BẢN TIN 341
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 20 Thường Niên. 14/08/2016
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” (Lc 12,49)
Suy niệm: Lửa để đốt nóng và chiếu sáng; lửa làm tan chảy và tinh luyện…. Lửa cần cho mặt đất và cũng cần cho cuộc sống con người. Làm ra lửa, một phát minh vĩ đại của con người thuở sơ khai. Chúa Giê-su đến “ném lửa vào mặt đất,” một thứ lửa thiêng, lửa mới: Ngọn lửa đã từng bùng cháy nơi bụi gai, khi Thiên Chúa thần hiển cho ông Mô-sê trong hoang địa, ngọn lửa sẽ xuất hiện trên đầu các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần ngự xuống, đó chính là ngọn lửa tình yêu trong Thánh Tâm Chúa Giê-su mà Ngài mong ước được bùng cháy lên nơi tâm hồn những người được Chúa cứu độ. Đáp lại lòng mong ước của Chúa Giê-su, Hội Thánh tiếp nối sứ mạng “chia lửa” này cho đến tận thế qua cuộc sống chứng nhân của các ki-tô hữu.
Bạn ơi, để thực thi sứ mạng “chia lửa” đó, trước tiên chính bạn phải là ngọn đèn luôn cháy sáng bằng ngọn lửa được đốt bằng chất dầu là tình yêu của Chúa Ki-tô. Bằng việc suy niệm Lời Chúa, bạn đến với Đức Ki-tô là “nguồn sáng đích thực;” bằng việc rước Thánh Thể, tâm hồn bạn được kết hiệp với Trái Tim bừng cháy lửa tình yêu của Chúa Giê-su. Như thế bạn đã sẵn sàng để trở nên hy tế cùng với Đức Ki-tô rồi đó.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
14.08 : Chúa Nhật 20 THƯỜNG NIÊN. Lc 12,49-53. Chiều: Lễ Vọng Đức Mẹ Lên Trời.
An Thượng hành hương Nhà thờ Chính Tòa
15.08 : Thứ hai. ĐỨC MẸ LÊN TRỜI.
Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân. Lc 1,39-56
17.08: Thứ tư. Mt 20,1-16a
18.08 : Thứ năm. Mt 22,1-14
19.08: Thứ sáu. Thánh Gioan Ơđê, Linh mục. Mt 22,34-40
20.08 : Thứ bảy. Thánh Bênađô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. Mt 23,1-12
Bình Phong hành hương Nhà thờ Chính Tòa
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Cử hành “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” lần thứ hai. Trong dịp cử hành “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” lần thứ hai, ngày 01-09-2016, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự Giờ kinh Chiều lúc 17 giờ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố như trên.
“Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập hồi tháng Tám năm ngoái, qua bức thư gửi Đức hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, và Đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu. Ngày này được ấn định cử hành vào 01 tháng Chín hằng năm.
“Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” là cơ hội để tái khẳng định ơn gọi của người Kitô hữu là quản lý thiên nhiên mà Chúa đã tạo dựng, để tỏ lòng biết ơn về những món quà Chúa đã ban tặng, cầu nguyện cho việc bảo vệ môi trường và xin ơn tha thứ vì tội đã huỷ hoại môi trường.
Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư trước khi cử hành Ngày này lần đầu tiên, ĐTC đã nói: “Hợp lời cầu nguyện với các anh chị em Chính thống giáo của chúng ta và với tất cả mọi người thiện chí, chúng ta muốn góp phần vào việc tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng sinh thái hiện đang kềm kẹp nhân loại”.
Quả vậy, “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập để tiếp nối sáng kiến của các Giáo hội Chính thống. Chính Đức Thượng phụ Constantinopolis là Dimitrios I đã thiết lập Ngày này vào năm 1989. (hdgmvietnam.org)
* Mỹ Quốc. Hội nghị Thần học về Thân xác dành cho các linh mục và giáo dân. “Giáo hội nên ở bên ngoài phòng ngủ của tôi”, “Làm sao có thể giữ cho cuộc hôn nhân của tôi được vững mạnh trong nền văn hóa ngày nay?”, “Con cái tôi phải tiếp xúc với những ảnh hưởng vô luân ở trường học – tôi phải làm gì?”: Đây là một số những thách đố phổ biến mà các linh mục và tu sĩ gặp phải trong khi thi hành thừa tác vụ của mình, và đều là những đề tài hóc búa sẽ được bàn thảo tại Hội nghị Thần học về Thân xác năm 2016 diễn ra từ ngày 23 đến 25 tháng Chín 2016 tại Trung tâm hội nghị Ontario ở Ontario, California. Hội nghị này nhằm đem lại những trợ giúp về mục vụ và đào tạo cho các giáo sĩ và cả giáo dân.
Bà Jen Settle, Giám đốc điều hành Học viện Thần học về Thân xác cho biết: “Dù là trong tòa giải tội, linh hướng, tư vấn, giảng dạy, hoặc chuẩn bị cho các đôi sắp kết hôn, các linh mục đang phải đứng trước việc trả lời những câu hỏi khó liên quan đến giáo lý của Đức tin Công giáo. Thần học về Thân xác giúp cho các linh mục có được ngôn ngữ và các công cụ để thương giúp người khác đạt đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về căn tính và ơn gọi của họ”.
