PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN – C. 17/01/2016
“Người bảo gì, các anh cứ làm theo.” (Ga 2,5)
Suy niệm: Thấy đôi tân hôn trong tiệc cưới bỗng hết rượu, Mẹ Ma-ri-a nhập cuộc: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo.” Mẹ vững tin vào Chúa Giê-su, nhờ đó mà dấu lạ đầu tiên được thực hiện, dẫn đôi tân hôn và các môn đệ đến với Đấng là nguồn mạch đức tin. Sau đó, Mẹ xóa mình đi, biết rằng mình chỉ giữ vai trò chuyển cầu. Mẹ không hoạt động song song với Chúa Giê-su, Mẹ chỉ hoạt động cho Chúa. Chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Ki-tô. Nhưng Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa cách bảo đảm nhất (Per Mariam ad Jesum). Lòng tôn kính Mẹ, vì thế, phải dan đưa ta đến với Chúa Ki-tô. Thánh Grignon de Montfort lưu ý rằng ta không tận hiến cho Đức Mẹ, mà tận hiến cho Chúa Giê-su qua Đức Mẹ và nhờ Đức Mẹ.
Suy xét lại lòng sùng kính Đức Mẹ và các thánh của ta, phải chăng ta coi các ngài như là Thiên Chúa, khi dừng lại ở một lòng mộ mến quá nặng cảm tính, ủy mị đến độ tôn thờ, mà quên rằng các ngài là những phản ánh Thiên Chúa toàn chân, thiện, mỹ.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
17.01 : Chúa Nhật 2 THƯỜNG NIÊN. Ga 2,1-11.
Tam Kỳ hành hương Nhà thờ Chính Tòa.
18.01 : Thứ hai. Mc 2,18-22. Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất.
21.01 : Thứ năm. Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. Mc 3,7-12.
Giỗ lần thứ 28 Đức Cha Phêrô Maria,
Giám mục Tiên khởi Giáo phận.
22.01: Thứ sáu. Thánh Vinh Sơn, phó tế, tử đạo. Mc 3,13-19. Thánh Px. Gil. de Federich Tế, Linh mục OP và thánh Mattheu. Alp. Liciniana Đậu, Linh mục OP, tử đạo
23.01 : Thứ bảy. Mc 3,20-21.
24.01 : Chúa Nhật 3 THƯỜNG NIÊN. Lc 1,1-4; 4,14-21.
Thanh Đức hành hương Nhà thờ Chính Tòa.
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Di Dân và Người Tị Nạn 2016, có đoạn: Hơn bao giờ hết, Tin Mừng của Lòng Thương Xót đang lay động lương tâm chúng ta, không để chúng ta vô cảm với nỗi đau của người khác, và chỉ cho chúng ta phương thức đáp lại nỗi đau ấy – dựa trên nền tảng của đức Tin-Cậy-Mến, thể hiện cách cụ thể qua những việc thương xót, phần hồn cũng như phần xác.
Dưới ánh sáng của những thực tế này, tôi đã chọn chủ đề cho Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn 2016 là “Di dân và người tị nạn đang thách đố chúng ta. Lời giải đáp từ Tin Mừng của Lòng Thương Xót”.
Các làn sóng di dân hiện nay là một thực tại tất yếu không thể phủ nhận. Vấn đề quan trọng của chúng ta là phải giải quyết thảm trạng này bằng cách cung cấp những chương trình chỉ rõ nguyên nhân và hệ quả của di dân, bao gồm cả những hậu quả tác động đến xã hội và con người. Hằng ngày, số phận bi thương của hàng triệu con người đang chất vấn cộng đồng quốc tế từ hậu quả bùng nổ của những khủng hoảng nhân đạo không thể chấp nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Khi chúng ta bình tâm và thinh lặng đứng nhìn người khác đang chết dần vì ngột ngạt, vì đói khát, vì bạo lực và chết chìm là chúng ta đồng lõa với tội ác.
Bất luận trên bình diện lớn hay nhỏ, ngay cả khi chỉ có một người bị thiệt mạng thì sự việc này vẫn luôn là bi kịch. Di dân là anh chị em của chúng ta đang ra sức tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, thoát cảnh nghèo đói, nạn bóc lột và phân phối cách bất công các tài nguyên phong phú của hành tinh này – lẽ ra phải được chia sẻ bình đẳng cho tất cả mọi người. Chẳng phải chúng ta đều mong muốn có một cuộc sống tốt hơn, đầy đủ hơn và thịnh vượng hơn để chia sẻ với những người thân yêu của chúng ta hay sao? (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, Sáng thứ Hai 11-01-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh tại Hội trường Regia trong buổi tiếp kiến truyền thống đầu năm. Trong bài phát biểu với các nhà ngoại giao, Đức Thánh Cha chủ yếu nói về “cuộc khủng hoảng về di dân nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt”, vì ngài muốn giúp mọi người nhận định những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng và “xem xét các giải pháp có thể”, để thắng vượt “những nỗi sợ không thể tránh khỏi, gắn liền với hiện tượng lớn lao và ghê gớm này”.
