BẢN TIN 365

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN A. 19/02/2017

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy  bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”

Suy niệm: Báo chí mới  đưa tin một vụ án mạng kinh hoàng vừa xảy ra, lập tức hàng trăm, có khi hàng  ngàn “còm sĩ” anh hùng bàn phím lao lên mạng “ném đá” đòi xử thật nặng; có  người còn tiếc rẻ vì hung thủ chưa đủ 18 tuổi để lãnh án tử hình. Đành rằng tội  phạm thì phải xét xử theo pháp luật đúng người đúng tội, thế nhưng hiện tượng  trên đây tố giác rằng vẫn tồn tại trong con người thời nay một não trạng bất  nhẫn và bất khoan dung đối với đồng loại. Luật Mô-sê được kể là khá khoan dung:  trong một xã hội mà người ta đòi trả thù gấp 7 lần (St 4,15) thì Luật chỉ đòi “mắt đền răng”. Nhưng như thế vẫn còn là  lạc hậu so với luật Tân Ước của Chúa Ki-tô. Ngài dạy “yêu kẻ thù” và “cầu nguyện  cho kẻ ngược đãi anh em”. Có như thế, chúng ta mới trở nên hoàn thiện giống  như Cha chúng ta là Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời.

Lấy oán báo  oán chỉ khơi sâu thêm vực thẳm hận thù. Chỉ có tình yêu mới có thể lấp đầy “hố  tử thần” của hận thù đó. Lý thuyết là như vậy, các nhà hiền triết, các vị sáng  lập các tôn giáo đều đồng ý như thế. Thế nhưng tội ác loài người quá lớn, sự  thù hận đã ăn rễ quá sâu trong con tim con người, nên chỉ có tình yêu vô cùng  lớn của TC và cái chết của Đức Ki-tô, vị TC làm người, mới đủ sức đền bù mọi thứ oán thù đó.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

19.02 : Chúa Nhật 7 THƯỜNG NIÊN A. Mt 5,38-48

20.02 :     Thứ hai. Mc 9,14-29

21.02 :     Thứ ba. Thánh Phê-rô Đa-mi-a-nô, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Mc 9,30-37

22.02:     Thứ tư. LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊ-RÔ. Lễ kính. Mt 16,13-19.

23.02 :     Thứ năm. Thánh Pô-ly-ca-pô, Giám mục, tử đạo, Lễ nhớ. Mc 9,41-50.

24.02:     Thứ sáu. Mc 10,1-12

25.02:     Thứ bảy. Mc 10,13-16

26.02 : Chúa Nhật 8 THƯỜNG NIÊN A. Mt 6,24-34

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Việt Nam. Cáo phó: Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã được về cùng Chúa. TRONG NIỀM TIN YÊU VÀO ĐỨC KITÔ PHỤC SINH, GIÁO PHẬN NHA TRANG TRÂN TRỌNG KÍNH BÁO: ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA, nguyên Giám mục Giáo phận Nha Trang đã được về cùng Chúa lúc 20g00, thứ Ba ngày 14 tháng 2 năm 2017 tại Tòa Giám Mục Nha Trang, hưởng thọ 86 tuổi, 58 năm Linh mục, 42 năm Giám mục.

Thánh lễ an táng vào lúc 9g00 sáng thứ Bảy, ngày 18 tháng 2 năm 2017 tại Tòa Giám Mục Nha Trang, 22 Trần Phú, Nha Trang.

* Vatican. Chương trình tĩnh tâm Mùa Chay 2017 của Giáo triều Rôma. “Cuộc thương khó, tử nạn, và phục sinh của Chúa Giêsu theo Phúc âm thánh Matthêu” sẽ là chủ đề các bài suy niệm do linh mục Dòng Phanxicô Giulio Michelini hướng dẫn trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô và các thành viên Giáo triều Roma. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, tuần tĩnh tâm Mùa Chay của Giáo triều được tổ chức tại “Nhà Thầy Chí thánh, Casa Divin Maestro” – Trung tâm Hội nghị và tĩnh tâm của các linh mục Dòng Thánh Phaolô ở Ariccia, ngoại ô Roma.

Cha Michelini sinh tại Milano năm 1964, khấn trọng trong Dòng Anh em Hèn mọn năm 1992 và thụ phong linh mục năm 1994. Hiện nay cha là giáo sư của Học viện Thần học Assisi liên kết với Đại học Laterano, và là giám đốc tạp chí Convivium Assisiense.

