PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXI MÙA THƯỜNG NIÊN – B
SẠCH TỪ BÊN TRONG
“Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,20)
Suy gẫm: Ngày xưa đi chợ mua bó rau về, rửa sạch bụi đất bám trên lá, lặt bỏ hết những lá sâu, thế là yên tâm đã có rau sạch cho bữa ăn. Ngày nay vấn đề phức tạp hơn nhiều. Ra chợ, cầm bó rau tươi ngon ngắm nghía, người mua vẫn còn nghi hoặc không biết bó rau có sạch thực sự hay vẫn còn đó những “sát thủ âm thầm” là hoá chất, thuốc trừ sâu, v.v. tiềm tàng bên trong. Tiêu chuẩn sạch từ bên trong là có thật. Điều đó lại càng đúng hơn khi nói đến cái sạch của con người. Nguyễn Du cho biết như thế khi mô tả Mã Giám Sinh “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” nhưng thực chất lại là một tay buôn người.
Chúa Giêsu lên án tuân giữ tỉ mỉ các nghi thức tẩy rửa bên ngoài, mà lại phế bỏ việc thờ phượng và tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa. “Những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” từ trong con người xuất ra làm cho con người thành dơ bẩn.
Để trở nên thanh sạch, con người phải tẩy sạch những dơ bẩn ẩn từ trong tâm hồn. Phải cắt đứt nguồn thực phẩm dơ bẩn cho tâm hồn, đó là những sách báo hình ảnh tà dâm, bạo lực… kích thích giác quan, dục vọng và dẫn đến những tư tưởng, hành động tội lỗi. Đồng thời hãy nuôi tâm hồn bằng những thực phẩm tốt, đó là những tư tưởng, cảm xúc tốt lành, tích cực.
GIÁO HUẤN SỐ 40
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Một khát vọng sống và kinh nghiệm (tiếp theo)
“Điều này cũng có thể áp dụng cho những lúc khó khăn, những hoàn cảnh mà ta phải kinh nghiệm đầy đủ thì mới học được thông điệp mà chúng có thể dạy mình. Như các Giám mục Thuỵ Sĩ diễn tả: “Thiên Chúa ở đó, nơi mà chúng ta nghĩ rằng Ngài bỏ chúng ta và chẳng còn hy vọng gì hơn về ơn cứu độ. Thật là nghịch lý, nhưng đối với nhiều Kitô hữu, đau khổ và bóng tối đã trở thành … những nơi gặp gỡ Thiên Chúa”. Khát vọng sống hết mình và kinh nghiệm những điều mới mẻ cũng được cảm nhận bởi nhiều người trẻ trong hoàn cảnh khiếm khuyết về thể lý, tâm thần và giác quan. Dù có thể họ không luôn luôn có được cùng những kinh nghiệm như những người khác, họ sở hữu những nguồn lực và những khả năng kỳ diệu thường vượt xa trên mức bình thường. Chúa Giêsu ban cho họ những quà tặng khác, mà cộng đoàn được mời gọi nhìn nhận và trân trọng, để họ có thể khám phá kế hoạch yêu thương của Người cho mỗi người trong họ”. (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 149).
GƯƠNG THÁNH TỬ ĐẠO
THÁNH GIUSE HOÀNG LƯƠNG CẢNH
Trùm họ và Lương y (1763 – 1838)
NGÀY TỬ ĐẠO : 4 THÁNG 9
Dù phải trăm ngàn sự đau đớn bởi đòn vọt hay phải chết thì tôi xin sẵn sàng cam chịu.
Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh sinh năm 1763 tại làng Vạn (nay thuộc thánh phố Bắc Ninh), nhưng sinh sống ở làng Thổ (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Ngài là một thầy lang nổi tiếng hiền lành, tận tuỵ với bệnh nhân và thường chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Trong vai trò trùm họ của giáo xứ Thổ Hà, ông trùm Cảnh đã gia nhập dòng Ba Đa Minh và đã rửa tội cho nhiều người trong giờ hấp hối, đặc biệt là trẻ em.
Năm ông trùm 74 tuổi, ông hương trong làng sinh lòng ganh tỵ khi thấy dân làng mến phục ông trùm Cảnh nên lén tố cáo với quan lớn kết tội ông trùm tàng trử đồ đạo và chứa chấp đạo trưởng trong nhà. Cụ trùm Cảnh không biết điều này nên khi có người mời đi chữa bệnh và rửa tội cho một em bé, ông liền đi ngay. Sống trong thời cấm đạo, chắc chắn cụ Cảnh biết rõ đi lúc này sẽ rất nguy hiểm nhưng cụ vẫn nhất quyết ra đi để cứu các linh hồn. Khi đến bến đò Thổ Hà thì quan quân kéo đến bắt, đóng gông và giải cụ về nhà giam Bắc Ninh cùng với cha Phêrô Nguyễn Văn Tự, thầy Đaminh Uý, ba ông trùm khác và một người giáo dân.
Ngày 12/07/1838, khi quan bắt tù nhân bước qua ảnh Thánh Giá, cụ Cảnh đã can đảm quỳ xuống hôn Thánh Giá. Một lần khác, bị dụ dỗ chối bỏ đức tin, cụ trả lời quan: “Tôi đã giữ đạo từ nhỏ, nay các quan bảo bỏ thì dứt khoát là không thể được. Dù phải trăm ngàn sự đau đớn bởi đòn vọt hay phải chết thì tôi xin sẵn lòng cam chịu”.
