PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. 15/05/2016
Nói xong, Đức Giê-su thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,22)
Suy niệm: Có một ngày các linh mục đồng loạt xách va-li rời khỏi giáo xứ; giáo dân gia nhập các đoàn thể Công giáo chỉ để mua vui; mỗi lần cầu nguyện, các Ki-tô hữu cảm thấy khó khăn vì Thiên Chúa với họ thật ngàn trùng xa cách và xa lạ; Đức Giê-su chỉ là một nhân vật của quá khứ, xa xưa; các sách Tin Mừng với những dòng chữ chết khô, đọc mãi chẳng thấy một sức mạnh nào; các tu sĩ hoạt động trong các bệnh viện, trại phong… chán nản trước các công việc nhàm chán mỗi ngày; Giáo hội như một bảo tàng viện gồm những nghi thức cũ kỹ lạc hậu… Đó là một ngày không có Chúa Thánh Thần. May mắn thay, ngày ấy đã không xảy ra! Vì từ ngày Hiện xuống trên các tông đồ, Chúa Thánh Thần luôn ở mãi trong thế giới.
Ghi nhớ lời của Charles Spurgeon, một nhà truyền giáo nổi tiếng của Mỹ: “Nếu chúng ta không có Thánh Thần, chúng ta nên đóng cửa các nhà thờ. Nếu các giáo sĩ không có Thánh Thần, tốt hơn họ đừng rao giảng Lời Chúa và giáo dân nên ở nhà mà ngủ”. Thế nhưng, có Thánh Thần, mọi sự đã đổi khác. Bạn có nhận ra sự hiện diện âm thầm và mạnh mẽ của Thánh Thần trong đời bạn không?
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
15.05 : Chúa Nhật THẦN HIỆN XUỐNG.
Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân. Ga 20,19-23
Cồn Dầu hành hương Nhà thờ Chính Tòa.
16.05 : Thứ hai. Tuần 7 Thường Niên. Mc 9,14-29
17.05 : Thứ ba. Mc 9,30-37
18.05: Thứ tư. Thánh Gioan I, Giáo Hoàng, tử đạo. Mc 9,38-40
19.05 : Thứ năm. Mc 9,41-50
20.05: Thứ sáu. Thánh Becnađinô Siêna, Linh mục. Mc 10,1-12
21.05 : Thứ bảy. Thánh Christôphôrô Magalanét, Linh mục và các bạn tử đạo. Các Thánh tử đạo tại Mêhicô. Mc 10,13-16.
22.05 : Chúa Nhật 8 THƯỜNG NIÊN. KÍNH CHÚA BA NGÔI. Lễ trọng. Lễ cầu cho Giáo dân. Ga 16,12-15
Xuân Thạnh hành hương Nhà Thờ Chính Tòa.
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 50: “Truyền thông với phong cách đậm chất Tin Mừng”. Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng ngày Chúa nhật 08 tháng Năm 2016 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích về ý nghĩa của ngày lễ Chúa Thăng Thiên: “Trong ngày lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu rời khỏi trái đất của chúng ta để đi vào vinh quang viên mãn của Thiên Chúa, đồng thời mang theo với Người nhân tính của chúng ta”.
Chúa nhật lễ Chúa Thăng Thiên cũng là Ngày Thế giới Truyền thông xã hội – năm nay là lần thứ 50. Sau khi đọc kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 50 đã công bố hồi đầu năm nay. Ngài nói: “Các nghị phụ của Công đồng Vatican II, khi suy tư về Giáo hội trong thế giới ngày nay, đã hiểu rõ tầm quan trọng đặc biệt của truyền thông, truyền thông ‘có thể bắc những nhịp cầu nối giữa các cá nhân, các gia đình, các nhóm xã hội và các dân tộc với nhau – cả trong thế giới vật chất và môi trường kỹ thuật số”. Và Đức Thánh Cha kêu gọi những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông của Giáo hội phải luôn có “một phong cách đậm chất Tin Mừng, một phong cách nối kết chân lý với lòng thương xót”.
Trong ngày này, Đức Thánh Cha cũng gửi đi một tấm thiệp trên trang Twitter (@Pontifex) và Instagram (@Franciscus) của ngài với dòng chữ: “Gửi bạn trong cộng đồng kỹ thuật số rộng lớn, bạn đã xin tôi chúc lành và cầu nguyện cho bạn, tôi muốn nói rằng bạn là món quà quý giá trong lời cầu nguyện của tôi dâng lên Chúa Cha. Và bạn cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi là người phục vụ Tin Mừng Lòng thương xót”.”
Cuối cùng, nhắc đến Ngày của Mẹ cử hành vào Chúa nhật 08 tháng Năm tại nhiều quốc gia, Đức Thánh Cha tôn vinh “các bà mẹ hiện đang có mặt ở Quảng trường, các bà mẹ của chúng ta, những người còn ở với chúng ta hay đã về trời” và mời mọi người cùng đọc một kinh Kính Mừng. (hdgmvietnam.org)
Amman, Jordan. Khai trương dự án “Vườn thương xót” giúp đỡ người tị nạn. Một công ty chuyên về nông nghiệp “bền vững” đã tuyển dụng 15 người trong số những người tị nạn Iraq và những người thất nghiệp Jordan: sự kiện này nằm trong một dự án đoàn kết có tên gọi “Vườn thương xót”, được khai trương hôm thứ Năm 12 tháng Năm vừa qua tại Trung tâm Đức Mẹ Hoà bình ở Amman, Jordan, trước sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Fouad Twal, Thượng phụ Jerusalem, và Đức Tổng giám mục Alberto Ortega Martin, Sứ thần Tòa Thánh tại Jordan và Iraq.
