PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI 15/6/2014
“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần Khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 13,20)
* Suy niệm: Ngày nay cả thế giới đều biết tiếng “bổ đề Langlands”, bài toán đã làm bó tay các nhà toán học hàng đầu thế giới suốt hơn 30 năm qua, cuối cùng đã được giáo sư Ngô Bảo Châu chứng minh vào năm 2009. Dù vậy hầu chắc cứ mười người trên thế giới thì có tới chín người bây giờ vẫn không hiểu “cái bổ đề” ấy là gì! Nhưng dù không hiểu thì không ai dám chối cãi sự hiện hữu cũng như tính đúng đắn của nó. Trong lĩnh vực tự nhiên đã thế, trong lĩnh vực thần linh lại càng đúng hơn. Đức Giê-su cho chúng ta biết Thiên Chúa là duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Với trí khôn con người, chúng ta không thể nào hiểu thấu được, nhưng chúng ta có thể tin điều đó nhờ vào thế giá của Đức Giê-su, là chính Con Thiên Chúa, Đấng mạc khải cho chúng ta.
Một mầu nhiệm thuộc về Thiên Chúa mà con người có thể thấu hiểu như một giáo sư đại học hiểu về một bài toán lớp Một, lớp Hai thì đó không còn là mầu nhiệm nữa. Trái lại đứng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, con người chỉ biết khiêm tốn thinh lặng và chắp tay cúi đầu chiêm ngưỡng sự kỳ diệu của Ngài. Thế mà chúng ta lại được thông hiệp vào mầu nhiệm sâu thẳm ấy khi chúng ta được thánh hoá trong bí tích Rửa Tội “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”! (5phutloichua.net)
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
15.6 : Chúa Nhật LỄ CHÚA BA NGÔI. Lễ trọng. Ga 3,16-18
16.6 : Thứ hai. Thánh Anrê Tường, nông dân, tử đạo 1862. Thánh Vinh-sơn Tương, chánh tổng, tử đạo 1862. Thánh Đa-minh Nguyễn Đức Mạo, nông dân, tử đạo 1862. Thánh Đa-minh Nhi, nông dân, tử đạo 1862. Thánh Đa-minh Nguyên, chánh trương, tử đạo 1862. Mt 5,38-42
17.6 : Thứ ba. Thánh Phêrô Đa, thợ mộc, tử đạo 1862. Mt 5,43-48
18.6 : Thứ tư. Mt 6,1-6.16-18
19.6 : Thứ năm. Thánh Rô-mua-đô, viện phụ. Mt 6,7-15
20.6 : Thứ sáu. Mt 6,19-23
21.6 : Thứ bảy. Thánh Lu-y Gôn-za-ga, tu sĩ. Lễ nhớ. Mt 6,24-34.
22.6 : Chúa Nhật LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân. Ga 6,51-58
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân dịp khai mạc giải bóng đá thế giới 2014. ĐTC Phanxicô cầu mong giải bóng đá thế giới tại Brazil trở thành lễ hội liên đới giữa các dân tộc, cơ hội đối thoại, cảm thông và làm cho con người thêm phong phú. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp Video truyền đi tối ngày 11-6-2014 nhân dịp khai mạc giải bóng đá thế giới tại Brazil.
ĐTC khẳng định rằng: ”Thể thao không phải chỉ là một hình thức tiêu khiển, nhưng đặc biệt nó là một dụng cụ thể thông truyền các giá trị thăng tiến thiện ích của con người và giúp kiến tạo một xã hội an bình và huynh đệ hơn. Chúng ta nghĩ đến sự lương thiện, kiên trì, tình thân hữu, sự chia sẻ, và liên đới. Thực vậy, bóng đá gợi lên nhiều giá trị và thái độ quan trọng không những tại sân bóng, nhưng cả trong mọi khía cạnh của cuộc sống, cụ thể hơn là trong việc xây dựng hòa bình. Thể thao là một trường hòa bình, dạy chúng ta xây dựng hòa bình”.
Ngài giải thích rằng: ”trước tiên thể thao dạy chúng ta điều này: để thắng thì cần phải tập luyện. Qua việc thực hành thể thao, chúng có thể thấy đó là hình ảnh cuộc sống của chúng ta. Trong cuộc đời cần phải chiến đấu, phải tập luyện, dấn thân để đạt được những kết quả quan trọng. Tinh thần thể thao gợi lại cho chúng ta hình ảnh những hy sinh cần thiết để tăng trưởng trong các nhân đức tạo nên cá tính mỗi người. Nếu để cải tiến một người, cần phải tập luyện khẩn trương và liên tục, thì cần phải dấn thân nhiều hơn để đạt tới cuộc gặp gỡ và hòa bình và giữa các dân tộc được ”cải tiến”.
