BẢN TIN 324
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH. Chúa Chiên Lành. Cầu Cho Ơn Thiên Triệu. 17/04/2016
“Chiên tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong.” (Ga 10,27-28)
Suy niệm: Trước các cuộc bầu cử, các ứng cử viên thường có dịp tiếp xúc với cử tri để lắng nghe ý nguyện của họ và trình bày đường lối hoạt động của mình. Trong ngày lễ cung hiến, khi những người đồng hương với Chúa Giê-su thắc mắc không biết Ngài là ai, Ngài tự giới thiệu mình là mục tử nhân lành chăm sóc đoàn chiên. Vị mục tử này muốn chiên tìm đến với mình không phải để hưởng đặc quyền đặc lợi mà chỉ để cho họ được liên kết chặt chẽ với Ngài. Họ lắng nghe tiếng Chúa và đi theo Chúa đến những đồng cỏ xanh tươi của cuộc sống đời đời. Chấp nhận đi theo Đức Giê-su là bằng lòng đi vào cuộc hành trình trong yêu thương, là phó thác và tin tưởng vào sự dắt dìu của Ngài.
Thế giới xung quanh ồn ào, giao động; ngay nội tâm chúng ta cũng nhiều lúc bất an. Rất khó tìm thấy cho riêng mình một góc nhỏ bên cạnh cuộc sống bon chen, tất bật. Người ta có nguy cơ đánh mất chính mình và bị lạc hướng. Cần có những “điểm dừng chân” đủ im ắng để có thể nghe tiếng chủ chăn Giê-su nói với lòng mình. Lời Chúa hôm nay nhắc nhủ chúng ta: Đức Ki-tô phục sinh không hề xa cách chúng ta; trái lại Ngài luôn hiện diện kề bên và đang muốn ngỏ lời với mọi người và có dự tính riêng cho từng người.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
17.04 : Chúa Nhật 4 PHỤC SINH. Ga 10,27-30
CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Tiền giỏ hôm nay xin dành cho Quỹ ơn Thiên Triệu của Giáo phận. Xin Quý Cha và Cộng đoàn quan tâm.
Phú Thượng hành hương Chính Tòa
18.04 : Thứ hai. Ga 10,1-10
19.04 : Thứ ba. Ga 10,22-30
20.04: Thứ tư. Ga 12,44-50
21.04 : Thứ năm. Thánh Anselmô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Ga 13,16-20.
22.04: Thứ sáu. Ga 14,1-6
23.04 : Thứ bảy. Thánh Ađalbertô, Giám mục, tử đạo. Thánh Giortgiô, tử đạo. Ga 14,7-14
24.04 : Chúa Nhật 5 PHỤC SINH. Ga 13,31-33a.34-35
Hoằng Phước hành hương Chính Tòa
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Mười điểm chính của Tông huấn Amoris Laetitia. Sau đây là mười điểm chính:
- Giáo hội cần phải hiểu các gia đình và các cá nhân trong tất cả sự phức tạp của họ. Giáo hội cần phải gặp gỡ họ ở nơi họ đang sống. Thế nên các mục tử phải “tránh những xét đoán không lưu tâm đến tính phức tạp của những hoàn cảnh khác nhau” (296). Không được “đóng khung hoặc xếp loại con người một cách quá cứng nhắc mà không dành chỗ cho sự phân định mang tính mục vụ và riêng biệt” (298). Đức Thánh Cha kêu gọi phải có sự cảm thông, thương xót và đồng hành.
- Vai trò của lương tâm là tối quan trọng trong những quyết định về luân lý. “Lương tâm cá nhân cần phải được hợp nhất với thực hành của Giáo hội trong những hoàn cảnh vốn vượt khỏi sự hiểu biết của chúng ta về hôn nhân một cách khách quan” (303). Nghĩa là, xác tín truyền thống về phán quyết cuối cùng của lương tâm cá nhân trong đời sống luân lý đã bị quên lãng. Giáo hội được “kêu gọi huấn luyện lương tâm, chứ không phải thay thế lương tâm” (37). Các mục tử cần giúp đỡ các tín hữu không chỉ tuân theo lề luật, mà còn biết “phân định”, tức là đưa ra quyết định sau khi cầu nguyện (304).