Như thường lệ, các buổi tiếp kiến và các hoạt động của Đức Thánh Cha ở Vatican trong tuần tĩnh tâm này sẽ tạm ngưng, trong đó có buổi tiếp kiến ​​chung vào ngày thứ Tư 08 tháng Ba.

* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đặc sứ tại Medjugorje (Mễ Du). Hôm thứ Bảy 11-02-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Henryk Hoser, S.A.C., Giám mục giáo phận Warszawa-Praga, Ba Lan, làm Đặc sứ của ngài tại Medjugorje (Mễ Du), Bosnia-Herzegovina.

Nhiệm vụ của Đức Tổng giám mục Hoser –theo thông cáo công bố việc bổ nhiệm– là “tìm hiểu thấu đáo tình hình mục vụ” ở Medjugorje, đặc biệt quan tâm đến “nhu cầu của các tín hữu hành hương”, và dựa trên hiểu biết này, “đề ra các sáng kiến ​​mục vụ có thể thực hiện trong tương lai”. Do đó, nhiệm vụ của ngài “chỉ có tính mục vụ mà thôi”.

Ông Burke nói: “Đặc sứ của Tòa Thánh sẽ tiếp xúc với Đức giám mục giáo phận Medjugorje; với các tu sĩ Dòng Phanxicô, là những người được uỷ thác coi sóc giáo xứ Medjugorje; và với các tín hữu của Medjugorje.

Về sự kiện được cho là Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje, Bosnia-Herzegovina: Từ năm 1981 có sáu người trẻ -được gọi là các thị nhân- nói rằng Đức Maria đã hiện ra với họ mỗi ngày tại đây. Cho đến nay các cuộc hiện ra được cho là vẫn tiếp tục và mỗi tháng có hàng ngàn người đến thị trấn nhỏ này gặp các thị nhân và cầu nguyện.

Ngày 17-03-2010, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã thành lập một Uỷ ban do Đức hồng y Camillo Ruini đứng đầu để điều tra hiện tượng Medjugorje. Đức Thánh Cha Phanxicô, 6/2015, đã trả lời một câu hỏi của giới báo chí về hiện tượng ở Medjugorje; ngài nói rằng Uỷ ban của Đức hồng y Camillo Ruini đã “làm tốt công việc điều tra” và cho biết Đức hồng y Ruini đã trình cho ngài kết quả. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng tôi sắp có quyết định. Và quyết định này sẽ được công bố. Vào lúc này chỉ có một số hướng dẫn dành cho các giám mục, nhưng đến lúc nào đó sẽ có quyết định”. Tuy nhiên cho đến nay, Toà Thánh vẫn chưa đưa ra quyết định nào về hiện tượng ở Medjugorje. (hdgmvietnam.org)

 

* Chính Tòa: TB Số 14 TB/GXCT/2016-2017

  1. Xin mời quý phụ huynh các em học sinh giáo lý khối Xưng Tội- Rước Lễ Lần Đầu tham dự buổi họp phụ huynh vào lúc 09g15’ sáng chúa nhật 19/02 /2017 tại các phòng C11, C12 và C13 nhà xứ Chính Tòa.
  2. Từ thứ 2 (20/02) đến thứ 7 (25/02), giáo họ Đaminh Khảm trực phụng vụ.
  3. Thứ năm ngày 16/02 sau thánh lễ 17g00 có giờ Chầu Mình Thánh do Giới Trẻ phụ trách.

 

 GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)

Việc chuẩn bị cử hành hôn lễ

“Về việc chuẩn bị gần cho hôn nhân người ta có xu hướng tập trung vào những thiệp mời, trang phục, lễ lạc và vô số những chi tiết vốn hao tốn biết bao về ngân sách cũng như sức lực và niềm vui. Các đôi bạn hầu như đều bị rã rời và kiệt sức trong ngày hôn lễ, thay vì dành nguồn sinh lực tốt nhất để chuẩn bị cho mình như là cặp uyên ương cùng sánh bước vào một cuộc hành trình lớn. Não trạng này cũng được gặp nơi một số đôi bạn sống chung mà không bao giờ đi đến hôn nhân, vì nghĩ rằng tổ chức một lễ cưới tốn kém quá nhiều, thay vì họ dành ưu tiên tình yêu cho nhau và hợp thức hóa tình yêu ấy trước những người khác. Các bạn đính hôn thân mến, các con hãy can đảm (làm) khác với người ta, đừng để mình bị xã hội tiêu thụ vốn thích sự hào nhoáng bên ngoài nuốt chửng các con. Điều quan trọng là tình yêu gắn kết các con nên một, được củng cố và thánh hóa nhờ ân sủng. Các con có thể chọn việc tổ chức hôn lễ một cách đơn sơ và giản dị, đặt tình yêu lên trên tất cả. Các tác viên mục vụ và cả cộng đoàn có thể trợ giúp để sự ưu tiên này trở thành qui chuẩn chứ không phải là biệt lệ.” Niềm Vui của Tình Yêu, số 212

