BẢN TIN 350
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 29 Thường Niên. 16/10/2016
“Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.” (Lc 18,8)
Suy niệm: Ba bài hát “Hòn Vọng Phu” đầy cảm xúc của nhạc sĩ Lê Thương cảm hứng từ truyền thuyết gán cho khối đá giống hình tượng “mẹ bồng con” trên một số đỉnh núi cao mà nổi tiếng nhất là truyền thuyết về nàng Tô Thị bế con lên núi ngóng trông chồng đến nỗi hoá thành tượng đá. “Hòn Vọng Phu” biểu tượng của sự chờ đợi ròng rã, kiên trì, vẫn đang còn đó, đề cao hình ảnh thủy chung của người vợ ngày đêm trông ngóng chồng mình trở về. Song buồn thay! Mòn mỏi mong đợi bao năm tháng vẫn chỉ là “tượng đá cô đơn”.
Đời sống đức tin của người tín hữu được diễn tả qua việc cầu nguyện cũng là một sự chờ đợi, trông mong được Chúa đáp lời. Thế nhưng, sự chờ đợi của người tín hữu không bị hóa đá, trái lại thật hạnh phúc vì họ đã được Thiên Chúa đáp lời. Điều quan trọng chính là người tín hữu phải biết cầu nguyện liên lỉ, không được nản chí. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự, chắc chắn sẽ đáp lời.
Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương đồng hành và lắng nghe những lời cầu nguyện tha thiết của bạn và tôi. Và Ngài sẵn sàng đáp lời chúng ta, miễn là chúng ta biết cầu nguyện không ngừng, cầu nguyện hoài, cầu nguyện mãi, không sờn lòng nản chí.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
16.10 : Chúa Nhật 29 THƯỜNG NIÊN. Lc 18,1-8. Tam Thành hành hương Nhà thờ Chính Tòa
17.10 : Thứ hai. Thánh Inhaxiô Antiôkhia, Giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. Lc 12,13-21. Thánh Isidoro Gagelin Kính, Linh mục MEP, tử đạo.
18.10 : Thứ ba. THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính. Lc 10,1-9.
19.10: Thứ tư. Thánh Gioan Brêbơp, Linh mục, Thánh Isaac Giôgơ, Linh mục và các bạn, tử đạo; Thánh Phaolô Thánh Giá, Linh mục. Lc 12,39-48.
20.10 : Thứ năm. Lc 12,49-53
21.10: Thứ sáu. Lc 12,54-59
22.10: Thứ bảy. Thánh Gioan Phaolô 2, Giáo Hoàng. Lc 13,1-9.
23.10 : Chúa Nhật 30 THƯỜNG NIÊN. Khánh Nhật Truyền Giáo. Lc 18,9-14. Nhượng Nghĩa hành hương Nhà thờ Chính Tòa
Tiền giỏ hôm nay dành cho Quỹ Truyền Giáo của Thánh Bộ Truyền giáo và HĐGMVN. Xin Quý Cha và cộng đoàn quan tâm.
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Syria. Trẻ em Syria ký tên vào thỉnh nguyện thư kêu gọi hoà bình. Hơn một triệu trẻ em ở Syria đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư kêu gọi hoà bình, một lần nữa thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria.
Ít nhất 2.000 trường học ở khắp nơi trên Syria đã tham gia vào sáng kiến này, trong đó các trẻ em đã vẽ những bức tranh và viết những dòng tin nhắn để kêu gọi Liên hiệp quốc tại Geneva và Liên minh châu Âu tại Brussels phải chú ý.
Sáng kiến “Hoà bình cho Trẻ em”, do Hội giáo hoàng “Trợ giúp các Giáo hội lâm nguy” (KIN) đề xướng, kêu gọi các trẻ em mọi lứa tuổi dùng lời và hình ảnh nói lên cuộc xung đột 5 năm qua đã tác động đến chúng và những người thân yêu của chúng ra sao.
Sáng kiến của KIN nhằm đáp lại một báo cáo cho rằng ít nhất có 2,1 triệu trẻ em Syria không được đến trường – vì nhiều ngôi trường phải sơ tán hoặc bị phá hủy do các cuộc xung đột.
Trong tuần này, các trẻ em thuộc mọi tôn giáo ở thủ đô Damascus, cũng như ở Homs, Yabroud, Marmarita và Aleppo đã tham gia sáng kiến “Hoà bình cho Trẻ em” bằng những bài hát, điệu múa, màn kịch và cầu nguyện, tất cả đều kêu gọi hoà bình. (hdgmvietnam.org)
* Trung Quốc. Đức giám mục giáo phận Ôn Châu đã được đưa về giáo phận, nhưng vẫn bị quản thúc. Theo các nguồn tin AsiaNews nhận được, công an đã đưa Đức cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn trở về Ôn Châu ngày 08-10-2016, được Toà Thánh nhìn nhận là giám mục chính toà Ôn Châu; trong khi chính quyền Trung quốc không chấp nhận ngài.
