PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN – B

CHÚA NHẬT NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO

TRÊN MÁI NHÀ, NGOÀI ĐƯỜNG PHỐ

“Anh em hãy di khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”

(Mc 4,37-38)

Suy gẫm: Con người thời nay cảm thấy tù túng trong ngôi nhà của mình; họ “bung” ra ngoài làm “phượt thủ” “đi bụi”; dù vẫn ở bên cạnh bạn, họ đã trở thành “cư dân mạng” và “sống ảo” phần lớn thời gian hằng ngày của mình.

Những sứ giả Tin Mừng không thể ngồi yên trong “ngôi nhà” Hội Thánh để rao giảng. Nơi họ rao giảng là ngoài đường phố, là trên mái nhà: đó là công xưởng, ruộng đồng, văn phòng, trường học, là các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, truyền thông,… nghĩa là bất cứ nơi đâu có con người, có sự hiện diện của bạn, là các kitô hữu. Bởi vì “thiên hạ”, đối tượng họ được sai đến, giờ đây đang tản mác ở “khắp tứ phương” rồi.

Nội dung lời rao giảng không gì khác hơn là nói cho họ biết “Thiên Chúa đã yêu họ đến nỗi” sai Con Một của Ngài đến chịu chết để cứu chuộc chúng ta (x. Ga 3,16). Ngài yêu chúng ta bằng tình yêu cao cả nhất, “tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (x. Ga 15,13)

Để thuyết phục người ta tin vào tình yêu vĩ đại đó, chỉ có một cách là bạn yêu thương nhau bằng chính tình yêu đó. Và không có lý do gì để bạn và họ mãi lang thang ngoài đường phố hay vắt vẻo trên mái nhà; một khi họ đã tin thì bạn có thể mời họ trở về nhà, vì Nhà Chúa cũng chính là “ngôi nhà” dành cho họ.                    

An Vi


GIÁO HUẤN SỐ 47

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Lớn lên và trưởng thành

“Nhiều bạn trẻ quan tâm đến thân thể mình, cố gắng tăng cường sức mạnh thể lý hay cải thiện ngoại hình. Nhiều bạn trẻ khác cố gắng phát triển các tài năng và tri thức của mình, để cảm thấy tự tin về mình hơn. Một số nhắm mục tiêu cao hơn nữa, cố gắng để dấn thân hơn và lớn lên về mặt tâm linh. Thánh Gioan nói: “Ta viết cho các con, những người trẻ, vì các con mạnh mẽ và lời Thiên Chúa ở lại trong các con” (1Ga 2,14). Tìm kiếm Chúa, giữ lời Người, tín thác đời mình cho Người và lớn lên trong các nhân đức: tất cả những điều này làm cho trái tim các con nên mạnh mẽ. Đó là lý do các con cần giữ sự nối kết với Đức Giêsu, giữ liên lạc “online” với Người, vì nếu chỉ với nỗ lực và trí tuệ của riêng mình, các con sẽ không lớn lên trong hạnh phúc và thánh thiện được đâu. Giống như các con cố gắng để không mất kết nối internet, hãy bảo đảm rằng các con luôn nối kết với Chúa. Điều này có nghĩa là đừng ngắt cuộc đối thoại, nhưng lắng nghe Người, chia sẻ đời sống các con với Người, và bất cứ khi nào các con không rõ mình nên làm gì, thì hãy hỏi Người: “Chúa Giêsu ơi, Chúa sẽ làm gì trong trường hợp của con”. (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 158)


GƯƠNG THÁNH TỬ ĐẠO

THÁNH GIOAN ĐOÀN VIẾT ĐẠT

Linh mục (1765 – 1798)

NGÀY TỬ ĐẠO: 28 THÁNG 10

Cha có lánh được thì cũng hại cho cả làng

Thánh Gioan Đoàn Viết Đạt sinh năm 1765 tại xứ Đồng Chuối, tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù mồ côi cha từ bé, cậu Đạt đã muốn dâng mình cho Chúa. Cuối cùng, năm 18 tuổi, mẹ cũng bằng lòng đưa cậu vào nhà xứ Đồng Chuối, để xin cha Loan cho vào ở trong nhà xứ. Khi người lên mười tám tuổi, cha Loan cho vào chủng viện (đi học tiếng Latinh). Học xong chủng viện, người lên bậc phó tế và đi giúp xứ. Đến khoảng tháng 2 năm 1798, thầy được chịu chức linh mục lúc ba mươi ba tuổi. Đức cha sai cha Đạt đi giúp xứ Hảo Nho.

