BẢN TIN 238

 

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN. 24/8/2014

 

         “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)

Suy niệm: Câu chuyện Thầy-trò diễn ra trong một khung cảnh riêng tư, ở một nơi chốn khá xa những con người và những sinh hoạt thông thuộc hằng ngày, một khung cảnh thuận tiện để hồi tâm, nhìn lại mọi sự, và để Thầy trò tâm sự, chia sẻ một cách mật thiết với nhau. Chúa Giê-su muốn biết các môn đệ nghĩ Ngài là ai, và Phê-rô đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa.” Sự nhìn nhận này thật quan trọng. Ta không biết mức độ xác tín nơi Phê-rô thế nào khi tuyên bố như vậy, nhưng ít ra là ông đã nói lên được sự thật hết sức nền tảng: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa! Từ “Ki-tô” tiên vàn không phải là tên gọi mà đó là một từ chỉ chức vụ, chỉ việc làm. Đức Giê-su là Ki-tô, có nghĩa rằng Ngài là Đấng được Chúa Cha xức dầu (Thánh Thần) và sai đến để cứu độ con người và thế giới. Nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Ki-tô có nghĩa rằng nhìn nhận mình cần được Ngài cứu độ, mình hoàn toàn thuộc về Ngài, và Ngài lẽ sống, là thần tượng, là tất cả ý nghĩa của mình. Ki-tô hữu là người tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng Ki-tô của mình. Nhưng nhiều khi chúng ta chỉ tin bằng một lời kinh Tin Kính đọc hời hợt, chứ không thực sự say đắm Ngài, không coi Ngài là thần tượng, không để con người và cuộc sống của mình thực sự bị thu hút bởi Ngài, không biến đổi trở nên đồng nhất với Ngài. (5phutloichua.net)

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

24.8   : Chúa Nhật XXI THƯỜNG NIÊN Mt 16,13-20

25.8   :     Thứ hai. Thánh Lu-y; Thánh Giu-se Ca-la-san, Linh mục. Mt 23,13-22

26.8   :     Thứ ba. Mt 23,23-26

27.8   :     Thứ tư. Thánh nữ  Mô-ni-ca. Lễ nhớ.Mt 23,27-32

28.8   :     Thứ năm. Thánh Au-gut-ti-nô, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.Mt 24,42-51

29.8   :     Thứ sáu. Thánh Gio-an Tẩy Giả bị trảm quyết. Lễ nhớ. Mc 6,17-29

30.8   :     Thứ bảy. Thánh Rô-sa Li-ma, trinh nữ. Mt 25,14-30

31.8   : Chúa Nhật XXII THƯỜNG NIÊN Mt 16,21-27

 

   HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi điện thoại cho cha mẹ của phóng viên James Foley. Trước nỗi đau mất mát không gì bù đắp được, ông bà John và Diane Foley, cha mẹ của phóng viên James Foley –mới bị nhóm chiến bình Nhà nước Hồi giáo ở Syria hành quyết cách man rợ–, đã bất ngờ nhận được điện thoại của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha an ủi họ và đoan chắc cầu nguyện cho họ.

Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cha Federico Lombardi xác nhận rằng Đức Thánh Cha đã gọi điện thoại cho ông bà John và Diane Foley hôm thứ Năm 21-08. Trong cuộc điện đàm bằng tiếng Anh, ông bà Foley nói họ “rất cảm động và biết ơn” về cử chỉ của Đức Thánh Cha.

Cha Paul Gousse, giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi, nói về cuộc gọi điện thoại của Đức Thánh Cha: “Được chính Đức Thánh Cha gọi điện thoại đến gia đình để bày tỏ sự cảm thông và nói lời an ủi, tôi nghĩ đó là điều rất lớn lao cho họ”.

James Foley, năm nay 40 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo ở Rochester thuộc tiểu bang New Hampshire, Hoa Kỳ. Ông từng làm việc tại Syria và bị bắt cóc cách nay hai năm, khi đang làm nhiệm vụ mà ông mô tả là “tiết lộ những câu chuyện chưa được kể” ở các khu vực đang có xung đột.

Ông cũng từng có mặt ở một khu vực khác có xung đột là Libya vào năm 2011, và ở đây ông cũng đã bị bắt cóc. Sau khi được trả tự do, James Foley kể lại trên tờ báo của trường học cũ của mình –Đại học Marquette do Dòng Tên điều hành–, rằng khi bị giam giữ ông đã bắt đầu đọc kinh Mân Côi ra sao, và điều đó đã “giúp tâm trí tôi luôn tập trung”.

