BẢN TIN 366
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN A. 26/02/2017
“Tiên vàn, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33)
Suy niệm: Làm người, mấy ai mà không có lần than thở: “Một mình lo bảy lo ba”. Đây không phải là chuyện “lo bò trắng răng” mà là những nỗi lo chính đáng, xuất phát từ trách nhiệm của mình: lo cơm ăn áo mặc, lo gia đình, nhà cửa, sức khỏe, bệnh tật… Thiên Chúa không muốn ta sống vô lo, vô trách nhiệm, Ngài muốn chúng ta phải biết “lo”: biết tính toán, biết hoạch định, biết phòng xa để ta cộng tác với Người hoàn thiện thế giới này và góp phần vào công cuộc cứu độ thế giới. Điều Chúa mong muốn là chúng ta đừng quá lo lắng về đời sống vật chất, vì chưng, có lo lắng mấy “cũng chẳng kéo dài đời sống mình thêm được dù chỉ một gang tay;” trái lại hãy biết sắp xếp mọi sự vào đúng bậc thang giá trị của Nước Trời: “Tiên vàn, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.
Nước Thiên Chúa là chính Thiên Chúa đang tỏ mình hoàn toàn cho chúng ta trong tư cách là Thiên Chúa quyền năng và tràn đầy ân nghĩa, Đấng luôn đón nhận và yêu thương che chở chúng ta trong sự hiệp thông vào sự sống của chính Người. Với tất cả lòng tin, lòng cậy và lòng yêu mến, bạn hãy luôn hướng về Chúa trong mọi hoàn cảnh và mọi biến cố của cuộc sống để Nước Chúa luôn được tỏ hiện.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
26.02 : Chúa Nhật 8 THƯỜNG NIÊN A. Mt 6,24-34
27.02 : Thứ hai. Mc 10,17-27
28.02 : Thứ ba. Mc 10,28-31
01.03: Thứ tư. LỄ TRO. Giữ chay và kiêng thịt. Mt 6,1-6.16-18. Giáo phận hành hương về Núi Sọ, Giáo xứ An Ngãi.
MÙA CHAY
02.03 : Thứ năm. Đầu tháng. Lc 9,22-25.
03.03: Thứ sáu. Đầu tháng. Mt 9,14-15.
04.03: Thứ bảy. Đầu tháng. Thánh Ca-si-mi-rô. Lc 5,27-32.
05.03 : Chúa Nhật I MÙA CHAY A. Mt 4,1-11.
Quyên góp cho Ngân sách Giáo phận tài khóa 2017
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Cha Lombardi được trao tặng Bắc đẩu bội tinh của Pháp. Tối thứ Tư 22-02-2017, tại Đại sứ quán Pháp cạnh Toà Thánh, linh mục Dòng Tên Federico Lombardi -Cựu Giám đốc Đài phát thanh Vatican và Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh-, đã được trao tặng Bắc đẩu bội tinh, huân chương cao quý nhất của nước Pháp, từ tay đại sứ Pháp Philippe Zeller.
Huân chương ghi nhận công trạng của người đã cống hiến cho việc truyền thông sứ điệp của Toà Thánh và quan tâm đến ngôn ngữ Pháp, đặc biệt là qua các làn sóng của Đài phát thanh Vatican.
Phát biểu tại buổi lễ, cha Lombardi, hiện là Chủ tịch của Quỹ Ratzinger, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ biến sứ điệp của Đức giáo hoàng trên các phương tiện truyền thông.
Cha cũng nói thêm rằng việc đưa các tin tức quốc tế bằng các phương tiện truyền thông của Toà Thánh là một điều kiện thiết yếu để hiểu được các mối quan tâm lớn của Giáo hội. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh tăng cường việc bảo vệ hình ảnh của Đức Giáo Hoàng. Ngày thứ Tư 22-02-2017, Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh đã ra thông cáo về việc bảo vệ hình ảnh của Đức giáo hoàng và các huy hiệu của Toà Thánh như sau: “Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh, trong các nhiệm vụ của mình, cũng có nhiệm vụ bảo vệ hình ảnh của Đức Thánh Cha, để sứ điệp của ngài có thể đến được với các tín hữu cách toàn vẹn và cá nhân ngài không bị lợi dụng.
