PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 9 THƯỜNG NIÊN 31/5/2015
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần.” (Mt 28,19)
Suy niệm: “Hãy đem cho tôi một con sâu có thể hiểu thấu một người, rồi tôi sẽ chỉ cho bạn một người có thể hiểu thấu Thiên Chúa Ba Ngôi” (J. Wesley). Thiên Chúa cao cả với ta thật quá cao vời, là một mầu nhiệm cao siêu vượt quá lý trí giới hạn của ta. Con người hoàn toàn mù tịt về Thiên Chúa cho đến khi chính Ngôi Hai từ Thiên Chúa đến nói cho con người biết về chân tướng của Ngài. Theo Chúa Con, Thiên Chúa ấy không đơn độc, nhưng là một gia đình gồm ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Ba ngôi vị riêng rẽ nhưng hiệp thông trong yêu thương, ân sủng, đến nỗi không là ba, nhưng là một Thiên Chúa.
“Khởi đầu công cuộc tạo dựng, Ba Ngôi Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy tạo dựng con người.’ Rồi cũng chính Ba Ngôi ấy lúc khởi đầu Tin Mừng cũng đã phán: ‘Chúng ta hãy cứu con người’.” (J. Ryler). Bạn có nhận ra Ba Ngôi Thiên Chúa đã cho bạn hiện hữu trong cuộc đời, ban tặng ơn cứu độ để bạn được hiệp thông với sự sống thần linh của Ngài ngay trong cuộc sống hôm nay không? (5phutloichua.net)
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
31.05 : Chúa Nhật 9 THƯỜNG NIÊN. CHÚA BA NGÔI. Lễ trọng. Mt 28,16-20.
01.06 : Thứ hai. Thánh Jus-ti-nô, tử đạo. Lễ nhớ. Mc 12,1-12. Thánh Giuse Túc, tử đạo. Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi.
02.06 : Thứ ba. Thánh Mac-sen-li-nô và thánh Phê-rô, tử đạo. Mc 12,13-17. Thánh Đaminh Ninh, tử đạo.
03.06: Thứ tư. Thánh Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn tử đạo. Các thánh tử đạo tại U-gan-đa. Lễ nhớ. Mc 12,18-27. Thánh Phaolô Đổng (Dương), tử đạo.
04.06 : Thứ năm. Đầu tháng. Mc 12,28b-34.
05.06: Thứ sáu. Đầu tháng. Thánh Bô-ni-fa-ci-ô, Giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. Mc 12,35-37. Thánh Luca Vũ Bá Loan, Linh mục; thánh Đaminh Toại và thánh Đaminh Huyên, tử đạo.
06.06 : Thứ bảy. Đầu tháng. Thánh Nô-bec-tô, Giám mục. Mc 12,38-44. Thánh Phêrô Đinh Văn Dũng; Thánh Phêrô Đinh Văn Thuần và Thánh Vinh sơn Dương, tử đạo.
07.06 : Chúa Nhật 10 THƯỜNG NIÊN. LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân. Mc 14,12-16.22-26.
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* San Sanvador. Lễ tôn phong Chân phước Đức Tổng giám mục Oscar Romero. Lúc 10g sáng thứ Bảy 23 tháng Năm 2015, tại Quảng trường “Đấng Cứu độ Thế giới” (Divino Salvador del Mundo) ở San Sanvador, Đức hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Phong thánh, Đặc sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã chủ sự Thánh lễ và nghi thức tuyên phong Chân phước cho Đức Tổng giám mục Oscar Romero, “một người có đức tin sâu sắc và đức cậy trông kiên vững” – theo lời của Đức hồng y Bộ trưởng. Ngoài Đức hồng y Amato, còn có năm vị Hồng y khác: Oscar Andres Rodriguez Maradiaga (Honduras); Leopoldo Brenes (Nicaragua); Jaime Ortega (Cuba); Jose Luis Lacunza (Panama) và Roger Mahony (Hoa Kỳ).
Tham dự Thánh lễ có khoảng 300.000 người từ 57 quốc gia (theo La-Croix), trong đó có nhiều vị nguyên thủ quốc gia.
Vị tân Chân phước nguyên là Tổng giám mục Tổng giáo phận San Salvador (1977–1980), bị quân chính phủ ám sát vì lòng thù ghét Đức tin vào ngày 24-03-1980 khi ngài đang cử hành Thánh lễ.
Thỉnh nguyện viên vụ án phong Chân phước là Đức Tổng giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Gia đình, đã nhắc lại chứng từ sáng ngời của vị Tổng giám mục mạnh mẽ lên án việc hành xử bạo lực của chế độ cầm quyền đối với dân chúng.
Lễ kính Chân phước Oscar Romero được ấn định vào ngày 24 tháng Ba, là ngày ngài chịu chết vì đạo. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Phiên họp toàn thể của Hội đồng Toà Thánh cổ võ Tân Phúc âm hoá: Mong được Hội Thánh đồng hành và khao khát làm chứng cho đức Tin. “Tân Phúc âm hoá nghĩa là biết nhận ra tình yêu giàu lòng thương xót của Chúa Cha để chúng ta trở nên khí cụ của ơn cứu độ cho anh chị em mình”, Đức Thánh Cha đã nói như trên trong buổi tiếp kiến vào sáng thứ Sáu 29-05 dành cho các tham dự viên Phiên họp toàn thể của Hội đồng Toà Thánh cổ võ Tân Phúc âm hoá về mối liên hệ giữa Phúc âm hoá và dạy giáo lý. Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủy thác cho Hội đồng việc chuẩn bị cho Năm Thánh Lòng Thương Xót, sao cho Năm Thánh ngoại thường này “làm nổi bật việc Giáo hội được mời gọi loan báo hồng ân của lòng thương xót qua công cuộc Phúc âm hoá trong thời đại đang diễn ra thay đổi lớn lao này”.
