BẢN TIN 412

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 02 MÙA CHAY. 25/02/2018

Từ đám mây, có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9,7)

Suy niệm: Thông thường ta giới thiệu nhau khi mới gặp lần đầu hoặc quen biết nhau rồi, nhưng khuôn mặt bị phai mờ theo thời gian hay bị biến dạng cách nào đó, lúc ấy cần phải giới thiệu lại để người ta có thể nhận biết nhau cách chính xác. Cũng vậy, trong bối cảnh Chúa Giê-su chuẩn bị bước vào cuộc Khổ nạn, khi thân xác Ngài sẽ bị biến dạng bởi những cực hình do con người gây ra, Chúa Cha đã xuất hiện để giới thiệu: “Đây là Con Ta yêu dấu.” Lời khẳng định ấy thì cần thiết, bởi người ta quen nghĩ rằng những gì thuộc Thiên Chúa phải nguy nga, phải lộng lẫy, hoành tráng. Trong khi ấy Thiên Chúa lại hành động qua những gì thế gian cho hèn mạt, không đáng kể… (1Cr 1,27-29). Chính vì thế, cần phải có lời dặn dò của Chúa Cha “Hãy vâng nghe lời Người” để các môn đệ có thể đứng vững trong cuộc Khổ nạn của Thầy mình.

“Chúa Ki-tô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một” (Dt 13,8). Ngài vẫn là Con yêu dấu của Cha, nhưng đồng thời, Ngài hiện diện giữa nhân loại qua những cách thế rất bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường. Vì thế, nguy cơ vấp phạm về Ngài là rất cao. Liệu rằng chúng ta có dễ dàng “vâng nghe” tiếng của Ngài đang nói qua Bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa, qua Giáo hội và qua những người bé mọn, nghèo hèn không?

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

25.02 : Chúa Nhật II MÙA CHAY. Mc 9,2-10

26.02 :     Thứ Hai. Lc 6,36-38

27.02 :     Thứ Ba. Mt 23,1-12

28.02:     Thứ Tư. Mt 20,17-28

01.03 :     Thứ Năm đầu tháng. Lc 16,19-31

02.03:     Thứ Sáu đầu tháng. Mt 21,33-43.45-46

03.03:     Thứ Bảy đầu tháng. Lc 15,1-3.11-32

04.03: Chúa Nhật III MÙA CHAY. Ga 2,13-25

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

Sứ Điệp Mùa Chay Của Đức Thánh Cha PHANXICO

Sứ điệp Mùa Chay năm nay có chủ đề là một câu trích từ Tin Mừng theo thánh Mathêu: “Vì sự ác lan tràn, nên lòng mến của nhiều người sẽ ra nguội lạnh” (Mt 24,12).

Với sáng kiến “24 Giờ cho Chúa”, ĐTC  mời gọi toàn thể cộng đồng Hội Thánh hãy cử hành bí tích Hòa Giải trong bối cảnh tôn thờ Thánh Thể. Biến cố này sẽ diễn ra từ Thứ Sáu, 9 Tháng 3 đến Thứ Bẩy, 10 Tháng 3.

ĐTC thúc giục các thành viên của Giáo Hội hãy thực hiện hành trình Mùa Chay với nhiệt tình, được duy trì bởi bố thí, chay tịnh và cầu nguyện. Ngài nói: ‘Nếu, đôi khi, lửa mến dường như tắt lịm trong trái tim chúng ta, anh chị em hãy biết rằng điều đó không bao giờ xảy ra trong thánh tâm Thiên Chúa! Ngài liên tục ban cho chúng ta một cơ hội để tái yêu thương lại một cách mới mẻ.’

J.B. Minh An

 

Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 33: Đừng sợ!

VATICAN. Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ phân định để vượt thắng các nỗi lo sợ, tín thác nơi tình yêu Thiên Chúa và tình mẫu tử của Mẹ Maria.

Ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào Chúa Nhật Lễ Lá, 25-3 tới đây, với chủ đề là lời Sứ Thần Chúa ”Hỡi Maria đừng sợ, vì Bà đã được ơn nơi Thiên Chúa” (Lc 1,39).

