BẢN TIN 422

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH. 12/5/2018

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15)

Suy niệm: “Thứ hai thì ngắm, Đức Giê-su lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.” Kinh Mân Côi, ngắm thứ hai, mầu nhiệm Năm Sự Mừng này nhắc nhở rằng ở dưới đất cũng có những đối tượng hấp dẫn khiến ta ái mộ. Tiền bạc có thể làm ta ái mộ; vì có tiền là có quyền, có tiện nghi, đời sống được thăng tiến, “có tiền mua tiên cũng được”… Những sự “dưới đất” ấy thật hấp dẫn, có thể mê hoặc, trói buộc chúng ta quên mất rằng quê hương đích thực của chúng ta là ở trên trời (x. Pl 3,20; Dt 11,16). “Chúa lên trời” nhắc cho chúng ta luôn hướng về quê hương vĩnh hằng đó. Đó chính là động lực thúc đẩy chúng ta luôn nhiệt thành hăm hở thực thi mệnh lệnh tối hậu của Chúa Phục Sinh giao phó cho các môn đệ trước khi Ngài về trời: đó là loan báo Tin Mừng của Ngài cho đến tận cùng thế giới.

Cuộc sống ở trần gian là một cuộc hành trình hướng về quê thật, nơi Đức Giê-su Phục Sinh đang chờ đợi ta. Nước Trời là cùng đích chúng ta hướng tới. Vậy đang khi sống tại thế này chúng ta cần có tinh thần siêu thoát, sử dụng thực tại trần thế này như phương tiện giúp nhau đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên Quốc.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

13.05 : Chúa Nhật VII PHỤC SINH. CHÚA THĂNG THIÊN. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Mc 16,15-20

14.05 :     Thứ Hai. THÁNH MÁT-THI-A, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. Ga 15,9-17

15.05 :     Thứ Ba. Ga 17,1-11a

16.05:     Thứ Tư. Ga 17,11b-19

17.05 :     Thứ Năm. Ga 17,20-26

18.05:     Thứ Sáu. Thánh Gio-an I, Giáo hoàng, tử đạo. Ga 21,15-19

19.05:     Thứ Bảy. Thứ Bảy. Ga 21,20-25

Chiều: LỄ VỌNG CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG.

20.05: Chúa Nhật CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Ga 20,19-23

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

Giáo hội Việt Nam có thêm một Đại chủng viện tại giáo phận Đà Lạt

WHĐ (05.05.2018) – Ngày 03-05-2018, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng thư ký, đã ký Quyết định thành lập Cơ sở II của Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc tại giáo phận Đà Lạt, gọi tắt là Đại chủng viện Minh Hoà, địa chỉ: 51 Vạn Kiếp, phường 8, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

(www.hdgmvietnam.org)

 

Chính Tòa: TB Số 29TB/GXCT/2018

  1. Chúa nhật 13/5 vào lúc 19g30’ đọc kinh kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima do Hội Legio phụ trách, xin cộng đoàn sốt sắng tham dự.
  2. Từ Thứ Hai 14/5 đến Thứ Bảy 19/5 Giáo Họ Micae Hy trực Phụng vụ.
  3. Thứ Hai 14/5 Lễ Kính Thánh Matthia Tông Đồ, Bổn mạng của 03 giáo dân. Xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
  4. Thứ Năm 17/5 sau thánh lễ 17g30’ có giờ Chầu Mình Thánh do Hội Bác Ái Vinh Sơn phụ trách.
  5. Thứ Bảy 19/5 vào lúc 17g30’ dâng hoa tôn vinh Mẹ và Thánh Lễ tại Núi Đá do Giới Trẻ phụ trách.

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Phụng vụ là gì?

–  Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh. [1077-1112]

– Một cử hành phụng vụ không phải một biến cố gồm những ý tưởng tốt và những thánh ca hay. Không phụng vụ nào tự tạo ra mình cũng như tự mình sáng kiến ra. Phụng vụ chứng tỏ về một đời sống đức tin đã lớn dần trong nhiều thế kỷ. Một việc đạo đức là một biến cố thánh, đáng được tôn trọng. Phụng vụ trở nên hấp dẫn khi ta cảm nghiệm được chính Thiên Chúa đang có mặt trong các dấu hiệu thánh và trong các kinh nguyện quý báu và thường là rất cổ kính.

Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức được hoàn thành do dân và cho dân. Theo truyền thống Kitô Giáo, phụng vụ có nghĩa là dân Chúa tham gia vào “việc” của Chúa. Việc quan trọng nhất trong các cử hành phụng vụ là Phụng vụ Thánh Thể. Các cử hành phụng vụ khác đều tùy thuộc vào Phụng vụ Thánh Thể, chẳng hạn như cử hành các bí tích, các việc tôn thờ, các buổi chầu chúc lành, các cuộc rước kiệu, và phụng vụ các giờ kinh.

“Phụng vụ không bao giờ được rút gọn vào một cuộc họp nhóm để cử hành riêng cho mình… Nhờ được tham dự vào việc Chúa Kitô trở về cùng Chúa Cha… chúng ta cũng được thông công cùng các thánh. Đúng thế, chúng ta một cách nào đó được tham gia phụng vụ trên trời.” – Đức Hồng y Ratzinger, Thiên Chúa và Thế giới

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 168. Tại sao phụng vụ lại chiếm địa vị ưu tiên trong đời sống Hội Thánh và trong đời sống mỗi người chúng ta?

