BẢN TIN 415
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT LỄ LÁ. 25/3/2018
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG CỦA CHÚA.
Hai ngày trước lễ Vượt qua và lễ Bánh không men, các thượng tế và kinh sư bày mưu tính kế bắt Đức Giê-su để giết Người; vì họ nói: “Đừng làm vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động.” (Mc 14,1-2)
Suy niệm: Được tôn vinh là đạt đến đỉnh cao của danh dự. Và hành trình đạt đỉnh ấy bao giờ cũng phải trải qua những gian nan, bởi không qua đau khổ sẽ chẳng đạt đến vinh quang (Lc 24,26). Ca sĩ phải khổ luyện mới hy vọng có được giọng hát hay. Vận động viên phải miệt mài với các bài tập để mong đạt được thành tích tốt. Cũng vậy, con đường đến vinh quang của Đức Giê-su phải trải qua những đau khổ, mà khởi đầu là việc các thượng tế và kinh sư âm mưu giết hại Ngài. Đành rằng Ngài phải trải qua đau khổ để đến vinh quang, nhưng khốn cho kẻ tra tay hại Ngài (x. Mt 26,24). Xét cho cùng, họ là những người đáng thương hơn là đáng ghét, chẳng qua vì họ không biết việc họ làm. Thế nên, khi được tôn vinh, họ là đối tượng đầu tiên được Chúa Giê-su nhớ đến, Ngài đã tha thiết khẩn cầu ơn tha thứ cho họ (x. Lc 23,34).
Một khi mang danh Ki-tô hữu là đời mình đã gắn liền với thập giá Chúa Ki-tô – bởi vì người Ki-tô hữu được mời gọi vác thập giá theo Chúa mỗi ngày. Vì thế, bạn không chỉ nỗ lực trở nên giống Ngài trong việc đón nhận thập giá, mà còn ứng xử giống như Đấng mời gọi bạn vác thập giá ấy.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
25.03 : Chúa Nhật LỄ LÁ. TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG CỦA CHÚA. Mc 14,1-15.47
26.03 : Thứ Hai TUẦN THÁNH. Ga 12,1-11
27.03 : Thứ Ba TUẦN THÁNH. Ga 13,21-33.36-38
28.03: Thứ Tư TUẦN THÁNH. Mt 26,14-25
29.03 : Thứ Năm TUẦN THÁNH. Buổi sáng: THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU. (Tại Nhà Thờ Chính Tòa) Lc 4,16-21
TAM NHẬT VƯỢT QUA
Buổi chiều: THÁNH LỄ TIỆC LY. Ga 13,1-15
30.03: Thứ Sáu. TUẦN THÁNH. TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA. Giữ chay và kiêng thịt. Ga 18,1-19.42
Đóng góp cho quỹ Bác ái Xã hội của HĐGMVN.
Xin quý Cha và cộng đoàn quan tâm.
31.03: Thứ Bảy TUẦN THÁNH.
MÙA PHỤC SINH
ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA
Mc 16,1-8
01.04: Chúa Nhật PHỤC SINH. MỪNG CHÚA SỐNG LẠI. Lễ trọng với tuần bát nhật. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Ga 20,1-9
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
Đức Thánh Cha khai mạc tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ
ROMA. Sáng ngày 19-3-2018, ĐTC Phanxicô đã khai mạc tiền Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ, trước sự tham dự của hơn 300 đại biểu giới trẻ đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trả lời một bạn trẻ sinh viên Pháp đang tìm hướng đi cho đời mình, Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý: hãy đặt niềm tin vào những bậc khôn ngoan, bất kể họ trẻ hay già. Đức Thánh Cha lưu ý người trẻ nếu không tìm được “con đường phân định” thì có nguy cơ họ để đời mình lịm tắt. Rồi cũng giống như đang bị “ung thư” bên trong. Và điều ấy có nguy cơ khiến họ ngã lòng, mất tự do.
Anh Cao Hữu Minh Trí, trình bày về tình hình Á châu với các vấn đề tại đại lục này. Anh có nhắc tới sự kiện nhiều người trẻ ngày nay sẵn sàng phí phạm thời giờ trong việc xử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh và tablet một cách vô ích…
(vatican news)
ASEAN có Tân Sứ Thần Tòa Thánh
Zenit- Ngày 19/03, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm tân sứ thần Tòa Thánh tại Hiệp hội các Quốc gia vùng Đông Nam Á bao gồm 10 thành viên được viết tắt là ASEAN. Đức Tân Sứ Thần là Đức Tổng Giám mục người Ý Piero Pioppo, sinh năm 1960, hiện nay là Sứ Thần Tòa Thánh tại Inđônêsia.
(vatican news)
Chính Tòa: TB Số 21TB/GXCT/2018
Làm Phép và Kiệu Lá: Lễ Sáng: 05g00’; Lễ Chiều: 14g45’ (do Đức Giám Mục Giáo Phận chủ sự.)