Đức Anh

 

Chính Tòa: TB Số 15TB/GXCT/2018

  1. Từ Thứ Hai 26/02 đến Thứ Bảy 03/3 Giáo Họ Augustinô Huy trực Phụng Vụ.
  2. Thứ Năm 01/3/2018, vào lúc 19g30’ Chầu Thánh Thể Đầu Tháng do Ban Thường vụ phụ trách. Xin Cộng đoàn sốt sắng tham dự.
  3. Thứ Sáu 02/3/2018, vào lúc 19g30’, Gẫm Đàng Thánh Giá ngoài trời do Giới Người Mẹ phụ trách. Mời Cộng đoàn sốt sắng tham dự.
  4. Chúa Nhật 04/3 sau lễ Thiếu Nhi có Rửa tội cho Các Em Nhỏ, xin nộp Giấy Giới Thiệu tại Văn Phòng Giáo Xứ, Cha Mẹ Và Người Đỡ Đầu đến Nhà Thờ tập Nghi Thức lúc 19g30 Thứ Bảy 03/3.

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Chúng ta có phải chịu xét xử sau khi chết không?

– Có. Sau khi chết, mỗi người tức khắc sẽ chịu cuộc xét xử. Cuộc xét xử này được gọi là cuộc xét xử riêng. Còn đến ngày sau hết, sẽ xảy ra một cuộc xét xử được gọi là cuộc xét xử chung, khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang của Người.

– Khi chết, mỗi người đi tới giờ của sự thật. Lúc đó không gì có thể bị gạt đi và che giấu nữa. Ta phải đối mặt với cuộc xét xử của Chúa, Đấng công nhận sự công chính của ta, vì Thiên Chúa gần gũi ta, ta chỉ có thể hoặc là công chính như Chúa muốn khi Người tạo dựng ta. Hoặc có thể ta cần phải qua một tiến trình thanh luyện chăng, hoặc có thể ta được đón ngay vào vòng tay của Chúa chăng? Nhưng cũng có thể ta đầy tội ác, hận thù, từ chối tất cả; ta sẽ từ chối vĩnh viễn bộ mặt của Tình yêu, bộ mặt của Thiên Chúa.

Xét xử. Việc xét xử riêng hay cá nhân sẽ xảy ra lúc mỗi người chết. Việc xét xử chung tất cả cũng gọi là xét xử sau cùng sẽ xảy ra khi tận thế lúc Chúa trở lại.

“Khi đời đã về chiều, ta sẽ chịu xét xử về tình yêu của ta.” – Thánh Gioan Thánh giá (1542-1591, nhà thần bí Tây ban nha, tiến sĩ Hội Thánh và thi sĩ)

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 158.  Trời là gì?

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

“Chân phước Anrê Phú Yên – Một Người trẻ Chứng nhân”

WHĐ (19.02.2018)  Ban Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục Khoá thường lệ thứ 15 có một trang web riêng, giúp mọi người quan tâm, đặc biệt các bạn trẻ, có thể cập nhật thông tin về Thượng Hội đồng, tại địa chỉ: http://www.synod2018.va.Trang web có mục “Người trẻ chứng nhân”. Trong số 11 vị đã được giới thiệu, có Chân phước Anrê Phú Yên, Việt Nam…

Xin Chân phước Anrê giúp các giáo lý viên có được “lòng quả cảm” trở thành chứng nhân đức Tin qua đời sống tận hiến cho Đức Kitô và anh chị em mình.

Thành Thi

 

Trong Năm Mới, Con Người Thường Xin Với Chúa Điều Gì?

Mỗi dịp bước sang năm mới, hẳn mỗi người chúng ta ước mong những điều tốt đẹp nhất, do đó chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta những ơn sau:

  1. Xin bình an
  2. Xin hạnh phúc
  3. Xin Sức khỏe
  4. Xin Đức Tin
  5. Xin cảm nhận được sự hiện diện của Chúa
  6. Xin cho con biết yêu thương nhiều hơn
  7. Xin cho con biết theo ý Chúa muốn
  8. Xin Chúa thương xót con
  9. Xin Chúa luôn ở cùng con trong mọi việc

Ước sao trong mọi cảnh huống, chúng ta biết chạy đến với Người trong niềm tin-cậy-mến.