Như thông lệ, cuộc gặp gỡ cho Đức Thánh Cha cơ hội đưa ra một cái nhìn tổng quan về tình hình quốc tế. Bắt đầu bằng bản tường trình đầy ý nghĩa về kết quả của những nỗ lực ngoại giao của Toà Thánh trong năm 2015, một năm mà con số đại sứ thường trú tại Roma gia tăng và đã đạt được các thỏa thuận quốc tế quan trọng. Công việc này có được động lực và nhãn quan mới nơi “chủ đề chung” của lòng thương xót đã được Đức Thánh Cha đề ra cho Giáo hội và cho thế giới khi khai mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót. Đức Thánh Cha tái khẳng định nhu cầu “khởi đầu lại và tiếp tục đối thoại”, và bác bỏ mọi mưu toan dùng tôn giáo như một lý do để “giết người nhân danh Thiên Chúa”, như đã xảy ra trong các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở châu Phi, châu Âu và Trung đông.
Quay sang tình hình phức tạp toàn cầu hiện nay đầy “thách thức” và “không ít căng thẳng”, Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm nói về hiện tượng di dân, trong đó, hậu quả của những thảm họa nhân đạo lớn lao tác hại đến hành tinh đã trở nên dồn dập: chiến tranh, vi phạm quyền con người, bạo lực nhân danh tôn giáo, nghèo đói cùng cực, suy dinh dưỡng, biến đổi khí hậu. Tất cả đều là những tình huống bi thảm dẫn đến việc di cư hàng loạt, khiến hàng triệu người nam cũng như nữ và cả trẻ em phải trốn chạy khỏi quê hương mình để thoát khỏi bạo lực và “biết bao hành vi tàn ác đối với những người yếu thế”. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Trang Twitter của Đức giáo hoàng vượt quá 26 triệu follower, Đài phát thanh Vatican cho biết, trang Twitter của Đức giáo hoàng (trong 9 ngôn ngữ khác nhau) đã vượt quá 26 triệu follower (người theo dõi) vào lúc 5g15 ngày thứ Năm 07-01-2016.
Về phần Đức Thánh Cha Phanxicô, tweet đầu tiên của ngài được gửi đi ngày Chúa nhật 18-03-2013, năm ngày sau khi ngài đắc cử giáo hoàng, như sau: “Các bạn thân mến, tôi chân thành cảm ơn các bạn và xin các bạn tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Giáo hoàng Phanxicô”.
Ngày 26-10-2013, số follower lên tới hơn 10 triệu. Khoảng hai năm sau, ngày 12-04-2015, số follower đã vượt quá 20 triệu và ngày 23 tháng 11 cùng năm, đã có hơn 25 triệu follower.
Trong tweet mới nhất được gửi ngày thứ Sáu 8 tháng Giêng, và là tweet thứ hai trong Năm Mới 2016 cho đến nay, Đức giáo hoàng viết: “Khi thế giới đang say ngủ trong tiện nghi và ích kỷ, sứ mạng của Kitô giáo là giúp thế giới ấy thức dậy”. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 10/TB/GXCT/2015-2016
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 111
395. Làm thế nào để huấn luyện lương tâm ngay thẳng và chân thật?
Phải huấn luyện lương tâm qua việc thấm nhuần Lời Chúa và các giáo huấn của Hội Thánh, qua việc cầu nguyện, xét mình và nghe theo lời khuyên của những người đạo đức khôn ngoan. [374]
396. Lương tâm ngay thẳng và chân thật phải theo những nguyên tắc căn bản nào?
Lương tâm ngay thẳng và chân thật phải theo những nguyên tắc căn bản này:
– Một là không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt;
– Hai là làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình (x. Mt 7,12);
– Ba là tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ.
397. Có những nguyên nhân nào khiến lương tâm đưa ra những phán đoán sai lầm không?
Có ba nguyên nhân này:
– Một là do không chịu học hỏi, khiến lương tâm thiếu hiểu biết;
– Hai là do thói quen phạm tội, khiến lương tâm dần dần trở nên mù quáng;
– Ba là do những hoàn cảnh bên ngoài tác động đến lương tâm. [376]
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
59. Tại sao Thiên Chúa dựng nên con người?
– Thiên Chúa dựng nên tất cả là vì con người, con người là “thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ” (Gaudium et Spes 24,3), Người dựng nên họ để họ được hạnh phúc nếu họ nhận biết, yêu mến, phục vụ TC, sống trong niềm biết ơn Đấng dựng nên mình.
– Lòng biết ơn là ghi nhớ về tình yêu của Thiên Chúa. Người biết ơn thì tự nguyện quay về với người ban ơn và đi vào trong hiệp thông mới và sâu sắc hơn với người ban ơn. Thiên Chúa muốn ta ghi nhớ tình yêu của Người, và ngay bây giờ ta sống đời ta trong hiệp thông với Thiên Chúa, mãi mãi.
“Bạn hãy canh chừng tất cả những niềm vui nào không đồng thời là lòng biết ơn.” – Theodor Haecker (1879-1945, văn sĩ Đức)
“Nếu lời kinh duy nhất của đời bạn cốt tại thưa rằng: “Con xin cám ơn Chúa” chắc như thế là đủ rồi.” – Maître Eckhart (1260-1328, dòng Đaminh, nhà thần bí)
“Việc cám ơn được nâng đỡ bởi đức tin có thể đi sâu vào cả những gì là nặng nhọc đau buồn và chừng nào được như vậy thì mọi sự có thể biến đổi.” – Romano Guardini (1885-1968, Công giáo Đức, gốc Ý, triết gia về tôn giáo)
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 60. Tại sao Chúa Giêsu lại là mẫu gương tuyệt vời nhất thế giới?