BẢN TIN 416

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT PHỤC SINH –
MỪNG CHÚA SỐNG LẠI. 01/4/2018

Ông Si-mon Phê-rô vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,6-8)

Suy niệm: Những điều Gio-an thấy tại mộ Chúa vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần hôm ấy được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc và chính xác chẳng khác nào một biên bản hiện trường: – việc Gio-an đến mộ nhưng nhường cho Phê-rô vào trước; – hiện trường ngôi mộ được bảo vệ nguyên vẹn  (khăn liệm và các giải băng vải được gấp xếp gọn ghẽ trong mộ…); – sự hiện diện của 2 nhân chứng (Phê-rô và Gio-an) tại ngôi mộ trống. Những điều Gio-an “thấy” chỉ là một ngôi mộ trống với những chứng tích còn lại. Và từ những điều trông thấy đó, Gio-an đã khẳng định ngắn gọn và chắc nịch: “Ông đã thấy và đã tin”.

Gio-an đã “thấy” chính những điều mà Phê-rô, Tô-ma hay các tông đồ khác cũng thấy, đó là ngôi mộ trống và tấm khăn liệm. Nhưng nhờ đó, Gio-an “thấy” được cả những “điều không thấy”: xác Chúa không còn trong mộ nữa. Từ “điều không thấy”, Gio-an đã tin: tin Đức Ki-tô đã sống lại. “Phúc cho ai đã không thấy mà tin”, phải chăng Đức Ki-tô phục sinh nói điều đó trước hết cho Gio-an ?

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

01.04 : Chúa Nhật PHỤC SINH. MỪNG CHÚA SỐNG LẠI. Lễ trọng với tuần bát nhật. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Ga 20,1-9

02.04 :     Thứ Hai TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Thánh Đaminh Vũ Đình Tước, tử đạo (1839). Mt 28,8-15

03.04 :     Thứ Ba TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Ga 20,11-18

05.04:     Thứ Tư TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Lc 24,13-35

06.04 :     Thứ Năm TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Lc 24,35-48

07.04:     Thứ Sáu. TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Ga 21,1-14

08.04:     Thứ Bảy TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Mc 16,9-15

09.04: Chúa Nhật II PHỤC SINH. CUỐI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA. Ga 20,19-31

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

Nghi Thức Rửa Chân Trong Thánh Lễ Tiệc Ly

WHĐ (26.03.2018) –Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, với năng quyền do Đức Giáo hoàng ủy nhiệm, đã ký Sắc lệnh “In Missa in Cena Domini”(Thánh lễ Tiệc ly), về việc điều chỉnh Nghi thức Rửa chân trong Thánh lễ Tiệc ly.

‘ Để thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của nghi thức Rửa chân trong Tam nhật Vượt qua nơi những người tham dự, (từ nay trở đi) những người được các mục tử chọn rửa chân không nhất thiết phải là quý ông hoặc trẻ nam, nhưng có thể thuộc mọi thành phần trong dân Chúa. có thể gồm nam giới và nữ giới, người trẻ cũng như người cao tuổi, người khỏe mạnh và người đau yếu, các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân.’

(hdgmvn.org)

 

Lễ Kính Nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh.

WHĐ (25.03.2018) – Ngày 03/03/2018, Toà thánh đã công bố Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích – ký ngày 11 tháng 2 năm 2018, ngày kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức– về việc cử hành trong lịch chung Rôma lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh.

Lễ Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh với bậc lễ Nhớ buộc, được cử hành hằng năm vào Thứ Hai sau Lễ Hiện xuống. Lễ có Bài đọc và Đáp ca riêng.

(hdgmvn.org)

 

Chính Tòa: TB Số 22TB/GXCT/2018

  1. Chúa Nhật Phục Sinh (01/4): Các Thánh lễ Sáng: 05g15’; 08g00’ và 10g00’. Thánh lễ Chiều: 17g00’ tại Lễ Đài.
  2. Khóa Giáo lý Dự Bị Hôn Nhân 44 của Hạt Đà Nẵng sẽ khai giảng vào lúc 19g30’ Thứ Hai 02/4 tại Hội Trường Giáo Xứ Chính Tòa Đà Nẵng, xin lấy Đơn và nộp tại Nhà sách Chính Tòa Đà Nẵng.
  3. Từ Thứ Hai 02/4 đến Thứ Bảy 07/4, Giáo Họ Anrê Trông phụ trách trực Phụng Vụ.
  4. Thứ Năm Đầu Tháng 05/4, Giáo Xứ Chầu Thánh Thể vào lúc 19g30’ do Ban Thường Vụ phụ trách.
  5. Chúa Nhật II Phục sinh (08/4). Kính Lòng Thương Xót Chúa. Các Thánh lễ Sáng: 05g15’; 08g00’ và 10g00’. Thánh lễ Chiều: 17g00 tại Lễ Đài.
  6. Chúa Nhật 08/4, sau Lễ Thiếu Nhi có Rửa tội cho các Em nhỏ, xin nộp Giấy Giới Thiệu Tại Văn Phòng Giáo Xứ. Cha Mẹ Và Người Đỡ Đầu đến Nhà Thờ tập Nghi thức lúc 19g30’ Thứ Bảy 07/4.

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Hoả ngục là gì?

