BẢN TIN 303

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN. 22/11/2015

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ

 

Đức Giê-su đáp: “Nhưng thật ra Nước  tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga 18,36)

Suy niệm: Chuyện kể rằng, có một ông lão lang thang dựng lều  trú ngụ trước hoàng cung. Nhà vua triệu vào chất vấn: đây đâu phải là trạm nghỉ  chân? Trước hoàng thượng, ai sở hữu hoàng cung này, ông lão hỏi. Đức vua trả  lời: phụ vương của trẫm, người đã băng hà. Thế vậy, ai đã sở hữu chỗ này trước  phụ vương của hoàng thượng? Tiên đế của phụ vương trẫm, ông ấy cũng đã qua đời.  Ông lão liền nói: Thế thì đây cũng chỉ là một trạm nghỉ chân; ai cũng chỉ ở chỗ  này một thời gian ngắn rồi đi. Vua chúa trần gian dù có trị vì đến “muôn tuổi”  thì rồi cũng có lúc ra đi. Chỉ có Chúa Giê-su mới là Vua muôn đời. Nước của Ngài  “không thuộc về là thế gian này;” đó là vương quốc của sự thật: Ai thuộc về sự  thật thì nghe tiếng Chúa; đó là vương quốc của sự sống: Ai tin vào Ngài thì  không bị xét xử nhưng được sự sống đời đời (x. Ga 5,24).

Chúa Giê-su là Vua quyền năng của bạn, vị Vua mà bạn  có thể gặp gỡ và trở nên bạn hữu thân tình. Bạn đã tôn nhận Vua Giê-su để Ngài giải  thoát bạn khỏi sợ hãi, buồn phiền, bất an, và bao lo toan trong cuộc sống chưa?  Bạn và tôi hãy qui phục Vua Giê-su, để Người thi thố quyền năng của Người trên cuộc đời chúng ta.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

22.11 : Chúa Nhật 34 THƯỜNG NIÊN. ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ. Lễ trọng. Ga 18,33b-37

23.11 :     Thứ hai. Thánh Clê-men-tê I, Giáo hoàng, tử đạo. Thánh Cô-lum-ba-nô, viện phụ. Lc 21,1-4.

24.11 :     Thứ ba. THÁNH AN-RÊ DŨNG LẠC, LINH MỤC VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM. Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam. Lễ trọng. Lc 9,23-26. Thánh Vinh sơn Nguyễn Thế Điểm, Linh mục, tử đạo1838. Thánh Phêrô Borie Cao, Giám mục, tử đạo 1838.  Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa, Linh mục và tử đạo 1838.

25.11:     Thứ tư. Thánh Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, trinh nữ tử đạo. Lc 21,12-19.

26.11 :     Thứ năm. Lc 21,20-28. Thánh Tôma Đinh Viết Dụ, Linh mục, tử đạo 1839. Thánh Đaminh Nguyễn Văn Xuyên, Linh mục, tử đạo 1839.

27.11:     Thứ sáu. Lc 21,29-33

28.11 :     Thứ bảy. Lc 21,34-36. Thánh Anrê Trần Văn Trông, Quân nhân,  tử đạo1835.

HẾT NĂM PHỤNG VỤ 2015

29.11 : Chúa Nhật I MÙA VỌNG. PHỤNG VỤ NĂM C. Lc 21,25-28, 34-36

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Cử hành nghi thức kiểm soát chuẩn bị mở Cửa Năm Thánh. Lúc 6 giờ rưỡi chiều ngày 17-11-2015, ĐHY Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, đã chủ sự nghi thức kiểm soát để chuẩn bị mở Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 8-12 tới đây. Sau lời nguyện, ĐHY Comastri đã hướng dẫn đoàn kinh sĩ của Đền Thờ Thánh Phêrô đến mặt sau của Cửa Năm Thánh ở bên trong Đền thờ. Sau lời huấn dụ của một vị trưởng nghi, 4 người thợ của Đền thờ đã dùng búa nhọn đục lỗ trong tường và lấy ra một hộp kim loại được gắn vào đó trong lúc đóng Cửa Đại Năm Thánh 2000, bên trong chứa đựng các Văn kiện của Năm Thánh liền trước đây, chìa khóa mở cửa Năm Thánh, các nắm cửa, văn kiện viết trên giấy da về việc đóng cửa Năm Thánh ngày 6-1-2001, các viên gạch và mềđai kỷ niệm.

