BẢN TIN 327

 

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH. Chúa Lên Trời 08/05/2016

“Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24,46-53)

Suy niệm: Dựa vào báo cáo dày 1.400 trang của 2.500 nhà khoa học từ 124  quốc gia về hiện tượng trái đất nóng dần,  Liên Hiệp Quốc kêu gọi khẩn cấp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tiếng nói chung của đông đảo nhà khoa học cho  thấy hiện tượng trái đất nóng dần không còn là suy đoán của ai đó nhưng đã trở thành vấn đề cấp bách khiến các  nhà lãnh đạo thế giới phải quan tâm. Cũng vậy, Tin Mừng Phục Sinh không còn là  lời chứng của vài cá nhân riêng rẽ, nhưng qua hơn hai mươi thế kỷ, hàng hàng  lớp lớp các thế hệ chứng nhân đã sống, công bố và dám liều mạng sống mình để  minh chứng rằng đó là chân lý cứu rỗi cho mọi người. Chúa Ki-tô cũng kêu mời  bạn gia nhập vào khối người đông đảo đó; Người cũng đang nói với chúng ta: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

Thời các  tông đồ, làm chứng nhân cho Đấng Phục  Sinh là động lực tạo sức sống cho cộng đoàn tín hữu. Ngày nay đôi khi người  ta coi việc giữ đạo là việc lo cho phần  rỗi cá nhân, trong khi đó việc làm  chứng trở thành khâu phụ tùy hay là việc của các thành phần như tu sĩ, giáo  sĩ, chứ không phải là của tất cả mọi người.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

08.05 : Chúa Nhật 7 PHỤC SINH. CHÚA THĂNG THIÊN. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân.

An Ngãi hành hương Nhà thờ Chính Tòa.

  1. 09.05 : Thứ hai. Ga 16,29-33.

Thánh Giuse Hiển Linh mục OP, tử đạo

10.05 :     Thứ ba. Thánh Đamien, Linh mục. Ga 17,1-11a.

11.05:     Thứ tư. Ga 17,11b-19.

Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm, tử đạo.

12.05 :     Thứ năm. Thánh Nêrêô và thánh Achilêô, tử đạo. Thánh Panraxiô, tử đạo. Ga 17,20-26.

13.05:     Đức Mẹ Fatima. Ga 21,15-19.

14.05 :     Thứ bảy. THÁNH MATTHIA, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. Ga 15,9-17.

Chiều: LỄ VỌNG CTT HIỆN XUỐNG.

15.05 : Chúa Nhật THẦN HIỆN XUỐNG.

Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân. Ga 20,19-23

Cồn Dầu hành hương Nhà thờ Chính Tòa.

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Toà Thánh Vatican trưng bày các Tông sắc mở Năm Thánh. Vatican thường lưu trữ các Tông sắc trong Văn khố mật, chỉ một vài giảng viên đại học mới được phép tra cứu các Tông sắc này. Tuy nhiên, từ ngày 04 tháng Năm 2016 vừa qua, lần đầu tiên Toà Thánh đã khai mạc một triển lãm để trưng bày một số Tông sắc mở Năm Thánh thường lệ do các Đức giáo hoàng ban hành. Cuộc triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 31 tháng Bảy tại dinh Palazzo del Vicariato Vecchio, một dinh thự cổ từ thế kỷ XV nằm gần đền Pantheon. 

Các Tông sắc là những thư do ĐGH soạn trong hình thức trang trọng. Tông sắc theo tiếng  Latinh là Bulla; bulla là dấu niêm bằng chì thường dùng để niêm phong các văn kiện này, do đó cũng được dùng để gọi chính Tông sắc.

Cuộc trưng bày sẽ cho công chúng lần đầu tiên được nhìn thấy các Tông sắc mở các Năm Thánh thường lệ, từ Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử do Đức giáo hoàng Bonifaciô VIII mở vào năm 1300 tới Đại Năm Thánh 2000 do Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố.

Năm 1300, Đức giáo hoàng Bonifaciô VIII quyết định mở Năm Thánh đầu tiên theo kiểu năm toàn xá của dân Do Thái, và quy định cử hành Năm Thánh này cứ một trăm năm một lần.

Để khoảng cách không quá lớn, các vị Giáo hoàng sau này quyết định cử hành Năm Thánh hai lần, rồi ba lần và cuối cùng (từ năm 1475) là bốn lần trong một thế kỷ, tức là cứ 25 năm một lần. Như vậy kể từ Năm Thánh đầu tiên vào năm 1300, cho đến nay đã có 12 Năm Thánh thường lệ được mở.