Những thay đổi này “thúc đẩy chúng ta vui mừng đáp lại những dấu chỉ của thời đại Chúa gửi đến để Giáo hội trong thời đại ngày nay– như trong hai ngàn năm qua– có thể mang Chúa Giêsu Kitô đến cho nhân loại”. Đức Thánh Cha nhận định: “Sứ mạng này trước sau vẫn thế, nhưng ngôn ngữ được dùng để loan báo Tin Mừng đòi phải được đổi mới, với sự khôn ngoan mục vụ”. Vì thế, Đức Thánh Cha căn dặn: “Anh chị em cần nhận ra điều đó, để truyền thống Công giáo có thể đối thoại với các nền văn hoá trong thế giới ngày nay, giúp các nền văn hoá mở ra đón nhận hoa trái vững bền của sứ điệp Đức Kitô. Thời đại này có những thách đố lớn và chúng ta không được sợ đón nhận chúng như những thử thách của mình. Quả thật, chỉ như vậy, chúng ta mới có thể mang lại câu trả lời thích đáng cho những thách đố nhờ đã được Tin Mừng soi sáng. Điều mọi người mong đợi Giáo hội ngày nay là biết làm thế nào đồng hành với họ, đem đến cho họ chứng từ về đức Tin, tạo nên sự liên đới giữa tất cả chúng ta, nhất là với những ai đơn độc và chịu thiệt thòi nhất”.
Nhận thức này đã được gieo vào lòng mỗi Kitô hữu ngay từ ngày chịu phép Rửa tội “phải được lớn lên cùng với đời sống ân sủng… đến đây chúng ta thấy tầm quan trọng của giáo lý, là giúp cho các Kitô hữu được trưởng thành khi trải nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là một trải nghiệm cụ thể, qua đó chúng ta nhận ra sự yếu đuối của mình và sức mạnh từ trời cao ban xuống. Việc chúng ta nài xin Chúa giúp đỡ đã là bước khởi đầu lòng thương xót của Thiên Chúa đến với chúng ta… Chúa Thánh Thần, Đấng tác động công cuộc Phúc âm hoá… khai mở tâm trí các môn đệ của Chúa Kitô để họ nhận biết một cách sâu xa hơn sự đòi hỏi phải dấn thân, đồng thời cần có những cách thức giúp cho việc làm chứng được thuyết phục và đáng tin”.
Do đó giáo dục đức Tin như thế nào “không phải là cách nói hoa mỹ mà thực sự là một vấn đề. Câu trả lời đòi phải can đảm, sáng tạo và quyết đoán, cũng có khi phải bước vào những con đường chưa từng được khai phá. Dạy giáo lý, một bộ phận của tiến trình Phúc âm hoá, cần phải vượt ra ngoài khuôn khổ trường lớp thuần túy, để dạy cho các tín hữu, ngay từ khi còn nhỏ, biết gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng đang sống và hoạt động trong Hội Thánh của Người. Chính sự gặp gỡ này khơi niềm khát khao được biết Chúa hơn và bước đi theo Chúa để trở thành môn đệ của Người. Vì vậy thách đố của Tân Phúc âm hoá và dạy giáo lý xoay quanh điểm căn bản này: làm thế nào gặp gỡ Đức Kitô, và đâu là nơi thích hợp nhất để tìm kiếm Người và bước theo Người”. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 31/TB/GXCT/2015
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 78
282. Vì sao Hội Thánh lại dâng bánh và rượu?
Vì bánh và rượu là hoa màu ruộng đất và công lao của con người.
283. Trong Kinh nguyện Thánh Thể, Hội Thánh khẩn cầu những gì?
Trong Kinh nguyện Thánh Thể, Hội Thánh chúc tụng Chúa Cha qua Kinh Tiền Tụng và xin Ngài dùng quyền năng Thánh Thần thánh hóa bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Kitô, đồng thời làm cho những ai rước Mình Máu Chúa Kitô trở nên của lễ sống động đẹp lòng Thiên Chúa.
284. Trong Thánh lễ, khi nào bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô?
Trong Thánh lễ, khi linh mục đọc lời truyền phép, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, thì bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
26. Kinh Tin Kính là gì?
– Kinh Tin Kính là những công thức vắn tắt của đức tin, để các tín hữu có thể cùng nhau tuyên xưng chung một niềm tin. [185-188, 192-197]
– Thư của Thánh Phaolô đã chứa đựng nhiều công thức vắn tắt. Kinh Tin Kính của các tông đồ mà Hội Thánh ban đầu soạn ra, có giá trị đặc biệt vì được coi là Kinh tóm tắt đức tin của các tông đồ. Còn Kinh Tin Kính của Công đồng Nixêa cũng rất đáng tôn trọng vì được xuất phát từ các Công đồng của Hội Thánh (Công đồng Nixêa 325, Công đồng Constantinople 381). Cho đến ngày nay, kinh này là nền chung cho các Kitô hữu Đông cũng như Tây phương.
“Ước mong Kinh Tin Kính như là tấm gương để bạn soi. Bạn hãy nhìn bạn trong đó: để xem bạn có tin tất cả những gì bạn tuyên bố là bạn tin không. Bạn hãy vui mừng mỗi ngày về đức tin của bạn.” – Thánh Augustinô
“Không ai sống một mình, không ai tin một mình. Thiên Chúa nói với ta. Người làm thế để tập họp ta lại. Người thiết lập một cộng đồng là dân Người, là Hội thánh Người. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Hội Thánh là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa trong trần gian.” – Basile de Césarée (thế kỷ V, giám mục)
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 27. Kinh Tin Kính có từ khi nào?