BẢN TIN 359

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT BÁT NHẬT GS. 01/01/2017

“Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se cùng với Hài  Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,16)

Suy niệm: Từ thế kỷ  thứ ba, các tín hữu đã tôn danh Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa. Mặc dù bấy giờ có nhiều phản đối từ các lạc giáo, nhưng các tín hữu vẫn hiểu rõ việc tuyên xưng này không do trí óc loài người suy luận, mà là do sự thật Ngôi Hai xuống thế làm người trong lòng Mẹ. Mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người là bảo chứng Mẹ là Mẹ TC. Các mục đồng chứng kiến CGS nằm trong máng cỏ, bên  cạnh có Mẹ Maria và thánh Giuse, tai họ nghe tiếng thiên thần ca tụng, họ mau mắn tin vững chắc, Hài Nhi là TC làm người. Nơi Mẹ còn hơn thế, vì Mẹ mang lấy Ngôi Hai trong lòng Mẹ. Mẹ cảm nghiệm trong từng thớ thịt mình sự hiện diện của Đấng cao cả và Mẹ nhận ra ân sủng được làm Mẹ TC. Mầu nhiệm và tước hiệu này được Mẹ đón nhận với lòng cảm tạ, ràng buộc cuộc đời  mình vào thánh ý TC. Nếu có ai bảo rằng ràng buộc như thế là nô lệ, thì họ chưa hiểu gì về tình yêu của Mẹ đối với Chúa. Thi hào Tagore đã nói: “Trong tình yêu, nô lệ và giải phóng không tương khắc, vì tình yêu vừa tự do nhất, vừa  ràng buộc nhất.” Vì vậy, sự tuân hành thánh ý Chúa nơi Mẹ là một thúc bách của  tình yêu như thánh Phaolô đã trải qua: “Tình yêu Chúa thúc bách tôi”. Một năm mới lại đến. Bạn được bảo đảm có Chúa ở cùng trong những ngày tháng tới. Bạn đã cảm tạ ơn Chúa và theo gương Mẹ quyết sống năm mới theo lời Chúa dạy chưa?

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

01.01 : Chúa Nhật CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. ĐẦU NĂM DƯƠNG LỊCH. LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA, Lễ trọng. Ngày cầu cho Hoà bình thế giới. Lc 2,16-21

02.01 :     Thứ hai. Thánh Ba-si-li-ô Cả và thánh Grê-gô-ri-ô Na-zi-an-zê-nô, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.  Lễ nhớ. Ga 1,19-28.

03.01 :     Thứ ba. Danh Thánh Chúa Giê-su. Ga 1,29-34.

04.01:     Thứ tư. Ga 1, 35-42

05.01 :     Thứ năm. Đầu tháng. Ga 1,43-51

06.01:     Thứ sáu. Đầu tháng. Mc 1,7-11

07.01:     Thứ bảy. Đầu tháng. Thánh Rai-mun-đô, Pen-gia-pho, Linh mục. Ga 2,1-11

Thánh Giuse Tuân, giáo dân, tử đạo.

Chiều: LỄ VỌNG HIỂN LINH

08.01 : Chúa Nhật CHÚA HIỂN LINH. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân. Mt 2,1-12.

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Năm 2016: 4 triệu người đã gặp Đức Thánh Cha tại Vatican. Như thường lệ, vào dịp cuối năm, Phủ Giáo hoàng công bố bản tổng kết số tín hữu đã tham dự các cuộc gặp gỡ và tiếp kiến của Đức Thánh Cha tại Vatican trong suốt năm.

Bản tổng kết năm 2016 cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 4 triệu người trong các buổi tiếp kiến chung và đặc biệt, các buổi tiếp kiến của Năm Thánh Lòng Thương xót, các cử hành phụng vụ, các buổi đọc kinh Truyền tin và Lạy Nữ vương Thiên đàng.

Tháng Ba và tháng Chín là hai tháng có đông tín hữu nhất có mặt tại Vatican để tham dự các cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha: trong tháng Ba có Tuần Thánh và trong tháng Chín Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta.

Số liệu trên đây chỉ tính riêng cho các hoạt động của Đức Thánh Cha tại Vatican, không bao gồm các chuyến viếng thăm mục vụ tại giáo phận Roma cũng như ở Italia và các chuyến tông du đến các quốc gia, tại các nơi đó có hàng triệu người khác cũng đã gặp Đức Thánh Cha. (hdgmvietnam.org)

* Nepal. khôi phục Giáng sinh là ngày nghỉ lễ toàn quốc. Chính phủ Nepal đã đảo ngược một quyết định hồi đầu năm, và qua đó, đưa lễ Giáng sinh trở lại danh sách các ngày nghỉ lễ của đất nước này.

