BẢN TIN 249

VTHÁNG CÁC ĐẲNG LINH HỒNV –

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN. 09/11/2014

        “Anh em hãy canh thức, vì anh em không  biết ngày nào, giờ nào.” (Mt  25,13)

Suy niệm: Thiên hạ đua nhau nói dại-khôn,” nhưng không phải ai cũng đồng ý với nhau thế  nào là khôn, thế nào là dại. Theo Trần Tế Xương thì cái khôn của nghề cờ bạc là  khôn-dại, còn cái dại chốn văn chương lại là dại-khôn. Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm tự  nhận mình là dại khi “tìm nơi vắng vẻ” nhưng lại ngầm ý rằng làm như ông mới  đúng là khôn thật. Trong  dụ ngôn mười người trinh nữ, Chúa Giê-su cho biết tiêu chí xác  định để ai dại ai khôn: khôn là những cô biết chuẩn bị dầu đầy đủ cho  ngọn đèn của họ luôn cháy sáng; còn những cô dại chỉ làm có một nửa: mang đèn  mà không mang theo dầu! Người khôn là người biết canh thức, sẵn sàng chờ đợi  ngày giờ Chúa đến; còn kẻ dại là người vô tâm, bình chân như vại trước những  cảnh báo của Ngài.

Ngọn  đèn đức tin của bạn được cháy sáng nhờ từng giọt dầu được liên tục thấm vào mỗi  ngày. Đó là giọt dầu yêu mến, giọt dầu cầu nguyện, giọt dầu phục vụ, giọt dầu  hy sinh, giọt dầu Tám Mối Phúc Thật. Người khôn là người biết hằng ngày châm  những giọt dầu ấy cho đèn đức tin để ngọn đèn đó luôn cháy sáng khi Chúa đến  với mình ngày hôm nay cũng như ngày cuối đời. (5phutloichua.net)

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

09.11 : Chúa Nhật 32 THƯỜNG NIÊN. CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ. Lễ Kính. Mt 25,1-13

10.11 :     Thứ hai. Thánh Lê-ô cả, Giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. Lc 17,1-6

11.11 :     Thứ ba. Thánh Mac-ti-nô, Giám mục. Lễ nhớ. Lc 17,7-10

12.11 :     Thứ tư. Thánh Jô-sa-phat, Giám mục , tử đạo. Lễ nhớ. Lc 17,11-19

13.11 :     Thứ năm. Lc 17,20-25

14.11 :     Thứ sáu. Lc 17,26-37 Thánh Têphanô Théodore Cuénot Thể, giám mục, tử đạo 1861.

15.11 :     Thứ bảy. Thánh An-bec-tô Cả, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.  Lc 18,1-8

16.11 : Chúa Nhật 33 THƯỜNG NIÊN. KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. LỄ TRỌNG. Mt 25,14-30

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn Liên hiệp Tin Lành thế giới. Sáng 6-11-2014, ĐTC đã tiếp kiến phái đoàn Tin Lành thế giới gồm 27 người và ngài mời gọi cố gắng vượt thắng tình trạng chia rẽ ngăn cản việc loan báo Tin Mừng.

Liên hiệp này qui tụ 120 liên minh Tin Lành quốc gia và miền, với khoảng 160 triệu tín hữu tại 111 nước trên thế giới.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến hồng ân quí giá khôn lường mà các tín hữu Công Giáo có chung với các tín hữu Tin Lành, đó là bí tích rửa tội. Ngài nói: ”Nhờ bí tích này, chúng ta không phải chỉ sống trong chiều kích trần thế, nhưng còn ở trong quyền năng của Chúa Thánh Linh.. Bí tích rửa tội nhắc nhớ cho chúng ta một chân lý cơ bản và đầy an ủi, đó là Chúa luôn đi trước chúng ta bằng tình thương và ơn thánh của Ngài. Chúa đi trước các cộng đoàn chúng ta, đi trước và chuẩn bị tâm hồn những người loan báo Tin Mừng và những người đón nhận Tin Mừng”. ĐTC cũng nhận xét rằng: “Từ đầu đã có những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô, và đáng tiếc là ngày nay vẫn còn sự cạnh tranh và xung đột giữa các cộng đoàn chúng ta. Tình trạng ấy làm suy yếu khả năng của chúng ta trong việc chu toàn mệnh lệnh của Chúa dạy phải loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước. Thực tại những chia rẽ của chúng ta làm biến thái vẻ đẹp của chiếc áo chùng duy nhất của Chúa Kitô nhưng không hủy hoại hoàn toàn sự hiệp nhất sâu xa do ơn thánh tạo nên trong tất cả những người đã chịu phép rửa. Hiệu năng lời loan báo của Kitô giáo chắc sẽ mạnh mẽ hơn nếu các tín hữu Kitô vượt thắng được những chia rẽ với nhau và có thể cùng nhau cử hành các bí tích và cùng phổ biến Lời Chúa, làm chứng tá bác ái”. (vietcatholic.org)