 

HỒNG ÂN LÀM CON CHÚA                                                                               

Phanxicô Xaviê Lưu Hoàng Bách (Em. Triệu) Phêrô Trần Thiên Ân, Têrêsa Nguyễn Quỳnh An Nhi, Giuse Thái Gia Bảo, Phaolô Lê Toàn (Phaolô Bường) Maria Huỳnh Nhã Minh (Giuse Khang) Giuse Phan Hoàng Thiên Ân (Giuse Viên)

Chúc Mừng Các Bé Được Tái Sinh Làm Con Thiên Chúa Và Hội Thánh.

 

MỪNG BỔN MẠNG

Chúc Mừng Quý Giáo dân Nhân Ngày Lễ Thánh Bổn Mạng MATTHIAS (Tông đồ).

 

HÔN PHỐI                                                                              

+ Anh Phêrô Mai Anh Quốc và Chị Anna Lê Thị Thùy Trang

+ Anh Phêrô Hoàng Khanh Nguyễn Văn Long và Chị Têrêsa Phùng Thị Hằng

Xin Chúa chúc phúc cho tình yêu Anh Chị hôm nay và mãi mãi.

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

THƯA CHA, CON KHÔNG ĐI NHÀ THỜ NỮA!

Một thanh niên trẻ đến gặp một linh mục và nói:

– Thưa cha, con không đi nhà thờ nữa!

Linh mục hỏi:

– Vậy à, con có thể cho cha biết lý do không?

Người thanh niên trả lời:

– Lạy Chúa tôi, ở đây con thấy cô này nói xấu cô kia; anh đọc Sách Thánh đọc dở; ca đoàn vừa chia rẽ vừa hát sai; người đi xem lễ chỉ chăm chăm nhìn điện thoại, đó là không nói đến ngoài nhà thờ họ là những người ích kỷ, cao ngạo…

Linh mục nói với anh:

– Con có lý. Nhưng trước khi dứt khoát rời nhà thờ, con có thể làm cho cha việc này: con rót một ly nước đầy, rồi đi quanh nhà thờ ba vòng mà không làm đổ một giọt.  Sau đó, con có thể bỏ nhà thờ.

Người thanh niên tự nhủ: quá dễ!

Và anh đi ba vòng như cha xứ dặn.  Đi xong, anh về nói với cha:

– Rồi, con đi xong rồi.

Linh mục hỏi:

– Khi con đi, con có thấy cô này nói xấu cô kia không?

Người thanh niên trả lời:

– Thưa cha không.

– Con có thấy người này người kia thờ ơ với nhau không?

Người thanh niên:

– Thưa cha không.

– Con có thấy người này người kia chúi mũi vào điện thoại không?

Người thanh niên:

– Không, con không thấy.

– Con có biết vì sao không con không thấy không: vì con tập trung để ly nước không bị đổ.  Con biết…cuộc đời cũng vậy. Khi tâm hồn chúng ta tập trung vào Chúa Kitô, thì chúng ta không có thì giờ để nhìn các sai lầm của người khác. Ai ra khỏi nhà thờ vì các Kitô hữu đạo đức giả thì chắc chắn họ cũng không vào nhà thờ vì Chúa Giêsu.

 (Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch)

 

Thánh lễ lâu, nhanh…

Trong một cuộc gặp gỡ với một bạn trẻ, sau khi nói chuyện trên trời dưới đất, bạn trẻ ấy có một lời đề nghị:

– Thưa cha, trong thời đại văn minh công nghiệp, con xin các cha mỗi khi dâng thánh lễ nên gói gọn trong khoảng 35 đến 40 phút là vừa.

Tôi tròn xoe mắt nhìn bạn trẻ ấy. Bạn lại nói tiếp:

– Thời buổi bây giờ mà phải ngồi nhìn và nghe các cha dâng thánh lễ từ 45 phút đến một tiếng là mệt mỏi lắm cha ạ, trong khi ấy còn biết bao công việc đang cần giải quyết nữa.

Tôi liền hỏi lại:

– Ngày Chúa nhật mà bận như vậy sao bạn?

Bạn trẻ trả lời:

– Cha đi tu nên cha không biết, ở ngoài đời chúng con đầu tắt mặt tối cũng chưa hết lo lắng này đến lo lắng khác!

Trước lời phân trần đó, tôi nói thật lòng:

– Ngày thường thì may ra có thể, còn ngày Chúa nhật thì cha cũng đã cố nhiều lần, nhưng không thể nào có thể cố được hơn nữa. Điển hình là trong Mùa Chay vừa qua, trong thánh lễ không đọc kinh Vinh Danh, cha sử dụng công thức sám hối vắn tắt, giảng lễ nói đôi câu, phần kết lễ nhanh gọn, vậy mà cũng phải tới 45 phút, may là phần rước lễ có nhiều thừa tác viên Thánh Thể trợ giúp, còn nếu không thì…

– Con nghĩ là phần giảng lễ thì khỏi cha ạ, vì trên các trang mạng có nhiều bài chia sẻ còn hay, còn đầy đủ hơn là cha nói nữa!

Trước những suy nghĩ, lập luận như vậy, tôi liền chốt lại trước khi đi quá xa:

– Vậy thì chúng ta đi tham dự thánh lễ để làm gì?

Bạn trẻ đó không trả lời, nhưng chỉ nói:

– Con xin góp ý vậy thôi, tùy quý cha…

Trong đời sống tâm linh, đời sống thiêng liêng, người ta cũng muốn hiện đại hóa cho nhanh chóng, gọn gàng, thuận lợi dễ dàng. Đến với thánh lễ mà ai cũng lại tính toán như vậy, thử hỏi có được ích gì thật sự không?

(Thiên Quang, SSS)