BẢN TIN 217

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

   CHÚA NHẬT III MÙA CHAY 23/3/2014

Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” Họ ra khỏi thành và đến gặp Người…. Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu vì lời người phụ nữ làm chứng. (Ga 4,28-30.39)

* Suy niệm: Nhiều thôn bản miền núi lắp đặt ống dẫn nước tự chảy từ khe suối về cho dân làng. Người phụ nữ Samaria ra giếng múc nước và tại đó chị đã gặp và trao đổi với Chúa Giêsu. Chị đã khám phá ra Ngài như nguồn suối nước hằng sống. Và suối nước thiêng đó đã được chị dẫn về làng nên “có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu và lời chị làm chứng.” Đừng quên người dẫn nước này là một phụ nữ đã có năm đời chồng và đang sống ngoại hôn với người thứ sáu.

Ở chỗ bạn nghe Lời Chúa, đó là giếng Giacob của mình, bạn hãy làm sao đem dòng nước hằng sống Giêsu về làng xóm, gia đình mình như người phụ nữ kia. (5phutloichua.net)

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

23.3   : Chúa Nhật III MÙA CHAY – Ga 4,5-42.

24.3   :     Thứ hai. Lc 4,24-30.

25.3   :     Thứ ba. LỄ TRUYỀN TIN. Lễ trọng. Lc 1,26-38.

26.3   :     Thứ tư. Lc 1,26-38.

27.3   :     Thứ năm. Lc 1,26-38.

28.3   :     Thứ sáu. Mc 12,28b-34.

29.3   : Thứ bảy. Lc 18,9-14.

30.3   : Chúa Nhật IV MÙA CHAY – Ga 9,1-41.

 

   HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Người đứng đầu Giáo hội Công giáo Ukraine gặp Đức Phanxicô. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến riêng người đứng đầu Giáo hội Công giáo Ukraine hôm 17-3 tại Vatican, một ngày sau khi những người ủng hộ Nga trên bán đảo Crimea đã bỏ phiếu tách bán đảo này khỏi Ukraine trong một cuộc trưng cầu ý dân mà Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu gọi là bất hợp pháp.

Trong lúc Đức Tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk giáo phận Kiev-Halych, đứng đầu Giáo hội theo nghi lễ Đông phương ở Ukraine, từ chối trả lời phỏng vấn báo chí, người ta nghĩ rằng trong cuộc đàm phán giữa ngài với Đức Thánh Cha ắt đã có thảo luận về số phận của các linh mục Công giáo Ukraine làm mục vụ tại Crimea.

Người Công giáo Ukraine chiếm khoảng 10% trong số hai triệu dân cư ở Crimea. Phần lớn người dân trên bán đảo Crimea là người Nga và nói tiếng Nga. Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovych đã bay sang Nga hồi cuối tháng Hai, và hôm đầu tháng Ba này, các lực lượng quân sự Nga đã tràn vào Crimea. (ucanews.com)

* Vatican. Rôma chuẩn bị đón khách hành hương đến tham dự lễ tôn phong thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo hồi cuối tháng 9 năm ngoái rằng ngài sẽ tôn phong thánh cho hai vị giáo hoàng trong cùng một thánh lễ vào ngày 27-4, Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa.

Chưa đầy hai tuần sau ngày thông báo, Phòng Quản gia giáo hoàng ra thông báo đến quảng trường Thánh Phêrô ai đến trước sẽ được phục vụ trước và cảnh báo khách hành hương rằng các công ty tổ chức du lịch thiếu đạo đức đã cố tình bán vé giả vào tham dự Thánh lễ.

Chắc chắn có hơn một triệu người sẽ đến tham dự nghi thức phụng vụ này. Chân phước Gioan Phaolô, người nổi tiếng công du khắp thế giới đã thực hiện 104 chuyến công du bên ngoài nước Ý, làm giáo hoàng từ năm 1978-2005 và được Đức Bênêđictô XVI tôn phong chân phước vào Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, ngày 1-5-2011. Chân phước Gioan XXIII đặc biệt nổi tiếng về triệu tập Công đồng Vatican II, làm giáo hoàng từ năm 1958-1963; Đức Gioan Phaolô tôn phong chân phước cho ngài vào năm 2000. (ucanews.com)

* Vatican. Các tài liệu chép tay của Vatican được “số hoá”. Hôm thứ Năm 20-03 vừa qua Công ty NTT Data của Nhật Bản đã ký một hợp đồng với Toà Thánh Vatican về việc lưu trữ theo dạng kỹ thuật số 3.000 tài liệu chép tay của Thư viện Vatican từ nay đến năm 2018.