* Vatican. Những Quy định mới về việc từ nhiệm của giám mục giáo phận và các giám chức trong Giáo triều Roma. Ngày 5-11-2014 bắt đầu có hiệu lực Chỉ dụ của Đức Thánh Cha về những thay đổi trong việc nộp đơn từ nhiệm và chấp thuận việc từ nhiệm này, đối với các nhiệm vụ mục vụ của giám mục giáo phận và các chức vụ trong Giáo triều Roma do Đức giáo hoàng bổ nhiệm. Nội dung gồm:

Điều 1.- Xác nhận kỷ luật hiện nay trong Giáo hội Latinh và trong các Giáo hội Đông phương “tự quản” (sui iuris) như sau: các Giám mục giáo phận và các Giám mục giáo phận thuộc các Giáo hội Đông phương, và các vị giữ các chức vụ tương đương theo điều 381 triệt 2 của Bộ Giáo Luật và điều 313 của Bộ Giáo Luật của các Giáo hội Đông phương, cũng như các Giám mục phụ tá và Giám mục phó, được yêu cầu đệ đơn từ nhiệm khi đến tuổi bảy mươi lăm.

Điều 2.- Việc từ nhiệm khỏi các chức vụ mục vụ nói trên chỉ có hiệu lực từ khi được Thẩm quyền hợp pháp chấp thuận.

Điều 3.- Với việc chấp thuận cho từ nhiệm khỏi các chức vụ nói trên, các vị ấy sẽ không được giữ bất kỳ chức vụ nào khác ở cấp quốc gia được trao phó trong một thời hạn quy định vì chức vụ mục vụ ấy.

Điều 4.- Nếu một giám mục, do lòng yêu thương hoặc ước muốn đem lại sự phục vụ tốt hơn cho cộng đoàn, xét thấy cần phải từ nhiệm vai trò Mục tử trước khi đến tuổi bảy mươi lăm vì lý do đau yếu hay các lý do nghiêm trọng khác, thái độ ấy đáng được Giáo hội đề cao. Trong trường hợp này, các tín hữu hãy tỏ tình liên đới và cảm thông đối với vị cựu Mục tử của mình, luôn trợ giúp ngài kịp thời theo các nguyên tắc của lòng bác ái và công bình, phù hợp với điều 402 triệt 2 của Bộ Giáo Luật.

Điều 5.- Trong một số trường hợp đặc biệt, các Vị thẩm quyền có thể xét ​​thấy cần thiết phải yêu cầu một Giám mục đệ đơn từ nhiệm khỏi nhiệm vụ mục vụ, sau khi thông báo cho giám mục ấy biết lý do của yêu cầu này, và đối thoại huynh đệ để lắng nghe các lý lẽ của ngài.

Điều 6.- Khi tròn 75 tuổi, các Hồng y đứng đầu các cơ quan trong Giáo triều Roma và các Hồng y khác giữ các chức vụ do Đức giáo hoàng bổ nhiệm phải đệ đơn từ nhiệm lên Đức giáo hoàng; và sau khi xem xét mọi yếu tố, Đức giáo hoàng sẽ có quyết định.

Điều 7.- Các vị đứng đầu các cơ quan trong Giáo triều Roma không phải là Hồng y, cũng như các vị thư ký và các giám mục đảm nhiệm các chức vụ khác do Đức giáo hoàng bổ nhiệm sẽ chấm dứt nhiệm vụ khi tròn bảy mươi lăm tuổi; các thành viên thì chấm dứt nhiệm vụ khi được tám mươi tuổi; tuy nhiên, những ai thuộc về một cơ quan của Giáo triều do một chức vụ khác, khi không còn giữ chức vụ này thì cũng sẽ không còn là thành viên của cơ quan ấy. (hdgmvietnam.org)