Được biết, quyết định này của chính phủ nhằm khôi phục Giáng sinh là ngày nghỉ lễ là do áp lực của các nhóm thiểu số. Hồi tháng Tư năm nay, chính phủ của cựu Thủ tướng Khadga Prasad Oli, thuộc Đảng Cộng sản Nepal (Đảng Mácxít Lêninít Thống nhất), đã đưa lễ Giáng sinh ra khỏi các ngày nghỉ lễ theo luật định. Các nhà lãnh đạo Kitô giáo liền phản đối, cho rằng quyết định này khiến những người đi làm gặp khó khăn trong việc tuân giữ luật kiêng việc xác.

Vào tháng Tám, đảng Cộng sản đối lập –Đảng Cộng sản Nepal (thân Mao)– giành được chính quyền, và ngay trước lễ Giáng sinh, chính phủ của Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal đưa lễ Giáng sinh vào danh sách các ngày nghỉ lễ. Thủ tướng Dahal đã gửi lời chúc “hòa bình, hạnh phúc, thịnh vượng, an khang, đoàn kết, và huynh đệ đến mọi tín hữu Kitô giáo Nepal trong và ngoài nước”.

Tổng thống Nepal, bà Bidya Devi Bhandari, đã dẫn đầu phái đoàn tham dự các buổi lễ mừng công cộng. Trong thông điệp chúc mừng các vị lãnh đạo Kitô giáo, bà bày tỏ hy vọng đây sẽ là cơ hội “tăng cường tình thương yêu và đoàn kết giữa các công dân Nepal, đồng thời thúc đẩy mọi người hãy tôn trọng Hiến pháp vì một nước Nepal hòa bình và thịnh vượng”.

Tại đất nước 29 triệu dân này, các Kitô hữu chỉ là thiểu số, trong khi đó có 81% theo đạo Hindu, 9% Phật giáo, 4% Hồi giáo, 3% theo đạo Kirant Mundhum của người bản địa. (hdgmvietnam.org)

 

* Chính Tòa: TB Số 07 TB/GXCT/2016-2017

  1. Chúa Nhật 01/01/2017, Tết Dương lịch, ngày hành hương về với Đức Mẹ Trà Kiệu, nên tại nhà thờ Chính Tòa chỉ có 03 thánh lễ ban sáng: 5g15, 08g thánh lễ Thiếu Nhi, 10g lễ Tiếng Anh. Buổi chiều không có thánh lễ. Lúc 15g00 tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, Đức Giám mục giáo phận chủ sự Thánh lễ đồng tế mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cầu cho Hòa Bình Thế giới. Xin kính mời tham dự.
  2. Chúa Nhật 01/01/2017 sau lễ Thiếu nhi có rửa tội cho các em nhỏ.
  3. Từ thứ 2 (02/01) đến thứ 7 (07/01), giáo họ Augustinô Huy trực phụng vụ.
  4. Thứ năm đầu tháng 05/01/2017 vào lúc 19g30 có Giờ Chầu Mình Thánh do ban Phụng Vụ phụ trách.

 

 GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)

Hướng dẫn những người đính hôn trong hành trình chuẩn bị hôn nhân (tt)

“Tôi mời gọi các cộng đoàn Kitô hữu hãy nhận biết rằng việc đồng hành với những người đính hôn trong hành trình tình yêu của họ là một việc thiện ích cho chính họ. (…) Có nhiều cách thức hợp pháp để tổ chức việc chuẩn bị gần cho hôn nhân, và mỗi Hội thánh địa phương sẽ phân định thế nào là cách tốt nhất, nhờ bảo đảm một sự huấn luyện phù hợp đồng thời không làm cho các bạn trẻ xa rời bí tích. Không cần phải truyền đạt cho họ toàn bộ Giáo lí, cũng không đưa ra cho họ quá nhiều chủ đề. Thật vậy, cả trong trường hợp này, quả đúng là “không phải biết nhiều mà làm no thỏa linh hồn, nhưng là cảm và nếm thực tại trong tâm hồn” . Cần quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng, và phải dành ưu tiên – cùng với việc loan báo Tin mừng kerygma cách mới mẻ – cho nội dung, nếu được truyền đạt cách hấp dẫn và sâu sắc, sẽ giúp họ dấn thân vào hành trình trọn cuộc đời “với cả trái tim và lòng quảng đại” . Điều quan trọng là “con đường khai tâm” vào Bí tích Hôn nhân khả dĩ cung cấp cho họ những yếu tố cần thiết để có thể lãnh nhận bí tích ấy với những điều kiện tốt nhất và khởi đầu cuộc sống gia đình một cách vững chắc.” Niềm Vui của Tình Yêu, số 207

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Làm thế nào mà các môn đệ Chúa Giêsu đã đi đến chỗ tin Người sống lại ?