Sáng kiến này được tài trợ –theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô– từ khoản tiền quyên góp của các tín hữu thu được tại Gian hàng Toà Thánh ở Expo Milano 2015. Đây là dấu hiệu cụ thể việc chăm sóc mục vụ của Tòa Thánh và các Giáo hội địa phương đối với người dân Trung Đông đang lao đao vì tình hình xung đột trong khu vực và buộc phải di cư.
“Vườn thương xót –Đức Sứ thần Toà Thánh nhấn mạnh, trong buổi lễ khánh thành– không chỉ là nơi người tị nạn và người nghèo có thể tìm được việc làm và lương bổng, mà còn trở thành một nơi đối thoại và gặp gỡ giữa nhiều người của các tôn giáo khác nhau, theo như Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông sắc Dung mạo Lòng Thương xót”.
Trang web abouna.org còn cho biết, tại buổi lễ nói trên, ông Wael Suleiman, Giám đốc Caritas Jordan, đã công bố các dự án nhỏ tương tự cũng sớm được thực hiện tại Madaba, Zaqrqa và Fuheis, nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người tị nạn và cho các gia đình Jordan không có thu nhập. (hdgmvietnam.org)
Campuchia. 111 người chịu phép Thánh tẩy trong Năm Thánh Lòng Thương xót. Trong Năm thánh Lòng Thương xót này, Giáo hội tại Campuchia đã có thêm 111 người chịu phép Thánh tẩy và 80 người khác được nhận vào số các dự tòng trong mùa Chay vừa qua để đồng hành với cộng đoàn chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, theo thông tin hãng Thông tấn Fides nhận được từ Hạt Đại diện Tông tòa Phnom Penh, do Đức giám mục Olivier Schmitthaeusler, thuộc Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris (MEP), coi sóc.
111 tân tòng đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy vào đêm Vọng Phục Sinh vừa qua tại Nhà thờ chính tòa Phnom Penh, trong niềm hân hoan của cộng đoàn. Đức giám mục Schmitthaeusler cho biết Năm Thánh đã được đánh dấu bằng nhiều khoảnh khắc rất quan trọng, như cuộc tĩnh tâm với chủ đề về lòng thương xót, quy tụ khoảng 500 tín hữu thuộc nhiều nơi đến. Trong cuộc tĩnh tâm, Đức cha Schmitthaeusler đã nhấn mạnh đến ý tưởng ân sủng. “Ân sủng do Thiên Chúa ban. Ân sủng là lòng thương xót. Thiên Chúa chờ đợi, đón nhận và luôn tha thứ cho con người. Ân sủng thúc đẩy chúng ta sống cuộc hoán cải tâm hồn đích thực với lòng thương xót và sự công chính”.
Đức cha khuyến khích các tín hữu thi hành các việc làm của lòng thương xót – phần hồn cũng như phần xác, đồng thời kêu gọi các cha xứ tiếp tục cổ vũ cộng đoàn giáo xứ của mình cùng nhau thực hiện các công việc này theo hình thức cộng đoàn. Trong thư mục vụ được phổ biến đầu Năm Thánh, Đức cha Schmitthaeusler đã kêu gọi sống Năm Thánh Lòng Thương xót bằng những việc làm bác ái theo sự khơi gợi của Tin Mừng về người xứ Samaria nhân hậu và đi hành hương, ít là một lần. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 31/TB/GXCT/2015-2016
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 128
469. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải làm gì để được sự sống đời đời?
Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tuân giữ các điều răn và bước theo Ngài để được sự sống đời đời. [434]
470. Chúa Giêsu giải thích Lề luật thế nào?
Chúa Giêsu giải thích Lề luật dưới ánh sáng của điều răn yêu thương là mến Chúa yêu người. [435]
471. “Mười Điều Răn” là gì?
Mười Điều Răn là “mười lời” tóm tắt Lề Luật mà Thiên Chúa ban cho dân Ít-ra-en qua ông Môsê tại núi Sinai, trong khung cảnh của Giao ước.
472. Mười Điều Răn Chúa dạy là những điều nào?
Là những điều này:
– Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự;
– Thứ hai chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ;
– Thứ ba giữ ngày Chúa Nhật;
– Thứ bốn thảo kính cha mẹ;
– Thứ năm chớ giết người;
– Thứ sáu chớ làm sự dâm dục;
– Thứ bảy chớ lấy của người;
– Thứ tám chớ làm chứng dối;
– Thứ chín chớ muốn vợ chồng người;
– Thứ mười chớ tham của người.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
76. Tại sao Thiên Chúa lại nhập thể nơi Đức Giêsu?
– Kinh Tin Kính Công đồng Nixêa (năm 325) đã dạy: “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế “.
– Thiên Chúa đã giao hòa thế giới với Người và giải thoát con người khỏi tội trong Chúa Giêsu Kitô. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3,16). Thiên Chúa đã nhận lấy xác phàm phải chết của ta nơi Chúa Giêsu (nhập thể), đã chia sẻ thân phận trần thế, những đau khổ và cái chết của ta và trở nên một người như ta trong hết mọi sự, trừ tội.
“Thiên Chúa quá cao cả đến nỗi Người có thể trở nên bé nhỏ, quá toàn năng đến nỗi có thể trở nên yếu kém và để gặp gỡ ta như một đứa trẻ không có bảo vệ để ta có thể yêu mến Người.” – Đức Bênêđictô XVI, 24-12-2005
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 77. Khi nói Chúa Giêsu Kitô “vừa là Thiên Chúa thật lại vừa là người thật” nghĩa là gì?