biết ăn năn hối cải. Truyện kể ông Margulier, phó chủ tịch công ty Warner Brother, có tài sản kếch xù. Ông có cậu quý tử 20 tuổi, âm mưu với chị là Marilynn Malky 32 tuổi, giết cha mẹ để đoạt gia tài. John tính kế mua súng hãm thanh, mua không được nên cậu đi thuê những tên du đãng giết dùm. Chúng đòi 100.000 đô. Chỉ cần đưa trước 20.000 đô. Để có số tiền, chị em âm mưu ăn cắp bức tranh quý của Picasso giá 100.000 đô. Câu chuyện bại lộ, hai chị em bị bắt. Trước toà án, vì cha mẹ khóc lóc van xin, nên chúng chỉ bị 4 năm tù quản thúc. Chánh án Pearce Young hỏi người cha: Ông nhất định nhận chúng là con và tha thứ cho quân mất dạy chăng? Ông Margulier khóc lóc gật đầu nói: Từ nay tôi xin chịu trách nhiệm về các con tôi.
Về phía con cái đối với cha mẹ, con cái không luôn dễ dàng tha thứ cho cha mẹ đâu. Khi con cái bất bình với cha mẹ hoặc đã làm tổn thương nhau, con cái dễ lìa cha mẹ và khó tha thứ. Thói đời thì nước mắt chảy xuôi, chứ mấy khi chảy ngược. Anh em ruột thịt trong một nhà cũng không luôn dễ tha thứ cho nhau. Nếu anh chị em có sự bất bình hay cãi cọ, cần có những lời xin lỗi và giao hoà ngay. Tình anh chị em dễ sứt mẻ lắm. Anh chị em thường ganh đua, bắt bẻ và dòm ngó nhau. Tuy rằng chung dòng máu ruột thịt nhưng anh chị em cần sòng phẳng. Người ta nói rằng tiền bạc sòng phẳng, tình nghĩa bền lâu. Điều này áp dụng đúng cho các anh chị em ruột thịt trong nhà. Tuy là anh chị em nhưng cơm ai người đó ăn, nhà ai người đó ở. Tuy rằng yêu nhau như anh chị em nhưng tha thứ cho nhau lại cần có những điều kiện. Còn những người thân thiết trong gia đình thì sao? Chúa đã đối xử với chúng ta thế nào, chúng ta hãy đối xử với nhau như vậy. “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).Có biết bao câu chuyện đời đã minh chứng sự hẹp hòi của lòng con người với chính những người thân trong gia đình hơn là đối với những người ngoài. Nhiều khi chỉ vì một vài lý do thù hành hay bất bình nào đó mà anh em không nhìn mặt nhau. Từ bỏ nhau thì thật là phí uổng tình nghĩa anh chị em ruột thịt và thân tín trong gia đình.
Bronx, New York
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
CHÂM NGÔN LỜI CHÚA
Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5:23-24)