Tại Roma, mục tiêu cuối cùng là số hóa – để bảo vệ – 82.000 bản chép tay của Thư viện Vatican. Công trình này đã khởi sự từ vài năm nay với đợt đầu tiên gồm 6.000 tài liệu.

Trong số 3.000 tài liệu mà NTT Data sẽ số hoá bằng công nghệ có tên Amlad, có hàng chục bản chép tay có giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc biệt. Đức Tổng Giám mục Jean-Louis Bruguès, Quản thủ Văn khố và Thư viện Vatican từ năm 2012, cho biết: “Các bản chép tay này có xuất xứ từ châu Mỹ trước thời Columbus cho đến Trung Quốc và Nhật Bản ở Viễn Đông, bao gồm tất cả các nền văn hóa và ngôn ngữ đã hình thành văn hóa châu Âu”. Ngài giải thích việc số hoá các tài liệu này là do Toà Thánh muốn “kho tàng bao la này được đưa vào sử dụng, tự do tham khảo trên mạng internet”.

Theo trang web của Thư viện Vatican, “kho báu” này cũng bao gồm 1,6 triệu cuốn sách, 8.600 incunabulum (sách của phương Tây in hồi thế kỷ XV-XVI), hơn 300.000 tiền xu và huy chương, 150.000 bản vẽ, khắc và hơn 150.000 bức ảnh. Đây là một gia tài được tích lũy từ khi thành lập Thư viện hồi thế kỷ thứ mười lăm, do công của Đức giáo hoàng Nicolas V, mà Đức Tổng giám mục Bruguès gọi là “vị giáo hoàng đầy tính nhân văn”.

Thư viện Vatican đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, trong đó có Nhật Bản. Tháng Giêng vừa qua, cơ quan lưu trữ của Vatican đã tìm thấy 10.000 tài liệu bằng tiếng Nhật trên giấy gạo gọi là “bộ sưu tập Marega” –theo tên của cha Mario Marega, người thu thập tài liệu này–, mô tả cuộc bách hại các Kitô hữu trong thời kỳ Edo (1603-1867); các tài liệu này sẽ được các nhà nghiên cứu Nhật Bản nghiên cứu trong sáu năm theo một thỏa thuận giữa Thư viện Vatican và chính phủ Nhật Bản. (hdgmvietnam.org)

* Italia. Tân phúc âm hoá? Bà Sơ đi thi chương trình tiếng hát “Voice” ở Italia.Ngày 19 tháng 3, đã xuất hiện một bà Sơ Ca Sĩ mới. Đây là một bà Sơ ‘bằng xương bằng thịt’, ‘chính hiệu con nai vàng’ chứ không phải là một tài tử già dạng đâu. Đó là Sơ Cristina Scuccia, 25 tuổi người gốc Sicilia, nữ tu dòng Ursuline, là một dòng chuyên lo việc giáo dục các thiếu nữ. Sơ Cristina đã dự thi cuộc tuyển lựa ca sĩ có tên là “The Voice of Italy,” Cùng đi với Sơ có cha mẹ và bốn nữ tu cuả nhà dòng.

Cả bốn giám khảo đã xoay mặt lại, là một trường hợp hiếm có. Và hơn thế nữa, cả bốn giám khảo đã xoe tròn đôi mắt, há hốc miệng ra, khi nhìn thấy người ca sĩ đang hát bài “No One” (không ai) cuả Alicia Keys là một bà Sơ mặc áo chùng thâm.

Cả hội trường hầu như muốn xập vì những tiếng vỗ tay reo hò tán thưởng nồng nhiệt.

Bốn giám khảo của chương trình là các ca sĩ Ý Raffaella Carra, nam ca sĩ J- Ax, Noemi, và Piero Pelu. Có giám khảo đã xúc động đến rơi nước mắt, Ca sĩ Carra hỏi Sơ Cristina có thực sự là một nữ tu không, và lý do tại sao Sơ đã quyết định tranh tài trong chương trình này.

“Vâng, tôi thực sự, thực sự là một nữ tu,” Sơ Cristina trả lời.