          Tháng 7 năm 1798, vua Tây Sơn ra sắc chỉ cấm đạo nghiêm hơn các lần trước. Các quan sai quân lính tầm nã các linh mục, giáo dân và cho phá hết các nhà thờ. Giáo dân đưa cha Đạt lên núi ở ẩn ít lâu. Khi trong làng được yên, ban đêm người xuống nhà ông trùm Mai Lễ để làm lễ mồ ở đấy. Đến canh năm, lễ vừa xong, có mấy tên lính xông vào nhà, thấy đồ lễ chưa kịp dọn giấu đi, cho nên ông trùm Mãi phải thú thật có linh mục ở đây, giáo dân giục cha chạy thoát, nhưng cha không chịu. Ngài nói : “Cha có lánh được thì cũng hại cho cả làng”. Vậy, cha tự nộp mình cho lính bắt.

Sợ giáo dân ngã lòng, cha Gioan Đạt hay khuyên bảo: “Chịu nạn và chịu chết vì đạo là phúc trọng hơn cả, khắp cả và thế gian những kẻ chịu tử vì đạo từ xưa đến nay thì nhiều lắm. Nước An Nam ta chưa được mấy người”

Ngày 28/10/1798, dưới thời vua Cảnh Thịnh, sau khi cha ngồi chắp tay đọc kinh, lý hình thi hành án tử đối với người môn đệ trung tín tại pháp trường Chợ Rạ. Cha Đạt hưởng dương 33 tuổi khi chưa tròn một năm linh mục.

Cha là linh mục triều thứ hai tử vì đạo, trước đó là linh mục Emmanuel Nguyễn Văn Triệu, tử đạo ngày 17/09/1798.

Linh mục Đoàn Viết Đạt được nâng lên bậc chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.


CHIA SẺ

13 Cảnh Báo Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Ma Quỷ (tiếp theo)

10) “Hãy xem cách Đức Giê-su đáp trả lại [những cám dỗ]: Người không đôi co với Satan, như Eva trong vườn Địa đàng. Đức Giê-su biết rất rõ rằng con người không thể dùng miệng lưỡi đôi co lại với Satan vì hắn rất xảo quyệt. Vì vậy, thay vì tranh luận với hắn như Eva xưa, Chúa Giê-su đã chọn cách vững chắc là dùng Lời Chúa để đáp lại ma quỷ với uy quyền của Lời Người. Chúng ta hãy ý thức điều này mỗi khi chúng ta bị cám dỗ …: Đừng đối thoại với Satan, nhưng hãy dùng Lời của Chúa để bảo vệ chúng ta. Và Lời Người sẽ cứu thoát chúng ta.”

Bài giảng Chúa Nhật 09/03/2014 – Text

11) “Chúng ta cũng phải bảo vệ đức tin của mình, bảo vệ đức tin tránh xa những bóng tối. Vì rằng rất nhiều khi bóng tối nằm ẩn nấp đâu đó dưới vỏ bọc ánh sáng. Như Thánh Phao-lô cảnh báo rằng ma quỷ có những lúc chúng cải trang thành thiên thần.”

Bài giảng ngày 06/01/2014 – Text

7 điều bất ngờ xảy ra khi bạn cầu nguyện với chuỗi Mân Côi thường xuyên hơn

Nếu bạn thấy khó cầu nguyện khi lần chuỗi mân côi hay khó giữ việc lần chuỗi thường xuyên, thì bạn hãy đọc để khám phá bảy điều bất ngờ nhất xảy ra trong đời sống của bạn khi bắt đầu cầu nguyện bằng việc lần chuỗi mân côi thường xuyên hơn.

