PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 8 Thường Niên – 27/5/2018
CHÚA BA NGÔI
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” (Mt 28,19)
Suy niệm: Ngay từ buổi đầu, các môn đệ đã ý thức phải đi ra mới có thể làm chứng cho Tin Mừng cứu độ được. Nhờ sự nhiệt thành ấy, Lời Chúa được lan rộng đến cùng bờ cõi trái đất. Ngày hôm nay, việc đi ra ấy vẫn luôn là vấn đề thời sự, một mệnh lệnh còn cấp thiết với ta hơn bao giờ hết. Quanh quẩn trong nội bộ giáo xứ, theo phương cách mục vụ bảo tồn con số giáo dân không thích hợp với lời dạy của vị Cha Chung, Đức Thánh Cha Phanxicô. Hơn nữa, các phương tiện di chuyển và truyền thông hiện đại như chắp thêm cánh, nối thêm chân cho bước đi ra của người môn đệ. Trong cuộc hành trình như vô tận này, người môn đệ không đơn độc vì “Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Có Chúa Giê-su Phục Sinh đồng hành, chúng ta có gì phải sợ hãi, trái lại vững tin mà bước tới.
Mệnh lệnh “hãy đi” của Chúa Ki-tô tạo nên một thách đố không nhỏ cho toàn thể giáo dân, giáo sĩ Việt Nam hôm nay. Đi đâu và đi ra như thế nào khi chung quanh lang sói vây bủa, nội bộ chưa vững mạnh? Nói gì khi mọi cách thế truyền thông có thể bị hiểu sai? Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là hồn tông đồ của bạn, của tôi còn sống động hay không?
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
27.05 : Chúa Nhật VIII MÙA THƯỜNG NIÊN.
CHÚA BA NGÔI. Lễ trọng. Mt 28,16-20
28.05 : Thứ Hai. Thánh Phaolô Hạnh, giáo dân, tử đạo (1859). Mc 10,17-27
29.05 : Thứ Ba. Mc 10,28-31
30.05: Thứ Tư. Mc 10,32-45
31.05 : Thứ Năm. ĐỨC MA-RI-A THĂM VIẾNG BÀ Ê-LI-SA-BÉT. Lễ kính. Lc 1,39-56.
Giáo phận hành hương
về Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu
01.06: Thứ Sáu đầu tháng. Thánh Jus-ti-nô, tử đạo. Lễ nhớ. Thánh Giuse Túc, Giáo dân, tử đạo (1862). Mc 11,11-26
Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi
02.06: Thứ Bảy đầu tháng. Thánh Mac-sen-li-nô và thánh Phê-rô, tử đạo. Thánh Đaminh Ninh, tử đạo(1862). Mc 11,27-33
03.06: Chúa Nhật IX MÙA THƯỜNG NIÊN.
MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ.
Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Mc 14,12-16.22-26
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
Tân Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam
VATICAN – Hôm Thứ Hai 21-05-2018, vào lúc 12g Vatican, tức 17g Việt Nam cùng ngày, Tòa thánh Vatican công bố: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Tổng giám mục hiệu tòa Africa, hiện đang là Sứ thần Toà thánh tại Zimbabwe, làm Sứ thần Toà thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà thánh không thường trú tại Việt Nam.
VATICAN. Trong diễn văn khai mạc đại hội thường niên của Hội đồng Giám mục Italia tại Hội trường Thượng HĐGM ở nội thành Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ lo âu về tình trạng thiếu ơn gọi tại Italia, cổ võ sự thanh bần theo Tin Mừng và tái kêu gọi giảm bớt số Giáo phận tại nước này.
(Nguồn:Bollettino- Sala Stampa della Santa Sede).
Chính Tòa: TB Số 32TB/GXCT/2018
-Mời các Phụ huynh lớp Tuyên Xưng Đức Tin không đi họp tối 20/5, đến họp bổ sung vào Chúa Nhật 27/5/2018, lúc 19g30’ tại phòng C11. Các em lớp Tuyên Xưng Đức Tin chưa được khảo kinh, xin liên hệ với Cha phó Tùng.