“Mười hai trong số các văn kiện được trưng bày là các Tông sắc, sáu văn kiện là các bản khắc cổ, trong đó có một bản khắc thời cổ rất quý hiếm, số còn lại là những bản sao chép lại các thủ bản”, như Đức ông Liberio Andretta, Giám đốc Văn phòng phụ trách các cuộc hành hương của Vatican cho biết.

Đức ông Liberio nói thêm: Điều đáng chú ý nhất của các Tông sắc này nằm ở những hàng đầu của bản văn, sau các công thức bằng tiếng Latinh theo thông lệ. Các hàng này “mô tả tình hình chính trị và tinh thần của thế giới công giáo vào thời bản văn được soạn”,

Đây cũng là một dịp để nhận định về tình trạng đức tin của các tín hữu, theo Đức cha Sergio Pagano B., Tổng quản Văn khố mật của Vatican, người đã làm việc tại đây từ 37 năm nay và là người đã nghiên cứu lâu năm các Tông sắc này. Ngài giải thích: “Trong một thời kỳ dài, đức tin này là thành trì vào những thời khó khăn của chiến tranh, nạn đói, ôn dịch. Thời nay, đức tin này ít bị thử thách hơn, tín hữu chỉ phải đọc một số kinh nguyện”.

Hồi tháng Hai 2012, Toà Thánh Vatican cũng đã đưa ra triển lãm một số trong các hiện vật đẹp nhất của Văn khố này trong một cuộc triển lãm có chủ đề “Lux in Arcana – Ánh sáng trong Bí ẩn – Vén màn Tài liệu mật Vatican” tại Bảo tàng Capitol ở Roma.  (hdgmvietnam.org)

* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp các tham dự viên của cuộc Hội thảo liên tôn. Trước buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 04-05, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các tham dự viên đang tham dự cuộc Hội thảo giữa Viện Nghiên cứu Liên tôn Hoàng gia Amman và Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn tại Vatican. Chủ đề chính của cuộc Hội thảo lần thứ tư giữa hai tổ chức này là: “Những giá trị chung trong đời sống xã hội và chính trị: công dân và tín hữu”.

Trong bài phát biểu ngắn không soạn trước, Đức Thánh Cha nhắc lại chuyến tông du của ngài đến Jordan vào năm 2014 và nói: “Đó là một kỷ niệm đẹp mà tôi nhớ mãi”.

Ngài cảm ơn các tham dự viên cuộc Hội thảo và nói với họ rằng công việc họ đang làm là “một công việc xây dựng”. Mặc dù trong thời đại ngày nay, “chúng ta đã quá quen với sự tàn phá của chiến tranh, nhưng công việc đối thoại, xích lại gần nhau luôn giúp chúng ta xây dựng”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đối thoại”: “Đối thoại là ra khỏi chính mình, là nói và nghe người khác nói. Hai lời nói gặp nhau, hai tư tưởng gặp nhau. Đó là bước khởi đầu của một hành trình. Sau cuộc gặp gỡ của lời nói, những con tim sẽ gặp nhau và bắt đầu một cuộc đối thoại của tình bằng hữu, cuối cùng là nắm tay nhau. Lời nói, trái tim, bàn tay. Rất đơn giản! Một đứa trẻ cũng biết cách làm điều đó…” (hdgmvietnam.org)

