PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT TUẦN 1 TN. 11/01/2015
“Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” (Mc 1,7)
Suy niệm: Công việc Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giê-su không đơn giản. Theo Tin Mừng Mát-thêu, đã có sự phân định tinh tế từ trong nhận thức giữa Gio-an Tẩy Giả và Chúa Giê-su. Gio-an Tẩy Giả biết rõ mình chỉ là người chuẩn bị cho Đấng đến sau, Đấng ấy cao trọng đến mức ông không đáng phục vụ cho Ngài, dù chỉ làm công việc của người nô lệ như cởi quai dép. Đấng ấy còn là Đấng Gio-an hằng trông đợi, nên Gio-an có lý do từ chối: “Chính tôi là người cần Ngài làm phép rửa.” Nhưng Chúa Giê-su đã cho Gio-an biết việc ông phải làm: “Hãy cứ làm như thế.” Như vậy, việc Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giê-su không phải tự ý của ông và việc Chúa Giê-su chịu phép rửa cũng là để thực hiện thánh ý Chúa Cha: Chúa Giê-su là Đấng thánh, nên Ngài chẳng cần sám hối; nhưng Ngài chịu phép rửa thống hối để gánh lấy tội lỗi nhân loại để đền bù. Tất cả đều là để cho ý Cha được thể hiện. Bạn cũng được mời gọi tiếp nối sứ mạng liên đới của Chúa Giê-su trong hoàn cảnh của bạn: trong gia đình, xóm phố, nơi học hành, nơi làm việc… Sứ mạng này không phải là việc tuỳ ý để bạn thích làm hoặc không, mà là một bổn phận được lãnh nhận từ Thiên Chúa. Thiên Chúa chờ đợi bạn thi hành bổn phận này. (5phutloichua.net)
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
11.01 : Chúa Nhật Chúa Giê-su Chịu Phép Rửa. Mc 1,7-11
12.01 : Thứ hai. Mc 1,14-20
13.01 : Thứ ba. Thánh Hi-la-ri-ô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh. Mc 1,21b-28. Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm; Giuse Phạm Trọng Tả; Luca Phạm Trọng Thìn, tử đạo1859.
14.01 : Thứ tư. Mc1,29-39
15.01 : Thứ năm. Mc 1,40-45
16.01: Thứ sáu. Mc 2, 1-12
17.01 : Thứ bảy. Thánh An-tôn, viện phụ. Lễ nhớ. Mc 2,13-17.
18.01 : Chúa Nhật 2 Thường Niên Ga 1,35-42
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Đức Thánh Cha lên án vụ tấn công khủng bố tại Pháp. Chiều thứ Tư 07-01, Đức Thánh Cha Phanxicô đã “mạnh mẽ lên án vụ tấn công kinh hoàng” nhắm vào toà soạn tuần báo Charlie Hebdo tại Paris, Pháp, xảy ra vào buổi sáng cùng ngày, làm ít nhất 12 người thiệt mạng, “gieo rắc cái chết, làm cho toàn xã hội Pháp chìm trong thất vọng, khiến cho tất cả những người yêu hoà bình bàng hoàng, vượt ra ngoài biên giới của nước Pháp”.
Qua Giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh, Đức Thánh Cha nói ngài “hiệp thông cầu nguyện cho những người bị thương đang chịu đau đớn và nỗi buồn đau của các gia đình những người đã chết”; đồng thời Đức Thánh Cha cũng “xin mọi người dùng mọi cách chống lại việc gieo rắc hận thù và tất cả các hình thức bạo lực, về thể lý cũng như tinh thần, vốn phá hủy cuộc sống của con người, vi phạm nhân phẩm, xói mòn tận gốc rễ sự thiện nền tảng là việc chung sống hoà bình giữa các cá nhân và các dân tộc, bất chấp những khác biệt về quốc tịch, tôn giáo và văn hóa”. Đức Thánh Cha nói tiếp, “dù xuất phát từ động cơ gì, việc giết người thật là khủng khiếp, không bao giờ là chính đáng; sự sống và phẩm giá của mỗi người chắc chắn phải được bảo đảm và bảo vệ, mọi kích động hận thù phải bị loại trừ, và phải vun đắp lòng tôn trọng người khác”.Cuối cùng Đức Thánh Cha bày tỏ “sự gần gũi, liên đới thiêng liêng và nâng đỡ tất cả những ai, theo trách nhiệm của mình, tiếp tục dấn thân vì hoà bình, công lý và luật lệ, để chữa lành những nguyên nhân của hận thù từ trong sâu thẳm, vào giây phút đau thuơng thảm thiết này tại Pháp và ở tất cả các nơi trên thế giới đang có những căng thẳng và bạo lực”. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Một phái đoàn Hồi giáo–Kitô giáo của Pháp viếng thăm Roma. Theo thông cáo của Hội đồng Giám mục Pháp, một phái đoàn gồm các imam đang tham gia công cuộc đối thoại Hồi giáo–Kitô giáo sẽ viếng thăm Roma từ ngày 06 đến 08 tháng Giêng 2015.
Phái đoàn do Đức cha Michel Dubost, giám mục giáo phận Évry-Corbeil-Essonnes, Chủ tịch Hội đồng liên lạc liên tôn của Hội đồng Giám mục Pháp và cha Christophe Roucou, giám đốc Văn phòng toàn quốc liên lạc với Hồi giáo (SRI), hướng dẫn.
