PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT
“SỰ CỐ” GIA ĐÌNH
[Cậu bé Giêsu] thưa : “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. (Lc 2,49-50)
Suy gẫm: Gia đình nào mà không gặp sự số, dù đó là thánh gia thất, gia đình của Giêsu, Maria và Giuse? Bất kỳ điều gì dù nhỏ, cũng có thể là cớ dẫn đến những “sự cố” nghiêm trọng cho gia đình, nhất nữa là một đứa con, mà lại là đứa con duy nhất, đi lạc. Có thể tưởng tượng ra mọi thứ xáo trộn: hoảng loạn, trách móc nhau, đổ lỗi cho nhau,… có thể là những điều thường xảy ra trong một sự cố tương tự.
Lạc mất Giêsu chỉ là một trong những sự cố đã từng xảy ra trong gia đình thánh ấy. Điều khác biệt là cách những sự cố được giải quyết. Sau ba ngày tìm kiếm, Maria và Giuse đã tìm thấy cậu trong đền thờ. Dù vậy sự cố vẫn chưa kết thúc. Câu trả lời của Giêsu lại mở ra một điều bí nhiệm: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”
Mẫu gương của Đức Maria và thánh cả Giuse đứng trước sự cố vẫn là bình tâm suy niệm sự việc dưới ánh sáng của Lời Chúa: Trước những sự việc xảy ra khi hạ sinh Giêsu, Đức Maria hằng suy đi nghĩ lại trong lòng. Cũng thế, hôm nay, Mẹ Maria vẫn tiếp tục suy niệm những điều ấy trong lòng, và trong suốt cuộc đời. Và Mẹ có câu trả lời của Chúa khi ở bên chân thập giá: “Thưa bà, đây là con của bà”.
An Vi
GIÁO HUẤN SỐ 5
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Tuổi trẻ và dấn thân
“ Có những lúc, nhìn thấy một thế giới đầy bạo lực và ích kỷ, người trẻ có thể bị cám dỗ rút lui vào trong những nhóm nhỏ, tránh xa những thách đố và những vấn đề mà đời sống đặt ra trong xã hội và trong cả thế giới. Họ có thể cảm thấy rằng họ đang kinh nghiệm tình huynh đệ và yêu thương, nhưng cái nhóm nhỏ của họ thực ra không gì hơn là một sự nới rộng chính cái tôi của họ. Càng nghiêm trọng hơn nữa nếu họ nghĩ về ơn gọi của giáo dân duy chỉ như một hình thức phục vụ bên trong giáo hội: phục vụ trong tư cách là người đọc sách, lễ sinh, giảng viên giáo lý, vân vân… Họ quên rằng ơn gọi giáo dân trước hết được định hướng về đức ái trong gia đình và đức ái trong khung cảnh chính trị và xã hội. Đó là một cam kết cụ thể và dựa trên đức tin, nhằm xây dựng một xã hội mới. Nó đòi người ta sống giữa lòng xã hội và thế giới để mang Tin Mừng cho khắp nơi, để góp phần thăng tiến hòa bình, ổn định, công lý, nhân quyền và lòng nhân ái, và qua đó mở rộng Nước Thiên Chúa trên thế giới này”.
(Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 168)
CÁC THÁNH ANH HÀI TỬ ĐẠO
Ngày 28 tháng Mười Hai
Hêrôđê là một ông vua độc ác, vô tài, bất tướng. Nhưng, Hêrôđê lúc nào cũng tham quyền cố vị. Ông luôn luôn sợ bị lật đổ, sợ mất quyền, mất chức. Chính vì thế, khi nghe bất cứ một tin nào mà ông cho rằng sẽ nguy hại cho ngai vàng của Ông. Hêrôđê đều kiếm cách để phá đổ, để tiêu diệt hầu có thể bảo vệ ngai vua của mình. Ðiều này, quả thực rất phù hợp với biến cố các Thánh Anh Hài bị tàn sát. Biến cố ấy xẩy ra thế này:” Khi Ðức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Ðông đến Giêrusalem, và hỏi:” Ðức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người “Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao”(Mt 2,1-3). Tin Mừng thánh Matthêu chương 2 trong các đoạn kế tiếp thuật lại rằng vua Hêrôđê ác độc tìm cách biết nơi rõ ràng để thủ tiêu Giêsu. Nhưng, được mộng báo các nhà chiêm tinh sau khi đã gặp Hài Ðồng Giêsu tại Bêlem thì họ đã không trở lại gặp Hêrôđê nữa, mà đã đi lối khác mà về lại xứ của họ (Mt 2, 7-12). Tin Mừng thánh Matthêu chương hai viết tiếp: “Thánh Giuse được sứ thần Chúa hiện ra báo tin, nên ông đang đêm đã đưa Mẹ Maria và Chúa Giêsu trốn qua Ai Cập cho đến khi Hêrôđê băng hà” (Mt 2,13-15). Hêrôđê thấy mình bị đánh lừa, nên đùng đùng nổi giận, sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẻ các nhà chiêm tinh( Mt 2, 16-17).
