BẢN TIN 349
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 28 Thường Niên. 09/10/2016
Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. (Lc 17,15-16)
Suy niệm: Khi lòng biết ơn chứng tỏ sự trưởng thành nơi một con người, thì sự vô ơn bộc lộ tình trạng ấu trĩ về nhân cách. Mười người phung cùi được lành sạch, thế mà chỉ có một người trưởng thành trở lại cám ơn Chúa. Khi hỏi “Còn chín người kia đâu?” Chúa muốn nhắc nhở chúng ta đừng dừng lại nơi quà tặng, mà còn phải biết vươn xa hơn đến người tặng quà là chính Chúa, Đấng ban ân sủng cho họ. Điều Chúa muốn chúng ta lưu tâm hơn nữa, đó là lòng biết ơn của người Sa-ma-ri là lòng biết ơn của người có đức tin. Anh ta trở lại cám ơn Chúa Giê-su với một chi tiết được Tin Mừng lưu ý: “anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giê-su mà tạ ơn.” Trong Thánh Kinh, sấp mình là cử chỉ người ta chỉ làm trước mặt Thiên Chúa mà thôi. Anh ta sấp mình tạ ơn Chúa bởi nhận ra Thiên Chúa nơi con người Giê-su Na-da-rét. Người phong cùi không tạ ơn Chúa Giê-su vì Ngài là một thầy thuốc tài năng, anh còn nhận biết và tuyên xưng Ngài chính là Thiên Chúa, Đấng có quyền năng tha tội cho anh.
Bạn có muốn trưởng thành trong nhân cách và trong đức tin không? Vậy bạn hãy tập cám ơn Chúa mỗi ngày, trong mỗi biến cố.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
09.10 : Chúa Nhật 28 THƯỜNG NIÊN. Lc 17,11-19. Hoà Ninh hành hương Nhà thờ Chính Tòa
10.10 : Thứ hai. Lc 11,29-32
11.10 : Thứ ba. Thánh Gioan 23, Giáo Hoàng. Lc 11,37-41. Thánh Phêrô Tùy, Linh mục, tử đạo.
12.10: Thứ tư. Lc 11,42-46
13.10 : Thứ năm. Lc 11,47-54
14.10: Thứ sáu. Thánh Calittô I, Giáo Hoàng, tử đạo. Lc 12,1-7
15.10: Thứ bảy. Thánh Têrêxa Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. Lc 12,8-12
16.10 : Chúa Nhật 29 THƯỜNG NIÊN. Lc 18,1-8. Tam Thành hành hương Nhà thờ Chính Tòa
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Việt Nam. Hội đồng Giám mục Việt Nam bế mạc Đại hội lần thứ XIII (năm 2016). Từ ngày thứ Hai 03-10-2016 đến thứ Sáu 07-10-2016, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tiến hành họp Đại hội lần thứ XIII tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận TP.HCM, với sự tham dự đông đủ của Đức hồng y Phêrô, các Đức Tổng giám mục và Giám mục của 26 giáo phận. Đồng thời, các Đức giám mục đã bầu lại Ban Thường vụ và các Chủ tịch của các Uỷ ban cho nhiệm kỳ 2016–2019, trong đó:
Bên cạnh đó, các ngài cũng đã đưa ra chủ đề Mục vụ gia đình cho 03 năm đến (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm:
– Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;
– Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ;
– Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Công bố chủ đề Thượng Hội đồng Giám mục Khoá thường lệ thứ XV. “Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi” là chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục Khoá thường lệ lần thứ XV, sẽ được triệu tập vào tháng Mười 2018: thông tin trên vừa được Toà Thánh Vatican công bố hôm nay thứ Năm, 06/10.
Thông cáo của Toà Thánh giải thích: Chủ đề này là dấu chỉ sự quan tâm của Giáo hội đối với người trẻ, có sự liên tục với những kết luận của các Thượng Hội đồng trước về gia đình và tiếp nối Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 57/TB/GXCT/2015-2016
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 149
556. Điều răn thứ bảy có vai trò nào trong Học thuyết xã hội của Hội Thánh?
Điều răn thứ bảy là nền tảng cho Học thuyết xã hội của Hội Thánh. [503]
557. Hội Thánh trình bày những gì trong Học thuyết xã hội?
Hội Thánh trình bày có hệ thống các chân lý của Tin Mừng về phẩm giá và chiều kích xã hội của con người, đề ra những nguyên tắc để suy tư, quy định những tiêu chuẩn để phán đoán, trình bày những quy luật và định hướng để hành động. [509]
558. Khi nào Hội Thánh can thiệp vào lãnh vực xã hội?
Hội Thánh can thiệp vào lãnh vực xã hội khi các quyền căn bản của con người, lợi ích chung hoặc ơn cứu độ các linh hồn đòi hỏi.
559. Đời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện thế nào?
Đời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện nhằm phục vụ con người toàn diện và cộng đồng nhân loại, trong sự tôn trọng công bằng xã hội. [511]
560. Điều gì nghịch lại Học thuyết xã hội của Hội Thánh?