-Lớp Xưng tội- Rước Lễ Lần Đầu vẫn học vào các Buổi Chiều từ Thứ Hai đến Thứ Sáu.
-Lớp Tuyên Xưng Đức Tin học vào các Tối Thứ Hai, Thứ Tư, Thứ Sáu.
-Chúa nhật 03/6/2018, các lớp Giáo lý thi Học kỳ 2. Riêng Lớp 9 sẽ thi vào Chúa nhật 10/6/2018.
Xin Phụ Huynh nhắc nhở và tạo điều kiện cho các em các lớp nói trên được học và tham dự các Thánh lễ buổi chiều hằng ngày.
*Phiên 1: Từ 19g00’ đến 19g30’: Ban Thường Vụ phụ trách.
*Phiên 2: Từ 19g30’ đến 20g00’: Giáo họ Phaolô Bường, Anrê Trông, Giuse Khang, Đoàn Phan Sinh và Giới Trẻ cùng phụ trách.
*Phiên 3: Từ 20g00’ đến 20g30’: Giáo họ Phêrô Lựu, Micae Hy, Augustinô Huy, Ban Giáo Lý, Thăng Tiến Hôn Nhân, Bác Ái xã hội-Caritas cùng phụ trách.
*Phiên 4: Từ 20g30’ đến 21g00’: Giáo họ Anê Thành, Giuse Viên, Emmanuel Triệu, Giới Người Mẹ, Bác Ái Vinh Sơn cùng phụ trách.
*Phiên 5: Từ 21g00’ đến 21g30’: Giáo họ Đaminh Khảm, Phaolô Lộc, Đaminh Cẩm, Giới Người Cha, Legio Maria cùng phụ trách.
*Từ 21g30’ đến 24g00’: Chầu riêng và Cha Quản xứ sẽ kết thúc Chầu vào lúc 24g00’
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
– Chúng ta được lôi kéo đến tình yêu Chúa, được chữa lành, được biến đổi. [1076]
– Tất cả các cử hành phụng vụ của Hội thánh và tất cả các bí tích của Hội thánh chỉ có một mục đích là trao ban sự sống và trao ban một cách dồi dào. Khi chúng ta cử hành phụng vụ, chúng ta gặp được Đấng đã đích thân nói rằng: “Ta là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6). Ai đến tham dự một cử hành phụng vụ và cảm thấy mình bị bỏ rơi, Chúa sẽ bảo vệ gìn giữ họ. Ai đến tham dự mà cảm thấy mình bị lạc lõng, sẽ tìm thấy Chúa đang chờ họ.
Thế rồi anh ta đứng lên, đi về cùng cha. Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. – Lc 15,20
Và tôi sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến với Chúa là niềm vui của tôi. Tôi sẽ vui sướng, tôi sẽ cảm tạ Chúa bằng đàn hát, cảm tạ Chúa của tôi. – Tv 43,4
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 170. Nguồn gốc cốt lõi nhất của phụng vụ là gì?
HÔN PHỐI
+ Anh Giuse Nguyễn Nhật Phương và Chị Anna Trương Thị Phương Thảo (Gh. Dom. Khảm).
Xin Chúa chúc phúc cho tình yêu Anh Chị hôm nay và mãi mãi.
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
(Có thể chuyện này đã được đọc)
Lời hiền triết
Có một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng:
“Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải thét thật to vào mặt nhau ?”
Sau một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử ấy đã trả lời:
“Bởi vì người ta mất bình tỉnh, mất tự chủ!”
Vị hiền triết không đồng ý với câu trả lời, ngài bảo:
“Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nói với một âm thanh vừa phải đủ nghe ?”
Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời nhưng không có câu giải thích nào khiến vị thầy của họ hài lòng. Sau cùng ông bảo:
“Khi hai người đang giận nhau thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.”
Ngưng một chút, ngài lại hỏi:
“Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao? Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau. Khoảng cách giữa họ rất nhỏ…”
Rồi ngài lại tiếp tục: “Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt đó họ đã biết đối phương nghĩ gì, muốn gì…”
Ngài kết luận: “Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau… Nếu không thì có một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thì các con sẽ không còn tìm ra được đường quay trở về !”