Thành phần phái đoàn gồm có ông Azzedine Gaci, trưởng đền thờ Hồi giáo Othman ở Villeurbanne, một trong những người khởi xướng “Lời kêu gọi của 110 nhân vật” ở Lyon, ông Tareq Oubrou, trưởng đền thờ Hồi giáo ở Bordeaux, ông Mohammed Moussaoui, Chủ tịch Hiệp hội các Đền thờ Hồi giáo Pháp, và ông Djelloul Seddiki, giám đốc viện Al Gazali của đại đền thờ Hồi giáo Paris.
Phái đoàn sẽ tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức giáo hoàng Phanxicô vào sáng thứ Tư 07-01 và ngày 08-01 sẽ làm việc với Đức hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn.
Phái đoàn còn đến thăm Chủng viện Pháp tại Roma, và gặp vị đại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh. Ngoài ra phái đoàn cũng viếng thăm trung tâm lịch sử của Thành đô muôn thuở, Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, học viện Giáo hoàng về Ả Rập học và Hồi giáo học (PISAI). (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Năm 2015: Một năm bận rộn của Đức Thánh Cha Phanxicô. Năm 2015 sẽ là một năm bận rộn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Trước hết, có ít nhất ba chuyến tông du bên ngoài Italia. Vào tháng Giêng, Đức Thánh Cha đi Sri Lanka và Philippines. Sau đó, vào tháng Chín, đến Hoa Kỳ để tham dự Đại hội Thế giới các Gia đình ở thành phố Philadelphia. Có thể ngài cũng ghé thăm Washington D.C và New York.
Đối với các vấn đề cụ thể, sẽ có ba vấn đề chính hàng đầu mà Đức Thánh Cha sẽ đề cập.
Trước hết là về gia đình. Giai đoạn hai của Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình sẽ diễn ra tại Vatican vào tháng Mười 2015. Các giám mục từ khắp nơi trên thế giới sẽ bàn về cách thức Giáo hội đáp ứng các thách đố của thời hiện đại mà các gia đình đang phải đối mặt.
Đề tài thứ hai là đời sống thánh hiến. Năm 2015 đã được chọn là Năm Đời Sống Thánh Hiến; sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ và hội thảo suy tư về mối liên quan, vai trò và tầm quan trọng của các tu sĩ nam và nữ.
Đề tài thứ ba là sinh thái. Đức Thánh Cha Phanxicô dự định ban hành thông điệp thứ hai của ngài về chính đề tài này. Thông điệp có thể sẽ được công bố trong những tháng đầu của năm 2015. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô vinh thăng Hồng Y cho Đức Tổng Giám Mục Hà Nội. Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa nay Chúa nhật 04-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố danh tính mười lăm Tổng giám mục và Giám mục sẽ được ngài nâng lên hàng Hồng y vào ngày 14 tháng 2 sắp tới. Trong đó có Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giáo phận Hà Nội, Việt Nam. (hdgmvietnam.org)
* Anh Quốc. Phân phát miễn phí sách Kinh Thánh chữ nổi cho người mù nghèo trên thế giới. Trong số 285 triệu người khiếm thị trên thế giới, phần lớn sống ở các nước đang phát triển có ít cơ hội học hành hoặc thoát nghèo. Liên Hiệp Thánh Kinh Hội hy vọng sẽ đến với những người này.
Tổ chức Kitô giáo này có trụ sở tại Anh quốc, là nhà phiên dịch lớn nhất, đồng thời xuất bản và phân phối sách Kinh Thánh trên thế giới. Tổ chức này cũng dạy chữ nổi cho người khiếm thị và phân phối sách Kinh Thánh chữ nổi cho người khiếm thị trên toàn thế giới; điều này không những làm cho đức tin của họ được biến đổi, mà cả cuộc sống hằng ngày của họ nữa.
Đó cũng là một nỗ lực khá tốn kém: để in được trọn bộ Kinh Thánh chữ nổi phải tốn khoảng 600 USD, gấp khoảng 50 lần chi phí in một bộ Kinh Thánh trên giấy thường. Liên Hiệp Thánh Kinh Hội phải dựa vào sự đóng góp để có thể cung cấp miễn phí sách Kinh Thánh chữ nổi, vì đa số người cần sách này thuộc số những người nghèo nhất trên thế giới. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 08/TB/GXCT/2015
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 59
224. Ai hành động trong phụng vụ?
Chính “Đức Kitô toàn thể”, nghĩa là Đức Kitô cùng với Thân Thể của Ngài là Hội Thánh trên trời và Hội Thánh ở trần gian hành động trong phụng vụ.
225. Hội Thánh trên trời cử hành phụng vụ gồm những ai?
Hội Thánh trên trời cử hành phụng vụ gồm các thiên thần, các thánh, đặc biệt là Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.
226. Hội Thánh trần gian cử hành phụng vụ thế nào?
Hội Thánh trần gian cử hành phụng vụ với tư cách là dân tư tế, nhưng mỗi người hoạt động theo phận vụ riêng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
– Với trí khôn hữu hạn, con người không thể hiểu thấu sự cao cả vô cùng của Thiên Chúa. Nhưng ta vẫn có thể nói đúng về Thiên Chúa. [39-43, 48]
– Để có thể nói đúng về Thiên Chúa, ta cần ý thức rằng ngôn ngữ của ta không thể thích đáng với sự cao cả của Thiên Chúa. Vì thế, cần phải thanh tẩy và cải tiến không ngừng ngôn ngữ của ta về Thiên Chúa.
“Tất cả những gì không thể hiểu được ít nhằm để người ta không hiểu được, cho bằng nhằm để người ta hiểu nhiều hơn.” – Blaise Pascal
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 7. Thiên Chúa có phải tỏ mình ra để ta có thể biết Người là ai không?