PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN – B
ĐỨC GIÊSU, VỊ VUA KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN NÀY
Ông Philatô hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18,37)
Suy gẫm: Thi hào Nguyễn Du đã nhắc lại một câu trong bài thơ của Tào Tùng: “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô.” Với ý tương tự, ai đó đã nói: “Hàng triệu người nằm xuống để Napoléon trở nên vĩ đại.” Đó là điều mà Philatô không thể hiểu về Giêsu, người bị ông kết án tử hình thập giá với bản án: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái”. Viên tổng trấn Rôma oai quyền đã thốt lên: “Ông mà là vua sao?”
Đức Giêsu là vị vua ‘không giống ai’ như thế. Thay vì khiến “vạn cốt khô” vì mình, vua Giêsu tỏ vương quyền trên chính cây khổ hình thập giá và thực hiện lời tuyên bố trước đó: “Phần tôi, một khi tôi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Vua Giêsu là vị vua “đến để làm chứng cho sự thật”. Nước của Ngài không thuộc về thế gian này; hiến pháp của Nước ấy là Tám Mối Phúc Thật; người dân trong nước ấy được xét xử bởi bộ Luật Yêu thương với duy nhất một điều khoản: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Là thần dân trong Vương quốc của Vua Giêsu quả là điều đáng mong ước nhất trên đời, phải không bạn?
An Vi
GIÁO HUẤN SỐ 52
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Lớn lên và trưởng thành (tiếp theo)
“Nhưng Cha cũng muốn nhắc các con rằng các con sẽ không nên thánh và tìm thấy sự viên mãn bằng cách sao chép những người khác. Bắt chước các thánh không có nghĩa là sao chép lối sống của các ngài và cách các ngài sống thánh thiện: “có một số chứng từ được thấy là hữu ích và truyền cảm hứng, nhưng chúng ta không được kỳ vọng sao chép, vì như vậy ta có thể đi trệch khỏi nẻo đường thánh thiện riêng mà Chúa nhắm cho chúng ta”. Các con phải khám phá mình là ai và khai triển nẻo đường nên thánh của riêng mình, dù cho những người khác nói hay nghĩ gì đi nữa. Nên thánh có nghĩa là trở nên chính mình đầy đủ hơn, trở nên điều mà Chúa đã mong muốn ước mơ và sáng tạo, chứ không phải một bản sao. Đời sống các con phải là một sự khơi động có tính ngôn sứ cho người khác, và ghi dấu trên thế giới này, dấu vết độc đáo mà chỉ các con mới để lại được. Đàng khác, nếu các con chỉ đơn giản sao chép người khác, các con sẽ tước mất khỏi cõi thế này – và tước mất của cả thiên đàng nữa – một cái gì đó mà không ai khác có thể trao hiến. Cha nghĩ đến thánh Gioan Thánh Giá, ngài đã viết trong Khúc Linh Ca rằng mọi người nên rút ra từ lời khuyên linh đạo của ngài “theo cách riêng của mình”, vì vị Thiên Chúa duy nhất muốn biểu lộ ân sủng của Ngài “cho người ta mỗi người mỗi cách”.
(Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 162).
THÔNG BÁO
1. Thứ Hai 22/11 Lễ Nhớ Thánh nữ Cêcilia, trinh nữ, tử đạo bổn mạng của Ca đoàn Cêcilia và 48 chị em. Thánh lễ mừng Bổn mạng được cử hành lúc 05g00 cùng ngày, xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
2. Thứ Tư 24/11 Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam và cũng là Bổn Mạng của HĐMVGX Giáo xứ Chính tòa Đà Nẵng. Thánh lễ được cử hành trọng thể lúc 17g00 cùng ngày. Xin cộng đoàn hiệp thông tham dự. Sau Thánh lễ là buổi gặp gỡ để chia tay với Cha phụ tá Phêrô Trần Văn Thủy về nhận sứ vụ mới tại giáo xứ Trà Kiệu.
3. Thứ Năm 25/11, sau Thánh lễ chiều 17g00 là giờ Chầu Thánh Thể do Ban Giáo lý phụ trách.
4. Chúa nhật 28/11, trong thánh lễ lúc 17g00, Đức Giám mục giáo phận sẽ giới thiệu 02 tân linh mục Phêrô Nguyễn Quí Khôi và Đôminicô Nguyễn Văn Hiển về phụ tá giáo xứ Chính Tòa.
