PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN A. 05/02/2017
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mc 5,14)
Suy niệm: Chúa Giê-su mong mỏi các môn đệ của Ngài phải là muối và ánh sáng cho thế giới. Những công việc tốt đẹp các môn đệ làm đó phải có sức toả lan như ánh sáng, như muối để cho thế gian nhận ra tình thương Chúa mà tôn vinh Ngài. Cha Anthony de Mello chỉ ra một cách sống để là muối, là ánh sáng: “Một tâm hồn không có gì cần bảo vệ và không có tham vọng sẽ để cho tâm trí thảnh thơi, không bị xiềng xích, mạnh dạn và tự do trong cuộc sống tìm kiếm sự thật. Tâm hồn này đã trở thành một ngọn đèn soi sáng cho sự tăm tối của toàn nhân loại.” Trong thế giới coi trọng vật chất và hưởng thụ, thái độ sống siêu thoát đó thực sự là một lời chứng, một luồng sáng giúp nhân loại định hướng con đường tiến về Nước Trời.
Thắp sáng niềm tin chính là làm cho người ta thấy Chúa qua cách sống của mình. Lời Chúa hôm nay Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta phải thắp sáng niềm tin bằng làm những việc tốt đẹp. Tốt đẹp không theo kiểu con người, nghĩa là chỉ nhắm đến thành công, danh dự của bản thân, mà quên đi tính chứng tá Tin Mừng phải có trong công việc, cho dù giá phải trả là sự thất bại, thiệt thòi. Tư tưởng của cha Anthony de Mello thật thâm thuý khi ngài diễn tả cách sống niềm tin không phải chỉ bằng công việc được hoàn thành nhưng là bằng chính thái độ siêu thoát đó.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
05.02 : Chúa Nhật 5 THƯỜNG NIÊN A. Mt 5,13-16
06.02 : Thứ hai. Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn tử đạo. Các thánh tử đạo tại Nhật Bản. Lễ nhớ. Mc 6,53-56.
07.02 : Thứ ba. Mc 7,1-13
08.02: Thứ tư. Thánh Giê-rô-ni-mô Ê-mi-li-a-nô. Thánh Giô-sê-phi-na Ba-khi-ta, trinh nữ. Mc 7,14-23.
09.02 : Thứ năm. Mc 7,24-30
10.02: Thứ sáu. Thánh Cô-lát-ti-ca, trinh nữ. Lễ nhớ. Mc 7,31-37.
11.02: Thứ bảy. Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Quốc tế Bệnh nhân. Mc 8,1-10.
12.02 : Chúa Nhật 6 THƯỜNG NIÊN A. Mt 5,17-37.
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Ý cầu nguyện của Đức giáo hoàng trong tháng Hai: Đón tiếp những người túng thiếu. Ý cầu nguyện của Đức giáo hoàng trong tháng Hai 2017 là: Xin cho tất cả những ai đang sầu khổ, nhất là những người nghèo, người tị nạn và những người bị gạt ra bên lề được đón tiếp và được an ủi nơi các cộng đoàn của chúng ta.
Hội Tông đồ cầu nguyện đã công bố video của Đức giáo hoàng về ý chỉ cầu nguyện này như sau:
Chúng ta đang sống trong những thành phố xây nên những toà nhà chọc trời, những trung tâm mua sắm và những sàn giao dịch bất động sản khổng lồ… nhưng lại bỏ rơi một phần của chính mình ở các vùng ngoại vi.
Hậu quả của tình trạng này là phần lớn dân chúng bị loại trừ và chịu thiệt thòi: không việc làm, không được lựa chọn, không lối thoát.
Đừng bỏ rơi họ. Hãy cùng với tôi cầu nguyện cho tất cả những ai đang sầu khổ, nhất là những người nghèo, người tị nạn và những người bị gạt ra bên lề, xin cho họ được đón tiếp và được an ủi nơi các cộng đoàn của chúng ta. (hdgmvietnam.org)
* Lào. Giáo hội Lào sắp có thêm hai tân linh mục. Cộng đoàn tín hữu Công giáo nhỏ bé tại Lào –chưa đầy 1% dân số bảy triệu người của Lào– đang chuẩn bị cử hành lễ truyền chức linh mục cho hai phó tế trong năm nay. Hai phó tế đang dọn mình lãnh chức linh mục –theo lịch trình năm nay, nếu không có gì thay đổi– một vị thuộc giáo phận Đại diện tông toà Paksè, một vị thuộc giáo phận Đại diện tông toà Luang Prabang.
Những hoạt động mục vụ, Đức cha Ling nói với Fides, được diễn ra bình thường. “Đôi khi cũng gặp chút khó khăn với các cán bộ tỉnh gắt gao, nhưng các linh mục, tu sĩ chúng tôi đi thăm các gia đình, cử hành các bí tích và dạy giáo lý chẳng có vấn đề gì”. Với thầy phó tế theo dự kiến sẽ được phong chức linh mục vào tháng Ba sắp tới, “tôi sẽ sắp xếp cho giáo phận Paksè 5 linh mục hoạt động và hai vị nghỉ hưu”, Đức cha cho biết. Các linh mục được trao nhiệm vụ coi các giáo xứ và trên 13.000 giáo dân trong giáo phận tông toà.
Cha Tito Banchong Thopanhong, Giám quản tông toà Luang Prabang, miền bắc Lào, tiếp lời Đức cha Louis-Marie Ling. Ngài cho biết tháng Chín vừa qua Luang Prabang đã có ba tân linh mục được truyền chức và nay sắp có thêm một tân linh mục nữa. “Trong vùng của tôi, suốt 12 năm, kể từ năm 2000, chỉ có một mình tôi, rồi chúng tôi được chúc lành với mùa ơn gọi linh mục nở rộ, dấu chỉ có Chúa ở bên chúng tôi. Ngài là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta và Chúa quả là như thế trong suốt thời khổ ải”, cha nói. Ngài từng trải qua 5 năm bị giam cầm, trong giai đoạn 1976-1986.