Với cùng mục đích ấy, Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh bảo vệ các biểu tượng và các huy hiệu chính thức của Tòa Thánh, bằng những quy định thích hợp đã được dự liệu ở cấp độ quốc tế. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Tư tưởng của Teilhard de Chardin trong kịch nghệ. Trong vở kịch đầy tham vọng “Tinh thần-Vật chất”, đạo diễn Jean Quercy đã ca ngợi con người của đối thoại nơi Teilhard, là người đã hòa giải hai thế giới dường như đối lập với nhau: khoa học và đức tin.
“Tinh thần-Vật chất” của hai tác giả Jean Quercy và André Daleux, dựa theo tư tưởng của Pierre Teilhard de Chardin, được trình diễn tại Nhà hát Nesle, Paris (Pháp), từ đầu tháng Hai đến cuối tháng Tư 2017.
Một nữ bác sĩ nhiệt tâm, một nhà vật lý mắc bệnh bạch cầu. Tương quan giữa hai nhân vật này nảy sinh từ mối quan tâm chung đến khoa học và niềm tin. Nhà vật lý hứng thú với niềm tin phiếm thần của thổ dân châu Mỹ, còn bác sĩ lại say mê tư tưởng của nhà cổ sinh vật học Dòng Tên Pierre Teilhard de Chardin (1881-1956). Cuộc đối thoại diễn ra trong lúc khám bệnh, trên nền nhạc do một nhạc công trình tấu.
Ở đây tư tưởng đòi hỏi của Teilhard trở nên dễ hiểu. Những giải thích sáng sủa của nhân vật bác sĩ nghe như một lời mời gọi đắm mình vào các tác phẩm của vị tu sĩ dòng Tên độc đáo này, người đã đưa lý thuyết tiến hóa vào trọng tâm các công trình của mình.
Tinh thần và vật chất, hai mặt của một thực tại duy nhất
Điểm sáng trung tâm, dẫn đến nhan đề vở kịch, tuyên ngôn rằng tinh thần và vật chất không phải là hai thực thể riêng biệt, nhưng là hai mặt của một thực tại duy nhất. Vì thế giác quan của chúng ta chỉ nhận thức được thế giới bên ngoài một cách giới hạn, không thể hiểu được chiều kích tâm linh có trong vạn vật…
Trước cái chết đang gần kề, nhân vật nam chính của vở kịch đi tìm câu trả lời. Lấy cảm hứng từ Teilhard, bác sĩ gợi ra cho anh một vài đáp án: phải chăng cái ác là “điều chưa hoàn tất” trong một thế giới luôn tiến hoá? Và phải chăng cái chết lại chẳng phải là một cuộc khởi hành, cũng giống như một “cách sống khác”? (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 16 TB/GXCT/2016-2017
GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)
Việc chuẩn bị cử hành hôn lễ (tt)
Trong việc chuẩn bị ngay trước lễ cưới, điều quan trọng là khai sáng giúp cho đôi bạn hiểu rõ ý nghĩa của từng cử chỉ để họ có thể sống việc cử hành phụng vụ cách sâu xa nhất. Chúng ta nên nhớ rằng, trong trường hợp của hai người đã được rửa tội, sự cam kết trọng đại như việc bày tỏ lời ưng thuận kết hôn, và sự kết hợp thân xác của hai người làm hôn nhân nên hoàn hợp chỉ có thể được giải thích như là những dấu chỉ tình yêu của Con Thiên Chúa làm người kết hợp với Hội thánh trong giao ước tình yêu. Nơi những người đã được rửa tội, lời nói và cử chỉ được chuyển thành một ngôn ngữ diễn tả đức tin. Thân xác, với những ý nghĩa mà Thiên Chúa muốn đưa vào đó trong khi tạo dựng, “được biến đổi thành ngôn ngữ của các thừa tác viên bí tích, họ ý thức rằng trong giao ước hôn nhân mầu nhiệm được biểu lộ và thực hiện”, số 213