Các hệ thống kinh tế và xã hội chủ trương hy sinh những quyền lợi căn bản của con người hay coi lợi nhuận là quy luật tuyệt đối và mục đích tối hậu của chúng, đều nghịch lại Học thuyết xã hội của Hội Thánh. [512]
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
97. Người Do Thái có trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu không?
– Không ai có thể kết tội cho dân tộc Do thái về cái chết của Chúa Giêsu. Trái lại Hội thánh Công giáo tuyên bố chắc chắn rằng: mọi tội nhân đều là tòng phạm trong cái chết của Chúa Giêsu. [597-598]
– Tiên tri Simêon đã biết trước là Chúa Giêsu làm “duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy” (Lc 2,34). Đã có một cuộc chống đối Chúa Giêsu mạnh mẽ từ phía chính quyền Do Thái, nhưng Chúa Giêsu có những môn đệ bí mật thuộc phe Pharisiêu như ông Nicôđem và Joseph Arimathi. Trong vụ án Chúa Giêsu, nhiều nhân vật và nhà cầm quyền Rôma cũng như Do Thái có liên luỵ (Caipha, Giuđa, Đại Hội đồng, Hêrôđê, Ponce Pilate). Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể xét xử tội lỗi riêng của mỗi người. Luận án cho rằng mọi người Do Thái thời đó hoặc các người Do Thái thời nay phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu là điều vô lý và không thể bênh vực được xét theo Kinh Thánh. → 135
“Không phải ma quỷ đã đóng đinh Chúa Giêsu mà là chính bạn cùng với ma quỷ đã đóng đinh Người và còn đóng đinh Người bằng cách ham thích thói xấu và tội lỗi.” – Thánh Phanxicô Assisi
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 98. Thiên Chúa có muốn cho Con của Người phải chết không?
TẢN MẠN – CHIA SẺ
Bánh Mì Từ Thiện
Người đàn ông đeo kính đen, mặc quần jean xám và chiếc áo thun trắng bỏ trong quần, đi chiếc Air Blade dừng lại nơi gốc cây như cố ý tránh mọi sự để ý của người khác. Mắt ông nhìn về phía trước nơi có đặt chiếc thùng kính có những chiếc bánh mì với dòng chữ “Bánh mì từ thiện” cách đó hai gốc cây. Chiếc xe vẫn nổ máy và mấy lần ông định nhích tay ga để tới nhưng rồi lại thôi khi có người đi ngang qua.
Chiếc thùng kính có một cái lỗ phía trước đủ để thò tay vào lấy ra một chiếc bánh được để đó vào mỗi sáng. Phía trong nơi cửa nhà có cô bé ngồi thu lu sau chiếc tủ bán thuốc lá, dường như cô bé có ý trông chừng chiếc tủ đựng bánh.
Có hai đứa trẻ đeo cái túi chéo trước ngực trên tay cầm xấp vé số đi ngược chiều. Đến cái thùng kính chúng dừng lại, xoay người dí mũi vào chiếc thùng như để hít mùi thơm của những chiếc bánh. Đứa nhỏ thò tay như với lấy một ổ đưa cho đứa lớn rồi thò tay vào lấy thêm một ổ kẹp vào nách. Hai đứa nhìn vào cô bé ngồi sau tủ thuốc lá đang mỉm cười nhìn chúng nó, hai đứa giơ tay vẫy:
– Hê lô… chị Hai!
Hai đứa cắm đầu chạy mươi bước rồi đi chậm rãi, hai đứa lấy hai ổ bánh mì kẹp nơi nách ra đưa lên miệng nhai ngấu nghiến. Chúng đi ngang chỗ người đàn ông, vẻ mặt hớn hở của chúng làm người đàn ông ngoái cổ nhìn theo cho đến khi hai đứa rẽ vào con hẻm gần đó. Người đàn ông nghĩ, làm sao mình có thể cướp mất niềm vui của những con người như thế.
Trông đằng xa chừng không có người đi tới, người đàn ông mạnh dạn nhích ga chiếc xe chạy tới. Đến trước chỗ cái thùng bánh ông dừng hẳn lại, bước đến chỗ cái thùng ngó vào bên trong có vẻ ngại ngùng, rồi đưa mắt ngó trước ngó sau như sợ ai trông thấy. Điệu bộ người đàn ông làm cô bé bán thuốc lá chú ý và mắt cô không rời đàn ông sau lớp kính tủ thuốc lá. “Người như vậy, lẽ nào…”, cô nghĩ.
Người đàn ông đưa tay sờ gì đó dưới đáy thùng, cử chỉ lạ lùng này làm cô bé đứng phắt dậy, mắt nhìn thẳng vào người đàn ông như sẵn sàng ra tay nếu người đàn ông có hành động mờ ám. Bất ngờ người đàn ông thò tay vào thùng lấy một chiếc bánh và cúi đầu đi nhanh ra xe. Người đàn ông quay lại nhìn cô bé, trên tay vẫn cầm chiếc bánh mì, làm hiệu chỉ chỉ vào chiếc thùng. Chiếc xe nổ máy lao đi mất hút trong dòng người tấp nập.
Cử chỉ đó làm cô bé khó hiểu và bước ra chỗ chiếc thùng. Khi còn cách ba bước chân, cô dừng lại và cúi đầu quan sát. Mắt cô dừng lại chỗ người đàn ông sờ vào lúc nãy, ở đó có nhét vật gì làm cô chú ý.
Cô bước tới và rút lên xem, đó là một tờ… năm trăm ngàn. (mimosagem)