* Chính Tòa: TB Số 30/TB/GXCT/2015-2016

  1. Từ thứ hai 09/5 đến thứ bảy 14/5: Giáo họ Giuse Viên phụ trách trực phụng vụ.
  2. Để các em thiếu nhi có thể dự Thánh lễ ngày thường trong mấy tháng hè, kể từ tuần này các thánh lễ ban chiều các ngày từ thứ hai đến thứ sáu được cử hành lúc 17g15’ thay vì 17g00. Riêng Thánh lễ chiều thứ bảy vẫn 17g00 như thường lệ.
  3. Trong Tháng Hoa này sau thánh lễ chiều, sau lời chúc về bình an, xin mời cộng đoàn cùng ra núi đá đọc 3 kinh kính mừng, hát 1 bài tôn vinh Mẹ và kết thúc với kinh trông cậy.
  4. Thứ năm 12/5 sau thánh lễ 17g15 có Giờ Chầu MT do hội Bác Ái Vinh Sơn phụ trách.
  5. Thứ sáu 13/5 vào lúc 19g30 đọc kinh tôn vinh Mẹ tại Núi Đá kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, hội Legio phụ trách. Xin cộng đòan sốt sắng tham dự.
  6. Thứ bảy 14/5 vào lúc 17g00 tôn vinh Mẹ tại Núi Đá do Ban Giáo Lý phụ trách. Trong Thánh lễ, Đức giám mục giáo phận sẽ ban bí tích Thêm sức cho 77 em thiếu nhi trong giáo xứ. Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự.
  7. Ngày 15.5 kỷ niệm 25 năm linh mục của cha quản xứ. Thánh lễ mừng Ngân khánh sẽ được cử hành trọng thể vào 9g30 thứ hai, ngày 16.5. xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.

 

 GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 127

463. Vì sao gọi Hội Thánh là Mẹ và là Thầy?

Gọi Hội Thánh là Mẹ và là Thầy, vì Hội Thánh sinh thành, dưỡng dục người tín hữu trong đời sống đức tin. [429]

464. Hội Thánh nuôi dưỡng đời sống luân lý của chúng ta thế nào?

Hội Thánh dạy chúng ta đón nhận Lời Chúa, lãnh nhận ân sủng từ các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, và học hỏi những mẫu gương thánh thiện của Đức Mẹ và các thánh. [429]

465. Vì sao Hội Thánh có quyền can thiệp vào lãnh vực luân lý?

Vì Hội Thánh có trách nhiệm rao giảng cho Dân Chúa những điều phải tin và phải sống. Hội Thánh cũng có trách nhiệm lên tiếng về những đòi hỏi luân lý của luật tự nhiên cần tuân giữ để được cứu độ. [430; GLHTCG 2050]

466. Hội Thánh có mấy điều răn?

Hội Thánh có năm điều răn:

 – Thứ nhất: dự lễ và kiêng việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc;

– Thứ hai: xưng tội trong một năm ít là một lần;

– Thứ ba: rước MTC trong mùa Phục sinh;

– Thứ bốn: giữ chay và kiêng thịt những ngày Hội Thánh buộc;

– Thứ năm: góp công góp của xây dựng Hội Thánh, tùy theo khả năng của mình. [432]

467. Các điều răn của HT có mục đích gì?

Các điều răn của Hội Thánh có mục đích nâng đỡ đời sống luân lý gắn liền với đời sống phụng vụ và được đời sống phụng vụ nuôi dưỡng. [431]

468. Nhờ đời sống luân lý, người kitô hữu góp phần loan báo Tin Mừng thế nào?

Nhờ đời sống luân lý phù hợp với Tin Mừng, người kitô hữu lôi kéo mọi người tin vào Thiên Chúa, góp phần xây dựng Hội Thánh và làm cho Nước Thiên Chúa mau đến. [433]

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

75. Tại sao Kitô hữu gọi Đức Giêsu là Chúa?

–  Vì chính Đức Giêsu nói: Các con gọi Ta là Thầy, là Chúa thì thật đúng, vì Ta là như vậy (Ga 13,13). [446-451, 455]

– Đối với các Kitô hữu thời đầu tiên, nói Đức Giêsu là Chúa đó là chuyện hiển nhiên vì biết rằng danh hiệu này trong Cựu ước dùng để chỉ Thiên Chúa. Bằng nhiều dấu hiệu Chúa Giêsu đã tỏ cho họ biết Chúa có một sức mạnh thần linh trên thiên nhiên, trên ma quỉ, tội lỗi và sự chết. Nguồn gốc thần linh của sứ vụ Chúa Giêsu được bày tỏ khi Người sống lại từ cõi chết. Thánh Tôma tuyên bố: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Nếu Chúa Giêsu “là Chúa”, thì Kitô hữu không được quì gối trước một sức mạnh nào khác!

Ở đâu Thiên Chúa không chiếm chỗ nhất… .ở đó nhân phẩm con người bị đe dọa. Như vậy rất cần hướng dẫn con người thời nay khám phá lại bộ mặt đích thực của Thiên Chúa, được mặc khải cho ta nơi Chúa Giêsu Kitô.” – Đức Bênêđictô XVI, 28-8-2005

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 76.  Tại sao Thiên Chúa lại nhập thể nơi Đức Giêsu?