BẢN TIN 318

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY. 06/03/2016

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra  ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để… Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu” (Lc 15,20-22)

Suy niệm: Dụ ngôn Người cha nhân hậu cho thấy  lòng Chúa thương xót không mệt mỏi, dẫu trong thinh lặng đợi chờ. Thiên Chúa  chạnh lòng trong im lặng khi thấy đứa con lên tiếng cướp quyền của mình, đòi  chia gia tài. Thiên Chúa chạnh lòng trong im lặng, như người cha ngày ngày  trông chờ con trở về, dõi mắt đăm đăm trông ngóng, nên thấy con trước từ xa,  chạy đến ôm lấy con, hôn lấy hôn để như con đã mất nay lại tìm thấy. Sau thời  gian đi hoang, đứa con trở về trắng tay! Tài sản đã hết sạch, nhân phẩm cũng  mất đến nỗi ăn đồ thừa của heo. Có còn chăng là mùi tanh hôi của một thời khờ  dại. Mặc cảm đè nặng khiến nó cũng không thể ngước cao lên nhìn vào mặt cha để  nhận ra gương mặt xót thương của cha mình. Nhưng lòng thương của người cha làm  cho nó quá bất ngờ, tha thứ cho nó như thể nó không có quá khứ đáng quên, nâng  nó dậy và truyền mặc áo đẹp để phục hồi phẩm giá làm con cho nó và vì cho nó  làm con, nó được hưởng lại tức khắc gia tài của người con trong nhà. Thiên Chúa  xót thương chúng ta như thế đó. Tin Mừng không cho biết người con đáp trả lại  tình yêu của cha thế nào, dường như để cho chúng ta thay thế và đáp lại tình  Chúa xót thương. Chúng ta hãy bắt chước Chúa diễn tả lòng xót thương cho con cái, bạn hữu, xóm  làng của chúng ta.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

06.03 : Chúa Nhật IV MÙA CHAY. Lc 15,1-3.11-32. An Sơn hành hương Nhà thờ Chính Tòa.

07.03 :     Thứ hai. Thánh nữ Pêpêtua và Thánh nữ Fêlixita, tử đạo. Ga 4,43-54

08.03 :     Thứ ba. Thánh Gioan Thiên Chúa, tu sĩ. Ga 5,1-16

09.03:     Thứ tư. Thánh Phanxica Rôma, nữ tu. Ga 5,17-30.

10.03 :     Thứ năm. Ga 5,31-47

11.03:     Thứ sáu. Ga 7,1-2.10.25-30. Thánh Đaminh Cẩm, Linh mục, tử đạo.

12.03 :     Thứ bảy. Ga 7,40-53.

13.03 : Chúa Nhật V MÙA CHAY. Ga 8,1-11.

Kỷ niệm 3 năm ngày Đức Phanxicô đắc cử Giáo Hoàng (2013).

Thanh Bình hành hương Nhà thờ Chính Tòa

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Bí tích Giải tội là nơi cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ hơn một phần tư thế kỷ nay, hằng năm Toà Ân giải tối cao đều tổ chức một khóa học về toà trong. Khóa học nhằm giúp các chủng sinh và linh mục mới chịu chức cử hành đúng đắn bí tích Giải tội. Sáng thứ Sáu 04-03, trước khi chủ sự nghi thức sám hối tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 500 tham dự viên của khóa học này.

Trong thời đại ngày nay với những đặc trưng là chủ nghĩa cá nhân và sự cám dỗ của thái độ tự mãn, ĐTC khuyến khích các linh mục khẳng định lại tầm quan trọng của bí tích Giải tội và đồng hành với những ai đến với toà giải tội. ĐTC nhấn mạnh: “Ai cũng có thể nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha yêu thương luôn chờ đợi tất cả con cái Ngài, nhất là những ai lầm lạc hay những người xa cách. Bí tích Giải tội là nơi đặc biệt để cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa”.

ĐTC căn dặn: “Các cha giải tội đừng bao giờ quên rằng mình là những dụng cụ của lòng Chúa thương xót và phải cẩn thận để đừng gây cản trở cho ơn cứu rỗi. Chính cha giải tội cũng là một tội nhân cần được tha thứ. Điều này đòi hỏi các linh mục phải luôn gắn bó với Tin Mừng, phải có lòng nhân từ của người cha, vừa khiêm tốn vừa rộng lượng; chúng ta chỉ là những người canh giữ, chứ không hề là chủ nhân của đoàn chiên cũng như của ơn thánh”.