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Đến ngày tận thế sẽ ra như thế nào?

– Ngày tận thế, Chúa Giêsu sẽ lại đến, và mọi người sẽ thấy Chúa. [675-677]

– Những đảo lộn kinh hoàng mà Kinh Thánh loan báo (Mt 24,4-31) sự tàn ác tỏ lộ ra không còn phải che giấu, những thử thách và những cuộc bách hại làm cho đức tin lại bị thử thách, đó chỉ là mặt tối của một thực tại mới. Thực tại này là sự toàn thắng dứt khoát và hữu hình của Thiên Chúa trên sự dữ. Sự uy nghi, chân lý và công lý của Thiên Chúa sẽ biểu lộ chói lọi rực rỡ. Khi Chúa Kitô đến sẽ có một trời mới và một đất mới. Người lau sạch mọi nước mắt khỏi mắt họ, không còn chết nữa, không còn khóc lóc, kêu ca, đau khổ nữa, vì vũ trụ cũ đã qua đi (Kh 21,1-4). → 164

Người ta sợ đến hồn phiêu phách lạc chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển… Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc. – Lc 21,26-28

Giáng lâm có nghĩa là việc Chúa Kitô đến để phán xét chung.

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 112. Nói rằng Chúa Giêsu đến để xét xử chúng ta và xét xử toàn thế giới, nghĩa là thế nào?

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ

Ai Muốn Theo Tôi…

Phêrô trả bài rất hay rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), nhưng cuối cùng té ra là dở, thậm chí ông bị Thầy mắng là Sa-tan! Liều thuốc thử bóc mẽ ông là con đường thập giá của Thầy. Phêrô nhìn nhận Thầy là Đấng Kitô, nhưng ông lại dị ứng với thập giá.

Trong bối cảnh đó, Thầy thấy cần nói cách rõ ràng và thẳng thắn, để không ai còn mập mờ ảo tưởng nữa: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”

Thập giá không chỉ là con đường của Thầy, mà cũng là con đường phải đi của các môn đệ Thầy.

Thập giá là đau khổ. Là chết. “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Phải vác thập giá. Phải chấp nhận đau khổ và cái chết. Nhưng đây không phải là thống khoái (khoái khổ, masochism). Không phải khổ chỉ để khổ, chết chỉ để chết cách vu vơ vớ vẩn kiểu tâm bệnh lệch lạc. Ở đây chết là con đường sống. Như Thầy đi con đường từ chết đến sống.

Cố sống thì chết, liều chết thì sống. Điều này thật ra không quá ‘thần bí’; từ kinh nghiệm trong đời sống cũng có thể hiểu được. Cũng dễ hiểu như vậy, lời Thầy tuyên bố: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” Nó cũng tương tự như chuyện chẳng ai đánh cờ tướng mà lại đành chịu mất tướng chỉ để giữ cho được pháo hay xe.

Không khó hiểu, nhưng nhiều khi ta không chịu hiểu!

Cũng như thập giá rất quen mà rất lạ. Quen, vì thấy nó ở khắp nơi, nhất là trong các nhà thờ, nhà dòng, chủng viện – khó mà đếm được có bao nhiêu hình ảnh thập giá. Ngay cả khó đếm được mỗi ngày ta làm bao nhiêu dấu thánh giá. Nhưng lạ, vì nhiều khi… chẳng thấy dấu vết nào của nó trong đời sống hằng ngày của ta!

Đừng quên, chọn Giêsu mà không chọn thập giá, đó luôn luôn là ảo tưởng. Tìm kiếm một Giêsu-không-thập-giá thì chỉ có thể gặp những thập-giá-không-Giêsu mà thôi! (Lm Giuse Lê Công Đức)