Hội nghị góp mặt nhiều thuyết trình viên nổi tiếng như Đức Tổng giám mục Jose Gomez, Tiến sĩ John Grabowski và Đức ông Brian Bransfield, họ sẽ đề cập những vấn đề văn hóa quan trọng như nghiện ngập, khiêu dâm, chuyển giới và nữ quyền…, tất cả sẽ được trình bày qua lăng kính của một công cụ thần học phong phú của Giáo hội là Thần học về Thân xác. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 47/TB/GXCT/2015-2016
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 141
523. Chúng ta phải làm gì để tôn trọng sự sống siêu nhiên của con người?
Chúng ta phải quan tâm đến lợi ích linh hồn, tránh gây dịp tội và không làm gương xấu cho người khác. [473]
524. Chúng ta phải làm gì để tôn trọng sự sống tự nhiên của con người?
Chúng ta phải chăm sóc sức khỏe của mình và của người khác cách hợp lý, tránh xa việc tôn thờ thân xác và mọi sự thái quá, tránh sử dụng ma túy cùng những gì gây nguy hại cho sự sống con người. [474]
525. Có được phép thí nghiệm khoa học, y khoa hay tâm lý trên con người không?
Được phép, nếu chúng phục vụ cho lợi ích con người và xã hội, với sự đồng ý của đương sự mà không gây ra những rủi ro cho sự sống và sự toàn vẹn của họ. [475]
526. Có được phép hiến tặng hoặc ghép các bộ phận hay không?
Hiến tặng các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý, nhưng trước khi lấy các bộ phận đó, phải xác định chắc chắn người hiến tặng đã chết. Việc ghép các bộ phận có thể được chấp nhận với sự ưng thuận của người cho và không gây nguy hiểm quá đáng cho họ. [476]
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
89. Chúa Giêsu hứa “Nước Thiên Chúa” cho những ai?
– “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Nước Thiên Chúa sẽ khởi đầu nơi những ai để cho Tình yêu Chúa biến đổi mình. Họ trước hết là những người nghèo khó và thấp hèn như Chúa Giêsu thường nói (xem Tám mối phúc). [541-546, 567]
– Cả những người xa Hội Thánh cũng thấy quyến rũ khi Chúa Giêsu hướng về những người nam và nữ bị gạt ra lề xã hội với một tình yêu ưu tiên. Trong bài giảng trên núi, những nạn nhân của bách hại và bạo lực, tất cả những ai tìm Chúa với lòng trong trắng, tất cả những ai tìm đến lòng thương xót, sự công chính và sự bình an của Chúa, đều ưu tiên vào Nước Thiên Chúa. Ngay cả người tội lỗi cũng được nghe những lời mời gọi đặc biệt: không phải là những người khoẻ mạnh cần đến thầy thuốc, nhưng là những người bệnh tật; tôi đến kêu gọi không phải người công chính, nhưng những người tội lỗi (Mc 2,17).
Chúa Giêsu nói về Cha Người: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức công bố một năm hồng ân của Chúa.” – Lc 4,18-14
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 90. Chúa Giêsu có thực đã làm các phép lạ hay đó chỉ là những huyền thoại đạo đức?
TẢN MẠN – CHIA SẺ
Bàn tay yêu thương
Trong một tiết dạy vẽ,cô giáo bảo các em học sinh lớp 1 vẽ về điều gì làm các em thích nhất trong đời. Cô thầm nghĩ : “Chắc rồi các em cũng lại vẽ những gói quà, những ly kem hoặc những món đồ chơi, quyển truyện tranh.” Thế nhưng cô đã hoàn toàn ngạc nhiên trước một bức tranh lạ của em học sinh tên Douglas: bức tranh vẽ một bàn tay.
Nhưng đây là bàn tay của ai? Cả lớp bị lôi cuốn bởi hình ảnh đầy biểu tượng này. Một em đoán: “Đó là bàn tay bác nông dân.” Một em khác cự lại: “Bàn tay thon thả thế này phải là bàn tay của một bác sĩ phẩu thuật.” Cô giáo đợi cả lớp bớt xôn xao dần, rồi mới hỏi tác giả. Douglas cười ngượng nghịu: “Thưa cô, đó là bàn tay của cô ạ !”
Cô giáo ngẩn ngơ. Cô nhớ lại những phút ra chơi, thường dùng bàn tay để dắt Douglas bước ra sân, bởi em là một cô bé khuyết tật, khuôn mặt không được xinh xắn như các trẻ khác, gia cảnh từ lâu lâm cảnh ngặt nghèo. Cô chợt hiểu ra tuy cô vẫn làm điều tương tự với các em khác nhưng hóa ra đối với Douglas, bàn tay cô lại mang ý nghĩa sâu xa, một biểu tượng của tình yêu thương.
Tê- lập- phương- ít sưu tầm.