* Hy Lạp. Liên Hội đồng Giám mục Âu châu họp Hội nghị về truyền thông. Tác động của truyền thông kỹ thuật số trên việc suy tư và sống đức tin là gì? Gặp gỡ ảo có phải là truyền thông và là cơ hội cho gặp gỡ đích thực không? Và chứng từ Kitô giáo được thể hiện trong thế giới kỹ thuật số như thế nào? Đó là một số đề tài mà các giám mục đặc trách truyền thông xã hội của các Hội đồng Giám mục thuộc châu Âu, cùng với các chuyên gia, sẽ thảo luận tại Hội nghị Athína (Hy Lạp) dưới ánh sáng Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 2014 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hội nghị có chủ đề “Truyền thông là gặp gỡ, giữa tính xác thực và tính thực dụng”, do Uỷ ban Truyền thông Xã hội của Liên Hội đồng Giám mục Âu châu tổ chức từ ngày 3 đến 5-11-2014; đặc biệt có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông xã hội, ĐTGM Claudio Maria Celli. (hdgmvietnam.org)

 

* Chính Tòa: TB Số 50/TB/GXCT/2014

  1. Từ thứ hai, 10/11 cho đến hết chiều thứ bảy, 15/11 Giáo họ Phaolô Lộc phụ trách trực phụng vụ.
  2. Thứ năm, 13/11 vào lúc 17g00 cha Quản Xứ sẽ dâng Thánh Lễ cầu cho các giáo chức phục vụ giáo xứ nay đã qua đời. Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự và lúc 17g30 giáo xứ Chầu TT, Ban Thăng Tiến Hôn Nhân phụ trách.
  3. Xin mời quý chức trong Ban Điều Hành 12 Giáo Họ, trưởng phó các Giới Ban Ngành Đoàn Thể đến dự buổi tĩnh tâm vào lúc 19g30 tối thứ bảy 15/11 để chuẩn bị mừng lễ bổn mạng của ban HĐMV giáo xứ Chính Tòa. Lễ kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam quan thầy của HĐMVGX được cử hành trọng thể lúc 05g15 sáng chúa nhật 16/11. Xin quý vị đến nhà xứ nhận thông báo phân công.

 

 GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 50

192. “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” nghĩa là gì?

Nghĩa là thân xác con người sau khi chết sẽ hư nát, nhưng Thiên Chúa sẽ cho thân xác ấy được sống lại trong ngày tận thế.

193. Vì sao chúng ta tin xác loài người ngày sau sống lại?

Vì Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết và sẽ làm cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết, với một thân xác không còn hư nát.

194. Khi chết con người sẽ ra sao?

Khi chết, linh hồn và thân xác con người sẽ tách rời nhau, thân xác sẽ chịu cảnh hư nát, còn linh hồn sẽ chịu sự phán xét của Thiên Chúa và chờ ngày kết hợp lại với thân xác được biến đổi, khi Chúa lại đến trong vinh quang.

 

   HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO

GIẢI ĐÁP 100 VẤN NẠN VỀ ĐỨC TIN

91- Làm thế nào để chống trả các tư tưởng không trong sạch, và làm sao có can đảm xưng thú chúng ra, dù rằng đó chỉ là những tội nhẹ?

Để khuyến khích bạn trong lĩnh vực này, tôi khuyên bạn nên đọc lại các lời đáng nhớ của các Giáo Phụ sa mạc. Những lời đầy khôn ngoan, thu thập từ những đan sĩ đầu tiên ở Ai Cập, sẽ mang lại cho bạn một sự trợ lực lớn lao bởi sự tinh tế và tính hài hước. Có một quyển sách nhỏ, do đan viện Solesmes xuất bản dưới tựa đề: “Lạy Cha, xin cho con một lời khuyên”. Trong đó, có chương nói về những tư tưởng xấu xa mà bạn đang ưu tư. Xin trích dẫn một đoạn: “Trong vấn đề này, giống như một người cầm lửa ở tay trái và một chậu nước ở tay mặt. Nếu lửa bốc cháy, người ấy lấy nước ở trong chậu để dập tắt. Lửa ấy chính là mầm sống của Ác quỉ, và nước, chính là việc ẩn mình vào sự hiện diện của Thiên Chúa!”.

Nếu bạn ao ước tâm hồn được thanh thoát, thì kinh nguyện có thể trợ giúp. Bạn cũng có thể xin lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, bí tích của niềm vui được tha thứ.

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 92- Ý nghĩa của đức khiết tịnh là gì?