6. Bạn ý thức hơn trước cơn cám dỗ

Một trong số mười năm lời hứa về chuỗi Mân côi là: “việc lần chuỗi sẽ giúp phá bỏ những thiếu sót, giảm tội lỗi và đánh bại dị giáo.” Theo kinh nghiệm của tôi, khi tôi cầu nguyện thường xuyên với chuỗi Mân côi, tôi thấy rằng khoảnh khắc trước khi tôi phạm tội chậm xuống. Theo đó, chẳng hạn nếu tôi muốn trì hoãn hay nói chuyện phàm tục, tôi không làm nó một cách tự động nữa. Tôi nhận thức rằng những hành vi ấy bắt đầu với một cuộc đối thoại trong đầu tôi. Tôi ý thức hơn về cám dỗ trước khi hành động và có thêm thời gian để suy xét tôi có thực sự muốn làm nó hay không. Và khi cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi, tôi bắt đầu nhìn đời sống của mình qua một lối nhìn liên kết với Thiên Chúa và bắt đầu thấy những gì Người muốn cho tôi là tốt lành và tôi cũng muốn cùng một điều Người muốn.

7. Bạn bắt đầu sống biến cố Nhập Thể

Sức mạnh của chuỗi Mân côi nằm ở trong sự đơn giản của nó. Nó quá đơn giản đến nỗi mà dường như có thể ngu ngốc đối với những bộ óc thông minh. Vậy nên chúng ta thường nghĩ rằng, chúng ta cần phải tìm những giải pháp phức tạp, thông thái và đòi hỏi kiến thức tổng hợp để giải quyết những vấn đề phức tạp, khó khăn. Chúng ta tập trung vào vực thẳm của những vấn đề của mình và tự hỏi làm sao có thể tìm thấy giải pháp với một vấn đề quá lớn như vậy. Chúng ta không cần phải như thế. Thiên Chúa đến thế gian như một em bé nhỏ nhắn, yếu đuối và đơn độc khi sinh ra trong hoàn cảnh khó nghèo. Kinh Mân côi quá đơn giản tới mức mà nó có thể cầu nguyện trong bất cứ hoàn cảnh nào, đó là vũ khí mạnh mẽ nhất của đời sống cầu nguyện mà chúng ta có.

“Chẳng có vấn nạn nào mà chúng ta lại không thể được giải quyết bởi chuỗi Mân côi, dầu có khó khăn đến đâu, dẫu là vấn đề thuộc thế gian hay trời cao, trong đời sống cá nhân hay gia đình.” Sr. Lucia (một trong các thị nhân Đức Mẹ Hiện ra tại Fatima).

                                                                                                Tác giảRuth Baker

Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J. chuyển ngữ


MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN

Ao ước rước Đức Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng (tiếp theo)

… Câu chuyện giữa bà mẹ Công Giáo tên Hélène và cô con gái cưng Constance 7 tuổi. Gia đình sống tại giáo phận Laval ở miền Tây Bắc nước Pháp.

Về phần mình, bà Hélène tỏ ra đăm chiêu tư lự. Thật thế. Bé Constance rất bén nhạy và luôn luôn muốn biết về cuộc đời của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Cô bé rất thích nghe Mẹ kể về dụ ngôn con chiên đi lạc, về người hàng xóm đến gõ cửa xin trợ giúp vào giữa đêm hôm khuya lắc khuya lơ, và dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu. Cô bé cũng rất thích nghe các chuyện hay về thánh nữ Têrêxa Hài Đồng GIÊSU, thánh nữ Bernadette và thánh Phanxicô thành Assisi.

Rồi bé Constance cũng thường vào phòng riêng để cầu nguyện mỗi khi cô bé có chuyện buồn. Có lẽ đây là lúc bé Constance cần khám phá ra sự hiện diện của Đức Chúa GIÊSU dưới một hình thức khác chăng? Nhưng bà Hélène lo âu tự hỏi:

– Không rõ bé đã sẵn sàng chưa?

Nghĩ thế nên bà đặt câu hỏi:

– Con có biết rước lễ có nghĩa là gì không?

Bé Constance trả lời ngay:

– Dĩ nhiên là con biết! Rước lễ là rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU. Chính Cha Jean nói khi Cha cử hành Thánh Lễ ngày Chúa Nhật rằng: ”Này là Mình Thầy bị nộp vì các con!”

 (còn tiếp)

(Nguồn : Conggiao.info)

Sr.Jean Berchmans Minh Nguyệt


CHÂM NGÔN LỜI CHÚA

Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được.

Mt 6: 19-20