ĐTC nói thêm rằng: ”Bóng đá có thể và phải là một trường huấn luyện về một nền văn hóa gặp gỡ” mang lại sự hài hòa và an bình giữa các dân tộc. Ở đây bài học thứ hai trong việc thực hành thể thao giúp đỡ chúng ta: chúng ta học cách chơi đẹp trong bóng đá. Để chơi trong đội banh của mình thì trước tiên cần phải ý đến ích lợi của nhóm chứ không phải nghĩ đến mình. Để thắng, cần phải vượt lên trên chủ nghĩa cá nhân, tính ích kỷ và mọi hình thức kỳ thị chủng tộc, bất bao dung và lợi dụng con người. Thái độ cá nhân chủ nghĩa trong bóng đá là một chướng ngại cản trở chiến thắng của đội bóng; cũng chúng ta theo cá nhân chủ nghĩa trong cuộc sống, cố tính không biết đến những người chung quanh, thì toàn thể xã hội sẽ bị thiệt thòi”.
Bài học sau cùng mà thể thao mang lại để giúp đạt tới hòa bình là phải tôn trọng đối phương. Bí quyết của chiến thắng trên sân banh và cả trong cuộc sống, hệ tại biệt tôn trọng người đồng đội của mình cũng như đối phương. Không ai có thể chiến thắng một mình trên sân banh cũng như trong cuộc đời. Ước gì không ai tự cô lập mình và cảm thấy bị loại ra ngoài! (vietcatholic.org)
* Vatican. Giáo Hội sắp có thêm 6 vị Hiển Thánh mới. Sáng 12-6-2014, ĐTC đã nhóm Công nghị Hồng Y và quyết định sẽ tôn phong hiển thánh cho 6 vị chân phước vào ngày 23-11 năm nay, Lễ Chúa Kitô Vua.
Đứng đầu danh sách là chân phước Giovanni Antonio Farina (1803-1888) GM giáo phận Vicenza, bắc Italia, sáng lập dòng các nữ tu giáo viên thánh Dorotea Nữ Tử Thánh Tâm.
Tiếp đến là chân phước LM Kuriakose Elias Chavara (1805-1871), đồng sáng lập và là Bề trên Tổng quyền đầu tiên dòng Camêlô Đức Mẹ Vô nhiễm, sinh tại bang Kerala nam Ấn độ năm 1805 và qua đời năm 1871 và được Đức Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 8-2-1986 tại thành phố Kottayam, Ấn độ, trong cuộc viếng thăm của ngài tại nước này.
Thứ ba là Chân phước Ludovico Casoria (1814-1885), LM thuộc dòng Phanxicô, sáng lập dòng các nữ tu Phan Sinh Elizabeth.
Thứ tư là chân phước Nicola da Longobardi (1649-1709), tu sĩ dòng Hèn Mọn (Minimi).
Thứ năm là nữ chân phước Eufrasia Eluvathingal Thánh Tâm (1877-1952), người Ấn độ, thuộc dòng các nữ tu Đức Mẹ Camêlô.
Sau cùng là chân phước Amato Ronconi, thuộc dòng Ba Phanxicô, sáng lập bệnh viện hành hương nghèo ở Saludecio, nay là Dưỡng Đường Hội Chân Phước Amato Ronconi.
Xét về quốc tịch có 4 vị người Italia và 2 vị người Ấn độ, 3 vị đã sáng lập dòng tu, một nữ tu và một giáo dân. (vietvatican.net)
* Ý. Nữ Tu Cristina Scuccia trả lời :”Hai ưu tiên cuả đời tôi là Chúa Giêsu và cầu nguyện”. Trả lời các phóng viên ngay sau cuộc chiến thắng trên The Voice of Italy, Sơ Cristina Scuccia nói rằng bây giờ Sơ dự định quay trở lại đời sống tu trì với hai ưu tiên cuả cuộc đời mình, đó là “Chúa Giêsu và cầu nguyện.”