– Đầu tiên, các ông mất hết hy vọng, nhưng dần dần, các ông đã đi đến chỗ tin Chúa sống lại, vì sau khi Người chết, họ đã thấy Người trong nhiều dịp khác nhau, các ông đã nói chuyện với Người, đã có kinh nghiệm rõ ràng là Người đang sống. [640-644, 656]

– Những biến cố Phục Sinh diễn ra ở Giêrusalem khoảng năm 30 không phải là chuyện bày đặt ra. Bị sốc vì cái chết của Chúa và vì sự nghiệp chung thất bại, các môn đệ đã trốn mất. Chúng tôi hy vọng rằng Người là Đấng sẽ giải thoát Israel (Lc 24,21). Hoặc các ông ẩn núp sau những cửa đóng kín. Chỉ nhờ được gặp gỡ Chúa Kitô sống lại họ mới được giải thoát khỏi bị ức chế và được đầy niềm tin phấn khởi vào Chúa Giêsu, Chúa của sự sống và sự chết.

Biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại trở thành tâm điểm của Kitô giáo. Đó là điểm tựa cho đức tin của ta, là đòn bảy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc của ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi, và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người.” – Đức Bênêđictô XVI, 19-10-2006

Ai hiểu biết lễ Vượt Qua thì không thể thất vọng nữa.” – Dietrich Bonhoeffer (1906–1945, thần học gia Tin Lành và chống Hitler bị xử tử trong trại tập trung Flossenbürg)

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 106.  Có những bằng chứng về việc Chúa Giêsu đã sống lại không?

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ

Merry Christmas  

Bản thân từ “Merry” đã gieo vào lòng chúng ta một niềm hân hoan, cảm giác ấm áp hạnh phúc vì nó gắn liền với dịp lễ Giáng sinh. Mặc dù các hoạt động tổ chức lễ Giáng sinh đã bắt đầu từ thế kỷ thứ IV sau công nguyên, nhưng chỉ đến năm 1699, thì cách nói “Merry Christmas” mới được sử dụng.

Người có công rất lớn trong nguồn gốc của cụm từ này là một sỹ quan hải quân vì ông đã sử dụng từ này lần đầu tiên trong một bức thư thân mật vào năm 1699. Cụm từ này xuất hiện lần thứ hai vào năm 1843 trong một tác phẩm của Charles Dickens “Bài hát đón mừng lễ Giáng sinh”.

Trong dịp lễ giáng sinh, không chỉ có đạo Thiên chúa mà hầu như tất cả mọi người dù ở các giai tầng hay tôn giáo khác nhau cũng đều gửi đến nhau lời chúc “Merry Christmas”. Trong cụm từ Merry Christmas, “Merry” có nghĩa là niềm vui còn “Christmas” có nghĩa là các con chiên của chúa (cách dùng trong tiếng Anh cổ). Nhiều người sử dụng từ “Happy” thay cho “Merry” để chúc nhau trong dịp giáng sinh. Cụm từ “Happy Christmas” trở nên phổ biến trên toàn thế giới vào thế kỷ XIX, khi nó được sử dụng bởi chính nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Trong tác phẩm gốc được viết vào năm 1823 của nhà thơ Mỹ Clement Moore, “Chuyến viếng thăm thánh Nicholas”, câu kết luận vốn là “Happy Christmas to all, and to all a good night” đã được đổi lại thành “Merry Christmas to all” trong nhiều ấn phẩm tái bản về sau.

Ngày nay, cách nói “Happy Christmas” chỉ chủ yếu được sử dụng bởi các cư dân Ireland và Anh. Đôi khi để rút gọn, nhiều người còn sử dụng từ Xmas thay cho Christmas. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, không cụm từ hay cách nói nào có thể phổ biến bằng cụm từ “Merry Christmas”. Chúc bạn có một mùa Giáng sinh vui vẻ và hạnh phúc! (Sưu tầm internet)