Phát biểu sau cái chết của con trai mình, ông bà Foley nói đến đức tin của họ và nói rằng họ tự hào rằng James đã thi hành công việc của Thiên Chúa.

“Chúng tôi biết Jimmy sẽ được tự do. Cuối cùng Jimmy cũng được tự do. Và chúng tôi biết rằng Jimmy ở trong tay Thiên Chúa, ở trên thiên quốc”.

Một Thánh lễ tưởng niệm James Foley dự kiến ​​sẽ được cử hành vào Chúa nhật 24-08 tại quê hương của ông, ở Rochester, New Hampshire. (hdgmvietnam.org)

* Vatican. Công bố chủ đề Ngày Hòa Bình Thế Giới 2015. ĐTC đã chọn chủ đề cho Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 48 cử hành ngày 1-1 năm 2015 là ”Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em”.

Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới 1-1 năm 2014 đã bàn về ”Tình huynh đệ, nền tảng và là con đường dẫn đến hòa bình”. Sự kiện tất cả là con cái Thiên Chúa làm cho mọi người trở thành anh chị em với nhau, có phẩm giá bình đẳng. Nạn nô lệ giết chết tình huynh đệ đại đồng ấy, và do đó nó cũng giết chết hòa bình. Thực vậy, chỉ có hòa bình khi con người nhìn nhận tha nhân là anh chị em có cùng phẩm giá. Ngày Hòa bình thế giới do Đức Phaolô 6 thiết lập và cử hành vào ngày 1 tháng giêng mỗi năm. Sứ điệp của của các vị Giáo Hoàng nhân ngày này được gửi đến các chính phủ trên thế giới và cũng cho thấy hướng đi ngoại giao của Tòa Thánh trong năm mới bắt đầu. (vietvatican.net)

* Việt Nam. Họp mặt Giáo lý toàn quốc lần IV. Trong 04 ngày, từ 18 đến 21 tháng 8 năm 2014, tại TT MV TGP Huế, 237 giáo lý viên, 118 linh mục, 45 tu sĩ, 8 chủng sinh và 64 giáo dân thuộc 26 giáo phận, đã hân hoan sống bên nhau, cầu nguyện, lắng nghe, suy nghĩ và trao đổi, với sự hiện diện của Đức TGM Fx. Lê Văn Hồng, TGP Huế, ĐC Giuse Nguyễn Năng, chủ tịch UB Giáo lý Đức tin và ĐC Alp. Nguyễn Hữu Long, chủ tịch UB Loan báo Tin mừng. Trước tình hình tục hoá ngày càng lan rộng và ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống con người, cùng với nhiều thách đố mà Hội Thánh Việt Nam phải đối diện, đặc biệt trong lãnh vực giáo huấn, các tham dự viên cảm thấy được thôi thúc canh tân việc dạy giáo lý tại Việt Nam theo hướng truyền giáo, phát xuất từ lời kêu gọi “hoán cải mục vụ” của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng. (hdgmvietnam.org)

* Việt Nam. Thánh Lễ an táng Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan. Ngày 21.08.2014, tại Nguyện đường Bát phúc của Tu Đoàn Bác ái Xã hội, Thánh lễ an táng Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan đã được cử hành cách long trọng vào lúc 9g00 do Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận Phan Thiết chủ tế. Đồng tế với Đức giám mục Phan Thiết còn có 14 Giám mục khác cùng 200 linh mục đến từ nhiều giáo phận và dòng tu. Đông đảo quý tu sĩ nam nữ, quý vị trong linh tông huyết tộc của Đức cố giám mục Phaolô và hàng ngàn người từ nhiều giáo xứ của giáo phận. Cả anh chị em lương dân cũng đến hiệp thông. (gpphanthiet.com)

 

* Chính Tòa: Thông báo Số 38/TB/GXCT/2014

1. Mời các anh chị giáo lý viên và những anh chị em nào muốn tham gia làm giáo lý viên đúng vào lúc 9g00 sáng Chúa nhật, 24/8 đến văn phòng giáo lý để triển khai chương trình học giáo lý năm 2014-2015.

2. Từ thứ hai, 25/8 đến hết chiều thứ bảy, 30/8  giáo họ Đaminh Cẩm phụ trách trực phụng vụ.

3. Kính mời các chị Giới Người Mẹ tham dự buổi tĩnh tâm lúc 19g30 thứ ba 26/8 để chuẩn bị mừng lễ bổn mạng của giới mình. Lễ kính Thánh  Monica quan thầy của giới Người Mẹ, Ca đoàn Monica và 10 giáo dân được cử hành trọng thể lúc 17g00 thứ tư, 27/8, xin cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện.