CÁC THÁNH ANH HÀI TỬ ÐẠO ỨNG NGHIỆM LỜI NGÔN SỨ GIÊRÊMIA
Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ:tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa. Các thánh Anh Hài dù còn thơ bé, nhưng Chúa đã cho các Ngài góp tay vào công việc cứu thế của Ngài. Máu của các Ngài đổ ra để minh chứng cho Chúa Giêsu hoàn toàn vô tội.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
CHIA SẺ
6 cách hiệu quả để đón nhận bình an của Chúa Giêsu trong cuộc sống hàng ngày
Khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài đã hiện ra giữa các môn đệ và nói với họ: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19). Ngài đã ban bình an của Ngài cho các môn đệ và cho cả chúng ta, nhưng bình an giống như tất cả mọi ân huệ của Thiên Chúa, được ban tặng và không áp đặt. Chúng ta có biết đón nhận bình an của Chúa Giêsu không?
1. Đừng từ bỏ bình an
Cuộc sống của chúng ta bị mệt mỏi, quá tải, phức tạp và sự yên lặng không chịu đựng nổi những tiếng động ồn ào và hối hả. Thật vậy, nhịp sống của chúng ta không phụ thuộc vào mình, ít là không hoàn toàn, chúng ta có xu hướng phát minh ra những điều trói buộc mình và chúng ta không biết phải làm thế nào. Chúng ta quên rằng Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta có trong tay. Và nhất là chúng ta quên rằng Thiên Chúa xem việc nghỉ ngơi là một giới luật: Ngài ban cho chúng ta sáu ngày để làm việc và ngày Chúa nhật để nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi trong ngày Chúa nhật không phải là thứ gì đó xa xỉ dành riêng cho những người hưu trí, đó là giới răn của Chúa Cha, Đấng biết rõ chúng ta hơn những gì chúng ta cần.
2. Sống giây phút hiện tại
Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Vậy tại sao lại đầu độc cuộc sống của chúng ta bằng những thứ bận tâm vô ích? “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của. Vì vậy Thầy bảo anh em: “đừng lo cho mạng sống mình, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? (…) Ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? (…) Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 24-33). Sống như người sống lại có nghĩa là đặt cược mọi thứ vào Thiên Chúa; nghĩa là đặt trọn cả niềm tin của chúng ta nơi Chúa, không phải vào những cuốn sổ tiết kiệm hay hợp đồng bảo hiểm của chúng ta; nghĩa là sống như con cái của vị Vua, không lo lắng bất cứ điều gì vì Ngài là Cha của họ, vô cùng nhân hậu và Toàn năng, Ngài không ngừng chăm sóc họ.
Tác giả: Christine Ponsard
Chuyển ngữ: G. Võ Tá HoàngTừ: aleteia.org
MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN
Ngày cô bé Joan Grace đẩy cửa bước vào tiệm của Pierre Richard thì Pierre là con người cô độc nhất thành phố. Có lẽ hồi ấy các bạn đã được nghe phong phanh câu chuyện đó. Nhưng báo chí không nêu tên mà cũng không kể chi tiết nên hôm nay tôi xin thuật lại tường tận.
Pierre đã được ông nội để lại cho một cửa tiệm bán đồ cổ. Trong cái tủ kính nhỏ xíu anh chất đủ các thứ đồ kỳ cục: vòng, mề đay đeo vào dây chuyền có từ thế kỷ trước, nhẫn vàng, hộp bạc, ngọc thạch hoặc ngà chạm trổ, tượng nhỏ bằng sứ.
Buổi chiều, mùa đông hôm đó, một em gái đứng áp trán vào tủ kính, trố mắt ngó kỹ từng vật cổ lỗ đó như muốn kiếm một vật gì. Bỗng em ngửng đầu lên, vẻ khoan khoái rồi đẩy cửa bước vào tiệm. Tiệm tối tăm mà còn bừa bãi hơn mặt tiền nữa. Có những ngăn tủ muốn sập vì chất quá nặng: hộp đựng tư trang, súng lục cũ không còn dùng được nữa, đồng hồ chuông đèn; còn trên sàn thì chất đống nào là giá để củi trong lò sưởi, đờn măng-đô-lin và những đồ cũ kỹ khó mà phân loại được. Pierre ngồi ở sau quầy. Mặc dầu mới ngoài ba mươi mà tóc của anh đã hoa râm. Anh ngó cô bé. Em hỏi:
– Thưa ông, con có thể coi chuỗi ngọc lam bày ở tủ kính không ạ?
Pierre kéo tấm màn, lấy chuỗi ngọc ra đưa cho cô bé xem. Những viên ngọc lam chiếu rực rỡ trong bàn tay xanh xao của anh. Em đỡ lấy, thốt lên lời khen:
– Đẹp quá! Xin ông gói lại thành một gói đẹp cho con.
Oierre lạnh lùng ngó em:
– Có ai sai em đi mua hả?
– Thưa không. Con mua cho chị Hai con. Chị đã nuôi nấng con từ khi má mất. Đây là lễ Noel đầu tiên chị em con được ở gần nhau. Con muốn tặng chị một món quà đẹp.
Pierre nghi ngờ hỏi:
– Em có bao nhiêu tiền?
Em mở khăn tay ra, đổ lên bàn một nắm bạc xu, bảo:
– Con đã đập con heo của con ra đấy.
Pierre Richard ngó em, vẻ trầm tư. Rồi anh ý tứ cầm chuỗi ngọc lên, sợ em trông thấy giá tiền. Nói thẳng cách nào cho em biết được? Cặp mắt xanh đầy tin tưởng của em gợi cho anh nhớ lại vết thương lòng thời trước. Quay lưng lại em, anh bảo:
– Em đợi một chút nhé.
(còn tiếp)
Tác giả: Fulton Oursler
CHÂM NGÔN LỜI CHÚA
Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được. (Mt 19.26)