Trước đó, từ ngày 23/8, ĐC Thiệu Chúc Mẫn đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc đưa đi Thanh Hải, thuộc Tây Bắc Trung Quốc, cách Ôn Châu gần 2.500km, để ngăn không cho ngài chủ sự tang lễ của Đức cố giám mục Chu Duy Phương – qua đời ngày 07 tháng Chín 2016.
Trong một Thông cáo ngắn ra ngày 21 tháng Chín, Phòng Báo chí Toà Thánh nêu rõ: “Theo quy định của giáo luật, Đức cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, giám mục phó của giáo phận Ôn Châu, sẽ kế nhiệm vị giám mục quá cố”.
Tuy nhiên hiện nay, Đức cha Mẫn không thể thi hành sứ vụ mục vụ của ngài và phải chịu sự kiểm soát của công an. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 58/TB/GXCT/2015-2016
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 150
561. Lao động có ý nghĩa gì đối với con người?
Lao động vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi, nhờ đó con người cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo và cứu độ. [513]
562. Người lao động được hưởng những quyền nào?
Người lao động được quyền có việc làm ổn định và lương thiện, không bị kỳ thị bất công, được tự do lựa chọn về mặt kinh tế và được hưởng lương xứng đáng với công sức của mình. [514]
563. Nhà Nước có trách nhiệm gì về vấn đề lao động?
Nhà Nước có trách nhiệm bảo đảm sự tự do cá nhân và quyền tư hữu, cũng như giá trị tiền tệ ổn định và những dịch vụ công ích có hiệu quả; đồng thời phải giám sát và hướng dẫn việc thực thi các quyền con người trong lãnh vực kinh tế. [515]
564. Những người lãnh đạo xí nghiệp phải có trách nhiệm gì về vấn đề lao động?
Những người lãnh đạo xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả do công việc của họ, đồng thời phải chú tâm đến lợi ích của mọi người. [516]
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
98. Thiên Chúa có muốn cho Con của Người phải chết không?
– Cái chết dữ dằn của Chúa Giêsu không do những sắp đặt, những toan tính ác độc của con người. Chúa Giêsu đã “tự nguyện phó mình theo chương trình Thiên Chúa định trước” (Cv 2,23). Để chúng ta, là những con cái của tội lỗi và sự chết, được cứu sống, Cha trên trời của Đấng vô tội đã “làm cho Con của Ngài thành tội nhân, vì chúng ta” (2 Cr 5,21). Sự hi sinh lớn lao mà Chúa Cha mong đợi nơi Chúa Con đã được Chúa Con đáp lại bằng sự từ bỏ mình cho đến chết: “Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). Thế là từ cả hai phía, Cha và Con đã xuất hiện một tình yêu đến tột cùng là chết trên thập giá. [599-609, 620]
– Để cứu ta khỏi chết, Thiên Chúa đã thực hiện một sứ mệnh nguy hiểm: Người đã đem vào thế giới sự chết của ta “một thứ thuốc bất tử” (Thánh Inhaxiô Antiôkia). Chúa Cha và Chúa Con là hai đồng minh không thể tách rời trong sứ mệnh đó. Đầy lòng ước ao nồng nhiệt và vì yêu thương loài người, các Ngài đã nhận cho mình cái gì là cực độ cực điểm. Thiên Chúa đã đề nghị một trao đổi để cứu độ ta mãi mãi: Người muốn ban sự sống đời đời của Người để ta có thể nếm được niềm vui của Người. Chúa Giêsu đã muốn chịu đựng cuộc hấp hối của ta, sự tuyệt vọng của ta, cảm xúc bị bỏ rơi của ta, cái chết của ta, để được hiệp thông hoàn toàn với ta mà Người vẫn hoàn toàn hiệp thông với Cha Người. Để yêu thương ta đến cùng và hơn thế nữa. Cái chết của Chúa Kitô là ý muốn của Chúa Cha, nhưng nó không phải tiếng nói cuối cùng. Bởi vì Chúa Kitô chết cho ta, nếu ta hiệp thông với Người, ta có thể đổi sự chết của ta lấy sự sống của Người.
Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng. – Ga 13,1
“Thánh giá là thang để ta về trời, bỏ thánh giá đi, ta không còn thang nào khác.” – Thánh nữ Rosa Lima (1586–1617, thánh nữ đầu tiên của Pérou)
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 99. Khi Chúa Giêsu ăn Bữa Tiệc Ly với các tông đồ, đã xảy ra những chuyện gì?
TẢN MẠN – CHIA SẺ
Thật Kỳ Lạ…