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam
Ngày 24 tháng 11
Làm chứng – Lc 9,23-29
Lâm nguy mới rõ tôi trung, vào sinh ra tử anh hùng ghi tên.
Đó là lòng dũng cảm của hơn một trăm ngàn nhân chứng đức tin mà Giáo Hội Việt Nam mừng kính ngày hôm nay. Từ ngày đạo Chúa được rao giảng, lúc nào cũng có những tấm gương anh dũng như vậy. Trong Cựu Ước, cụ già Eleazarô và bảy mẹ con Machbêo đã chết để làm vinh danh Chúa. Trong Tân Ước, khởi đầu bằng cuộc tàn sát các trẻ thơ vùng Belem, rồi đến việc chém đầu Gioan Tiền hô, tiếp đến là cuộc tử nạn của Chúa. Rồi từ Chúa, qua các tông đồ và mãi mãi về sau, ở mọi nơi và trong mọi lúc đều có những cuộc bách hại và cũng đều có những tấm gương anh dũng và bất khuất, mà hơn 100.000 các bậc tử đạo Việt Nam ngày hôm nay là một bằng chứng cụ thể.
Vậy các thánh tử đạo Việt Nam là những ai? Các ngài là những người như chúng ta, cũng biết đau khổ, cũng yêu mến sự sống, cũng sợ hãi trước cái chết. Và thực sự các ngài đã chết chỉ vì muốn trung thành với Chúa. Phần xác tuy chết nhưng tinh thần của các ngài vẫn bừng cháy trong dòng thời gian.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là ai? Các ngài là những Giám mục như Đức Cha Vinh, Đức cha Xuyên. Các ngài là những linh mục như cha Tịnh, cha Hưởng. Các ngài là những tu sĩ như thầy Khang, chú Bột. Các ngài là những viên chức phần đời như ông án Khảm, ông lý Mỹ. Các ngài là những chức sắc phần đạo như ông trùm Đích, các ngài là những quân nhân như binh Thể, binh Huy, binh Đạt. Các ngài là những phụ nữ như bà Thành mà chúng ta quen gọi là thánh Đê. Các ngài đã ra đi với sự tự do tuyệt đối, với nụ cười tha thứ và với niềm tin kiên vững.
Trong suốt thời gian bị giam giữ, bị tra tấn và bị hành quyết, các ngài đã tỏ ra thái độ mến Chúa và yêu người ở một mức độ cao. Cha Triệu bị giam trong tù, ngài rất băn khoăn khi nghĩ đến mẹ già. Ngài xin được phép về quê thăm mẹ, và chú lính đi theo đã hỏi: Ngài yêu mẹ như thế, sao không chối đạo để về nuôi mẹ. Ngài trả lời: tôi yêu mẹ tôi lắm. Nhưng trên mẹ tôi còn có Thiên Chúa. Hôm nay gặp được mẹ tôi trước ngày ra đi chịu chết, tôi thấy đã giữ trọn giới luật của Chúa. Tại pháp trường Bảy Mẫu tỉnh Nam định, bọn lý hình được lệnh xử lăng trì Đức cha Tuyên, chúng chặt tay chặt chân rồi đút một miếng thịt vào miệng ngài, Đức cha ngạc nhiên và nói: Tôi không ngờ người Việt Nam mà lại có thể độ như thế hay sao? Lời nói này làm cho một người trong bọn lý hình cảm động và trở lại. Vậy đâu là nguyên nhân đem lại cho các ngài sức mạnh và tình thương như thế?
Tôi xin thưa đó là chính Thiên Chúa. Thực vậy Đức Kitô đã nói với chúng ta: Các con đừng sợ những người có quyền giết xác nhưng hãy sợ Đấng có quyền giết cả xác lẫn hồn. Bởi thế từ Eleazarô, bảy mẹ con Macbêo cho đến Gioan Tẩy Giả và mãi mãi về sau, đều có một sức mạnh và một tình thương như thế. Các ngài tin rằng khi chịu cực hình, thì không chịu lẻ loi một mình, mà còn có Chúa ở bên cạnh. Bởi thế thánh Phaolô đã nói: Tôi không có gì để khoe khoang ngoài sự yếu đuối, nhưng tôi lại có thể làm được mọi sự trong Đấng nâng đỡ tôi. Nhân ngày mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hãy suy nghĩ như thế, hãy tin tưởng như thế, hãy cầu xin như thế, để khi gian nguy xảy đến, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh và tình thương để làm chứng cho Chúa.
