PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN B
“Chính anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31)
Suy niệm: “Lao động là phúc lành cho ta. Chúa đã khôn khéo sắp đặt thế giới để lao động là điều cần thiết; Ngài ban cho ta đôi tay và sức lực để lao động. Tận hưởng thú vui sẽ không có ý nghĩa nếu ta chỉ có thú vui. Chính niềm vui khi lao động miệt mài giúp ta vui hưởng sự nghỉ ngơi, tựa như trải nghiệm đói và khát làm cho thức ăn thức uống đem lại những thú vị như vậy” (nhà văn Mỹ E. Elliot). Đời sống con người gồm có hai nhịp: lao động và nghỉ ngơi. Lao động mải mê mà không nghỉ ngơi sẽ làm ta kiệt sức, chán ngán. Trái lại, chỉ nghỉ ngơi mà không lao động, cuộc sống sẽ vô vị và dễ đưa đến sự ác. Trong đời sống thiêng liêng, ngày sống gồm có những giờ lao động vất vả, nhưng cũng cần những giây phút nghỉ ngơi bên Chúa qua cầu nguyện, dâng lễ… giúp cho đời sống ta quân bình, và đầy niềm vui.
Hãy tổ chức một ngày sống theo hai nhịp gợi ý trên đây: lao động và nghỉ ngơi bên Chúa. Nghỉ ngơi bên Chúa để Ngài bồi dưỡng, tăng cường sức lực tinh thần, cũng như để cảm nếm sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời, và nhờ vậy, việc lao động của bạn cũng được đổi mới và tràn đầy sáng tạo.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
22.7 CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN. Mc 6,30-34
23.7 Thứ Hai. Thánh Bigitta, nữ tu. Mt 12,38-42
24.7 Thứ Ba. Thánh Sabêliô Malup, Linh mục
Thánh Giuse Fernadez Hiền, Linh mục, tử đạo (1838); Mt 12,46-50
25.7 Thứ Tư. THÁNH GIA-CÔ-BÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. Mt 20,20-28
26.7 Thứ Năm. Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria. Lễ nhớ. Mt 13,16-17
Kính chân phước Anrê Phú Yên, tử đạo.
Giáo phận hành hương về Đền Thánh Chân Phước Anrê Phú Yên, Giáo họ Phước Kiều.
28.7 Thứ Sáu. Mt 13,18-23
29.7 Thứ Bảy. Thánh Giuse Sampedro Xuyên, Giám mục, tử đạo (1858). Mt 13,24-30
30.7 CHÚA NHẬT XVII MÙA THƯỜNG NIÊN. Ga 6,1-15
THÔNG BÁO Số 42TB/GXCT/2018
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
177. Tại sao khi nhận lãnh bí tích, cần có lòng tin trước?
– Vì bí tích không phải là ảo thuật. Bí tích chỉ sinh hiệu quả khi người ta hiểu biết và lãnh nhận với đức tin. Các bí tích không chỉ đòi có đức tin mà nó còn gia tăng và diễn tả đức tin nữa. [1122 – 1126]
– Chúa Giêsu đã dạy các Tông đồ hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ bằng việc rao giảng Tin Mừng, làm phép Rửa cho họ, nghĩa là trước hết khơi dậy đức tin cho họ rồi sau mới rửa tội. Như thế, chúng ta nhận 2 điều từ Hội Thánh: đức tin và bí tích. Ngày nay, người ta không trở thành Kitô hữu bằng cách chỉ nhận một lễ nghi hoặc chỉ ghi tên vào sổ, nhưng là bằng đón nhận đức tin chân thật. Chúng ta nhận được đức tin chân chính này từ Hội Thánh. Hội Thánh lo bảo đảm đức tin đó. Bởi vì đức tin của Hội thánh được diễn tả trong phụng vụ, nên không một nghi lễ bí tích nào được thay đổi hoặc làm khác đi theo sở thích của một người hay của một cộng đoàn nào.
“Cũng như một cây nến được thắp sáng nhờ lửa của cây nến khác, thì đức tin cũng được thắp sáng nhờ đức tin.” – Romano Guardini
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 178. Nếu bí tích được người không xứng đáng cử hành, bí tích có mất đi hiệu quả không?
VỀ NHÀ CHA
Ông Phêrô Nguyễn Văn Trọng. Sinh năm 1933, (Giáo Họ Micae Hy) đã được Chúa gọi về. An Táng ngày 19.7.2018 tại Nghĩa trang Giáo xứ Chính Tòa Đà nẵng.
Giáo xứ Chính Tòa xin chia buồn cùng gia đình tang quyến và xin Chúa sớm đưa linh hồn Ông Phêrô về hưởng nhan thánh Chúa.