“Tương lai của tôi nằm trong tay của Mẹ Bề Trên. Tôi tin vào sự quan phòng của Chuá, ” người nữ tu ursuline 25 tuổi của nhà dòng Thánh Gia cho biết trong một cuộc phỏng vấn với trang web Ý TGcom24. Sơ Cristina được cả thế giới biết đến khi Sơ xuất hiện trên cuộc thi tuyển The Voice of Italy. Bài hát “No One” của nhạc sĩ Alicia Keys mà Sơ trình diễn đã thu hút hơn 50 triệu lượt xem trên YouTube. Ngày 5 tháng 6 vừa qua, Sơ đoạt giải 2014 với 62% tổng số phiếu bầu. (vietcatholic.org)
* Chính Tòa: Thông báo Số 28/TB/GXCT/2014
1. Chúa nhật, 15/6 lễ Chúa Ba Ngôi, vào lúc 8g00, giáo xứ chúng ta có 32 em sẽ được Tuyên Xưng Đức Tin. Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự cầu nguyện cho các em, và lúc 11g00 ca đoàn Tiếng Anh và các Giới Ban Ngành phụ trách phiên Chầu lượt đầu tiên.
2. Chương trình Chầu lượt:
• Từ 11g00 đến 12g00: ca đoàn Tiếng Anh và các đoàn thể.
• Từ 12g00 đến 13g00: Dòng Thánh Phaolô.
• Từ 13g00 đến 14g00: Giáo họ Đaminh Khảm, Phaolô Lộc, Đaminh Cẩm, Phêrô Lựu, Micae Hy, Augustinô Huy.
• Từ 14g00 đến 15g00: giáo họ Anê Thành, Giuse Viên, Emmanuel Triệu, Phaolô Bường, Anrê Trông, Giu se Khang.
3. Từ thứ hai, 16/6 đến hết lễ chiều thứ bảy 21/6 giáo họ Micae Hy phụ trách trực phụng vụ.
4. Thứ năm 19/6, giáo xứ Chầu Thánh Thể, ca đoàn phụ trách.
5. Thứ bảy, 20/6 lễ nhớ Thánh Louis giáo xứ chúng ta có 4 giáo dân mang tên thánh của ngài. Xin cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện.
6. Chúa nhật tuần tới lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, lúc 19g30 (ngay sau Thánh lễ cuối cùng) sẽ kiệu Mình Thánh Chúa. Xin mời công đoàn tham dự.
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 29
114. “Ngục tổ tông” là gì?
“Ngục tổ tông” là tình trạng của những người chết trước thời Chúa Giêsu, dù công chính hay tội lỗi.
115. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông để làm gì?
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông để giải thoát những người công chính đang mong chờ Đấng Cứu Chuộc, và mở cửa trời cho họ.
116. Cuộc phục sinh của Chúa Giêsu có vị trí nào trong đức tin của chúng ta?
Cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là chân lý cao cả nhất của đức tin và là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt qua.
117. Có những “dấu chỉ” nào cho biết Chúa Giêsu đã phục sinh?
Có những “dấu chỉ” này:
– Một là ngôi mộ trống, không còn xác Chúa;
– Hai là Ngài đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO
GIẢI ĐÁP 100 VẤN NẠN VỀ ĐỨC TIN
62- Thưa Cha, làm sao tiến hành nghi lễ hôn nhân khi một trong hai người là công giáo và người kia là tin lành?
Trước Công đồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo chỉ công nhận một cuộc hôn nhân như thế là có hiệu lực với những điều kiện khắt khe: nghi lễ phải được cử hành tại nhà thờ công giáo và người phối ngẫu tin lành phải cam kết để cho những đứa con tương lai được rửa tội và giáo dục theo Đạo Công Giáo. Vào năm 1966, một văn kiện chính thức được giảm nhẹ những điều kiện để có hiệu lực của những cuộc hôn nhân hỗn hợp. Nếu đôi tân hôn làm đơn miễn chuẩn, thì đám cưới tiến hành trong Giáo Hội Cải cách (Tin Lành) được công nhận có hiệu lực. Còn việc giáo dục con cái, người phối ngẫu công giáo phải hứa “sẽ làm hết sức mình” để trở nên công giáo. Đám cưới được tiến hành theo nghi thức quen thuộc.
Sự hiện diện của mục sư tại nhà thờ công giáo hoặc Linh mục tại nhà thờ tin lành đều được mong ước trong đám cưới hỗn hợp này.
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 63- Thưa Cha, con có ý định kết hôn với một người đã ly dị. Cuộc hôn nhân trước kia của anh ta chỉ đơn thuần dân sự. Con có thể kết hôn với anh ta tại nhà thờ không? Anh ta chưa có con.