Nguồn : DÒNG TRỢ THẾ THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA
Tỉnh Dòng Đức Maria Thánh linh Việt Nam
CHIA SẺ
CẠM BẪY MÀ KITÔ HỮU NÊN TRÁNH KHI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI
5. Đừng “selfie” mà không biết xấu hổ:
Hành động “tự sướng” và đăng lên cho mọi người xem là một hành động trung lập, nghĩa là nó vốn dĩ không xấu hay tốt nhưng mục đích đằng sau bức ảnh đó mới là điều Chúa quan tâm. Nếu “tự sướng” chỉ để khoe thành tích hoặc để kiếm like, đua đòi theo trend thì quả thật đáng báo động. Luôn nhớ rằng chỉ bạn và Chúa mới biết lý do bức ảnh đó được đăng lên. Vậy nên, hãy dành một chút thời gian trung thực cho Chúa Giê-su, và trở thành người PR cho Người và nước Trời hơn là tập trung quá nhiều vào bản thân mình.
6. Đừng “đánh giá hay phán xét” hành vi hoặc cảm xúc của bất cứ ai trên mạng xã hội:
Một trong những cạm bẫy trên mạng xã hội dễ mắc phải nhất là phán xét. Có hai việc mà người ta dễ nhầm lẫn với nhau nhất chính là: “phán xét” và “góp ý”. Sự khác biệt giữa những điều này là hành động bạn thực hiện sau đó. “Góp ý” dẫn chúng ta đến việc giúp đỡ và cầu nguyện. Sự “phán xét” khiến chúng ta hạ thấp giá trị của người khác và sa ngã vào những tội lỗi không đáng có. Hãy nhớ rằng “người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.” (1 Sm 16, 7).
7. Đừng quá lãng phí thời gian vào mạng xã hội:
Đúng là không khách quan khi khẳng định mạng xã hội là nguyên nhân của sự lười biếng. Nhưng chắc chắn một điều là mạng xã hội đang nuôi dưỡng sự lười biếng. Không có gì sai khi sử dụng Internet để giải trí, tuy nhiên đây là yếu tố tiềm tàng có khả năng biến sự nghỉ ngơi cần thiết thành sự lười biếng tội lỗi. Thế giới bên ngoài rất xinh đẹp và mọi thứ xung quanh bạn đều là thật, vậy nên không có lý gì mà bạn không tắt máy và tận hưởng chúng.
Chia sẻ nhưng không chia rẽ, mong mỗi người chúng ta sẽ nâng cao hiểu biết để sống đúng với tinh thần là người con của Thiên Chúa.
Nguồn: Đoàn Têrêsa Hài Đồng Giêsu
lược dịch theo: https://applygodsword.com/the-top-7-social-media…/
MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN
NỮ TÍN HỮU CÔNG GIÁO ĐẠO ĐỨC (tiếp theo và hết)
…..
Nghe quỷ dữ rót vào tai như thế, thánh nữ Gertrude bỗng đâm ra bối rối về các việc lành phước đức uổng công và lo sợ các hình khổ sẽ phải chịu sau này. Cảm thương trước các âu lo của thánh nữ, Chúa GIÊSU hiện ra và phán:
– Sao con âu sầu phiền nảo như thế? Con nên nhớ rằng, lòng bác ái của con đối với tha nhân rất đẹp lòng Cha. Vì lý do đó, Cha sẽ giải thoát con khỏi mọi hình khổ con phải chịu sau này. Cha đã từng hứa thưởng công bội hậu cho những ai dâng các đau khổ để cầu cho phần rỗi Linh Hồn anh chị em mình. Cha sẽ gia tăng gấp trăm lần niềm hoan lạc con được hưởng trên trời. Rồi con sẽ thấy, tất cả những Linh Hồn từng được con cứu giúp, chẳng bao lâu nữa, sẽ đến gặp con và đưa con vào Thiên Quốc.
Các việc lành đạo đức có sức mạnh giảm bớt các hình khổ của các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Hình: Vui lòng chấp nhận chịu mọi đau khổ vì lòng mến Chúa; Tự nguyện làm các việc hãm mình phạt xác và ăn chay cầu nguyện cho Các Đẳng Linh Hồn; Thi hành các công tác bác ái giúp đỡ những người đang túng thiếu hoặc đang trong cơn quẫn bách.
Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt
CHÂM NGÔN LỜI CHÚA
Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.
(Mt 10: 19-20)