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
112. Nói rằng Chúa Giêsu đến để xét xử chúng ta và xét xử toàn thế giới, nghĩa là thế nào?
– Nghĩa là chính Chúa Giêsu không thể giúp cho ai được, nếu chính họ không muốn biết đến bác ái yêu thương. Như thế, họ tự xét xử chính mình. [678-679, 681-682]
– Bởi vì Chúa Giêsu là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (Ga 14,6). Người sẽ mặc khải cho biết đối với Thiên Chúa điều gì là quan trọng, điều gì là không. Sự thật đầy đủ về mỗi người sẽ được Chúa đánh giá tuỳ theo thước đo những việc làm, những tư tưởng, những biến cố trong cuộc đời riêng tư của họ.
“Thiên Chúa không loại bỏ một linh hồn nào, bởi vì chính là linh hồn tự loại bỏ mình: mỗi người là thẩm phán của mình.” – Jacob Böhme (1575–1624, nhà thần bí Đức)
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 113. “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” nghĩa là gì?
TẢN MẠN – CHIA SẺ
Công Án
Một chiều thứ tư vô cùng ý nghĩa, nó vẫn bình thường như bao chiều thứ tư khác trong mỗi tuần. Cũng đầy đủ những nghi thức, những lời ca tụng con Thiên Chúa…! Điều đặc biệt mà tôi muốn ghi lại để cùng sẻ chia với cộng đoàn là từ bài giảng của Cha chủ tế trong thánh lễ. Bài giảng chưa tới 10 phút, nhưng hàm chứa biết bao điều về sự khẳng – định – đức – tin cho mỗi người chúng ta…!
Cha chủ tế đã đưa vấn đề trong bài Tin mừng, mà tôi đã từng nghe rất nhiều lần, từ năm này sang năm khác…, và cho đến lúc này: Tuổi đã “lục thập” tôi vẫn còn mông lung, hoang mang… để xác định Đức–Kitô–là–ai …???
Đầu tiên, cha gợi lại việc Chúa chữa lành mắt cho người mù. Lần đầu Chúa hỏi: “Con đã nhìn thấy chưa ?” Người mù trả lời: “Dạ, chỉ thấy mờ mờ.” Chúa lại đặt tay lên vai anh ta và hỏi lần thứ hai: “Con đã thấy chưa ?” Và…, lúc này anh ta thốt lên: “Đã nhìn thấy rồi và thấy rất rõ, Chúa ơi!”
Tiếp nữa, Cha lại đưa câu chuyện Chúa hỏi các tông đồ: “Các con gọi ta là ai ?”. Tất cả đều im lặng…! Chúa lại hỏi lần thứ hai: “Các con gọi ta là ai ?” Thánh Phêrô liền trả lời, trả lời trong một sát na của “lòng tin…”, trong cái “ngộ” ra Chúa là ai: “Ngài–là–Đức–Kitô–Con–Thiên–Chúa–hằng–sống…”. Câu trả lời một cách dứt khoát, không còn chấp, chỉ thấy một Đức–Kitô–Hằng–Sống ở trong lòng thánh Phêrô.
Tôi cho đây là một “công án” (Thiền luận), Một Công án mà Cha chủ tế đã đưa ra cho tôi và cộng đoàn dự lễ, cần phải tâm niệm ở đời thường này! Một bài giảng tuyệt vời của chiều thứ tư… (Hoàng Khuê 2/2017)