- Người Công giáo ly dị và tái hôn cần phải được hội nhập vào Giáo hội đầy đủ hơn. Bằng cách xem xét các chi tiết cụ thể hoàn cảnh của họ, bằng cách ghi nhận “những tình tiết giảm nhẹ, khuyên bảo họ ở “tòa trong” (nghĩa là cuộc nói chuyện riêng giữa linh mục và người ấy hoặc cả hai vợ chồng), và bằng cách tôn trọng điều này: lương tâm của một người có quyền quyết định cuối cùng về mức độ tham gia vào đời sống Giáo hội (305, 300). (Ở đây không nói về việc rước lễ, nhưng đó là một khía cạnh truyền thống của sự “tham dự” vào đời sống GH). Các đôi vợ chồng ly dị và tái hôn cần cảm thấy mình thuộc về Giáo hội.
- Mọi thành viên trong gia đình cần được khuyến khích sống đời sống Kitô hữu tốt. Nội dung Amoris Laetitia cũng bao gồm rất nhiều lời khuyên thiết thực của Đức Thánh Cha, có khi trích từ những bài huấn dụ và bài giảng về gia đình. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các đôi vợ chồng rằng một cuộc hôn nhân tốt đẹp là một “tiến trình động” và mỗi bên phải chịu đựng những gì không hoàn hảo. “Tình yêu không buộc phải hoàn hảo để cho chúng ta ca tụng” (122, 113). ĐTC nhấn mạnh rằng đừng ai cảm thấy mình không quan trọng hoặc bị loại ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
- Chúng ta không nên nói về những người “sống trong tội” nữa. Đức Thánh Cha nói rõ: “Không thể đơn giản nói rằng tất cả những người sống trong ‘hoàn cảnh bất thường’ là sống trong tình trạng mắc tội trọng” (301). Những người sống trong ‘hoàn cảnh bất thường’, hoặc các gia đình không-truyền-thống, chẳng hạn các bà mẹ đơn thân, cần được “cảm thông, an ủi và đón nhận” (49). Khi nói đến những người này, mà thực ra với tất cả mọi người, Giáo hội cần chấm dứt cách áp dụng luật luân lý, như thể chúng là –theo kiểu nói sống động của Đức Thánh Cha– “những tảng đá đè nặng trên cuộc sống con người” (305).
- Điều áp dụng được ở nơi này có thể không áp dụng được ở nơi khác. Đức Thánh Cha không chỉ nói về các cá nhân, nhưng còn về mặt địa lý nữa. “Mỗi quốc gia hoặc khu vực… có thể tìm kiếm các giải pháp phù hợp hơn với nền văn hóa của mình và nhạy cảm với những truyền thống của mình và nhu cầu của địa phương mình” (3). Thậm chí điều có ý nghĩa mục vụ ở nước này có thể không đúng ở nước khác. Vì lý do này và nhiều lý do khác, không phải mọi vấn đề đều có thể được giải quyết bởi huấn quyền (3).
- Mặc dù giáo huấn truyền thống về hôn nhân đã rõ, nhưng Giáo hội không nên chất gánh nặng cho con người với những kỳ vọng không thực tế. Hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ, là bất khả phân ly; và hôn nhân đồng giới không được xem là hôn nhân. GH tiếp tục đưa ra lời mời gọi xây dựng hôn nhân lành mạnh. Đồng thời, GH cũng thường áp đặt trên con người một “lý tưởng thần học giả tạo về hôn nhân”, tách khỏi cuộc sống đời thường của con người. Có khi những lý tưởng này trở thành “gánh nặng to lớn”.
- Trẻ em phải được giáo dục về giới tính và tính dục. Trong một nền văn hóa thường thương mại hóa và hạ giá những diễn tả tính dục, trẻ em cần phải hiểu biết về giới tính trong “khung cảnh rộng lớn hơn của một nền giáo dục cho tình yêu và trao hiến cho nhau” (280). Đáng buồn thay, thân xác thường được xem đơn giản chỉ như “một đồ vật để sử dụng” (153). Giới tính luôn phải được hiểu là mở ra để đón nhận món quà của sự sống mới.