“Tôi đến đây bởi vì tôi có một món quà và tôi muốn chia sẻ món quà đó cho mọi người. Tôi đến đây để rao giảng Tin Mừng.”

Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, hôm Thứ năm, đả lên tiếng khen thưởng Sơ Cristina về việc chia sẻ tài năng của mình với những người khác, Ngài nhắc tới lời khuyên cuả thánh Phêrô trong thơ thứ nhất: “Mỗi bạn nên sử dụng bất cứ món quà gì mà bạn đã nhận được để phục vụ cho người khác (1 Peter 4: 10) “. (vietcatholic.org)

 

* Chính Tòa: Thông báo Số 12 /TB/GXCT/2014

1. Từ thứ hai, 24/3 đến thứ bảy, 29/3 giáo họ Micae Hy phụ trách trực phụng vụ.

2. Thứ năm, 27/3 giáo xứ Chầu Thánh Thể, giới Lão Thành phụ trách.

3.Thứ sáu, 28/3 vào lúc 19g30 gẫm đàng Thánh Giá, giáo họ Micae Hy và Phaolô Bường phụ trách.

4.Lớp giáo lý dự tòng của Hạt Đà Nẵng sẽ khai giảng lúc 19g15 thứ ba, ngày 01/4 tại nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng. Xin lấy giấy giới thiệu và nộp đơn tại nhà sách Chính Tòa.

 

   GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 17

65. Ai ban linh hồn bất tử cho con người?

Thiên Chúa trực tiếp ban linh hồn bất tử cho con người.

66. Vì ý nào Thiên Chúa dựng nên loài người có nam có nữ?

Thiên Chúa dựng nên loài người có nam có nữ, cùng một phẩm giá, để họ bổ túc cho nhau và cộng tác với Ngài trong việc lưu truyền sự sống.

67. Thuở ban đầu, Thiên Chúa đã ban cho con người những đặc ân nào?

Thiên Chúa đã ban cho con người được sống thân tình với Ngài, sống hòa hợp với bản thân, với mọi người mọi vật, không phải đau khổ và không phải chết.

68. Được Thiên Chúa ban cho sự sống và phẩm giá cao quý như vậy, chúng ta phải làm gì?

Chúng ta phải biết cám ơn và yêu mến Thiên Chúa, đồng thời cố gắng làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp và đầy yêu thương.

 

   HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO

GIẢI ĐÁP 100 VẤN NẠN VỀ ĐỨC TIN

47. “Để phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người, Giáo Hội cần có nhiều quà tặng của bạn”. Thưa Cha, Cha có nhận thấy loại hình lời bảo có tính quảng cáo này là thái quá không, khi mà Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội Vatican, chỉ tiêu xa xỉ cho những chuyến tông du của Đức Thánh Cha, trong lúc nhiều người đang chết đói?

Để tiếp tục hiện diện giữa con người của thời đại, Giáo Hội cần sử dụng những phương tiện của thời đại. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha không ngần ngại đáp máy bay đến thăm nhiều cộng đoàn giáo hữu trên khắp thế giới và khuyến khích mọi dân tộc thăng tiến trong tình yêu Thiên Chúa và trong tình huynh đệ. Các tín hữu của quốc gia tiếp đón Ngài nhận chịu chi phí cho cuộc hành trình của Ngài. Giáo hội Pháp xét thấy không có gì trở ngại khi, nhờ qua phương tiện thong tin đại chúng, kêu gọi các tín hữu Pháp tham gia góp phần: nếu họ muốn, họ có thể biểu lộ tình liên đới với các linh mục và giáo dân trong công việc mà các vị này thực hiện.

Chúng ta tin rằng, nếu đưc tin được tiếp tục loan truyền một cách sống động và hiện hữu, thì đưc tin chỉ có thể kiến tạo một sự công bằng mà bạn nhắc đến lợi ích rất cấp bách.

Để có thể kết luận, chớ gì tôi có thể mời bạn nghiền ngẫm câu tục ngữ Trung Hoa sau đây: “Nếu bạn còn hai mươi đồng, bạn hãy lấy mười đồng mua bánh ăn để sống, và mười đồng mua hoa hồng để có lý do vui sống”.

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 49. Thưa Cha, có gì khác giữa Hướng đạo Pháp và Hướng đạo Châu Âu?