Kết thúc chuyến viếng thăm Ad limina, vị Giám quản Tông toà Luang Prabang nêu nhận xét: “Chúng tôi thật vui mừng. Chuyến viếng thăm này khiến chúng tôi vững tin vào sự hiệp nhất với Đức Thánh Cha. Ngài biết rõ chúng tôi, yêu mến và mở lòng với chúng tôi. Đối với chúng tôi, ngài thực sự là một người cha đang hết lòng lắng nghe chúng tôi. Ngài dặn chúng tôi hãy vững bước thực thi sứ mạng của mình. Đối với chúng tôi, đó là lời khích lệ quý giá”. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 12 TB/GXCT/2016-2017
GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)
Hướng dẫn những người đính hôn trong hành trình chuẩn bị hôn nhân (tt)
Trong bất kì trường hợp nào, nếu người này nhận ra rõ ràng các điểm yếu của người kia, thì người ấy cần tin tưởng cách thực tế vào khả năng có thể giúp người kia phát triển điểm tốt nhất của bản thân họ để cân bằng với đối trọng là những khuyết điểm của họ, với mục đích kiên quyết là thăng tiến con người. Điều đó hàm ý chấp nhận với cả quyết tâm khả năng phải đương đầu trước một vài hi sinh từ bỏ, những lúc gian nan và tình huống xung đột, và quyết tâm vững vàng sẵn sàng cho việc này. Phải nhận ra được các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ có thể có về mối quan hệ, để trước khi kết hôn họ tìm thấy phương thế giúp đối mặt với chúng cách thành công. Thật đáng tiếc, nhiều người đến ngày thành hôn mà vẫn chưa biết nhau. Họ chỉ vui chơi với nhau, đã có những kinh nghiệm với nhau, nhưng chưa đối đầu trước thách đố thể hiện chính mình và học biết người kia thực sự là ai.” Niềm Vui của Tình Yêu, số 210
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
– Nghĩa là Chúa Giêsu, một người trong chúng ta đã về lại nhà với Thiên Chúa Cha và ở lại đó muôn đời. Nhờ Chúa Giêsu mà Thiên Chúa ở gần loài người chúng ta trong cách thức loài người. Và trong Phúc Âm Gioan, Chúa Giêsu đã nói: “Khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12, 32). [659-667]
– Trong Tân ước, việc Chúa về trời chấm dứt giai đoạn bốn mươi ngày được đánh dấu bằng việc Đấng đã sống lại ở gần gũi với các môn đệ. Cuối giai đoạn này Chúa Giêsu đi vào trong oai nghi của Thiên Chúa với toàn bộ nhân tính của mình. Kinh Thánh thuật lại bằng những hình ảnh tượng trưng có “mây”, có “trời”. Như Đức Bênêđictô XVI nói: “Con người có được chỗ trong Thiên Chúa”. Chúa Giêsu Kitô bây giờ ở với Chúa Cha, từ đó một ngày kia Người đến “phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Chúa Giêsu về trời có nghĩa là Chúa Giêsu không còn là hữu hình ở dưới đất, nhưng lại vẫn luôn có mặt dưới đất.
Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời. – Cv 1,11
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 110. Tại sao Chúa Giêsu Kitô là Chúa của cả vũ trụ?
TẢN MẠN – CHIA SẺ
Tết ơi đâu chỉ một ngày!
Tết, chẳng phải để được nghỉ ngơi một tí, được ăn ngon một tí, được thong dong một tí? Tết chẳng phải để được về nhà, được thắp nhang cho ông bà, được thăm cha mẹ anh em, được gặp bạn bè? Tết chẳng phải để được nhớ mình có một quê hương, có tổ tiên gốc gác, trên có Trời dưới có Đất, có nhà có hàng xóm dây mơ rễ má, có những bổn phận, có lề có thói…?
Ơ! thế quanh năm dẫu có đầu tắt mặt tối bạn cũng không thể có một tí để nghỉ ngơi, không thể ăn một tí ngon hơn? Dẫu có trăm công ngàn việc đến nỗi không thể về nhà? đến nỗi quên cả cha mẹ lẫn anh em họ hàng? đến nỗi quên Trời quên Đất, quên những bổn phận, quên xóm làng quê hương?
Thế sao cứ phải tất bật, vội vã “ba mươi tết rồi kìa!”, việc ráng làm cho xong, nợ ráng trả cho hết, về và về, dẫu chật chội chen chúc, dẫu trong túi rỗng không, dẫu lo toan vẫn chất đống, vẫn ưu tư trĩu nặng. Bởi con người ta thích nước đến chân mới nhảy hay hạnh phúc đong mãi chẳng thấy đầy?
Ơ, nói thế ra như người nói yêu mà chả bao giờ thấy tặng quà. Vội bởi thấy thời gian không còn, bởi mùa xuân không đến hai lần trong năm, bởi nước sông không hề chảy ngược; đời người tưởng đằng đẵng giật mình chỉ một thoáng bay.
“Ở dưới bầu trời này,
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời
có thời để chào đời, có thời để lìa thế
…..
Vì mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi.
Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt.
Điều gì đang có, xưa kia đã có,
điều gì sẽ có, xưa đã có rồi.” (GV 1, 1-15)
Bài học thời gian cho thấy có nói phải có làm, việc gì làm được thì đừng để ngày mai. Tết đâu chỉ một ngày, và đâu phải ngày nào cũng tết.
(mimosagem)