Sau khi cầu nguyện trước Bàn thờ chính của Đền thờ thánh Phêrô, đoàn kinh sĩ đi rước vào phòng hội. Tại đây, hộp kim loại được mở ra bằng đèn xì. Hiện diện trong dịp này có Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, và Đức ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của ĐTC. Đức ông đã tiếp nhận các văn kiện và đồ vật liên hệ tới cuộc kiểm soát chuẩn bị Cửa Năm Thánh” (radiovaticana.va)

* Pháp. Giáo hội ở nhiều nơi trên thế giới tưởng nhớ các nạn nhân các vụ tấn công khủng bố tại Paris. Chiều Chúa nhật 15-11, vào lúc 6g15, ngay trước lễ Thánh lễ cử hành vào lúc 6g30 sau đó để cầu nguyện cho các nạn nhân các vụ tấn công khủng bố xảy ra đêm thứ Sáu 13-11 tại Paris, nhà thờ Đức Bà Paris đã vang lên hồi chuông cầu hồn.

Từ Syria, Đức giám mục Georges Abu Khazen, Đại diện Tông Toà tại Alep, đặc trách các tín hữu thuộc nghi lễ Latinh, đã “gửi lời chia buồn và bày tỏ tình liên đới của các Kitô hữu Syria với các nạn nhân của các vụ thảm sát tại Paris và với toàn thể châu Âu”.

Tại Đức, ĐHY Reinhard Marx, Chủ tịch HĐGM và Tiến sĩ Heinrich Bedford-Strohm, chủ tịch Hội Đồng các Gíao Hội Tin lành, đã phổ biến một tuyên bố chung, trong đó có đoạn viết: “Chúng tôi hết sức kinh hoàng bởi cơn sóng bạo lực đáng ghê tởm đã ập xuống Paris. Trong những giờ phút này, chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm thông với các nạn nhân và người thân của họ. Khi chúng ta không còn đủ lời để nói về những biến cố không thể hiểu nổi này, đó là lúc để người Kitô hữu cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu cho các nạn nhân!”

Giáo hội Italia cũng đã bày tỏ tình liên đới với nước Pháp. Tất cả các Thánh lễ cử hành vào ngày Chúa nhật tại Italia đều được dành để tưởng nhớ các nạn nhân của các vụ sát hại. Đức hồng y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia, tái khẳng định Giáo hội Italia sẽ góp phần cách hữu hiệu trong việc xây dựng cuộc sống chung trong xã hội, sự hoà giải và hoà bình.

Đức hồng y Vincent Nichols, Tổng giám mục Tổng giáo phận Westminster, đã gửi một sứ điệp cho cộng đồng Pháp tại Luân Đôn. Sứ điệp kêu gọi cầu nguyện cho tất cả những ai sống giữa cộng đồng Hồi giáo vốn bác bỏ bạo lực và  đấu tranh cho hòa bình. “Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho nước Pháp, ban sức mạnh cho người dân Paris, thứ tha mọi tội lỗi của chúng ta và luôn dẫn chúng ta đi trên các nẻo đường hoà bình”, là lời kết của Đức Tổng giám mục thành phố Luân Đôn; chính thành phố này cũng từng nếm trải thương đau vì những vụ tấn công-tự sát hồi tháng Bảy 2005. (hdgmvietnam.org)

 

* Chính Tòa: TB Số 61/TB/GXCT/2015

  1. Từ thứ hai 23/11 cho đến chiều thứ bảy 28/11 giáo họ Giuse Viên phụ trách trực phụng vụ.
  2. Thứ năm 26/11 sau thánh lễ 17g00 có giờ Chầu Mình Thánh do giới Lão Thành phụ trách.
  3. Kính mời giáo dân giáo họ Anrê Trông tham dự buổi tĩnh tâm lúc 19g30 tối thứ năm 26/11 để chuẩn bị mừng lễ giáo họ mình. Lễ Kính Thánh Anrê Trần Văn Trông quan thầy của giáo họ mình được cử hành trọng thể lúc 17g00 ngày 27/11. Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự hiệp ý cầu nguyện.
  4. Chương trình Giáng Sinh năm nay sẽ có hoan ca và ẩm thực. Ẩm thực và trang hoàng Giáng Sinh sẽ do 12 giáo họ phụ trách, hoan ca sẽ do các giới – ban ngành – đoàn thể cùng 12 giáo họ. Xin mời các đơn vị đến văn phòng giáo xứ để đăng ký các tiết mục hoan ca, hạn chót là Chúa Nhật ngày 29/11/2015.