–  Hoả ngục là tình trạng xa lìa đời đời với Thiên Chúa, thiếu vắng tình yêu cách tuyệt đối. [1033-1037]

–  Ai chết trong tình trạng đã phạm tội nặng do biết rõ và cố tình mà không ăn năn hối cải, ai từ bỏ đến muôn đời tình yêu hay thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, người đó tự loại bỏ mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và các Thánh. Có thể có ai lúc chết được nhìn ngắm tình yêu tuyệt đối ở trước mặt mà cứ nhất định bỏ không? Ta không biết. Nhưng vì ta có tự do, nên có thể có. Chúa Giêsu luôn ngăn ngừa chúng ta đừng có dứt khoát chia ly với Chúa bằng cách không quan tâm gì đến những khốn khổ của anh chị em chúng ta. Chúa nói với mọi người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời… vì xưa Ta đói các ngươi đã không cho ăn… Ta bảo thật mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé mọn nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 41.45). → 53

Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa  không hề tắt. – Mc 9,43

Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong mình nó. – Ga 3,14-15

“Tôi tự hỏi: “Hỏa ngục là gì?”. Tôi quả quyết rằng: là không thể yêu thương được.” – Fedor Dostoievski, 1821–1881, văn sĩ Nga)

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 162.  Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì sao lại có Hỏa ngục?

 

HÔN PHỐI                                                                              

+ Anh Phaolô Nguyễn Quốc Cường và Chị Nguyễn Thị Hằng.

Xin Chúa chúc phúc cho tình yêu Anh Chị hôm nay và mãi mãi.

 

VỀ NHÀ CHA                                                                               

+ Bà Catarina Nguyễn Thị Chỉnh, Sinh năm 1933, (Giáo Họ Phaolô Lộc) đã được Chúa gọi về. Thánh lễ An Táng ngày 02. 04. 2018 tại Nhà thờ Chính Tòa Đà nẵng. An táng tại Nghĩa Trang Sơn Gà, Đà nẵng.

Giáo xứ Chính Tòa xin chia buồn cùng gia đình tang quyến và xin Chúa sớm đưa linh hồn Bà Catarina về hưởng nhan thánh Chúa.

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

Đi tìm ý nghĩa thích đáng cho những người được chọn về ý nghĩa nghi thức rửa chân.

Theo phản xạ, chúng ta hiểu về nghi thức rửa chân qua bài Tin Mừng là Chúa rửa chân cho 12 môn đệ, do đó dễ dàng nghĩ rằng nghi thức được cử hành là việc diễn lại sự tích rửa chân của Chúa. Nhưng không đơn thuần  là sự tái diễn như vậy.

‘Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.’  (Ga 13,14 )

Như vậy, khi một vị linh mục rửa chân cho giáo dân, là chính vị linh mục đó thực hiện nghĩa cử bác ái yêu thương và nhân đức khiêm nhường, theo gương Thầy Giêsu, chứ không phải chỉ tạm thời đóng vai của Chúa qua một nghi thức.

Với ý nghĩa sâu xa, trong lịch sử của nghi thức Rửa Chân, đã không có khi nào mà những người được rửa chân được coi là đại diện cho các thánh tông đồ cả, và cũng chưa khi nào thể thức chỉ được dành riêng cho nam giới hay cho người có đạo mà thôi. Việc rửa chân cho 12 chức sắc quan trọng của giáo xứ, là đại diện cho 12 môn đệ (!) là do ý muốn của người cử hành hoặc một thói quen. Không mang tính ‘luật truyền= bắt buộc’.

Cách khác, việc chọn lựa những người lãnh nhận phải dựa trên mục đích tốt đẹp, các người được chọn (giới tính, số lượng, thành phần…) phải làm sao phù hợp với hoàn cảnh thực tế của cộng đoàn, mang ý nghĩa mục vụ do linh mục định hướng, không dựa trên cảm tính hoặc hình thức, không tôn vinh ai, không phải là một đặc ân, đặc sủng cho bất cứ ai. Bởi vậy, không nên lầm lẫn ý nghĩa của ‘chọn lựa’‘tuyển chọn’. (Giáo hoàng Phanxicô đã thực hiện nghi thức rửa chân cho những người tị nạn Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Hindu giáo, rửa chân cho tù nhân, cho phụ nữ… và tuyên bố tất cả đều là con của Chúa trời.)

Vì vậy, đối với những ai cử hành và những ai lãnh nhận, nghi thức rửa chân’ không chỉ là rửa chân theo vẻ bề ngoài mà phải là ‘thi hành lệnh truyền của Chúa về đức bác ái, thương yêu và khiêm nhường’. Cúi mình rửa chân chính là biết bỏ đi cái tôi của bản thân mà phục vụ, phục vụ bởi tình yêu.

Đối với Kitô hữu nói chung, nếu hiểu về ‘lệnh truyền’ ấy, thì mọi giáo dân cũng phải rửa chân cho nhau nữa. Và khi tham dự nghi thức diễn tả ý nghĩa của ‘lệnh truyền’ này, chiêm ngắm và suy niệm trong tâm trí cử chỉ này, việc rửa chân nhờ đó thực sự mang lại hoa trái thiêng liêng cho đời sống đức tin của cộng đoàn, thay vì gây xáo trộn, chia rẽ, bàn tán, gương xấu…

(Ant.)