PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 34 Thường Niên.
Đức Giê-su Ki-tô, Vua Vũ Trụ 20/11/2016
Một trong hai kẻ gian phi bị treo trên thập giá thưa với Chúa Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,42-43)
Suy niệm: Vũ trụ có thể quan sát được bằng các kính thiên văn hiện đại gồm trên một trăm tỉ thiên hà. Trong số hàng trăm tỉ đó, bằng mắt thường ta chỉ có thể nhìn thấy một dải Ngân Hà như một vệt sáng mờ mờ. Mặt trời và các hành tinh của nó chỉ là một trong số hàng trăm tỉ thành phần của dải Ngân Hà này mà thôi. Trong vũ trụ, Trái Đất và con người thật là bé nhỏ. Vậy mà, Chúa Giê-su, Vua Vũ Trụ đã chấp nhận đến và chết để cứu độ loài người. Ngài không phải là vị Vua của các vì tinh tú xa xôi, mà Ngài là Vua Toàn Năng, Đấng muốn và có quyền năng đưa con người vào hưởng hạnh phúc trong Vương Quốc vĩnh cửu của Ngài.
Vào lúc tưởng như thất bại thê thảm nhất của Chúa Giê-su, thì một kẻ gian phi lại tin Ngài: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Không một lời tuyên xưng đức tin nào mạnh mẽ bằng lời của anh ta vào lúc này. Chúa đã tuyên bố cho anh được ở trong Nước Trời với Ngài.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
20.11 : Chúa Nhật 34 THƯỜNG NIÊN. ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. Lc 23,35-43
21.11 : Thứ hai. Đức Mẹ dâng mình trong Đền Thờ. Lễ nhớ. Mt 12,46-50.
22.11 : Thứ ba. Thánh Xêxilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. Lc 21,5-11.
23.11: Thứ tư. Thánh Clêmentê I, Giáo Hoàng, tử đạo. Thánh Côlumbanô, viện phụ. Lc 21,12-19
24.11 : Thứ năm. THÁNH ANRÊ DŨNG LẠC, CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM. Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam. Lễ trọng. Lc 9,23-26. Quan Thầy của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Chính Tòa Đà Nẵng. Thánh Phêrô Borie Cao, Giám mục, tử đạo. Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa, Linh mục và Thánh Vinh sơn Nguyễn Thế Điểm, Linh mục, tử đạo.
25.11: Thứ sáu. Thánh Catarina Alêxanria, trinh nữ, tử đạo. Lc 21,29-33.
26.11: Thứ bảy. Lc 21,34-36. Thánh Tôma Đinh Viết Dụ, Linh mục tử đạo 1839. Thánh Đa-minh Nguyễn Văn Xuyên, Linh mục OP, tử đạo.
HẾT NĂM PHỤNG VỤ 2016 và BẮT ĐẦU NĂM PHỤNG VỤ 2017: Năm A và Năm I
27.11 : Chúa Nhật I MÙA VỌNG. Mt 24,37-44 PHỤNG VỤ NĂM A
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Thánh lễ trong Ngày Năm Thánh dành cho những người không nhà. Lúc 10g sáng Chúa nhật 13-11-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô trong Ngày Năm Thánh dành cho những người không nhà và những người sống bên lề xã hội. Những người này đang tham dự cuộc hành hương quốc tế “Fratello 2016” do Hiệp hội Fratello tổ chức.
Chúa nhật 13-11 cũng là ngày đóng Cửa Thánh tại 3 đại Vương cung thánh đường ở Roma cũng như tại các Nhà thờ chính toà và các đền thánh ở khắp nơi trên thế giới. Riêng Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô sẽ được đóng lại vào Chúa nhật tuần sau, 20-11, đại lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, và Năm Thánh Lòng Thương xót cũng chính thức bế mạc.
Để đáp lại lời thỉnh cầu của của ông Stephen Villemain – người sáng lập và giám đốc Hiệp hội Lazarô, đồng tổ chức hành hương với Hiệp hội Fratello – trong buổi tiếp kiến hôm thứ Sáu 11-11 trước đó, muốn có một “Ngày thế giới của người nghèo”, Đức Thánh Cha nói thêm: “Tôi muốn rằng ngày hôm nay là Ngày của người nghèo”.
Đức Thánh Cha đã lên án điều mà ngài gọi là “sự mâu thuẫn bi thảm của thời đại chúng ta”: “càng có nhiều tiến bộ và nhiều cơ hội, đó là điều tốt đẹp, lại càng có nhiều người không được hưởng những điều ấy… Thật vậy, chúng ta không được phép cứ yên thân trong nhà bao lâu Lazarô còn ở ngoài cửa; sẽ không có bình an cho những người sống sung túc, khi còn thiếu công lý trong ngôi nhà của mọi người”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh vị trí của con người trong sáng tạo và trong kế hoạch của Thiên Chúa: “Con người, được Thiên Chúa đặt làm đầu các thụ tạo, thường bị loại bỏ vì người ta ưa thích những điều chóng qua hơn. Và điều này là không thể chấp nhận được, vì con người là quý giá nhất trong mắt của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha nói thêm: “Và điều nghiêm trọng là chúng ta quen với việc loại bỏ ấy; thật đáng lo khi lương tâm đã ra mê muội và không còn để ý đến người anh em đang đau khổ ở bên cạnh chúng ta hoặc đến các vấn đề trầm trọng của thế giới – đã trở thành điệp khúc nghe đi nghe lại mãi trên báo chí và truyền hình”.