Các Lễ còn lại như thường lệ.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
– Có, vì tất cả những ai đã được rửa tội trong Chúa Kitô đều được tham dự vào việc “các thánh thông công” và họ liên đới với nhau. Những người còn sống có thể giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục. [1032]
– Bởi vì khi chết rồi con người không thể làm gì cho chính mình nữa, thời gian thử luyện đã qua rồi. Nhưng khi ta còn sống, ta có thể làm được việc gì đó giúp họ, vì tình yêu của ta vẫn hoạt động vươn tới cả đời sau, chẳng hạn ăn chay, cầu nguyện, làm các việc lành, nhất là dâng thánh lễ để xin ơn cho họ. → 146
“Bạn đừng ngại ngùng cứu giúp những người đã ra đi và dâng lời cầu nguyện cho họ.” – Thánh Gioan Kim Khẩu
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 161. Hoả ngục là gì?
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu
Hòa chung với bầu khí linh thiêng của Tuần Thánh, tuần cao điểm của Mùa Chay để tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Cứu Thế, việc Suy Ngắm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu là một truyền thống đạo đức tốt lành có giá trị và ý nghĩa cao quý, trong Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
Miền Bắc dùng từ Ngắm, miền Nam dùng từ Ngẫm hay Gẫm. Cả hai đều có nghĩa là suy nghĩ kỹ. Từ Ngâm trong Hán Việt có nghĩa là đọc chậm, có ngân nga như ngâm thơ, ngâm vịnh. Do vậy từ Ngắm xuất phát từ từ Ngâm cũng có nghĩa là vừa ngắm nhìn vừa ngân nga.
Về cung giọng ngắm, giáo dân Bắc Trung Nam có giọng ngân nga khác nhau. Nhưng chỉ có cung giọng là khác còn nội dung ngắm đều giống nhau, đều rút ra từ Kinh Thánh.
Tác giả các bài Ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu là cha Alexandre de Rhodes. Cha viết trong Lịch Sử Đàng Ngoài như sau: Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, thì chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm 15 đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong 15 sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong 15 ngọn nến sáng theo tục lệ trong giáo hội Roma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc, kêu gào và rên rỉ tỏ lòng thương mến những thống khổ và cái chết của Chúa Cứu Thế, người lân cận cũng đến nghe.
Với những hiểu biết như trên, như là một suy nghĩ cá nhân, như một lời chia sẻ, tôi mong ước khi nghe ngắm: Những ông bà anh chị Ngắm, Than Kinh sẽ ngân nga kinh chứ không đọc lời kinh; mang tâm tình cảm tạ tri ân và sám hối ăn năn theo cung điệu hay cung giọng nào đó phù hợp cho giáo xứ với nhiều địa phương, vùng miền ngữ âm khác nhau, miễn là bớt ngâm nga quá dài để tránh sự nặng nề. Để những lời kinh đối đáp, từng lời ngắm trầm buồn cuốn người nghe suy nghĩ và đi vào chiều sâu của mầu nhiệm khổ nạn và chịu chết của Đức Giêsu vì yêu thương nhân loại, vì tội lỗi thế gian. Những cung giọng sẽ cất lên như muốn gửi gắm tâm tình của người than và những người tham dự, để những sự thương khó của Chúa, lời sám hối của mọi người đọng lại trong tâm hồn.
(fan.)
HOAN HÔ CON VUA ĐA-VÍT
“Đám đông, người đi trước, kẻ theo sau
reo hò vang dậy: ‘Hoan hô Con vua Đa-vít”
(Mt 21,9)
Vua Cứu Thế vào Thành vinh hiển
Không cẩm bào vương miện oai phong
Cưỡi lừa đi giữa đám đông
“Con Vua Đa-vít!” nức lòng tung hô
Dân trải thảm reo hò rước Chúa
Lá xanh đường áo lụa vàng phai
Cuộc vui chưa rõ mặt Ngài
Trước toà xét xử nào ai đoái hoài
Cũng chính họ kêu nài án chết
Cho Con Người chỉ sống vì yêu
Lòng thay dạ đổi theo chiều
Ác tâm phản bội muôn điều nhuốc nhơ
Giê-ru-sa-lem giờ Chúa đến
Để trải lòng phụng mệnh Chúa Cha
Giêsu hiến lễ giao hoà
Nên nguồn sống mới là Vua Đất Trời.
Mỗi hành động mỗi Lời của Chúa
Nên suối nguồn chan chứa hồng ân
Vào Thành Chúa viếng thăm dân
Cứu cho khỏi chết trầm luân muôn đời.
Chúa nghe tiếng bao người khốn khó
Kẻ đói nghèo bé nhỏ khóc than
Những ai đau khổ cơ hàn
Vui lên! Chúa đến nhẹ mang khổ sầu
Hoan hô Chúa! Dâng câu cảm mến
Chúc tụng Ngài thương đến tìm con
Kết lời Giao Ước sắt son
Cùng Ngài hiến tế cho tròn lễ dâng.
(Nt. Bích Ngọc)