Ngày 05/09/1838, cụ trùm Cảnh khoác lên mình áo dòng Ba Đa Minh và nâng niu trên tay ảnh Thánh Giá nhỏ cụ đã hôn kính nhiều lần trong tù. Cụ bước đi chậm rãi và vất vả vì tuổi già nhưng vẫn bình thản tiến ra pháp trường. Cụ bị án trảm quyết tại pháp trường Cổ Mễ (cách Toà Giám mục Bắc Ninh khoảng 5km). Theo lệnh quan, người ta phải chôn xác cụ gần nơi xử tử. Đêm thứ hai, một số người lương ra đào lấy xác ngài và bán lại cho giáo dân làng Thổ Hà 36 quan. Giáo dân đã rước về an táng tại nhà thờ họ của mình.
Hiện nay, hài cốt của ngài được lưu giữ trong nhà thờ họ Hương La, xứ Tử Nê, Giáo phận Bắc Ninh.
Cụ trùm họ và lương y Giuse Hoàng Lương Cảnh được suy tôn chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.
Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam
CHIA SẺ
NHỮNG CÂU NÓI NỔI BẬT CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ (tiếp theo)
“Một người không thể là một Kitô hữu bán thời gian, nhưng là Kitô hữu trong mọi giây phút! Một cách toàn diện!”
“Con người như một khách lữ hành, đang băng qua hoang địa cuộc đời, khát một dòng nước hằng sống, vọt lên và tươi mát, có khả năng làm thỏa mãn ước vọng sâu thẳm tận đáy lòng về ánh sáng, tình yêu, vẻ đẹp và bình an của người ấy. Tất cả chúng ta đều cảm thấy ước vọng ấy! Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước hằng sống này: đó là Chúa Thánh Thần.”
“Một Kitô hữu là một người suy nghĩ và hành động theo Thiên Chúa, trong Chúa Thánh Thần.”
“Chúa Thánh Thần dạy chúng ta nhìn bằng đôi mắt của Đức Kitô, sống cuộc sống của mình như Đức Kitô đã sống cuộc sống của Người, hiểu cuộc đời như Đức Kitô đã hiểu.”
CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN
Cầu nguyện là trò chuyện với Chúa (không phải độc thoại một mình). Khi cầu nguyện, bạn dành thời gian nhận biết Thiên Chúa và xây dựng mối tương quan với Ngài. Đây là điều quan trọng đối với các Kitô hữu. Chúa Giêsu bảo các tông đồ hãy cầu nguyện luôn (Lc 22,26). Tuy nhiên, cầu nguyện thật không dễ dàng: làm thế nào để bạn bắt đầu và bạn nên nói gì?
Việc quan trọng nhất là nhận ra Thiên Chúa luôn ở bên bạn, thậm chí lúc bạn đang lướt mạng Internet… Không có gì ngăn cản bạn nhắm mắt lại ngay lúc này và trò chuyện với Chúa về những điều trong tâm hồn bạn. Hãy xin Ngài giúp đỡ, nói với Ngài về những gì bạn gặp khó khăn và tạ ơn Ngài về những gì bạn nhận được. Đó là cầu nguyện.
Thiên Chúa mời gọi bạn cầu nguyện. Ngài chờ bạn! Mối tương quan giữa bạn với Chúa sẽ mang lại cho bạn niềm vui đúng nghĩa và trọn vẹn. Bạn có thể kêu cầu lên Chúa về tất cả mọi sự. (còn tiếp)
Nguồn: tweetingwithgod.com/en/tweets
MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN
THƯA CHA! CON KHÔNG ĐI NHÀ THỜ NỮA
Một thanh niên trẻ đến gặp một Linh Mục và nói: Thưa Cha, con không đi nhà thờ nữa!
Linh Mục hỏi: Vậy à, con có thể cho Cha biết lý do không?
Người thanh niên trả lời: Lạy Chúa tôi: Ở đây con thấy cô này nói xấu cô kia. Anh đọc Sách Thánh đọc dở. Ca đoàn vừa chia rẽ vừa hát sai. Người đi xem lễ chỉ chăm chăm nhìn điện thoại. Đó là không nói đến ngoài nhà thờ họ là những người ích kỷ, cao ngạo…
Linh Mục nói với anh: Con có lý.
Nhưng trước khi dứt khoát rời nhà thờ, con có thể làm cho Cha việc này: Con rót một ly nước đầy, rồi đi quanh nhà thờ ba vòng mà không làm đổ một giọt. Sau đó, con có thể bỏ nhà thờ.
Người thanh niên tự nhủ: quá dễ! Và anh đi ba vòng như Cha xứ dặn. Đi xong, anh về nói với cha: Rồi, con đi xong rồi.
Linh Mục hỏi: Khi con đi, con có thấy cô này nói xấu cô kia không?
Người thanh niên trả lời: Thưa Cha không.
Con có thấy người này người kia thờ ơ với nhau không?
Người thanh niên: Thưa cha không.
Con có thấy người này người kia chúi mũi vào điện thoại không?
Người thanh niên: Không, con không thấy.
Con có biết vì sao con không thấy không: Vì con tập trung để ly nước không bị đổ.
Con biết… cuộc đời cũng vậy, Khi tâm hồn chúng ta tập trung vào Chúa Kitô, thì chúng ta không có thì giờ để nhìn các sai lầm của người khác.
Ai ra khỏi nhà thờ vì các Kitô hữu đạo đức giả thì chắc chắn họ cũng không vào nhà thờ vì Chúa Giêsu.
Nguồn: Ơn Gọi Thánh Hiến
CHÂM NGÔN LỜI CHÚA
Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
(Lc 15:7)