4. Thứ năm, 28/8 lễ nhớ Thánh Augustino, giáo xứ chúng ta có 15 giáo dân mang tên thánh của Ngài. Xin cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện. Giám mục và các Linh mục Giáo phận Lạng Sơn tĩnh tâm năm tại TTMV GP Đà Nẵng sẽ hiệp dâng Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa Đà Nẵng vào lúc 17g00 chiều thứ năm 28/8. Kính mời Cộng đoàn sốt sắng  tham dự.

5. Chúa nhật, 31/8 sau lễ Thiếu Nhi mời tất cả các em giáo lý (cũ và mới) tập trung xếp lớp cho năm học giáo lý 2014-2015. Xin quý vị phụ huynh và Ban Điều Hành 12 Giáo Họ nhắc nhở các em đến xếp lớp.

6. Các em học sinh thuộc GX Chính Tòa đã trúng tuyển đại học và cao đẳng niên học 2014 xin nộp giấy báo nhập học tại văn phòng giáo xứ hạn chót là ngày 1/9/2014, nhớ mang theo bản chính để đối chiếu.

7. Lớp Giáo Lý Hôn Nhân của hạt Đà Nẵng sẽ khai giảng lúc 19g30 tối thứ hai, 01/9 tại hội trường nhà thờ Đà Nẵng.

8. Lớp Giáo Lý Dự Tòng của hạt Đà Nẵng sẽ khai giảng lúc 19g15 tối thứ năm, 04/9 tại hội trường nhà thờ Đà Nẵng. Xin lấy giấy giới thiệu và nộp đơn tại nhà sách giáo xứ Chính Tòa.

 

 GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 39

151. Hội Thánh có những đặc tính nào?

Hội Thánh có bốn đặc tính này:

– Một là duy nhất;        – Hai là thánh thiện;

– Ba là công giáo;        – Bốn là tông truyền.

152. Vì sao Hội Thánh có đặc tính duy nhất?

Vì Hội Thánh có nguồn gốc và khuôn mẫu là Chúa Ba Ngôi; có Đấng sáng lập là Đức Kitô; có Chúa Thánh Thần hợp nhất các tín hữu với Đức Kitô; có một đức tin, một đức cậy, một đức mến, một đời sống bí tích và có một sự kế nhiệm tông truyền duy nhất.

153. Phải nhìn nhận các kitô hữu không thuộc Công Giáo thế nào?

Phải nhìn nhận họ như là anh em, vì họ cũng được liên kết với Đức Kitô nhờ Bí tích Rửa Tội.

154. Các kitô hữu phải làm gì cho sự hợp nhất của Hội Thánh?

Các kitô hữu phải sám hối, cầu nguyện, đối thoại và hiểu biết lẫn nhau.

 

   HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO

GIẢI ĐÁP 100 VẤN NẠN VỀ ĐỨC TIN

79- Tại sao các tôn giáo luôn luôn toan tính áp đặt nhiều thứ luật lệ và xóa bỏ tự do? Điều thiện, tình yêu là đường tôi đi. Tôi không cần người hướng dẫn hay các thứ giáo điều bắt buộc để hoàn thành nhiệm vụ của tôi.

Bạn được tự do không gia nhập Giáo Hội hay một tôn giáo. Tôi là linh mục nhưng tôi không nhận ra Giáo Hội mà bạn miêu tả. Quá nhiều người như bạn, có hình ảnh về một giáo hội định đoạt, một lần cho tất cả, điều mà người nam và người nữ phải làm hoặc không được làm. Chúng ta sống trong một xã hội thuộc về giáo dân. Đó là một sự kiện được Giáo Hội chấp nhận và cho là tích cực, bởi Giáo Hội không muốn giữ lấy vị trí nhà lập pháp. Nhưng điều đó không chỉ nhân danh chủ nghĩa dân chủ mà thôi, Giáo Hội cũng có quyền phát biểu, chất vấn, ra lệnh, công khai bày tỏ quan điểm trong các cuộc tranh luận ngoài xã hội. Còn về các tín điều, chúng không có chức năng áp chế, mà đặt nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô không ép buộc, nhưng giải phóng, khi đức tin được sống cách chân thực và không bị một sự cưỡng bức nào từ bên ngoài do gia đình hoặc xã hội. Đức tin do từ một lời mời gọi bên trong đến từ Thiên Chúa và dẫn đưa chúng ta đến tình yêu tha nhân.

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 80- Người ta có thể là người công giáo mà vẫn giữ sự tự do tư tưởng của mình trước vấn đề chính trị, triết học và cuộc sống thường ngày không?