- Những người đồng tính cần được tôn trọng. Đang khi hôn nhân đồng giới là không được phép, ĐTC nói rằng ngài muốn tái khẳng định “trước hết” rằng người đồng tính cần phải được “tôn trọng trong phẩm giá của họ và được đối xử ân cần, và phải cẩn thận tránh ‘mọi dấu hiệu phân biệt đối xử bất công’, nhất là bất kỳ hình thức công kích hoặc bạo lực nào”. Gia đình có người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới cần được Giáo hội và các mục tử “hướng dẫn mục vụ với lòng tôn trọng” để người đồng tính có thể thực hiện trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa trong đời sống của họ (250).
- Mọi người đều được đón nhận. Giáo hội phải giúp đỡ các gia đình bất cứ gia đình ấy thuộc kiểu nào, và mọi người bất cứ ở trong hoàn cảnh sống nào, vì, ngay cả trong những khiếm khuyết của họ, họ vẫn được Thiên Chúa yêu thương và có thể giúp cho người khác cảm nghiệm tình yêu ấy. Tương tự như vậy, các mục tử phải làm sao cho mọi người thấy mình được ân cần tiếp đón ở trong Giáo hội. Amoris Laetitia đề ra nhãn quan về một Giáo hội mục tử và thương xót, khích lệ mọi người cảm nghiệm “niềm vui tình yêu”. Gia đình là một phần thiết yếu tuyệt đối của Giáo hội, bởi vì xét cho cùng, Giáo hội chính là “gia đình của các gia đình” (80). (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 27/TB/GXCT/2015-2016
- Chúa Nhật 4 Phục Sinh: Lễ Chúa Chiên Lành cầu cho ơn Thiên Triệu linh mục và tu sỹ, nên tiền oi hôm nay được dành cho Quỹ ơn Thiên Triệu. Xin cộng đoàn rộng tay quan tâm.
- Thánh Lễ Thiếu Nhi lúc 8g00 sáng sẽ do Đức Tân Giám Mục giáo phận chủ sự.
- Từ thứ hai 18/4 đến thứ bảy 23/4: Giáo họ Micae Hy phụ trách trực phụng vụ.
- Thứ năm 21/4 sau thánh lễ 17g có giờ Chầu Mình Thánh do đoàn Phan Sinh phụ trách.
- Có khóa giáo lý dự tòng ban ngày dành cho những người không thể dự lớp ban tối. Xin mời gặp cha phụ tá Antôn Lâm Trọng Thi trong tuân này để xêp lịch học.
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 124
450. Con người có nhận thức luật tự nhiên cách trực tiếp và rõ ràng không?
Con người không thể nhận thức luật tự nhiên cách trực tiếp và rõ ràng, vì con người đã phạm tội, cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. [417]
451. Luật cũ hay luật Cựu ước là gì?
Luật cũ là luật Thiên Chúa ban cho dân Ít-ra-en qua ông Môsê tại núi Sinai, được tóm lại trong Mười Điều Răn. [418]
452. Luật cũ có tương quan với luật tự nhiên thế nào?
Luật cũ trình bày nhiều chân lý mà lý trí tự nhiên có thể đạt tới; những chân lý này được xác nhận và chính thức hóa trong các Giao ước cứu độ. [418]
453. Luật cũ có vị trí nào trong kế hoạch cứu độ?
Luật cũ chuẩn bị cho con người sám hối và đón nhận Tin Mừng. [419]
454. Luật mới hay Luật Tin Mừng là gì?
Luật mới là luật được Đức Kitô rao giảng và thực hiện, là sự viên mãn và hoàn thành Luật Thiên Chúa. Luật mới được tóm kết trong điều răn mến Chúa yêu người và yêu như Đức Kitô đã yêu. [420]
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
72. Tên Giêsu nghĩa là gì?
– Giêsu, theo tiếng Do thái nghĩa là Chúa cứu chuộc. [430-435, 452]
– Trong Sách Công vụ Tông đồ, Thánh Phêrô nói: “Vì dưới gầm trời này không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại để chúng ta phải nhờ vào danh nào đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Đó là trung tâm của sứ điệp mà các vị truyền giáo loan báo Tin Mừng cho thế giới.
Trong các hang toại đạo ở Rôma, có một dấu hiệu cổ của Kitô giáo được mã hóa để chỉ Chúa Kitô: chữ ICHTHYS (con cá) nếu đọc theo vần Hy lạp thì thành: Jesus, Christos, Theou (Thiên Chúa), Yios (Con), Soter (cứu thế).
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 73. Tại sao gọi Đức Giêsu là Kitô?