MỪNG BỔN MẠNG
Chúc Mừng Giới Lão Thành, Quý Ông Bà, Anh Chị Em, Nhân Ngày Lễ Thánh Bổn Mạng – THÁNH GIA-CÔ-BÊ, TÔNG ĐỒ (25.7); THÁNH GIOAKIM VÀ THÁNH ANNA, (26.7); THÁNH MATTA (30.7)
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
Suy Gẫm Lời Chúa
Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí ban cho ông. Bấy giờ họ mới xúi mấy người phao tin rằng…(Cv 6,10-11)
Đánh không nổi đi đánh lén; không thắng nổi người ta thì đi nói xấu, đi phao tin vịt. Người mà đi phao tin đồn, tin vịt để làm hại người khác là chứng tỏ mình thua, mình không bằng người ta. Mà càng làm như vậy thì mình càng thua, tự nhiên lại góp công góp sức làm cho người ta biết về người đó và nhất là cho biết mình thua. Vì nói xấu người khác mà người ta không xấu thì mình xấu chứ ai. Thế có khôn không? Thật quá dại, dại hết chỗ chê.
Lời lẽ khôn ngoan không nhất thiết phải ở trên môi trên miệng, mà còn ở cách sống, cách làm, là việc làm nữa. Có khi họ chẳng nói gì nhiều, nói rất ít nhưng mà ai cũng biết. Họ nói qua hành động, qua việc làm. Còn mình lúc nào cũng nói, nói cho hay, nói cho ngọt, gặp ai cũng nói. Nói như thế thì ai cũng nghe nhưng chẳng biết gì vì có thấy mình làm cái gì đâu. Như vậy, vừa mất công, mất sức, phải suy nghĩ tìm tòi những sơ hở hay lỗi lầm của người ta, rồi xuyên tạc, rồi ‘oanh tạc’, rồi bày mưu tính kế để làm cho người ta mất mày mất mặt, mất uy tín. Mất đâu không thấy, càng ngày, người ta lại càng ‘sáng như Thiên Thần’, mạnh mẽ như ‘Thiên Sứ’, càng được người khác biết đến…Phần ‘người ta’ cũng chẳng nói, chẳng rằng, cũng chẳng để ý gì, việc họ họ cứ làm, chẳng thanh minh cũng chẳng thanh nga gì; chẳng tức mà cũng chẳng lồng lộn chi, nghe cũng như không nghe vậy. Nếu có người nào đó hỏi thì họ nói và sự thật có làm sao thì họ nói làm vậy.
Sự thật vẫn là sự thật mà, đâu cần phải đối chất hay cãi lý làm chi. Nếu có đối chất thì bên kia cũng chối à. Thế thì đối chất làm chi, để ý làm gì cái thứ đánh lén, cái thứ nói sau lưng. Lời của họ, việc làm của họ có giá trị gì đâu.
Quả thực, có người không đủ khôn ngoan, cũng không đủ vững trước những lời nói xấu và gièm pha, những lời nói sau lưng. Mới nghe thôi họ cũng đã tức điên lên rồi muốn tìm cái thứ đó nói cho ra lẽ. Thế nhưng cái thứ mất nết đó có dám nhận đâu, họ ngu gì mà nhận, thế thì cũng huề thôi chứ làm được gì. Gặp họ mà ta không nói gì được thì ta lại càng tức thêm. Tâm hồn không có bình an, lại sinh ra thù ghét. Thế là có phải ta dại quá không? Mình có làm gì bậy hay làm gì xấu đâu mà phải đối chất làm chi. Đối chất với những người đó thì vô ích. Có hơn không khi ta im lặng, nghe như không nghe? Ta mất mặt, mất giá thế nào được mà sợ.
Thời gian sẽ trả lời tất cả, ta đừng lo, cũng đừng sợ gì cả. Ngọc mà càng đánh bao nhiêu thì càng bóng, càng sáng hơn bấy nhiêu thôi. Trong trường hợp này thì im lặng là vàng; im lặng không để ý tới là khôn ngoan. Khôn vì ta không đối đầu, không mất công vô ích, không cho họ biết ta đang nghĩ gì hay có nghe gì về những điều họ tung tin không. Ngoan vì người khác sẽ biết ta không thích cãi lộn, không thích cãi lý nhưng một mực kiên trì, nhẫn nại, điềm tĩnh, bình thản. Cái khôn này sẽ làm ta đẹp mặt và sáng giá. Hãy tập cho mình sự khôn ngoan này để ta bình thản trước mọi lời gièm pha hay nói xấu của người khác.
( Bosco Dương TrungTín)
Đừng Vội Đắc Chí
(Đón xem , kỳ sau)
+++