Đức Thánh Cha nhắc lại truyền thống Roma của Thánh Laurensô, phó tế tử đạo: “Trước khi chịu tử đạo vì yêu mến Chúa, thánh nhân đã phân phát tài sản của cộng đoàn cho người nghèo, là những người được ngài gọi là kho tàng thực sự của Giáo hội. Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết xem điều gì là quan trọng mà không sợ hãi, biết quy hướng trái tim của chúng ta về Ngài và những kho tàng thực sự của chúng ta”. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô: “Năm Thánh và Đại kết là hoa trái của Vatican II”. Nhân dịp bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời phỏng vấn của nhật báo Công giáo Avvenire (Italia). Ngài nói Năm Thánh và Đại kết là hoa trái của Công đồng Vatican II.
Trong cuộc phỏng vấn dài của Avvenire, Đức Thánh Cha nêu nhận định của ngài về Năm Thánh Lòng Thương Xót và đề cập đến cuộc hành trình phức tạp đi đến sự Hiệp nhất Kitô giáo cũng như di sản của Công đồng Vatican II.
Từ Nhà Santa Maria, Đức Thánh Cha nói con đường sống và làm chứng cho Tin Mừng mà Giáo hội theo đuổi chính là con đường của lòng thương xót, chứ không theo đuổi một ý thức hệ.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài không có kế hoạch mở Năm Thánh. “Tôi cứ để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt”, ngài nói.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tha thứ, Đức Thánh Cha nói ngài vẫn cho rằng Thiên Chúa có trí nhớ kém. “Chúa tha thứ và lãng quên”. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 64TB/GXCT/2015-2016
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 155
581. Điều răn thứ mười dạy chúng ta sự gì?
Điều răn thứ mười dạy chúng ta phải tôn trọng tài sản của người khác, không ganh tị, tham lam và ham muốn của cải một cách bất chính. [531]
582. Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta điều gì khi dạy tinh thần khó nghèo?
Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta yêu mến Ngài trên hết mọi sự và biết phó thác vào sự quan phòng của Chúa trong tinh thần khó nghèo của Nước Trời. [532]
583. Khao khát lớn nhất của con người là gì?
Khao khát lớn nhất của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa, vì chỉ mình Ngài mới là nguồn hạnh phúc đích thực. [533]
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
101. Tại sao Chúa Giêsu phải cứu chuộc chúng ta bằng cái chết trên thánh giá, mà không dùng cách khác?
– Dù vô tội, Chúa Giêsu cũng chọn cái chết dữ dằn để từ bỏ mình và tận hiến hoàn toàn trên thánh giá. Người đã chọn thập giá để gánh tội thế gian và chịu những đau khổ của nhân loại. Như thế, vì Tình yêu trọn hảo của Người, Người đã đem nhân loại trở về cùng Thiên Chúa. Không ai còn có thể nói: Thiên Chúa không biết tôi phải đau khổ. [613-617, 622-623]
Khổ nạn, từ dùng để chỉ những đau khổ của Chúa Kitô.
“Thiên Chúa đã giang tay trên thập giá để ôm lấy hết giới hạn của thế giới.” – Thánh Cyrille ở Giêrusalem (313–387), giáo phụ của Hội Thánh
“Ta là Kitô hữu, ta không chìm đắm vào trong bão tố của thế gian chỉ vì một lý do duy nhất là ta được đùm bọc bởi cây thập giá.” – Thánh Augustinô
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 102. Tại sao chúng ta cũng phải chấp nhận đau khổ trong cuộc sống, phải “vác thập giá mình mà theo Chúa Giêsu”?
TẢN MẠN – CHIA SẺ
Một Giờ Chầu
Tôi đặt bút viết những dòng cảm xúc thật lạ kỳ… và cũng đầy kỳ lạ (!), khi vừa tham dự giờ chầu của dòng Phaolo về.
Biết bao điều dâng trào trong suy nghĩ… Lạy Chúa, con đã thấy Chúa thật rõ ràng, con đã nghe Chúa nói những điều mà con chưa một lần chạm vào…!
Sự dẫn dắt của quý Sơ trong suốt giờ chầu: từ lời dẫn, bài hát đều làm cho tôi cũng như cộng đoàn cảm thấy Chúa thật gần; thấy một cách rõ ràng… Bởi, quý Sơ đã đưa đầy cho tôi được nói và tâm tình cùng Chúa trong những lời suy niệm, những câu ca đầy ý nghĩa…!
Một Giờ Chầu không bằng những “kinh kệ dài lê thê…” mà được thể hiện bằng những tâm niệm, suy tư về Đức Kitô thật… đang hiện diện nơi tôi và cộng đoàn.
Cảm ơn và cảm ơn thật nhiều quý Sơ dòng Phaolo đã cho tôi ý niệm về giờ chầu lúc này…!
Xin viết lại đoạn bài hát Hát trên đỉnh đồi thay cho lời cảm tạ:
“Ta lên, lên tận đỉnh đoài,
Ta vào động đá tạc lời nước non.
Con nhìn Chúa, Chúa nhìn con,
Ta cùng sẻ ngọt chia ngon đủ điều…”
(Hoàng Khuê 11/2016)