Còn về các tín hữu, một khi đã ăn năn sám hối họ có thể tin chắc rằng tội mình đã được tha sau khi nhận được ơn xá giải. Thế nên họ không còn cảm thấy bị tội lỗi đè nén và họ sống trong tâm tình biết ơn, sẵn sàng sửa chữa những điều xấu đã làm, “trên trời sẽ vui mừng vì một kẻ tội lỗi ăn năn sám hối hơn là 99 người công chính không cần hối cải”. (hdgmvietnam.org)

* Vatican. Phái đoàn Đại kết và Liên tôn Hoa Kỳ hành hương Roma. gày 29-02-2016, Đức cha William E. Lori, Tổng Giám mục Baltimore (giáo phận tiên khởi của Giáo hội Công giáo tại Hoa Kỳ), Thường vụ Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đặc trách Uỷ ban Tự do tôn giáo, đã dẫn đầu phái đoàn Đại kết và Liên tôn thành phố Baltimore, thực hiện chuyến hành hương Roma nhằm “thắt chặt mối liên hệ hữu nghị giữa các tôn giáo”, đồng thời nhận lời chúc lành của ĐTC Phanxicô cho việc cùng nhau dấn thân giải quyết những vấn đề cấp thiết của thành phố, đặc biệt sự xung đột chủng tộc đã bộc phát gần một năm nay, kể từ tháng Tư 2015, sau cái chết của thanh niên da đen Freddie Gray, đột tử trên đường bị áp giải về Sở Cảnh sát Baltimore, dẫn đến việc 6 cảnh sát da trắng bị sa thải.

Phái đoàn Đại kết và Liên tôn Baltimore gồm: Công giáo, Tin Lành, Do Thái giáo, Hồi giáo.

Trong suốt năm qua, các tôn giáo kể trên tại thành phố Baltimore đã từng có nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại, bàn bạc về những vấn đề tại địa phương và trong xã hội Hoa Kỳ sau sự kiện gây chấn động khắp nước Mỹ liên quan đến cái chết của Freddie Gray.

Được biết, cuộc hành hương Roma của phái đoàn Đại kết và Liên tôn Baltimore diễn ra trong ba ngày, từ 29-02 đến 2-03-2016. (hdgmvietnam.org)

* Hoa Kỳ. “Giáo phận không biên giới”: một sáng kiến ​​ủng hộ đón nhận người di dân. Một cử hành phụng vụ chưa từng có đã diễn ra hôm Chúa nhật tuần trước, ngày 21 tháng Hai, tại cửa khẩu biên giới giữa Agua Prieta (Mexico) và Douglas (Hoa Kỳ) và sẽ tái diễn trong vài tháng nữa tại biên giới giữa Naco (Hoa Kỳ) và Nogales (Mexico).

Đức cha José González Leopoldo González, Giám mục giáo phận Nogales (bang Sonora, Mexico), giải thích: sáng kiến mang tên “Giáo phận không biên giới” chính là một Thánh lễ cử hành ở cả hai bên biên giới: phía Mexico, do Đức cha Gerald Frederick Kicanas, giám mục giáo phận Tucson (bang Arizona, Hoa Kỳ), còn phía Hoa Kỳ do Đức cha González González. Khoảng 400 người đã tham dự Thánh lễ này, ở cả hai bên biên giới.

Đức cha González González nói “Chúng tôi đã xin tất cả các giấy phép cần có. Điều duy nhất ngăn cách chúng tôi là bức tường này, nhưng các bàn thờ được gắn kết với nhau. Phần Phụng vụ Lời Chúa được cử hành bằng tiếng Tây Ban Nha và một trong các bài đọc bên phía Mexico được đọc bằng tiếng Anh. Chúng tôi hiệp nhất với nhau trên hai bàn thờ. Mình Thánh Chúa được các tín hữu của cả hai bên lãnh nhận”. (hdgmvietnam.org)

 