(Giuse Ngọc)

 

Tại Sao Kiêng Thịt Mà Không Kiêng Cá?

Luật Giáo hội buộc tín hữu phải ăn chay kiêng thịt. Nhưng mà tại sao phải kiêng thịt? Tại sao phải kiêng thịt mà không kiêng cá, kiêng trứng hay kiêng trái cây? Ăn thịt có gì xấu không?

“Tiên vàn là phải kiêng những gì xấu xa, tức là kiêng phạm tội; nói khác đi việc chay ăn chay thịt phải được lồng trong tinh thần thống hối cải hoán.’ (Tông Hiến Poenitemini (17/2/1966).)

Vì đã quá quen với thành ngữ “ăn chay kiêng thịt” cho nên chúng ta chỉ giới hạn sự kiêng vào chuyện ăn thịt. Trong khi vấn đề kiêng cữ bao hàm việc kiềm chế hết những gì đem lại thỏa mãn thích thú, nhằm giúp cho ý chí chế ngự được bản năng.

Trong Cựu ước, có những luật về kiêng thịt với những chi tiết khá phức tạp, phân biệt những thú vật ô uế với vật tinh tuyền. Có lẽ tác giả của sách Lêvi đã lấy lại một tập tục có từ xa xưa mà không còn ai nhớ rõ gốc gác. Chúa Giêsu đã xóa bỏ sự phân biệt giữa các vật tinh tuyền và vật ô uế. Sự tinh tuyền và ô uế nằm ở trong lòng của mình chứ thú vật chẳng có tội tình chi cả (Mc 7,15).

Theo Thánh Phaolô, tất cả các lương thực đều tốt bởi vì do Chúa dựng nên cho con người. Chúng ta hãy hưởng dụng để ngợi khen Ngài. Việc ăn uống có thể trở thành cơ hội để chúc tụng tạ ơn Chúa. Tuy nhiên, cần có sự thận trọng và chừng mực khi sử dụng.

Vì vậy nếu muốn diễn tả cho đúng tư tưởng thì thay vì nói “ăn chay kiêng thịt”, chúng ta phải nói “kiêng ăn kiêng thịt” hoặc là “chay ăn chay thịt”! Chúng ta kiêng thịt không phải tại vì thịt nó xấu xa, cũng như chúng ta kiêng ăn không phải tại vì sự ăn uống xấu xa: sự ăn uống cần thiết cho sự sống; nếu ai tuyệt thực hoàn toàn thì sẽ sớm qua bên kia thế giới.

Quả thật, với đủ thứ vấn nạn được nêu lên: luật kiêng thịt buộc phải kiêng những thứ gì? Có phải kiêng mỡ heo, kiêng sữa bò, tiết canh hay không? Các giống động vật nào phải kiêng: máu nóng hay máu lạnh? thú vật trên bộ hay là dưới nước? Ngan, ngỗng, vịt, lươn, rùa, sò ốc nhái có phải kiêng không?… người ta đã mất đi cái động lực của nó là tinh thần khổ chế lúc đầu.

Ngoài sự kiêng cái xấu, trong tinh thần đền tội và tu đức, chúng ta hãy tập kiềm chế những đòi hỏi của bản năng dục vọng. Đó là: kiêng ăn uống cho tới kiêng thuốc lá, tivi, các thứ tiêu khiển giải trí, các thứ tiêu pha hoang phí. Cách tích cực hơn: nhịn ăn nhịn mặc để lấy tiền giúp đỡ người nghèo, tỏ tình tương trợ với người thiếu ăn thiếu mặc. Đó là cái động lực của việc kiêng khem.

Bạn có tin không khi có người mong tới ngày thứ 6 để có dịp đi ăn ở nhà hàng thủy sản thập cẩm?

(Pr.T.Thành/ Atn.)