 

 GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 103

365. Ngoài phụng vụ, đời sống kitô hữu còn được nuôi dưỡng bằng những hình thức đạo đức bình dân nào?

Ngoài phụng vụ, đời sống kitô hữu còn được nuôi dưỡng bằng những hình thức đạo đức bình dân như việc tôn kính các di tích thánh, viếng nhà thờ, hành hương, rước kiệu, chặng đàng Thánh giá, lần chuỗi Mân côi…

366. Hội Thánh có thái độ nào đối với những việc đạo đức bình dân?

Hội Thánh cổ võ những việc đạo đức bình dân phù hợp với Tin Mừng và sự khôn ngoan của con người, đồng thời góp phần làm cho đời sống kitô hữu được phong phú.

367. Lễ nghi an táng Kitô giáo có ý nghĩa và mục đích nào?

Lễ nghi an táng Kitô giáo làm nổi bật đặc tính vượt qua của cái chết trong niềm hy vọng sống lại, cũng như sự hiệp thông trong lời cầu nguyện với người đã qua đời.

 

   HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

51. Nếu Thiên Chúa biết mọi sự và có thể làm được mọi sự, tại sao Người không ngăn cản được sự dữ?

–  Thiên Chúa vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt lành từ những sự dữ. Chẳng một đau khổ nào ta có thể giải mã được. Nhưng nó vẫn luôn đặt nền tảng trên sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa (Thánh Tôma Aquinô). [309-314, 324]

– Sự dữ trong thế gian là một mầu nhiệm vừa đen tối vừa khổ đau. Đấng chịu đóng đinh thập giá đã xin với Cha Người: Lạy Cha, sao Cha bỏ con? (Mt 27,36). Nhiều chuyện trong lĩnh vực này vẫn còn khó hiểu. Nhưng ta biết được một điều chắc chắn: Thiên Chúa luôn tốt lành một trăm phần trăm. Không khi nào Người có thể là tác giả của những cái xấu. Chúa đã dựng nên một thế giới tốt, nhưng chưa được hoàn thành. Thế giới đi tới chỗ hoàn thành phải trải qua những xáo trộn dữ dội và những quá trình đau khổ. Ta cần phân biệt cho tốt hơn cái mà Hội Thánh gọi là sự dữ thể lý, chẳng hạn khuyết tật bẩm sinh, hoặc thiên tai lũ lụt, với cái goi là sự dữ luân lý phát xuất do con người sử dụng tự do sai lầm trong thế gian. “Hoả ngục trần gian” – trẻ em làm lính, mưu sát – tự sát, trại tập trung – hầu hết đều là do con người. Vấn đề quyết định không phải là: “Làm sao có thể tin được là Thiên Chúa tốt lành đang khi có biết bao sự dữ như vậy?”, nhưng là: “Làm sao con người có trái tim và lý trí lại có thể đành chịu sống trong thế giới như vậy, nếu không có Thiên Chúa?”. Cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu chứng tỏ cho ta rằng sự dữ không có tiếng nói đầu tiên và nó sẽ không có tiếng nói cuối cùng (nghĩa là nó không phải tuyệt đối mà còn có cái khác nữa). Bởi vì Thiên Chúa làm cho từ sự dữ xấu xa nhất nảy sinh ra sự tốt lành tuyệt đối. Kitô hữu tin rằng đến ngày phán xét chung Thiên Chúa sẽ chấm dứt mọi bất công. Trong đời sống mai sau, sự dữ không còn nữa và đau khổ sẽ chấm dứt. → 40, 286-287

Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. – Rm 8,18

Thiên Chúa thấy mọi sự Người sáng tạo: mọi sự đều rất tốt đẹp. – St 1,31

Không đau khổ nào mà không mang một ý nghĩa. Đau khổ luôn luôn có nền móng nơi sự khôn ngoan của Chúa.” – Thánh Tôma Aquinô

Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn và mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới mê ngủ.” – Clive Staples Lewis (1898-1963, văn sĩ Anh, tác giả cuốn Ký sự Namia)

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 52. Trời là gì?