* Chính Tòa: TB Số 19/TB/GXCT/2015-2016

  1. Chúa nhật 06/3, sau Lễ thiếu nhi có rửa tội cho các em nhỏ. Cha mẹ và người đỡ đầu đến nhà thờ tập nghi thức lúc 19g30 tối thứ bảy 05/3/2016.
  2. Từ thứ hai 07/03 đến chiều thứ bảy 12/3 giáo họ Anrê Trông phụ trách trực phụng vụ.
  3. Thứ ba 08/3, Phiên sám hối của giáo xứ Chính Tòa sẽ bắt đầu lúc 19g tối tại nhà thờ Chính Tòa, giới Người Cha phụ trách sắp xếp. Xin mời cộng đoàn tham dự. Xin xem Lịch Sám Hối Mùa Chay được niêm yết tại bảng Thông báo và website www.giaoxuchinhtoadanang.org của Giáo xứ.
  4. Thứ tư 09/3. Vào lúc 19g30, mời các chị em trong Giới Người Mẹ đến Nhà Thờ để tham dự buổi họp thường kỳ tháng 3/2016
  5. Thứ năm 10/3, sau lễ 17g00 sẽ có Chầu Thánh Thể do Giới Người Cha phụ trách. Và vào lúc 19g30, mời giáo dân giáo họ Đaminh Cẩm đến Nhà Thờ để tham dự buổi Tĩnh tâm nhân ngày Bổn mạng của Giáo họ mình.
  6. Thứ sáu 11/3, vào lúc 17g00 Thánh lễ mừng kính Thánh Đaminh Cẩm, Quan Thầy của giáo họ Đaminh Cẩm. Mời Cộng đoàn sốt sắng tham dự để hiệp thông cùng giáo dân giáo họ Đaminh Cẩm. Và vào lúc 19g30 có đi Đàng Thánh Giá do Giới Trẻ và Hội Thăng Tiến Hôn Nhân phụ trách.

 

 GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 118

425. Thói xấu là gì?

Thói xấu là thói quen lệch lạc làm mờ tối lương tâm và hướng chiều về điều xấu. [398]

426. Các thói xấu có liên hệ với những mối tội nào?

Các thói xấu có liên hệ với bảy mối tội đầu:

– Một là kiêu ngạo;

– Hai là hà tiện;

– Ba là dâm ô;

– Bốn là hờn giận;

– Năm là mê ăn uống;

– Sáu là ghen ghét;

– Bảy là lười biếng. [398]

427. Khi nào chúng ta có trách nhiệm đối với tội của người khác?

Chúng ta có trách nhiệm đối với tội của người khác, khi cộng tác vào các tội ấy bằng những cách này:

– Một là tham gia cách trực tiếp và tự nguyện;

– Hai là ra lệnh, xúi giục hoặc tán thành;

– Ba là không tố cáo hoặc ngăn cản khi có bổn phận phải can ngăn;

– Bốn là bao che cho những người làm điều xấu. [399; GLHTCG 1868]

428. Cơ cấu tội lỗi là gì?

Cơ cấu tội lỗi là những hoàn cảnh xã hội hay những tổ chức nghịch lại với Luật Thiên Chúa, là biểu lộ và là hậu quả của tội cá nhân. [400]

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

66. Trong kế hoạch, Thiên Chúa có định cho con người phải đau khổ và phải chết không?

– Thiên Chúa không muốn cho con người phải đau khổ và phải chết. Từ khởi thuỷ, Thiên Chúa đã muốn cho con người sống nơi địa đàng, được sống mãi mãi, bình an giữa Thiên Chúa, mọi người, và vạn vật chung quanh. Bình an giữa nam và nữ. [374-379, 384, 400]

– Đôi khi ta cảm thấy làm thế nào cuộc đời được như thế và làm thế nào ta được như thế. Nhưng thực ra, ta sống trong xung đột với chính ta, ta bị thống trị bởi sợ hãi và các đam mê ta không kiểm soát nổi, và ta đã mất sự hoà hợp nguyên thuỷ với thế giới và cuối cùng với Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, kinh nghiệm về sự “tha hoá” này được diễn tả trong câu truyện “sa ngã”. Bởi vì tội lỗi đã lọt vào địa đàng nơi Adam và Eva đang sinh sống hòa hợp với nhau và với Thiên Chúa, nên họ phải ra khỏi địa đàng. Phải vất vả lao động, phải khổ, phải chết và bị cám dỗ bởi tội lỗi, đó là dấu chỉ họ đã mất địa đàng.

Người ta mất địa đàng, nhưng đã được Thiên đàng, vì vậy được nhiều hơn mất.” – Thánh Gioan Kim Khẩu

Lạy Chúa, quay đi khỏi Chúa sẽ ngã, quay lại với Chúa sẽ đứng vững, ở lại trong Chúa sẽ chắc chắn được an toàn.” – Thánh Augustinô

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 67. Tội là gì?